flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Sự giản dị vĩ đại của bác Tôn!

Ngày đăng: 20-08-2019 Lượt xem: 5828

Ai đó đã đúc kết: Sự vĩ đại từ những điều giản dị. Đôi lúc với một số người, chính sự giản dị cũng nâng tầm cao của cá nhân người ấy. Điều rất thú vị là thế hệ các nhà lãnh đạo của Đảng ta ở thế hệ đầu tiên đều là những người như vậy: bên cạnh Hồ Chí Minh còn có các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… hay một người mà gần như tất cả người dân, cán bộ, đảng viên đều ngưỡng mộ, đó là đồng chí Tôn Đức Thắng, mà chúng ta hay gọi thân thương là Bác Tôn.

Bác Tôn sinh ngày 20-8-1888 tại xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Năm 1906, Người lên Sài Gòn học nghề thợ máy tại Trường Bá nghệ. Tốt nghiệp hạng ưu, Người được nhận vào làm công nhân ở Nhà máy Ba Son của Hải quân Pháp tại Sài Gòn.

Bác Tôn tham gia các hoạt động đấu tranh của công nhân từ rất sớm. Năm 1912, Người tham gia tổ chức công nhân bãi công đòi quyền lợi, vì vậy bị sa thải. Năm 1920, Bác tham gia xây dựng cơ sở Công hội Đỏ (tiền thân của Công đoàn Việt Nam), vận động công nhân đấu tranh, tiêu biểu là cuộc bãi công của công nhân Ba Son từ tháng 8 đến tháng 11-1925, quyết trì hoãn việc sửa chữa chiếc Đô đốc hạm Jules Michelet trong đoàn tàu chiến Pháp đang trên đường sang tham gia đàn áp cách mạng Trung Quốc. Năm 1927, Bác tham gia Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.

Tháng 7-1929, Bác Tôn bị địch bắt tại Sài Gòn. Chúng coi Người là loại tù nguy hiểm cần phải nhốt riêng không cho liên lạc với ai nên đã đưa vào Khám vị thành niên. Ở đây, Bác đã dần cảm hóa được nhóm thanh niên lầm lỡ do hoàn cảnh xã hội xô đẩy. Một năm sau, Tòa đại hình kết án Tôn Đức Thắng 20 năm tù khổ sai và tháng 6-1930, chúng đày Người ra Côn Đảo với số tù là 5289. Suốt 15 năm tù đày ở đây (1930 - 1945), Bác Tôn đã thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường với kẻ địch và tình cảm nồng thắm với đồng đội, đồng chí. Trong đó, các câu chuyện về thời gian bị giam chung với tù hình sự như cướp của, giết người, trộm cắp chuyên nghiệp, đã thực sự làm lay động lòng người. Bời bằng tình cảm chân thành, chan hòa và lý tưởng cộng sản cao cả, Bác Tôn Đức Thắng đã dần cảm hóa những người tù lưu manh. Còn với các đồng chí, đồng đội, Người luôn truyền ngọn lửa cách mạng bằng những việc thiết thực như dạy cho anh em học văn hóa, học tiếng Pháp, cùng họ hát Quốc tế ca

Hình tượng Bác Tôn đã có sức hấp dẫn rất lớn đối với các văn nghệ sĩ, để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, như Tổ quốc - tiếng gà trưa (phim truyện nhựa), Viên ngọc Côn Sơn (phim truyện video), Người cặp rằng hầm xay lúa (truyện dài của Nguyễn Công Hoan), Người thợ máy Tôn Đức Thắng (truyện dài của Lê Minh), Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày (truyện dài của Đoàn Giỏi), các ca khúc Người thủy thủ Biển Đen (Tăng Minh Thành), Dâng Người một bài ca (Phạm Minh Tuấn)…

Ở Bác Tôn, sự giản dị luôn là điều thường trực, từ khi là một thợ máy hay trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp, rồi là Phó ban, Trưởng ban Thường trực của Quốc hội (tương đương Chủ tịch Quốc hội), Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch nước… Một người cách mạng giữ chức vụ lãnh đạo cao trong Đảng và Nhà nước nhưng Chủ tịch Tôn Đức Thắng thường xuyên làm những công việc của mình đã từng làm trong thời gian làm công nhân và hoạt động cách mạng, như vẫn tự sửa xe đạp của mình hay làm những công việc tay chân trong gia đình. Hay có lần, các đồng chí miền Nam đến thăm thấy Chủ tịch mặc chiếc áo ấm cũ có nối thêm một đoạn cho khỏi ngắn, đã cảm động hỏi: “Bác ơi, làm Chủ tịch nước sao Bác mặc áo nối thế này?”, Chủ tịch vui vẻ trả lời: “Chủ tịch mặc áo nối thì dân mới có đủ cơm ăn”…

Sự giản dị của Bác Tôn còn gắn với sự khiêm tốn và tình nghĩa sắt son. Chuyện kể rằng, vào năm 1950, Bác Tôn sang Liên Xô nhận Giải thưởng Hòa bình quốc tế Lênin, nước bạn có biếu Bác 10.000 rúp để mua quà. Mỗi thành viên trong đoàn đi cũng được bạn tặng 1.000 rúp. Ai có tiền đều mua sắm thứ này vật nọ về làm quà cho bạn bè, vợ con. Riêng Bác chẳng thấy mua gì. Khi người bác sĩ đi cùng hỏi Bác, Bác mới bảo đi mua giúp cái cối xay tiêu. Bác nói: "Ở nhà bà ấy biết tôi thích ăn cá kho tiêu, bà thường mua cá về kho. Mỗi lần đâm tiêu trong cái chén, tiêu văng ra tung tóe, mắt bà đã kém, lò mò lượm lại từng hột, thương quá! Anh mua giùm tôi cái cối xay tiêu". Mua cái cối xay tiêu chỉ 7 rúp. Số tiền còn lại Bác trao lại tất cả cho bạn Liên Xô… Câu chuyện đó cho thấy tình cảm phu thê thủy chung, son sắt của Bác, đồng thời thể hiện sự khiêm tốn, giản dị của một nhà lãnh đạo Việt Nam với phía bạn.

Tinh thần đó của Bác được truyền dạy đến những người con của Người. Khi Bác làm Phó Chủ tịch nước, hai người con gái vẫn đi làm các công việc theo sự phân công của tổ chức, vẫn được hưởng các chế độ như người bình thường, hoàn toàn không có đặc quyền đặc lợi nào. Khi làm Chủ tịch nước, Bác ở biệt thự số 35 Trần Phú và ngôi nhà này được trả lại cho Nhà nước sau khi Bác qua đời. Còn hai con gái của Người vốn ở chung với Bác khi Người còn sống, được chuyển sang nơi ở mới cũng chỉ 20m2 mỗi gia đình…

Sự giản dị của Bác Tôn đã được các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước ghi nhận một cách chân thực. Tổng Bí thư Lê Duẩn nêu: ''Cùng với tinh thần phấn đấu không mệt mỏi, ở đồng chí Tôn Đức Thắng còn nổi bật lên lập trường vững vàng, chí khí cao cả, đức tính khiêm tốn, giản dị, đó là những gương sáng để chúng ta học tập".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì viết: "Bác Tôn là con người vô cùng giản dị, vẫn là người công nhân, vẫn giữ cái búa, cái kìm... và tự chữa lấy xe đạp của Bác. Bác Tôn của chúng ta là một con người như thế, một người công nhân tiêu biểu cho tinh thần cách mạng, đạo đức cách mạng cao quý nhất của giai cấp công nhân, của dân tộc Việt Nam, của Đảng chúng ta, của dân tộc Việt Nam chúng ta".

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công cũng khẳng định: "Cùng với lòng trung thành, tận tụy, lập trường vững vàng, tinh thần dũng cảm bất khuất, ở Bác Tôn còn nổi lên đức tính khiêm tốn, giản dị, chân thành, hòa mình trong quần chúng"…

Sự giản dị đó thực sự đã được nâng tầm thành sự vĩ đại của một nhà lãnh đạo kiên trung, một hình mẫu đạo đức sáng ngời. Tấm gương cao đẹp đó đáng để tất cả chúng ta cùng học tập, noi theo!

TRÚC GIANG