flag header

Tin tứcChống DBHB

Không thể xuyên tạc những thắng lợi tại Mặt trận Huế trong Mậu Thân 1968

Ngày đăng: 31-01-2018 Lượt xem: 2094

Từ tháng 6/1966, Bộ Chính trị quyết định thành lập khu ủy Trị Thiên Huế và giao cho Đảng Đoàn Bộ Công an phụ trách chỉ đạo công tác an ninh Khu Trị Thiên Huế. Từ một khu đệm trở thành một mặt trận quan trọng, nơi đọ sức khốc liệt giữa ta và địch, nơi có khả năng phối hợp với các chiến trường khác đưa cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc giành thắng lợi.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị trong cuộc họp tháng 5/1967, tháng 12/1967 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì và Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 14 họp tháng 01/1968 quyết định chủ trương: “Trên cơ sở phương châm đánh lâu dài, đẩy mạnh nỗ lực chủ quan đến mức cao nhất để giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn[1].

Để chuyển phong trào cách mạng và chiến tranh cách mạng sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định phải tạo được một bước ngoặt lớn, một đòn tiến công chiến lược đánh vào sào huyệt cơ quan đầu não của Mỹ - ngụy ở các thành phố, thị xã trên toàn miền Nam, kết hợp với nổi dậy của quần chúng đô thị và nông thôn, lấy chiến trường chính là Sài Gòn - Nam Bộ, Trị Thiên Huế, mà trọng điểm là Sài Gòn, Huế và các thành phố lớn.

Như vậy, chiến trường Trị Thiên Huế là chiến trường trọng điểm của toàn miền Nam, mà Huế là trọng điểm của trọng điểm.

Các chiến sỹ giải phóng quân chuẩn bị tiến vào Huế (1968). (Ảnh tư liệu TTXVN)

Cùng với toàn miền Nam, Huế đã nổi lên là một chiến trường xuất sắc nhất, làm chủ 26 ngày đêm, góp phần vào thắng lợi chung, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, kéo Mỹ phải xuống thang chiến tranh, buộc Mỹ phải đơn phương ngừng ném bom miền Bắc (từ vĩ tuyến 20 trở ra), phải chấp nhận ngồi đàm phán với ta về việc lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Trong hội thảo khoa học: “Kỷ niệm 40 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” tại Thừa Thiên Huế tháng 01/2008, đồng chí Lê Khả Phiêu, Nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng có bài tham luận đã ghi nhận: “Trong ba thành phố là trọng điểm tiến công của đòn chiến lược xuân Mậu Thân thì Huế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt được mục tiêu cao và giành được thắng lợi lớn. Đặc biệt, hoạt động nổi dậy, tham gia lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu của quần chúng có tổ chức trong thành phố thể hiện rõ hơn và đạt mức cao hơn các nơi khác. Với 26 ngày đêm chiếm giữ thành phố. Thắng lợi của cuộc tiến công và nổi dậy ở Huế là nguồn cổ vũ to lớn với quần chúng và nhân dân ta trên khắp chiến trường đã gây áp lực mạnh đối với bọn đầu sỏ Mỹ - ngụy”.

Chiến công to lớn của Đảng bộ, quân và dân Huế là một sự kiện lịch sử tiêu biểu, trong chiến công đó có sự đóng góp xuất sắc của cán bộ chiến sĩ an ninh Huế.

1. Vai trò công tác an ninh trong Tổng tiến công và nổi dậy ở Huế

Thực hiện chủ trương của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ giữa năm 1967 Khu ủy Trị Thiên Huế đã ra nghị quyết mở cuộc Tổng tiến công toàn diện Đông Xuân 1967 - 1968. Mọi công việc chuẩn bị cho chiến dịch đã diễn ra hết sức khẩn trương, bền bỉ, thầm lặng trên cả ba vùng chiến lược, trọng điểm là Huế.

Thực hiện nghị quyết của Khu ủy, lãnh đạo Ban an ninh Khu đã khẩn trương lập kế hoạch phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trong toàn khu, trọng điểm là Huế và được Thường vụ Khu ủy nhất trí với ba yêu cầu lớn:

“Một là: phối hợp chặt chẽ với quân đội và các lực lượng, tập trung mũi nhọn tấn công vào các cơ quan đầu não tình báo, cảnh sát, biệt kích của Mỹ - ngụy; các đảng phái phản động tay sai đắc lực trong bộ máy ngụy quyền, cũng như những tên đầu sỏ gian ác nhất.

Hai là: Dựa vào thế tấn công của quân đội, ra sức giáo dục phát động quần chúng nổi dậy đập tan bộ máy kìm kẹp của địch từ cơ sở, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, lực lượng vũ trang nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự vùng mới giải phóng và chuẩn bị sẵn sàng đánh phản kích của địch.

Ba là: ra sức xây dựng lực lượng tại chỗ phục vụ yêu cầu trước mắt và lâu dài”[2].

Kết quả nổi bật:

1. Sau khi có nghị quyết của Khu ủy mở cuộc tấn công toàn diện Đông Xuân 1967 - 1968, lãnh đạo an ninh Khu đã cử một trung đội an ninh vũ trang đến vùng Khe Trái (Hương Trà) nghiên cứu địa hình và bí mật đào một địa đạo kiên cố dài 300m xuyên qua một ngọn núi, chia thành ba cửa thông nhau, bên trong có phòng họp, phòng ngủ của lãnh đạo. Chính địa đạo này đã bảo vệ tuyệt đối an toàn Bộ Chỉ huy chiến dịch toàn Khu trong suốt thời gian mở cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Trị Thiên Huế, trọng điểm là Huế.

2. Trong thời gian chuẩn bị chiến dịch, một kế hoạch bảo mật thật hoàn hảo tuyệt đối đến tận giờ nổ súng do lãnh đạo an ninh Khu và thành phố Huế thực hiện. Đợt vận chuyển 2.000 tấn gạo ở đồng bằng lên căn cứ miền núi và hàng chục tấn vũ khí từ căn cứ miền núi đưa về đồng bằng an toàn do ta đánh lạc hướng là quân giải phóng “chuẩn bị ăn Tết mừng chiến thắng”. Trong nội bộ phát động phong trào “bảo mật phòng gian”, thực hiện nghiêm ngặt chế độ ghi chép tài liệu, truyền đạt chủ trương và có một bước rà soát tiêu chuẩn chính trị làm trong sạch nội bộ. Ngày 15/01/1968 ta tiến hành phong tỏa cửa rừng, nội bất xuất, ngoại bất nhập, một tiểu đoàn an ninh vũ trang được bố trí chốt hết bìa rừng và công bố “đóng cửa rừng để ăn Tết” đã tạo được thế bất ngờ với kẻ địch.

Chiến sỹ giải phóng quân Trị Thiên, Huế nghiên cứu sa bàn chuẩn bị đánh tiểu đoàn 7 thiết giáp Nguỵ ở Tam Thai, Huế ngày 31/1/1968. (Ảnh tư liệu TTXVN)

3. Biết địch biết ta trăm trận trăm thắng, từ mùa Xuân 1967, Khu ủy quyết định sang Xuân 1968 chuyển cuộc chiến tranh vào thành phố, chiếm lĩnh vùng nông thôn xung yếu, làm rối loạn thành phố, phối hợp với các chiến trường tiến hành Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa giành toàn thắng. Phục vụ quyết định của Khu ủy, Ban an ninh Khu và an ninh thành phố Huế đã khẩn trương thực hiện kế hoạch bí mật đưa người vào nội thành nắm tình hình địch. Trong số này, có người thực hiện nhiệm vụ trước mắt, một số ít phục vụ cho nhiệm vụ lâu dài và ngoài ra đã có người đã được đánh vào cơ quan, tổ chức địch. Trước ngày mở đợt Tổng tiến công và nổi dậy, Ban An ninh Khu và thành phố Huế đã lập xong địa chỉ các cơ quan đầu não trọng yếu của Mỹ - ngụy ở từng khu phố, lập được danh sách và nơi ở những tên cầm đầu, gian ác nhất trong bộ máy ngụy quyền, tình báo, cảnh sát, chiêu hồi, bình định… cung cấp cho các Ban chỉ đạo các mũi tiến công tiêu diệt địch.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Huế, lực lượng an ninh có vai trò rất quan trọng, là lực lượng nòng cốt trong công tác đấu tranh trấn áp phản cách mạng, chưa có chiến dịch nào chỉ trong một thời gian ngắn ta đã bắt sống và tiêu diệt được hàng trăm đối tượng cầm đầu các tổ chức địch và thủ lĩnh các tổ chức phản động; bao gồm nhiều cấp, kể cả cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp quận; kể cả công khai và bí mật gồm đủ các loại đối tượng ngụy quyền, tình báo, cảnh sát, chiêu hồi, bình định, đảng phái, phản động lợi dụng tôn giáo… Riêng cơ quan đầu não ngụy quyền tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ có tỉnh trưởng trốn thoát, một phó tỉnh trưởng bị ta bắt, còn ba Phó tỉnh trưởng bị tiêu diệt do ngoan cố chống đối. Ta còn tiêu diệt và làm tan rã hàng chục tổ chức đảng phái phản động, bình định nông thôn, các cụm tập trung bọn phản động ác ôn, trung tâm huấn luyện, đào tạo gián điệp biệt kích người dân tộc thiểu số.

Kết quả công tác đấu tranh trấn áp phản cách mạng đã gây cho địch tổn thất rất nặng nề, lực lượng cốt cán và đầu não bị sứt mẻ lớn, một số tổ chức của địch bị xóa sổ, tinh thần, tư tưởng bọn tay sai sa sút nghiêm trọng, nội bộ địch mâu thuẫn, nghi ngờ, thanh trừng lẫn nhau (tỉnh trưởng bị cách chức), làm cho hệ thống kìm kẹp của địch từ trên xuống dưới bị tê liệt, rung động, tan rã chưa từng có từ trước tới nay.

4. Thực hiện thành công mục tiêu chiếm lĩnh nhà lao Thừa Phủ, giải thoát an toàn 2.300 cán bộ, đảng viên, du kích, cơ sở cách mạng, quần chúng bị địch giam cầm và diệt toàn bộ bọn ác ôn trong bộ máy kìm kẹp nhà lao. Ta còn phát hiện 40 tên ác ôn địch cho trà trộn trong số tù nhân để ám hại cán bộ ta. Hơn 500 người vừa thoát khỏi ngục tù được lựa chọn và bổ sung ngay cho quân đội, an ninh để tiếp tục tham gia chiến đấu trong thành phố, số còn lại được bàn giao cho bộ phận công tác hậu phương bổ sung cho các lực lượng. Thành tích giải phóng nhà lao Thừa Phủ được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, thay mặt Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an có điện khen ngợi: “Đảng đoàn nhiệt liệt hoan nghênh và khen ngợi đồng chí Khiêm và các cán bộ, chiến sĩ đã lập được thành tích trên[3].

Vào lúc 6 giờ 15 phút ngày 31/1/1968, lá cờ của Liên minh các lực lượng dân chủ và Hoà bình Việt Nam được kéo lên cột cờ toà Tỉnh trưởng Thừa Thiên-Huế. (Ảnh tư liệu TTXVN)

5. Tranh thủ thời cơ những ngày đầu ta làm chủ thành phố, Mỹ chưa kịp đem quân ra Huế phản kích, mũi tiến công phía Tây Nam của bộ phận an ninh đã kịp thời chiếm các trụ sở ngụy quyền, phòng Văn khố (cơ quan lưu trữ tài liệu), chiêu hồi, bình định… đặc biệt là nhà ở, văn phòng và trung tâm thẩm vấn của cơ quan tình báo Mỹ (CIA), thu được 20 gùi tài liệu (khoảng 500 kg) và đã chuyển lên căn cứ tại trại giam của An ninh Khu. Qua khai thác tài liệu, ta thu được nhiều tin, tài liệu rất quan trọng về hệ thống tổ chức, phương thức hoạt động, mạng lưới cộng tác viên của CIA ở Sài Gòn và các vùng chiến thuật ngụy ở miền Nam; mâu thuẫn giữa CIA và DIA (cơ quan tình báo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ); đánh giá tình hình và cách thức chống cộng, kết luận của CIA về thất bại của kế hoạch tung gián điệp - biệt kích ra miền Bắc và sự chuyển hướng tập trung khai thác, tuyển chọn số cán bộ, bộ đội ta bị chúng bắt để đánh trả lại miền Bắc; các đảng phái phản động có thế lực mạnh ở miền Nam và hàng trăm hồ sơ cán bộ, bộ đội ta theo về phe địch.

6. Song song với kết quả tiêu diệt địch, lực lượng an ninh đã được xây dựng và phát triển nhanh chóng mà nguồn bổ sung chủ yếu từ phong trào đấu tranh cách mạng của người dân Trị Thiên Huế. Điều quan trọng là bước đầu ta đã phát triển được hệ thống an ninh khu vực, an ninh hoạt động ở thôn, xã được bố trí vào hoạt động ở những địa bàn xung yếu mà trước đây chưa có (10 xã phụ cận thành phố và 11 khu phố) và xây dựng được một số an ninh mật cắm lại ở địa bàn nông thôn; lực lượng trực tiếp đánh địch lớn mạnh vượt bậc (trinh sát vũ trang thành phố Huế từ 60 người sau đó đã phát triển thêm 120 người). Qua chiến đấu lực lượng của ta không những phát triển về số lượng mà còn nâng cao cả về chất lượng. Lập trường tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ được nâng lên một bước, nhiều đồng chí chiến đấu rất dũng cảm, kiên quyết đánh địch, vận dụng sáng tạo đường lối, phương châm, chính sách và biện pháp nghiệp vụ vào hoàn cảnh thực tiễn. Trong cuộc chiến đấu sinh tử với kẻ thù toàn Khu đã có 43 đồng chí hy sinh, 41 đồng chí bị thương và 4 đồng chí bị địch bắt.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Huế có nhiều lực lượng tham gia, trong đó lực lượng an ninh có vai trò rất quan trọng, là lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh trấn áp phản cách mạng và đã thu được kết quả chưa từng có, đóng góp có ý nghĩa vào thắng lợi chung, nổi lên một số thành tích:

- Bảo vệ an toàn tuyệt đối cơ quan đầu não Bộ chỉ huy chiến dịch toàn khu, trọng điểm là Huế và đảm bảo tuyệt đối bí mật của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy.

- Bắt và diệt được nhiều đối tượng đầu sỏ trong các tổ chức ngụy quyền, tình báo (kể cả CIA), biệt kích, cảnh sát, chiêu hồi bình định… và thủ lĩnh các đảng phái phản động từ cấp trung ương, cấp vùng, cấp tỉnh, cấp quận.

- Thu được tài liệu tuyệt mật của địch, phục vụ công tác đánh địch trước mắt, lâu dài và công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

- Chiếm lĩnh thành công nhà lao Thừa Phủ, giải thoát an toàn hơn hai nghìn cán bộ, đảng viên, cơ sở cách mạng, quần chúng bị địch giam giữ. Hàng ngàn người sau đó được bổ sung cho quân đội, công an và các lực lượng quần chúng yêu nước tiếp tục cuộc chiến đấu trong thành phố.

- Xây dựng được cơ sở trong lòng địch phục vụ trước mắt và lâu dài; đồng thời rút ra được nhiều kinh nghiệm trong công tác đánh địch và xây dựng lực lượng an ninh.

Nữ du kích canh gác bên dòng Ô Lâu, Thừa Thiên, Huế(1968). (Ảnh tư liệu TTXVN)

* Một số khuyết điểm, tồn tại:

Đối chiếu với yêu cầu, nhiệm vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nổi lên một số khuyết điểm, tồn tại:

1. Công tác bảo vệ mình chưa bao quát mục tiêu, yêu cầu trong tiến công và nổi dậy trước, trong và sau chiến dịch; nhất là chưa có kế hoạch cụ thể bảo vệ cơ quan đầu não, đường hành lang, cơ sở và phong trào cách mạng. Vì vậy, khi địch phản kích chiếm lại nông thôn đồng bằng, thành phố và đánh phá căn cứ miền núi đã dẫn đến bị động, lúng túng và gây cho ta tổn thất rất nặng nề.

2. Công tác đánh địch thiếu kiên quyết, một số mục tiêu quan trọng chưa chiếm lĩnh được (Ty cảnh sát, cơ quan lãnh sự Mỹ…), nhiều cụm tập trung bọn ác ôn chưa bị đánh (Phú Lương, Truồi, Bao Vinh…); một số đối tượng quan trọng chưa bị đả kích mạnh (Biệt đội sưu tầm, tình báo - phòng 2; an ninh quân đội, Việt Nam Quốc dân Đảng…); mạng lưới bí mật ở khu phố và các xã chưa được quét sạch.

Đánh địch thiếu khẩn trương, liên tục nên bỏ lỡ thời cơ tiêu diệt địch và thu tài liệu địch. Một số cụm tập trung bọn phản động ác ôn chưa được chiếm lĩnh và tiêu diệt kịp thời (Cồn Hến, Cửa Hội, Kim Long). Mục tiêu lấy tài liệu địch chưa được quan tâm đúng mức, thiếu chỉ đạo cụ thể nên sau khi địch phản kích, ta rút khỏi thành phố còn nhiều tài liệu của địch ta không mang theo (quận thành nội và tả ngạn).

Đánh địch chưa sâu, chưa hiểm, rõ nét nhất là chưa quán triệt đầy đủ yêu cầu đánh địch trước mắt với tinh thần lâu dài, đã bỏ lỡ một cơ hội rất hiếm có để làm công tác điệp báo, an ninh đô thị chưa tận dụng khoét sâu mâu thuẫn, ly gián nội bộ địch, dùng địch đánh địch, làm cho hàng ngũ địch tan rã hơn nữa cả về tư tưởng và tổ chức, một số đối tượng quan trọng ta đã bắt được, không tích cực khai thác những tên đầu sỏ ác ôn đã diệt (bao gồm: Trung ương Đại Việt, phụ trách mật mã nha cảnh sát…). Công tác chấp pháp nói chung còn rất yếu, có đối tượng không khai thác hoặc khai thác chưa hết đã diệt.

3. Vận dụng chính sách đấu tranh trấn áp phản cách mạng chưa đáp ứng và phù hợp với yêu cầu ở chiến trường, có nơi, có lúc còn thiếu kiên quyết nên không tranh thủ và lợi dụng trong lúc giao tranh diệt trừ những đối tượng nguy hiểm, có nhiều tội ác, ngoan cố để tránh hậu họa do chúng gây ra cho ta về sau. Song cũng phạm khuyết điểm xử lý oan sai một số vụ rất nghiêm trọng; với số đầu hàng, đầu thú có nơi có lúc khoan hồng không phân biệt đúng mức với từng đối tượng.

4. Lực lượng an ninh tuy phát triển nhanh nhưng chưa đều, chưa thật vững mạnh, có nơi chưa thật sự được củng cố và một số trường hợp chưa đảm bảo tiêu chuẩn.An ninh xã, thôn và khu phố bước đầu có xây dựng và phát triển được một số nhưng còn thiếu nhiều, nhất là ở các địa bàn trọng điểm. Lực lượng trinh sát vũ trang phát triển khá nhưng cán bộ nghiệp vụ phát triển rất ít, lực lượng bí mật càng ít hơn. Nhất là lực lượng bí mật phục vụ nhiệm vụ điệp báo, an ninh đô thị và trinh sát vũ trang càng yếu hơn, có trường hợp cần phải tính toán lâu dài đã công khai hóa nên mất tác dụng. Lực lượng mới phát triển, nhất là an ninh xã, thôn, trinh sát vũ trang chưa được thẩm tra kỹ lý lịch, vài trường hợp phát hiện chưa được trong sạch.

Tinh thần, tư tưởng cán bộ, chiến sĩ nói chung rất vững vàng, kiên định, nhưng có số ít cán bộ, chiến sĩ đã dao động xin công tác phía sau hoặc ra Bắc.

5. Bộ máy chỉ đạo của an ninh Khu và thành phố Huế thiếu tập trung và bị phân tán nên thiếu sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau giữa các mũi tiến công. Nhất là chưa quán triệt mục tiêu tiến công và nổi dậy, có nhận thức cho ta sẽ chiếm giữ và giải phóng hoàn toàn Thừa Thiên-Huế đã ảnh hưởng đến nhiều mặt công tác bảo vệ lực lượng cách mạng, bỏ lỡ thời cơ tiêu diệt địch và thiếu tính toán lâu dài các mặt công tác nghiệp vụ.

2. Một số bài học kinh nghiệm

Dưới ánh sáng các nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Khu ủy Trị Thiên Huế và Đảng đoàn, lãnh đạo Bộ Công an là nguyên nhân cơ bản giúp cho lực lượng an ninh thành phố Huế hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Tổng kết công tác an ninh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Huế có thành công và chưa thành công, có ưu điểm và khuyết điểm, có nguyên nhân chủ quan và khách quan, song có thể rút ra những bài học chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Huế diễn biến ban đầu địch bị ta đánh bất ngờ, ta giành thắng lợi lớn, nhưng sau đó, Mỹ - ngụy tập trung lực lượng và các phương tiện chiến tranh đánh phá ác liệt chiếm lại vùng nông thôn, đồng bằng, chiếm lại thành phố Huế, càn quét liên tục miền núi đã làm cho ta gặp rất nhiều khó khăn và tổn thất nặng nề, trong đó có lực lượng an ninh.

Kế hoạch và sự chỉ đạo của lãnh đạo an ninh Khu và thành phố Huế đã thể hiện rõ nét với khí thế quyết chiến quyết thắng và giành thắng lợi quyết định. Trong tư tưởng chỉ đạo tuy đã đề ra khả năng bất trắc, song vẫn thiên về mặt thuận lợi nhiều hơn khó khăn do đó các hoạt động thiên về tiêu diệt địch hơn là bảo vệ mình; đạt mục tiêu trước mắt hơn là tính toán lâu dài; coi chỉ đạo phía trước hơn là chuẩn bị hậu cứ phía sau để chủ động trong mọi tình huống có thể xảy ra nên khi gặp khó khăn, phải rút khỏi thành phố đã bỏ lỡ cơ hội thực hiện các kế sách phục vụ cho công tác nghiệp vụ đánh địch sâu hơn, hiểm hơn đồng thời bảo vệ mình an toàn hơn và xây dựng lực lượng an ninh sâu rộng, vững mạnh hơn.

Thứ hai, việc vận dụng đường lối, phương châm, chính sách đấu tranh trấn áp phản cách mạng có mặt chưa được quán triệt giữa tích cực bảo vệ mình, với chủ động tiêu diệt địch là hai mặt công tác cơ bản đã được Đảng ta tổng kết trong thực tiễn và qua các thời kỳ cách mạng. Có tích cực bảo vệ mình mới có lực lượng và sức mạnh để tiêu diệt địch, nhưng nếu chỉ lo bảo vệ mình sẽ dẫn đến hữu khuynh, co thủ, thiếu kiên quyết; ngược lại có chủ động tiêu diệt địch mới bảo vệ mình tốt, nhưng nếu chỉ nặng về tiêu diệt địch mà xem nhẹ bảo vệ mình, kẻ địch có thể gây thiệt hại cho cách mạng khôn lường.

Với tư tưởng chỉ đạo trên đây đã chứng minh trong kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của an ninh Khu về công tác tiến công tiêu diệt địch đã thực hiện tốt, nhưng về công tác bảo vệ cơ quan đầu não, cán bộ lãnh đạo chủ chốt, lực lượng vũ trang, cơ sở cách mạng, căn cứ, hành lang, bàn đạp khi tiến công vào thành phố và khi rút lui chưa được rõ và chưa đặt vấn đề đúng mức. Sau khi địch phản kích, đánh phá ác liệt cơ sở ở đồng bằng và tấn công lên căn cứ miền núi, địch đã gây cho ta không ít khó khăn, lúng túng và tổn thất nặng nề.

Trong báo cáo sơ kết công tác an ninh phục vụ đợt tổng công kích, khởi nghĩa tại Trị Thiên Huế (31/01/1968-29/02/1968) của lãnh đạo Ban an ninh Khu nhấn mạnh: “Xuất phát từ quan điểm bạo lực cách mạng, từ quan điểm đấu tranh giai cấp một mất, một còn, từ yêu cầu đập tan bộ máy thống trị của địch trong khởi nghĩa giành chính quyền… vì vậy, vận dụng phương châm, nguyên tắc trước hết phải đặc biệt nhấn mạnh tinh thần kiên quyết, khẩn trương tiêu diệt địch, có đánh địch mới phát động được quần chúng, quần chúng mới dám thẳng lưng làm cách mạng, để tiếp tục vận động quần chúng tiêu diệt địch tận gốc, trên cơ sở đó mới bảo vệ được mình và mới giữ vững được thắng lợi cách mạng[4]. Quan điểm này đã được Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an uốn nắn.

Xuất phát từ tính chất phản cách mạng của từng loại đối tượng ngụy quyền, tình báo, cảnh sát, biệt kích, đảng phái phản động… có khác nhau và ngay trong từng loại đối tượng thái độ chính trị, tính chất nguy hiểm và mức độ chống đối cách mạng cũng khác nhau. Vì vậy, khi xử lý phải có sự phân biệt giữa bọn đầu sỏ với bọn tay chân, bọn nguy hiểm với bọn ít nguy hiểm; bọn ác ôn nhiều tội ác với bọn làm công tác hành chính, kỹ thuật thông thường. Bọn đã ra đầu hàng, đầu thú cách mạng phải thực hiện đúng đắn chính sách “Trấn áp kết hợp với khoan hồng”, nói chung ta không tính sổ tội cũ, biểu thị thái độ hoan nghênh, không nên xử lý nhất loạt như nhau có số cho về và làm cam đoan rời bỏ hàng ngũ địch, có thể sử dụng một số đối tượng đánh trả lại hàng ngũ địch, nhưng phải đề cao cảnh giác bọn trá hàng hoặc dùng bàn tay của chúng để ly gián, chuyển hóa mâu thuẫn trong nội bộ địch, để chúng diệt và loại trừ lẫn nhau.

Trong Tổng tiến công và nổi dậy ở Huế đã xảy ra hiện tượng không phân biệt trong xử lý số đối tượng ra đầu hàng, đầu thú cách mạng và có sai phạm trong xử lý oan, sai, nguyên nhân do ta không kiểm soát nổi những hành động bột phát do lòng căm thù địch của quần chúng và cán bộ, chiến sĩ các lực lượng từ lâu bị bức xúc gây ra việc xử lý oan với những người chưa đáng tội diệt, tạo sơ hở cho kẻ địch lợi dụng xuyên tạc chiến thắng của ta và chính sách khoan hồng của cách mạng, từ đó bọn ác ôn ngóc đầu dậy chống phá cách mạng ác liệt hơn.

Thứ ba, thành tích của lực lượng an ninh trong Tổng tiến công và nổi dậy ở Huế còn bắt nguồn từ sự chỉ đạo cụ thể, chặt chẽ của lãnh đạo an ninh Khu và an ninh thành phố Huế. Từ bước dự báo, quá trình chuẩn bị và khai hỏa đã được hình thành chuẩn mực trong tư duy và hành động quyết liệt với tinh thần trách nhiệm rất cao trong lãnh đạo.

Chưa có chiến dịch nào mà hầu hết cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan an ninh Khu và an ninh thành phố Huế được huy động và bố trí tham gia các mũi tiến công. Toàn bộ lãnh đạo an ninh khu và an ninh thành phố Huế đều xuất trận, trực tiếp tham gia chỉ đạo các mũi tiến công và nổi dậy. Đồng chí Lê Minh, Phó Bí thư Khu ủy, Trưởng ban an ninh Khu trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Huế kiêm Chỉ huy trưởng bộ chỉ huy chiến dịch toàn khu mà trọng điểm là Huế; đồng chí Nguyễn Đình Bẩy, Phó trưởng ban an ninh Khu tham gia ban chỉ đạo cánh Nam, trực tiếp làm mũi trưởng mũi tiến công phía Tây Nam Huế; đồng chí Tống Hoàng Nguyên, Phó trưởng ban an ninh Khu, Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban an ninh thành phố Huế và đồng chí Nguyễn Trung Chính, Thành ủy viên, Phó trưởng ban an ninh thành phố tham gia ban chỉ đạo cánh Bắc Huế.

Tổng kết công tác an ninh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Huế đã minh chứng vai trò của người lãnh đạo, nhất là người đứng đầu có tính chất quyết định. Với một tập thể lãnh đạo an ninh Khu và an ninh thành phố Huế đoàn kết, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có lập trường kiên định, có lý tưởng sâu sắc, có đạo đức trong sáng, có tư duy và năng lực sáng tạo, có tinh thần tấn công mạnh mẽ, từng thành viên trong ban lãnh đạo đã sẵn sàng xông ra phía trước, không ngại gian khổ, hy sinh, hết lòng vì dân, vì nước, vì sự nghiệp cách mạng cao cả. Đó là bài học về vai trò của người lãnh đạo, nhất là người đứng đầu không chỉ trong chiến tranh mà còn có giá trị ở mọi thời kỳ cách mạng. Nhất là thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, bài học này càng có giá trị trong sự nghiệp xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, từng bước tiến lên chính quy, hiện đại.

Chiến công xuất sắc của quân và dân Thừa Thiên Huế, trọng điểm là Huế đã được Hội nghị chiến tranh du kích toàn miền Nam lần thứ tư (tháng 10/1968) chọn là một trong ba ngọn cờ đầu về chiến tranh du kích và được Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam tuyên dương tám chữ vàng: “Tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”. Thành phố Huế đã nổi lên là một chiến trường xuất sắc nhất.

Chiến công xuất sắc của lực lượng an ninh thành phố Huế đã được cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn thay mặt Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an có điện khen ngợi:

Đảng đoàn rất phấn khởi về những thành tích xuất sắc trước nay chưa từng có của toàn thể cán bộ, chiến sĩ an ninh trong đợt tiến công và nổi dậy vừa qua. Đảng đoàn khen ngợi và tuyên dương toàn thể cán bộ, chiến sĩ đã không quản ngại gian khổ, hy sinh anh dũng, mưu trí, bám trụ địa bàn, đã đánh địch giành thắng lợi to lớn”.

Theo Tham luận "Vai trò lực lượng an ninh thành phố Huế trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Nguyên nhân và bài học kinh nghiệm" của Thiếu tướng Phan Văn Lai - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Nguyên Chánh văn phòng Ban an ninh khu Trị Thiên - Huế, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND.


[1] Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 384 - 385.

[2] Bài viết: “Dẫu chỉ có 26 ngày” của đồng chí Nguyễn Đình Bảy, Phó Ban an ninh Khu Trị Thiên Huế.

[3] Điện số 156/ĐK ngày 16/9/1968 của Đảng đoàn Bộ Công an.-

[4] Báo cáo số 301/BC ngày 8/4/1968 của Ban An ninh Khu Trị Thiên Huế.