flag header

Tin tứcĐiểm nóng

LỐI THOÁT NÀO CHO BOT?

Ngày đăng: 26-02-2019 Lượt xem: 2213

Hình thức đầu tư BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) là chủ trương đúng đắn và kịp thời khi thu hút nguồn lực xã hội vào việc cung cấp dịch vụ công trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn. Nhưng ở vài nơi, chủ trương đúng đôi khi bị lạm dụng để rồi lấp liếm tận thu đến mức "khách hàng" phải lên tiếng phản đối kịch liệt dẫn đến việc phải "xả trạm".

Ảnh minh họa

Sau vụ cướp trạm BOT TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ngày 7/2/2019 (mùng 3 tết) với tổng số tiền bị cướp trong 1 ngày là 2,22 tỷ đồng đã dấy lên nghi ngờ của dư luận về doanh thu thực tế của các trạm thu phí... Tổng cục Đường bộ đã thành lập đoàn thanh tra để làm rõ doanh thu thực của BOT TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Theo đó, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Vụ Pháp chế - Thanh tra, Vụ Tài chính, Vụ Khoa học Công nghê, Vụ Môi trường và Quan hệ quốc tế, Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) thực hiện thanh tra trong 5 ngày và bước đầu đã có kết quả của doanh thu trong ngày đầu kiểm tra. Trong ngày đầu tiên kiểm tra tại các trạm thu phí trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, các thành viên trong đoàn đã ghi nhận được 39.000 phương tiện lưu thông và số tiền thu được trên toàn tuyến là 3,3 tỉ đồng/ngày.

 Vì sao BOT bị phản đối?

Tổng kết những từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất trên Google năm 2018, trong phần người dùng Việt Nam rất quan tâm đến các tin tức trong nước và quốc tế thì BOT Cai Lậy là từ khoá đứng vị trí đầu tiên. Đặc biệt, những những lùm xùm, phản đối thu phí, xả trạm, gây mất trị an… đều nằm ở các BOT tuyến tránh. Tại sao vậy?

Báo chí trong nước năm 2018 đã có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn bài viết về BOT phản ánh những hình ảnh tài xế phản đối thu phí, trả phí bằng tiền lẻ, những “chiêu trò” của giới tài xế, chủ phương tiện nhằm gây khó khăn cho việc thu phí để gây áp lực lên chủ đầu tư, buộc phải xả trạm để tránh ùn tắc giao thông.

Theo dõi báo chí trong suốt thời gian qua và với trải nghiệm thực tế, nhiều người cũng đã hiểu lý do tại sao “khách hàng” lại phản đối kịch liệt đến vậy. Bởi họ cho rằng, về nguyên tắc cơ bản, có mua hàng, có sử dụng dịch vụ thì mới trả tiền. Nhưng các BOT tuyến tránh lại đặt không đúng vị trí mà đáng lẽ họ được đặt, tiếng là BOT tuyến tránh nhưng lại nằm chiễm chệ trên quốc lộ 1A để thu những phương tiện không lưu thông qua đường tránh. Mấu chốt vấn đề nằm ở đây!

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chủ trương đột phá của BOT đã bị lạm dụng, các chủ đầu tư BOT đang cố tình ứng xử nhầm, coi quốc lộ là tư sản của họ để rồi họ muốn làm gì thì làm, bất chấp tất cả. Thế nhưng, dù Nhà nước trực tiếp đầu tư, xây dựng hay lựa chọn mô hình BOT, thì trách nhiệm cung cấp dịch vụ công và kiểm soát chất lượng cung cấp dịch vụ công vẫn thuộc về Nhà nước.  

Chủ trương “xả trạm” để tránh ùn tắc giao thông chỉ là biện pháp tình thế, cái gốc của vấn đề chưa được giải quyết thì việc thu - ùn ứ - xả trạm cứ luôn tiếp diễn. Xét về góc độ an ninh thông tin, đây chính là cơ hội cho những phần tử xấu thò tay giật giây gây rối. Điều này cũng đã được cơ quan an ninh chỉ ra trong nhiều lần nói về những vụ gây rối tại các trạm thu phí.

 Lối thoát nào cho BOT?

Những lùm xùm từ các BOT trong suốt thời gian vừa qua khiến cho các cơ quan chức năng đau đầu, các chủ đầu tư như ngồi trên đống lửa, chủ phương tiện, tài xế ngày càng bực tức…Vậy lối thoát nào cho BOT?

Phương án “Xả trạm” sẽ làm sụt giảm lợi nhuận của nhà đầu tư và Nhà nước cần có cơ chế bù đắp cho nhà đầu tư trong các hợp đồng BOT tương ứng. Câu hỏi đặt ra là tiền đâu bù số này? Trả lời luôn, đó là phí giao thông đường bộ của chủ phương tiện đã đóng cần được sử dụng cho mục đích này.

BOT là một mô hình mới, các nhà lập pháp mới chỉ tập trung khai thác khía cạnh thương mại của nó thôi mà chưa tính đến các lợi ích khác. Đó chính là phục vụ người dân, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng… Chính vì chỉ mới được xem xét trên góc độ thương mại nên các lợi ích khác bị loại bỏ. Điều này đã tạo ra lùm xùm cho các dự án BOT từ Bắc chí Nam.  

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thừa nhận, đây là vấn đề thực sự đau đầu. Nếu hồi tố các dự án trước đây sẽ tạo gánh nặng rất lớn cho cả nhà đầu tư, các bộ ngành và cả Chính phủ. Chính phủ đang chỉ đạo rà soát lại bố trí các trạm, quyết toán từng trạm để tính toán chi phí và thời gian thu hồi vốn, cũng như miễn giảm cho người dân sinh sống quanh các trạm.

Theo ông Đông, một bài toán tổng thể với từng trạm rất khó, do mỗi dự án có hợp đồng và đặc thù riêng. Bộ GTVT cho rằng việc mua lại các trạm, trong đó có trạm Cai Lậy hay Thái Nguyên - Chợ Mới là không khả thi, không được các bộ liên quan đồng tình, do phương án mua lại trạm sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch vốn ngân sách trung và dài hạn.

“Di dời trạm sẽ ảnh hưởng đến tác động vay vốn ngân hàng, không chỉ là một quyết sách về hành chính, mà đây là hợp đồng kinh tế có các bên gồm nhà đầu tư - cơ quan nhà nước - ngân hàng, kèm theo đó là mức giá, lưu lượng xe. Điều chỉnh bất kỳ điều gì phương án tài chính cũng bể, ngân hàng không muốn nợ xấu, nên phải tính toán”, ông Đông nói.

Trao đổi về BOT hiện nay, Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân - chuyên gia kinh tế nhận định rằng, về mô hình BOT thực thi hiện nay là cách làm hiện đại hoá, thu hút nguồn kinh tế của nhân dân và của doanh nghiệp cùng đầu tư và khai thác chuyển giao, thúc đẩy giao thông thuận tiện hơn và giảm thời gian và kinh phí cho doanh nghiệp. Như chúng ta đã thấy nguồn ngân sách rất hạn hẹp, phải cân đối giữa thu và chi mà trong đó là chi công và trả những khoản nợ ODA mà đến thời hạn phải trả. Đặc biệt là trong bối cảnh bội chi ngân sách nhà nước đã diễn ra liên tục nhiều năm với tỷ lệ rất cao (từ 5 đến hơn 6%GDP), với hệ lụy trực tiếp là nợ công tăng cao đến mức báo động.

Như vậy cho thấy rằng huy động BOT là hướng đi đúng đắn phát triển giao thông nói riêng và phát triển kinh tế nói chung, đồng thời giảm bớt gánh nặng của ngân sách nhà nước trong việc thực hiện chủ trương xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cho nền kinh tế…

Về kinh tế vĩ mô thì đây là định hướng phát triển mô hình nhà nước và nhân dân cùng làm, theo Nghị định 15/2013/NĐ-CP và thông tư số 13/2013/TT-BXD. Chúng ta có hệ thống điều hành quản lý và đặc biệt nêu rõ vai trò trách nhiệm của từng bộ phận như đề xuất, thẩm định, theo dõi ký hợp đồng…Từ đó phân định rõ trách nhiệm để có quy trình rõ ràng và minh bạch để tránh chỉ định thầu (hầu hết các dự án BOT giao thông đều được chỉ định thầu) quy định này dẫn đến việc nhà đầu tư được giao quá nhiều quyền như có thể chỉ định nhà thầu, định giá các sản phẩm xây dựng và dịch vụ tư vấn đi kèm trong quá trình đầu tư, tạm ứng vốn đầu tư cho nhà thầu... Nếu kiểm soát chặt chẽ và có quy trình thanh tra kiểm tra chuẩn thì sẽ hạn chế rất nhiều các trạm BOT đặt nhầm chỗ và phí thu mà người dân đã phản ánh trong thời gian vừa qua./.

Linh Đan