flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Đừng ảo tưởng về cái gọi là biểu tình ôn hòa!

Ngày đăng: 19-06-2018 Lượt xem: 11370

Trong ngày đầu tháng 6 vừa qua, với danh nghĩa phản đối Luật Đặc khu, Luật An ninh mạng, người dân ở một số địa phương đã xuống đường tụ tập đông người, tuần hành, biểu tình. Có nơi, đã gây ra tình trạng ách tắc giao thông, đảo lộn cuộc sống của người dân; có nơi, công nhân bỏ làm, lãn công, ảnh hưởng đến quy trình sản xuất của doanh nghiệp; có nơi, đã xảy ra bạo động, nhiều người đã tấn công vào lực lượng an ninh trật tự, đốt phá tài sản của Nhà nước và công dân, tấn công vào trụ sở quản lý chính quyền địa phương… Như tại Bình Thuận, đã có hàng chục người bị thương, phần nhiều là cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động, lực lượng công an và cảnh sát phòng cháy chữa cháy; hàng chục xe, gồm ô tô của cơ quan nhà nước, xe chuyên dụng phòng cháy chữa cháy và xe máy của cán bộ công chức, đã bị đốt phá; nhiều tài sản khác bị hư hại nghiêm trọng, như vọng gác, cửa kính, một số thiết bị phục vụ làm việc… Ngay tại TP.HCM, có đã một số trường hợp người tham gia biểu tình tấn công vào lực lượng bảo vệ trật tự, thậm chí có một đối tượng ném hòn đá nặng hơn 30kg vào cảnh sát, nhiều trường hợp khác giả danh công an với âm mưu tấn công vào những người tham gia biểu tình rồi vu cho cán bộ chiến sĩ của ta đánh dân…

Sau nhiều vụ việc như thế, trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội, kể cả ở các cuộc họp tổ dân phố, vẫn có không ít ý kiến ủng hộ việc tuần hành, biểu tình ôn hòa để góp ý kiến với Đảng và Nhà nước về một số vấn đề của đất nước, thậm chí là để phản đối một số chủ trương, chính sách. Nhưng thực sự có thể có cái gọi là “biểu tình ôn hòa” không?

Cần nhận rõ, các hoạt động biểu tình, tuần hành vừa qua có sự tham gia của nhiều thành phần. Có thể tạm phân loại thành 5 nhóm: Có không ít người yêu nước thực sự, quan tâm đến đất nước thực sự, muốn bày tỏ chính kiến của mình thực sự - nhưng cách bày tỏ đó phù hợp đến đâu cần suy nghĩ thêm; một số người quan tâm, yêu nước, nhưng họ đến với các cuộc biểu tình phần nhiều là hiếu kỳ, tham gia với ý thức “cho vui” hơn là có một nhận thức và động cơ rõ ràng; một số người vì bức xúc những vấn đề khác chứ không hẳn quan tâm đến các dự án luật nêu trên, như tự cho rằng mình là “dân oan”, là người “bị chính quyền lấy đất sai trái”…, tham gia biểu tình để phản đối chính quyền; ngoài ra, còn có thành phần phá hoại, họ tham gia biểu tình vì muốn thể hiện cái tôi cá nhân ích kỷ của mình (như để la hét, chửi bới, đập phá, đánh đập người khác…); họ tham gia vì bị kích động, được trả tiền hoặc đơn giản chỉ muốn… phá hoại. Cuối cùng, có một số đáng kể những kẻ có mục tiêu chính trị hẳn hoi, đó là thành phần được các thế lực phản động nuôi dưỡng, huấn luyện, trả tiền để thực hiện các bước theo kế hoạch chống phá Đảng và Nhà nước ta. Trên thực tế, biểu tình ở Phan Rí Cửa (Bình Thuận) có sự tham gia của phần lớn những kẻ thuộc nhóm thứ 4 và thứ 5, cùng với một số ít nhóm thứ 3. Còn vụ tấn công vào trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận thì chủ yếu là cả 3 nhóm sau cùng, trong đó nhóm thứ 3 có phần bức xúc vì một số vấn đề của địa phương mà họ là chưa ổn, như “dư âm” của vụ việc Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân, vấn đề an ninh trật tự tại địa phương… Còn tại TP.HCM, lực lượng tham gia biểu tình có đông thành phần hơn nhưng ít nhiều có sự tác động và dẫn dắt của nhóm thứ 4 và thứ 5. Nhìn nhận như thế để thấy rằng, dẫu những người tham gia ở 3 nhóm đầu muốn có một cuộc biểu tình ôn hòa cũng gần như không thể xảy ra, vì biểu tình xét cho cùng cũng là âm mưu của các phần tử phản động, muốn thăm dò để tiến hành cái gọi là “cách mạng đường phố”, “cách mạng màu”… như đã từng diễn ra ở một số nước Trung Đông và thuộc Liên Xô (trước đây). Chúng dùng mọi thủ đoạn để kích động, lôi kéo càng đông người tham gia càng tốt, dù không có hành vi phản đối chính quyền nào thì việc xuống đường làm ách tắc giao thông, đảo lộn cuộc sống của người dân với chúng cũng là thành công. Nếu có điều kiện thuận lợi, chúng sẽ khơi những “mồi lửa” bạo lực, như khiêu khích để lực lượng bảo vệ an ninh dùng vũ lực xử lý, để rồi vu khống lực lượng của ta đàn áp người biểu tình ôn hòa; hoặc chúng trực tiếp đánh người dân hoặc đánh người của lực lượng bảo vệ, gây nên tình trạng hỗn loạn, từ đó nảy sinh tâm lý đám đông, có thể giẫm đạp lên nhau để thoát hoặc có hành vi bạo lực do nhìn nhận sai lệch vấn đề. Như ở Bình Tân (TP.HCM), những kẻ kích động còn hăm dọa công nhân để buộc họ bỏ việc và có nhiều thủ đoạn để tác động đến kíp trưởng, chuyền trưởng, quản đốc phải cho công nhân nghỉ việc để đi biểu tình. Hoặc tại quận 3, có dấu hiệu cho thấy có kẻ đã để sẵn hàng chục bịch đá (loại gần bằng nắm tay) ở nhiều tuyến đường, có thể “thủ sẵn” nhằm tấn công vào lực lượng bảo vệ an ninh hoặc vào chính người biểu tình.

Như vậy, khi các cuộc biểu tình là một âm mưu, thủ đoạn của những kẻ phản động thì gần như sẽ không thể có cái gọi là “biểu tình ôn hòa”, vì chúng luôn muốn thúc đẩy các cuộc biểu tình đi đến các kết cục bi thảm nhất có thể, từ đổ máu đến bạo loạn và sau cùng là lật đổ chính quyền của nhân dân. Sở dĩ thời gian qua chúng chưa thực hiện được là vì các lực lượng của ta kịp thời xử lý và nhất là sự cảnh giác cao độ của người dân. Chính trên các diễn đàn, rất đông người đã bày tỏ thái độ phản đối gay gắt đối với các vụ bạo lực vừa qua và cũng phần nào nhận ra được âm mưu của các thế lực phản động, mà cụ thể là “Việt Nam Canh tân cách mạng đảng” (Việt Tân) và “Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời” (do Đào Minh Quân tự phong là “Thủ tướng”).

Qua các vụ việc này có thể thấy, người dân chúng ta không nên ảo tưởng về cái gọi là “biểu tình ôn hòa”, vì thực chất khi các cuộc biểu tình do các thế lực phản động giật dây thì không thể có chuyện ôn hòa! Do đó, khi cần bày tỏ ý kiến về các vấn đề của đất nước, chúng ta có thể sử dụng nhiều phương thức khác (như phát biểu tại các cuộc tiếp xúc cử tri, tại các cuộc họp tổ dân phố, tổ nhân dân, gọi vào đường dây nóng ở các cơ quan, gửi thư trực tiếp đến các cơ quan chức năng, gửi ý kiến đến các cơ quan báo chí…) thay vì đi biểu tình, trong khi nước ta chưa có Luật Biểu tình và đã biết chắc rằng biểu tình là một âm mưu của kẻ xấu!

Trúc Giang