flag header

Tin tứcThành phố tôi yêu

Điểm son sáng ngời về tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam

Ngày đăng: 03-07-2018 Lượt xem: 1814

Ngày hôm nay, 20 tháng 5 âm lịch, tròn 50 năm ngày hi sinh của 32 chiến sĩ dân công hỏa tuyến tại cánh đồng Láng Sấu, xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh trong chiến dịch Mậu Thân 1968, Cờ Đỏ TP. Hồ Chí Minh trân trọng giới thiệu bài phát biểu của đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tại chương trình giao lưu - nghệ thuật “Ngày ấy trong tuyến lửa” (Ngày 02 tháng 7 năm 2018).

Ảnh: Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thân Thị Thư phát biểu tại chương trình

-----------------------------------------

Thưa các đồng chí, thưa quý đại biểu!

“Có nơi nào như thế ở nơi đây

Đêm trắng toát đóng băng miền ký ức

Nhà nhà giỗ chung, người người đồng vọng

Một nóc tang gia ngun ngút chạm mái trời”[1]

50 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về một thời hoa lửa, ký ức về những ngày tháng hào hùng nhưng rất đỗi bi thương vẫn còn hiện diện trên từng con người, trên từng tấc đất, ngọn cây. Và tại đìa dứa ở bưng Láng Sấu - nơi diễn ra trận xạ kích đẫm máu 50 năm xưa -  nay là khu di tích lịch sử dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc Mậu Thân 1968, vẫn mãi khắc ghi sự anh dũng quên mình của những người con trai, con gái dân công hỏa tuyến chân chất, hiền hòa nhưng rất đỗi quật cường khi chứng kiến cảnh quê hương chìm trong lửa đạn.

Sự hy sinh của các chiến sĩ dân công Vĩnh Lộc là điểm son sáng ngời về tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam. Và nơi đây, trên quê hương Bình Chánh giàu truyền thống đấu tranh - sẽ mãi là nơi ghi dấu cho bản hùng ca của các chàng trai, cô gái vùng ven Sài Gòn cán thương tải đạn - những tấm gương sáng ngời về ý chí quật cường và niềm tin mãnh liệt vào ngày thống nhất.          

Với những giá trị sáng ngời từ sự hy sinh oanh liệt, cùng những niềm rung cảm dạt dào trước sự quả cảm và can trường của những người con trai, con gái chốn đồng bưng; hôm nay, kỷ niệm đúng 50 năm Ngày hi sinh của 32 dân công hỏa tuyến, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Đài Truyền hình Thành phố và Huyện ủy - Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh tổ chức Chương trình Giao lưu - Nghệ thuật “Ngày ấy Trong tuyến lửa”.

Đêm hôm nay, bên những nén hương, những ngọn nến tri ân được thắp lên, chúng ta như đang kể cho nhau nghe, muôn vàn câu chuyện về những người đã sống một thời đáng sống, với niềm tin và khát vọng hòa bình, những người mà trong khói lửa chiến tranh, vẫn cháy bỏng một niềm tin tất thắng.

Đêm hôm nay, chúng ta sẽ cùng lắng đọng lòng mình trong những lời ca, tiếng hát, điệu hò, những vần thơ vang vọng từ trái tim của những khát khao cháy bỏng. Hòa quyện vào đó, là những lời tâm sự đầy xúc động và nghẹn ngào của những người còn ở lại - những người là nhân chứng sống của sự kiện bi hùng 50 năm trước; những người đã tự tay chăm sóc đồng đội của mình, để các chị, các anh mãi mãi đi vào thiên đường không nắng; và cả những người, sau trận chiến ác liệt đã thay đồng đội phụng dưỡng cha mẹ già, nuôi dạy con thơ, để đồng đội mình vĩnh viễn ngủ yên. Và còn nữa những tâm sự của những người con mất mẹ - những niềm đau xé lòng không gì bù đắp được.

Ngày ấy… trong tuyến lửa, cái đêm định mệnh trên bưng Láng Sấu, đoàn Dân công trên đường đưa thương binh về cứ, cứ ngỡ rằng như bao đêm trước, họ sẽ hoàn thành nhiệm vụ trở về, để hôm sau lại cùng nhau trồng gặt vui trên cánh đồng thửa ruộng quê hương. Nhưng rồi họ đã không về.

Ngày ấy… trong tuyến lửa, chỉ trong vòng chưa đầy một giờ bị oanh kích, Vĩnh Lộc đã mất đi 32 người con, trong đó có 25 cô gái đang trong độ tuổi xuân xanh. Họ đều còn rất trẻ với biết bao ước mơ tươi đẹp đã mãi mãi ra đi. Trong tay họ chỉ với chiếc khăn khằn và trái tim rực lửa… Người dân Vĩnh Lộc xót xa gọi đó là “Đêm trắng” đau thương.

Ngày ấy... trong tuyến lửa, “đi giữa đồng bưng, em không ngập ngừng dôi chân 16/ Em ngã xuống rồi máu ứa cả bụi dứa gai/ Chiếc áo nào Em ngụy trang kẻ địch?/ Chiếc áo nào em làm thôn nữ màu sắc chưa phai”[2]. Thế đó, những bông hoa đồng nội đã ngã xuống, gửi lại đất Vĩnh Lộc bao ước mơ thời xuân sắc. Ngay của ngõ Sài Gòn, 32 dân công tải đạn đã hy sinh. Nhưng mỗi bông hoa vẫn luôn tỏa hương sắc cho đời, góp sức mình cho ngày độc lập.

Không ai có thể dửng dưng trước vẻ đẹp của những chàng trai, cô gái trẻ đã hy sinh trong “Đêm trắng” ấy. Không ai có thể không bùi ngùi trước nỗi đau của những người mẹ, người cha mất đi đứa con yêu quý của mình, những đứa con mà hình vóc đẹp xinh, tràn đầy sức sống năm xưa giờ chỉ còn kết tinh lại thành những cái tên khắc trên bia tưởng niệm. Và không gì có thể làm phai mờ hình ảnh những người con gái, con trai hy sinh khi tình riêng chưa trọn, dành trọn vẹn cho một Khối tình - Tình tổ quốc thiêng liêng.

Và con đường mòn mà cách đây 50 năm, các anh chị dân công hỏa tuyến vẫn thường băng đồng để cán thương, tải đạn, tải lương, nay đã trở thành con đường rộng lớn với những hàng cây xanh ngát. Con đường in “dấu chân lịch sử” đó được mang tên chính những con người đã làm nên lịch sử - đường Dân Công Hỏa Tuyến. Cứ vậy, cứ vậy - con đường cứ gợi nhớ, gợi nhớ cho tất cả chúng ta với tấm lòng biết ơn sâu sắc.

Xin cảm ơn những vùng đất anh hùng đã nuôi dưỡng cho quê hương những người con ưu tú. 

Xin nghiêng mình mãi mãi tri ân những chàng trai, cô gái hiền lành đã góp phần làm nên những chiến công đi vào huyền thoại.

Và chúng ta cũng tin tưởng và hy vọng rằng, sau đêm gặp gỡ hôm nay, chúng ta càng thêm nhiệt huyết và quyết tâm, củng cố niềm tin, trao truyền nghị lực, để nhắc nhớ các thế hệ mai sau đừng quên và không được lãng quên, trên mỗi tấc đất quê hương, máu và mồ hôi của bao lớp người đã cùng nhau quyện chặt, thấm đẫm.

Trân trọng cảm ơn và chúc các đồng chí, quý vị đại biểu và các bạn thưởng thức đêm Giao lưu - Nghệ thuật thật ý nghĩa, thật lắng lòng.

 

[1] Ký ức đêm trắng Đồng Vĩnh Lộc, Lê Tú Lệ.

[2] Chí có một khối tình, Nguyễn Văn Hiền