flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

Tìm hiểu các lời tựa của tuyên ngôn của đảng cộng sản do Marx và Engels viết

Ngày đăng: 21-02-2018 Lượt xem: 2461

Các đại biểu dự Đại hội Đồng minh những người cộng sản, một tổ chức công nhân quốc tế hoạt động bí mật, vào tháng 1-1847 đã ủy nhiệm cho Marx và Engels khởi thảo một cương lĩnh của đảng cộng sản có đầy đủ các chi tiết, vừa về mặt lý luận, vừa về mặt thực tiễn, để đưa ra công bố. Trên cơ sở những nghiên cứu, những nung nấu của hai nhà lý luận CNXH khoa học, ngày 21-2-1848, lần đầu tiên bản Tuyên ngôn của đảng cộng sản được xuất bản tại London bằng tiếng Đức. Lời nói đầu của bản Tuyên ngôn này ghi rõ: “1. Chủ nghĩa cộng sản đã được tất cả các thế lực ở châu Âu thừa nhận là một thế lực; 2. Hiện nay đã đến lúc những người cộng sản phải công khai trình bày trước toàn thế giới những quan điểm, mục đích, ý đồ của mình; và phải có một tuyên ngôn của bản thân đảng để đập lại câu chuyện hoang đường về bóng ma cộng sản”.

Từ sau khi ra đời, Tuyên ngôn được công bố nhiều lần, ở nhiều nơi và bằng nhiều thứ tiếng. Trong Lời tựa cho bản tiếng Đức xuất bản năm 1872, chính Marx và Engels thừa nhận là có đến 12 bản tiếng Đức khác nhau, ở Đức, Anh, và Mỹ; bản tiếng Anh lần đầu được dịch vào năm 1850, xuất bản ở London và đến năm 1871 có ít nhất 3 bản bằng tiếng Anh khác xuất bản ở Mỹ. Ngay với các bản do Marx và Engels biên tập, xuất bản thì cũng không giống nhau hoàn toàn. Ở mỗi lần xuất bản, các ông đều có viết một lời tựa. Theo Các Mác – F.Ăngghen tuyển tập(1), có 8 lời tựa các khác nhau, gồm:

- Lời tựa đề cho bản tiếng Đức xuất bản năm 1872, do Marx và Engels viết tại London, ghi ngày 24-6-1872 (Lời tựa 1).

- Lời tựa cho bản tiếng Nga xuất bản năm 1882, do Marx và Engels viết tại London, ghi ngày 21-1-1882 (Lời tựa 2).

- Lời tựa đề cho bản tiếng Đức xuất bản năm 1883, do Engels viết tại London, ghi ngày 28-6-1883 (Lời tựa 3). Trong lời tựa này, Engels ghi rõ: “Thật buồn cho tôi phải một mình ký dưới lời tựa xuất bản này. Marx, người mà toàn thể giai cấp công nhân châu Âu và châu Mỹ phải chịu ơn hơn đối với ai hết, thì bây giờ đã yên nghỉ ở nghĩa trang Highgate, và lớp cỏ đầu tiên đã mọc xanh trên nấm mồ của Người…”.

- Lời tựa đề cho bản tiếng Anh xuất bản năm 1888, do Engels viết tại London, ghi ngày 30-1-1888 (Lời tựa 4).

- Lời tựa đề cho bản tiếng Đức xuất bản năm 1890, do Marx và Engels viết tại London, ghi ngày 21-1-1882 (Lời tựa 5). Lời tựa này được viết lại sau khi bản dịch của Lời tựa 2 bị thất lạc.

- Lời tựa đề cho bản tiếng Ban Lan xuất bản khoảng năm 1890, do Engels viết tại London, ghi ngày 1-5-1890 (Lời tựa 6).

- Lời tựa đề cho bản tiếng Ba Lan xuất bản năm 1892, do Engels viết tại London, ghi ngày 10-2-1892 (Lời tựa 7).

- Lời tựa đề cho bản tiếng Ý xuất bản năm 1893, do Engels viết tại London, ghi ngày 1-2-1893 (Lời tựa 8).

Tìm hiểu các lời tựa, có thể rút ra một số nhận xét sau đây:

Thứ nhất, khẳng định tính đúng đắn của các nguyên lý đã được nêu từ bản Tuyên ngôn đầu tiên, dù trong 45 năm (1848 – 1893) thế giới trải qua nhiều biến chuyển quan trọng. Do đó, ở các bản khác nhau, Marx và Engels chỉ có điều chỉnh (nếu có) vài chi tiết nhỏ, còn về đại thể vẫn trung thành với bản đã công bố lần đầu. Lời tựa 1 ghi rõ: “Mặc dù hoàn cảnh đã thay đổi nhiều trong 25 năm qua, nhưng cả đến nay nữa, xét về đại thể, những nguyên lý tổng quát trình bày trong Tuyên ngôn này vẫn còn hoàn toàn đúng”. Do đó cần hiểu, các vấn đề nêu trong Tuyên ngôn nên xem là các nguyên lý chứ không phải là cẩm nang để áp dụng, tức là phải vận dụng một cách linh hoạt và khoa học. Thực tế đến nay, sau 170 năm, chưa ai có thể bác bỏ các luận điểm của Tuyên ngôn một cách thuyết phục; chỉ có những luận điệu phi logic cho rằng nguyên lý đã sai khi việc áp dụng trên thực tế không thành công, mà quên mất một điều rằng sự không thành công đó (tạm cho là như vậy) chính là do áp dụng, vận dụng sai nguyên lý.

Thứ hai, nhất quán khẳng định sự diệt vong không tránh khỏi và sắp xảy ra của chế độ sở hữu tư sản. Ở các lời tựa cho các bản in khác nhau (nhằm vào đối tượng đấu tranh khác nhau), khẳng định này luôn được giữ vững. Như ở Lời tựa 2, dành cho cách mạng Nga (gần như chưa được đề cập ở bản Tuyên ngôn được công bố lần đầu), đã phân tích rõ tình hình xã hội Nga và tiếp tục khẳng định kết cục tất yếu của một cuộc cách mạng xã hội sẽ diễn ra. Ở Lời tựa 8 thì viết: “Nếu Cách mạng 1848(2) không phải là cuộc cách mạng XHCN thì ít ra nó cũng dọn đường, chuẩn bị địa thế cho cuộc cách mạng XHCN. Chế độ tư sản đã làm cho đại công nghiệp phát triển ở tất cả các nước thì đồng thời nó cũng đã tạo ra ở khắp nơi trong 45 năm gần đây, một giai cấp vô sản đông đảo, đoàn kết chặt chẽ và mạnh; do đó, nó đã sinh ra những người đào huyệt chôn nó”.

Thứ ba, nhất quán khẳng định vai trò, cũng là yêu cầu, đoàn kết, liên hiệp của giai cấp vô sản trên toàn thế giới. Câu khẩu hiệu được nêu ở cuối Tuyên ngôn là “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!” Trong Lời tựa 3, Engels đã nêu lại một luận điểm của Marx: “Cuộc đấu tranh ấy (đấu tranh giai cấp – người trích) hiện nay đã đến một giai đoạn mà giai cấp bị bóc lột và bị áp bức (tức là giai cấp vô sản) không còn có thể tự giải phóng mình khỏi tay giai cấp bóc lột và áp bức mình (tức là giai cấp tư sản) được nữa, nếu không đồng thời và vĩnh viễn giải phóng toàn xã hội khỏi bóc lột, khỏi áp bức và khỏi những cuộc đấu tranh giai cấp”. Tức là, giai cấp vô sản đấu tranh cho bản thân mình cũng đồng thời đấu tranh cho toàn xã hội, và, đấu tranh cho bản thân chỉ có thể thành công nếu mục đích cuộc đấu tranh ấy đem đến sự giải phóng cho toàn xã hội. Vậy, có lý gì không đoàn kết tất cả các lực lượng của giai cấp vô sản ở tất cả các nước?

Thứ tư, khẳng định việc áp dụng các nguyên lý phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Như ở Lời tựa 1, Marx và Engels khẳng định: “Chính ngay Tuyên ngôn cũng đã giải thích rõ rằng việc áp dụng những nguyên lý ở đâu và lúc nào cũng phải tùy vào hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đấy, không nên quá câu nệ về những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II(3). Đoạn này ngày nay mà viết lại, thì về nhiều mặt cũng phải viết khác đi”. Như vậy, dù nguyên lý vẫn đúng đắn, nhưng trong từng quan điểm, từng giải pháp cụ thể, Marx cũng như Engel đều thừa nhận ít nhiều có sự lạc hậu. Do đó, trên tinh thần biện chứng, hai ông đều nhấn mạnh đến việc vận dụng một cách phù hợp với từng nơi, từng lúc.

Thứ năm, thường xuyên có những cảnh báo về sự giáo điều mà những người cộng sản có thể mắc phải. Lời tựa 1 có nêu: “…những nhận định ấy (về lập trường của người cộng sản đối với các đảng đối lập – người trích) đã cũ đi rồi, vì tình hình chính trị đã hoàn toàn thay đổi…”. Còn  ở Lời tựa 2 thì nêu: “Tất cả tình hình ấy (về kinh tế - chính trị - xã hội của các nước châu Âu và châu Mỹ - người trích) ngày này đã thay đổi biết bao!”… Đã khác nhau về tình hình thì không thể nào áp dụng giống nhau một cách máy móc. Ý này kết hợp và bổ sung cho nhau với ý thứ tư đã nêu ở trên.

Thứ sáu, khẳng định công lao của Marx đối với bản Tuyên ngôn nói riêng và với phong trào cộng sản nói chung. Ở Lời tựa 3, Engels minh định: những tư tưởng cơ bản và chủ đạo của Tuyên ngôn (về sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội, về đấu tranh giai cấp, về sứ mạng đấu tranh tự giải phóng và đồng thời giải phóng toàn xã hội của giai cấp vô sản…) là “hoàn toàn và tuyệt đối của Marx”. Engels còn nói rõ: “Tôi đã nhiều lần tuyên bố như thế, nhưng bây giờ lời tuyên bố ấy cũng cần phải ghi lên đầu bản Tuyên ngôn này”.

Có thể thấy, các lời tựa ở những bản in khác nhau không làm thay đổi nội dung, tư tưởng, tinh thần chủ đạo của Tuyên ngôn mà luôn có ý nghĩa làm rõ hơn, cụ thể hơn các vấn đề được nêu trong Tuyên ngôn. Không chỉ vậy, lời tựa còn là sự nhắn gửi đến một số đối tượng nhất định trong những hoàn cảnh nhất định (như lời tựa cho bản in bằng tiếng nước nào thì luôn nhắc đến tình hình kinh tế - xã hội – chính trị và đặc điểm cách mạng của nước đó). Vì vậy, các lời tựa ít nhiều có tính khu biệt độc giả nhưng vẫn khẳng định tinh thần và quan điểm chung của Tuyên ngôn. Do đó, trải qua 170 năm kể từ ngày ra đời, Tuyên ngôn của đảng cộng sản vẫn là tác phẩm của những người vô sản trên toàn thế giới, của cách mạng ở phạm vi cả nhân loại mà vẫn là kim chỉ nam cho cách mạng vô sản ở từng nước cụ thể, trong đó có Việt Nam.

 

-------

(1) NXB Sự thật, Hà Nội, 1970. Các trích dẫn từ Tuyên ngôn và từ các lời tựa trong bài viết này đều dựa theo Các Mác – F.Ăngghen tuyển tập.

(2) Cách mạng 1848 diễn ra ở Ý, Đức, Pháp, Áo… của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản cầm quyền đang ra sức bóc lột những người công nhân. Trong tác phẩm Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1848 – 1850, Marx đã khái quát (có thể xem đây là khái quát chung cho các cuộc cách mạng ở châu Âu năm 1848): Thất bại của các cuộc cách mạng năm 1848 ở Pháp, nhất là Cách mạng tháng Sáu năm 1848, trước hết là do giai cấp công nhân chưa trưởng thành, chưa có lý luận soi đường và tổ chức chặt chẽ, chưa có đảng lãnh đạo và đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn, chưa tập hợp và đoàn kết được rộng rãi quần chúng, chưa liên minh được với giai cấp nông dân. Trong thất bại của cách mạng Pháp thời kỳ này, nhất là cuộc bầu cử tổng thống tháng 12-1848, còn do những hạn chế và sai lầm, lạc hậu và mê tín của phần lớn dân cư Pháp là nông dân. (Dẫn lại theo bài giới thiệu tác phẩm Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1848 – 1850 của Website Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 17-8-2009).

(3) Các biện pháp được nêu ở chương II của Tuyên ngôn gồm: “1. Tước đoạt sở hữu ruộng đất và lấy địa tô dùng vào sự chi tiêu của nhà nước; 2. Đánh thuế lũy tiến mức độ thật cao; 3. Xóa bỏ quyền thừa kế; 4. Tịch thu tài sản của tất cả những kẻ lưu vong và của tất cả những kẻ phiến loạn; 5. Tập trung tín dụng vào tay nhà nước thông qua một ngân hàng quốc gia, vốn của ngân hàng này sẽ thuộc về nhà nước và ngân hàng này sẽ nắm độc quyền hoàn toàn; 6. Tập trung tất cả các phương tiện vận tải vào trong tay nhà nước; 7. Tăng thêm số công xưởng quốc doanh và công cụ sản xuất; vỡ đất đai và cải tạo đất trồng trọt, theo một kế hoạch chung; 8. Thực hành nghĩa vụ lao động đối với tất cả mọi người, tổ chức các đạo quân công nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp; 9. Kết hợp lao động nông nghiệp với lao động công nghiệp, thi hành những biện pháp nhằm làm mất dần sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn; 10. Giáo dục công cộng và không mất tiền cho tất cả các trẻ em. Xóa bỏ việc sử dụng trẻ em làm trong các công xưởng như hiện nay, kết hợp giáo dục với sản xuất vật chất...”.

                                                                                                                                                     Trúc Giang