flag header

Tin tứcChống DBHB

Lợi ích nhóm làm mất đi sự liêm chính của các cơ quan công quyền

Ngày đăng: 26-02-2020 Lượt xem: 2359

Các vụ án lớn được đưa ra xét xử thời gian qua như AVG, Ngân hàng Oceanbank, BOT… cho thấy rõ sự hiện hữu của “lợi ích nhóm”, một dạng tham nhũng nghiêm trọng bậc nhất, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta. Tình hình này đặt ra yêu cầu phải có những giải pháp quyết liệt để chống “lợi ích nhóm” nhất là trong giai đoạn chuẩn bị đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng.

Ảnh minh họa

Vấn nạn “Lợi ích nhóm”

V.I.Lênin khi nghiên cứu về lợi ích các giai cấp, đã chỉ ra các nhóm lợi ích đặc quyền đặc lợi và công cụ bảo vệ sự đặc quyền, đặc lợi khi nhấn mạnh rằng thực chất của "lợi ích nhóm" tiêu cực chính là chủ nghĩa cơ hội. Còn theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền: những cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân, mắc bệnh bè phái, địa phương chủ nghĩa, cánh hẩu tại mỗi địa phương, cơ quan đơn vị trong hệ thống chính trị là những người suy thoái, biến chất. Họ đã làm mất đi sự liêm khiết, công bình, chính trực của các cơ quan công quyền và làm “hỏng cả công việc của Đảng”.

Đó là những người đã quên lời thề trước cờ Đảng, quên rằng "chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ” thì Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên là đầy tớ và làm đầy tớ cho dân, mà đầy tớ là “công bộc” của dân - nội hàm là hết lòng, hết sức gánh vác việc nước, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, chứ không phải là đặt lợi ích của mình và những người mình ưa, mình thích lên trên lợi ích tập thể, lợi ích đất nước, để rồi liên kết lại thành một nhóm, tranh giành vị trí, quyền lực và đấu đá nhau để mưu lợi ích cho mình, cho nhóm mình - “lợi ích nhóm”.

Về vấn đề này, trong phiên bế mạc Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” ngày 29/2/2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, “lợi ích nhóm” đơn giản là lợi ích cục bộ, móc ngoặc với nhau theo kiểu “ông mất chân giò, bà thò chai rượu”, đôi bên cùng có lợi, chung nhau làm ăn vì lợi ích cục bộ. Tuy nhiên, cùng với thời gian, lợi ích cục bộ đó bây giờ nhiều khi không chỉ là quan hệ giữa hai bên, hai người mà đã hình thành một “đường dây”, là “sự ăn cánh” của một nhóm người mưu lợi ích riêng, làm hại lợi ích chung.

Đến Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” thì các biểu hiện của “lợi ích nhóm” được thể hiện rõ hơn. Trong đó, nhấn mạnh vào các biểu hiện như lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực. Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi... Đó chính là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người được giao giữ trọng trách tại các cơ quan Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị.

Thực tế cho thấy, việc nhân danh tổ chức, nhân danh tập thể, lợi dụng chức quyền để móc nối, liên kết, mưu lợi cho mình, người thân cùng phe cánh, làm hại đến lợi ích Nhà nước, tập thể có thể diễn ra ngay từ việc hoạch định và ban hành chính sách. "Lợi ích nhóm” và những hệ lụy của nó, với các vấn nạn chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch; các tệ nạn trong đầu tư công, quản lý và sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng… đã tác động tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; không chỉ làm kìm hãm sự phát triển nền kinh tế, gây suy đồi về văn hóa, đạo đức mà còn tạo nên tình trạng cát cứ, bè cánh, phe phái trong Đảng, thúc đẩy sự “tự diễn biến”, tự chuyển hóa” trong nội bộ, phá vỡ sự đoàn kết thống nhất trong tổ chức.

Kiên quyết phòng và chống "lợi ích nhóm"

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng; trong đó có phòng, chống và ngăn chặn "lợi ích nhóm" đã được đẩy mạnh. Từ trung ương đến địa phương, việc nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo ra sự chuyển biến sâu sắc từ nhận thức đến hành động của các cấp ủy Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên. Thông qua đó, việc rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ngăn chặn những biểu hiện bè phái, cánh hẩu, “lợi ích nhóm”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã đạt được những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, ở đâu đó, vấn đề “lợi ích nhóm” vẫn chưa được ngăn chặn và đẩy lùi, làm suy thoái, tha hóa về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức quyền cao; làm suy giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ. Một trong những nguyên nhân để "lợi ích nhóm" có điều kiện để hình thành, tồn tại, thậm chí phát triển chính là sự không minh bạch, thiếu khoa học trong quy trình hoạch định và thực hiện các chính sách ở cả Trung ương và địa phương; ở cơ chế “xin - cho” cùng thói quen thỏa hiệp với sai trái; ở sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; ở cơ chế kiểm tra, giám sát, thực hiện tự phê bình và phê bình còn hình thức, chưa đúng quy định… Đặc biệt, đó chính là do sự yếu kém của tổ chức Đảng, sự không gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao…

Thực tế, hàng loạt các vụ án gần đây xảy ra tại Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Tập đoàn Dầu khí quốc gia…; nhất là, bản án sơ thẩm tòa tuyên phạt 14 bị cáo trong vụ Tổng công ty Viễn thông Mobifone (Mobifone) mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG); trong đó có 2 cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã cho thấy các bị cáo đều là cán bộ có trình độ cao về chuyên môn, về lý luận chính trị. Song họ đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm đạo đức công vụ và pháp luật để mưu lợi, tham nhũng quy mô lớn; không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn tác động xấu đến tình hình an ninh chính trị, làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng và chế độ.

Bài học sâu sắc rút ra từ những vụ án tham ô, tham nhũng đó cũng cho thấy rằng, những quy định của pháp luật, những quy định về những điều đảng viên không được làm và các quy định về nêu gương dù rất rõ ràng, song đã bị những cán bộ thoái hóa, biến chất cố tình làm sai, chà đạp không thương tiếc. Họ đã không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng, không thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát chặt chẽ; không phát huy tính tiên phong, gương mẫu và trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, nên đã cấu kết với nhau mưu lợi ích cho mình, cho người thân và "nhóm lợi ích". Ở họ, đã không còn một lòng vì Đảng vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; đã quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thậm chí thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân, làm giảm niềm tin của nhân dân với Đảng và các cơ quan công quyền.

Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang nỗ lực chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, hướng tới Đại hội XIII của Đảng, hơn bao giờ hết, cấp ủy các cấp cần đẩy mạnh công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng nói chung, phòng và chống “lợi ích nhóm” nói riêng, nhất là "lợi ích nhóm" trong công tác cán bộ, trong chuẩn bị nhân sự các cấp. Vì vậy, để  phòng ngừa, hạn chế mặt tiêu cực của “lợi ích nhóm” cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền và các Quy định về nêu gương…

Thứ hai, thực hiện công khai, minh bạch công tác tuyển chọn, tiếp nhận, bố trí công tác, bổ nhiệm, đề bạt, khen thưởng và kỷ luật cán bộ; thường xuyên thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ ở các lĩnh vực, vị trí nhạy cảm;  khắc phục "lợi ích nhóm" trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.

Thứ ba, kiên quyết và kịp thời đấu tranh chống những biểu hiện cơ hội, đầu cơ trong công tác cán bộ gắn với thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát người đứng đầu rõ ràng, minh bạch, đúng quy định của Đảng để phòng, chống, ngăn chặn các biểu hiện quan liêu, cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm" tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thứ tư, tăng cường công tác quản lý, giám sát và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu nói riêng trong mọi mặt công tác; gương mẫu giữa nói đi đôi với làm, làm đúng quy định của pháp luật, theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng và nâng cao vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong quá trình giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên ở nơi công tác và địa bàn cư trú.

Cuối cùng, thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát cán bộ, đảng viên; đồng thời, mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý một cách phù hợp, thiết thực phòng và chống "lợi ích nhóm"./.

TS. Văn Thị Thanh Mai

 Ban Tuyên giáo Trung ương