flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Thấm nhuần lời dặn dò của Bác về công tác cán bộ

Ngày đăng: 06-08-2019 Lượt xem: 2417

Khâu đánh giá cán bộ có ý nghĩa quyết định đối với việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước; là cơ sở cho việc quyết định bố trí, sử dụng hợp lý, tạo động lực, niềm tin cho cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới công tác cán bộ. Cách xem xét cán bộ trong tư tưởng Hồ Chí Minh dựa trên các quan điểm toàn diện; vận động và phát triển; khách quan; gắn với thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, là những bài học lý luận còn nguyên tính thời sự khi soi vào thực tiễn hiện nay. Đây chính là sự kế thừa sâu sắc những tư tưởng, quan điểm của Bác Hồ về công tác cán bộ mà Người rất tâm huyết, chăm lo từ những ngày đầu lập quốc cũng như trong suốt sự nghiệp cách mạng.

Bác Hồ với các trí thức cách mạng là Đại biểu Quốc hội 

1. Cất nhắc cán bộ phải vì công tác, vì tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế, công việc nhất định chạy.

2. Người lãnh đạo, quản lý cần thực hiện 5 Phải: “Phải có độ lượng vĩ đại thì mới có thể có thái độ và tinh thần chí công vô tư đối với cán bộ, không có thành kiến, khiến cán bộ không bị bỏ rơi; Phải có tinh thần rộng rãi mới có thể gần gũi với những người mà mình không ưa; Phải có tính chịu khó dạy bảo mới có thể nâng đỡ những cán bộ còn kém, giúp cho họ tiến bộ; Phải sáng suốt mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây mà cách xa cán bộ tốt; Phải có thái độ vui vẻ, thân mật, cán bộ mới vui lòng gần gũi mình”.

3. Trước khi cất nhắc cán bộ, phải nhận xét rõ ràng. Chẳng những xem xét công tác của họ, mà còn phải xét cách sinh hoạt của họ. Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không. Chẳng những xem xét họ đối với ta thế nào, mà còn phải xem xét họ đối với người khác thế nào.

4. Trong cất nhắc cán bộ, nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Đảng. Như thế là có tội với Đảng, có tội với đồng bào.

5. Xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ.

6. Biết rõ ràng cán bộ, mới có thể cất nhắc cán bộ một cách đúng mực. Cất nhắc cán bộ không nên làm như “giã gạo”. Nghĩa là trước khi cất nhắc không xem xét kỹ. Khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ. Khi họ sai lầm thì đẩy xuống, chờ lúc họ làm khá, lại cất nhắc lên. Một cán bộ bị cất nhắc lên thả xuống ba lần như thế là hỏng cả đời.

7. Muốn biết rõ cán bộ, muốn đối đãi một các đúng đắn các hạng người, trước hết phải sửa những khuyết điểm của mình. Mình càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng. Muốn biết đúng sự phải trái ở người ta, thì trước phải biết đúng sự phải trái của mình. Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu.

8. Đảng và Chính phủ sẽ lấy thành tích lao động sản xuất và lãnh đạo sản xuất tốt hay là kém mà đánh giá tinh thần yêu nước và đạo đức cách mạng của mỗi người, mỗi cán bộ.

9. Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy rất là sai. Hiện nay, còn nhiều phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo ở cơ sở. Nhiều người công tác rất giỏi.

10. Từ trước đến nay, Đảng ta chưa thực hành cách thường xem xét cán bộ. Đó là một khuyết điểm to. Kinh nghiệm cho ta biết: Mỗi lần xem xét nhân tài, một mặt thì tìm thấy những nhân tài mới, một mặt khác thì những người hủ hóa cũng lòi ra.

Hoàng Minh

(Lược trích: Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia)