flag header

Tin tứcTin tức

30-4: chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết

Ngày đăng: 30-04-2020 Lượt xem: 3279

Năm 2004, khi xuất bản cuốn “Hồi ký không tên" lần đầu, cựu dân biểu 3 nhiệm kỳ chế độ Sài Gòn, cựu Tổng trưởng Thông tin chính quyền Dương Văn Minh Lý Quí Chung đã kết luận: “30 năm sau nhìn lại ngày 30-4 mới thấy rõ hơn giá trị của ngày giải phóng. Nếu không có ngày đó - chấm dứt hoàn toàn sự can thiệp của người Mỹ, giành được độc lập và thống nhất cho xứ sở - thì chắc chắn đất nước hôm nay không an bình và phát triển, ổn định như đang có”. Nhà báo Lý Quí Chung cũng khẳng định rằng nếu như các điều khoản của Hiệp định Paris được đem ra thi hành, ở miền Nam có một chính phủ liên hiệp thì chắc chắn cũng sẽ “là sự tiếp nối của cuộc xung đột dưới một hình thái mới, đầy hỗn loạn và bất ổn, có thể lại đổ máu và chết chóc; “bàn tay lông lá” của người Mỹ vẫn có điều kiện xộc vào gây chia rẽ hận thù giữa người Việt với người Việt; kinh tế của miền Nam vẫn lệ thuộc, tồn tại bằng viện trợ nhỏ giọt của các cường quốc đầy những ý đồ thôn tính; còn miền Bắc có lẽ vẫn sẽ khó khăn, vẫn ở trong tình trạng đối phó chiến tranh vì phải tiếp tục dồn sức chi viện cuộc đấu tranh ở miền Nam. Nhìn đất nước nối liền từ Nam chí Bắc hiện nay, đến bây giờ tôi vẫn tưởng nằm mơ[1]”. Vậy nên, ngày 30-4-1975 sẽ mãi mãi được ghi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam như là một trong những sự kiện vĩ đại nhất của dân tộc. Đó là ngày Tổ quốc thống nhất, hòa bình sau bao nhiêu năm chiến tranh đau khổ với nhiều mất mát hy sinh. Những con người và cả lòng người bao năm lìa tan nay lại hợp, đó là niềm vui lớn của dân tộc Việt Nam. Để có ngày chiến thắng 30-4, cả dân tộc Việt Nam đã chịu rất nhiều mất mát, hy sinh. Chiến thắng 30-4-1975 là chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế.

          1. Chiến thắng 30-4: nhân tố quyết định từ chiến trường

Kể từ khi người Mỹ can dự vào tình hình Việt Nam, quân số của người Mỹ đã tăng lên không ngừng. Tới tháng 12-1967, quân số lính Mỹ đạt 497.498 quân, kết hợp với 60.276 lính quân đội các nước đồng minh của Mỹ (không tính lính Việt Nam Cộng hòa), nâng tổng quân số nước ngoài trên chiến trường Việt Nam đạt 557.774 lính và số lượng lính Việt Nam Cộng hòa đạt 634.475 lính, tăng 200.000 lính so với năm 1966. Tới ngày 31-03-1968, tổng quân số liên quân Hoa Kỳ-Việt Nam Cộng hòa đạt 1.375.747 quân.

Năm 1966, sau khi Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam giành hàng loạt các chiến thắng, Hoa Kỳ bắt đầu đề cập tới giải pháp đàm phán hòa bình. Riêng trong 03 tháng đầu năm 1967, liên quân Hoa Kỳ-Việt Nam Cộng hòa đã tổ chức 884 cuộc hành quân từ cấp tiểu đoàn trở lên. Trong 3 tháng đầu 1967, Không quân của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa tiến hành 151.044 phi xuất (trong đó phi xuất hành quân là 30.231 cuộc) và 37.851 cuộc hải xuất oanh tạc và do thám miền Bắc. Trong giai đoạn 1966-1967, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa bắt đầu sử dụng chất độc hóa học để khai quang các khu vực của Quân Giải phóng.

Để tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã huy động: “70% lục quân, 60% lính thủy đánh bộ, 40% hải quân và 60% không quân của nước Mỹ, 6,5 triệu lượt thanh niên Mỹ trực tiếp tham gia chiến tranh xâm lược Việt nam, cùng với 22.000 xí nghiệp trên đất Mỹ trực tiếp phục vụ chiến tranh xâm lược Việt Nam[2]”. Ngoài ra, Hoa Kỳ còn huy động quân đội các nước đồng minh của họ tham chiến tại Việt Nam như: Thái Lan, Philippines, Australia, New Zealand và Hàn Quốc với quân số lúc đông nhất lên tới 70.000 cùng khoảng 600.000 lính Quân đội Sài Gòn (lúc đông nhất).

Trước lực lượng quân sự hùng hậu của Hoa Kỳ và các nước đồng minh, các lực lượng kháng chiến Việt Nam đã phải chịu rất nhiều tổn thất nhưng cuối cùng đã buộc người Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán chấm dứt chiến tranh.

2. Chiến thắng sức chịu đựng “chân trần” và tinh thần “chí thép”

Trong cuộc chiến đấu gian khổ này, đã có gần 850 nghìn liệt sỹ hy sinh. Cả nước có gần 45 nghìn Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong số đó có những người mẹ như mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam có 9 con đẻ, 1 con rể và 2 cháu ngoại là liệt sỹ, má Nguyễn Thị Rành ở Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh có 8 con trai và 2 cháu là liệt sỹ v.v…

Nếu như trong Chiến tranh thế giới lần thứ Hai, một cuộc chiến tranh được coi là tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại, mỗi người Đức phải chịu 27kg bom đạn và mỗi km vuông chịu 5,4 tấn bom đạn; mỗi người Nhật chịu 1,6kg và mỗi km vuông 0,43 tấn thì khi quân đội Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam, mỗi người dân miền Bắc phải chịu 45,5 kg bom đạn và mỗi km vuông phải gánh chịu 6 tấn[3]

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ đã phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học, 61 phần trăm là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống 26 nghìn thôn bản ở miền Nam Việt Nam với diện tích 3,06 triệu ha. Gần 25% tổng diện tích miền Nam từ Bắc Trung Bộ đến Tây Nam bộ đều bị ảnh hưởng, trong đó Đông Nam Bộ là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 56% diện tích tự nhiên bị phun rải[4]. Đây được xem là cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Đã có 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc dioxin và 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam v.v…

Ở miền Nam, chỉ trong 4 năm, từ năm 1955-1958, cả miền Nam tổn thất 9/10 số cán bộ, đảng viên. Ở Nam Bộ: “Khoảng 7 vạn cán bộ, đảng viên ta bị địch giết; gần 90 vạn cán bộ, nhân dân bị bắt, bị tù đày, gần 20 vạn bị tra tấn thành tật, chỉ còn khoảng 5 nghìn so với 60 nghìn đảng viên trước đó. Bến Tre còn 162 đảng viên, Tiền Giang chỉ còn 92, Gia Định, Biên Hòa mỗi nơi chỉ còn 1 chi bộ đảng. Ở Khu V khoảng 40% tỉnh ủy viên, 60% huyện ủy viên, 70% chi ủy viên xã bị bắt, bị giết, có tỉnh chỉ còn 2-3 chi bộ, 12 huyện đồng bằng không còn cơ sở Đảng. Riêng Trị - Thiên chỉ còn 160/23.400 đảng viên trước đó[5]”.

Thế nhưng, trước sự khủng bố, giết chóc của kẻ thù, người dân vẫn kiên quyết bám đất, giữ làng. Rất nhiều các phong trào của người dân ở miền Nam đã góp phần không nhỏ cho sức mạnh để chiến thắng, đó là các phong trào: “Bám đất, giữ làng”, “Một tấc không đi, một li không dời”, “Thi đua giết giặc lập công”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”...v.v…

Hàng loạt các nhà tù, các vụ thảm sát diễn ra trên khắp miền Nam. Những nhà tù như Phú Lợi, Côn Đảo, Phú Quốc…đã trở thành những cái tên ám ảnh, nỗi sợ hãi của nhân loại tiến bộ và là nơi thử thách cao nhất sức chịu đựng của con người. Hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình kể lại: “Chúng tôi đi thăm những nơi đã giam cầm những chiến sỹ cách mạng, từ “nhà bò” thời thực dân Pháp đến “chuồng cọp” thời kỳ đế quốc Mỹ. Mặc dù đã dược dọn dẹp nhưng những cảnh đày đọa tàn nhẫn anh chị em tù chính trị vãn hiện ra mồn một trước mắt chúng tôi. Tôi càng thấm thía rằng mình đang được hưởng kết quả từ bao nhiêu hy sinh xương máu của các đồng chí đi trước[6]”.

Ở miền Bắc, trong khốc liệt của chiến tranh ấy, miền Bắc vẫn là hậu phương vững chắc chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam.  Các phong trào vì miền Nam diễn ra rộng khắp trên toàn miền Bắc như: “Ba nhất”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Hai tốt”, “Làm nghìn việc tốt”; “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” v.v…

Chính cuộc chiến đấu hy sinh và chịu nhiều mất mát khổ đau của người dân Việt Nam trên cả nước đã chinh phục trái tim, khối óc của những con người yêu tự do và hòa bình trên thế giới và làm cho kẻ thù bị khuất phục.

3. Chiến thắng từ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế

Rất nhiều các nhà lãnh đạo trên thế giới đã lên tiếng tố cáo những tội ác mà người Mỹ gây ra ở Việt Nam và kêu gọi Mỹ ngồi vào bàn đàm phán. Đầu tháng 3-1968, Tổng thư ký Liên Hiệp quốc U.Thant kêu gọi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc và coi đây là điều kiện để tổ chức đàm phán. Ngày 14-5-1968, trong bài phát biểu tại Trường Đại học Alberta (Canada) ngài U. Thant - Tổng thư ký Liên hiệp quốc đã “tỏ rõ lập trường ủng hộ quan điểm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ thực hiện một cuộc ngưng oanh tạc toàn diện vô điều kiện miền Bắc[7]”. Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới bằng cách mày hay cách khác bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam từ Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Tư, Anlgéri, Tanzania…Trong Hồi ký của mình, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris cho biết khi bà tới thăm Ấn Độ theo lời mời của Thủ tướng Ấn Độ, Lãnh sự của chính quyền Sài Gòn ở Ấn Độ đã phản đối. Chính phủ Ấn Độ trả lời chính thức “Mời ai là quyền của chúng tôi[8]”.

Độc lập chủ quyền, thống nhất quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng nên khi những tiếng nói chính nghĩa cất lên sẽ đánh thức lương tri nhân loại, trong đó có lòng yêu hòa bình, công lý của người dân Mỹ. Cộng đồng người Việt đông đảo ở nước ngoài đã ủng hộ hết mình cho cuộc kháng chiến của người dân trong nước. Trong suốt thời gian đàm phán Paris, cả hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã được Đảng Cộng sản Pháp và bà con người Việt sinh sống và học tập tại Pháp giúp đỡ tận tình. Nhiều nhà báo tiến bộ trên thế giới đã chấp nhận hy sinh, đi vào vùng giải phóng để phản ánh rõ nhất cuộc chiến tranh của Nhân dân Việt Nam như Madeleine Riffaud (Pháp), Wilfred Burche (Úc), Dimitrova (Bulgary), Vanessa (Ba Lan). Nhà báo Pháp Madeleine Riffaud đã thốt lên một câu tự đáy lòng “Việt Nam là một phần của cuộc đời tôi”.

Những phóng viên dũng cảm của báo New York Times như Seymour Hersh, Don Luce đã giúp đưa ra ánh sáng và công luận quốc tế vụ thảm sát Mỹ Lai, “chuồng cọp Côn Đảo" v.v…Nhờ sự dũng cảm của Seymour Hersh, phóng viên báo New York Times mà thế giới đã biết tới thảm sát Mỹ Lai. Cũng vậy, nhờ nhà báo Don Luce mà sáng 02-7-1970, cả thế giới đã chấn động khi thiên phóng sự điều tra "Tố cáo vụ chuồng cọp Côn Đảo" xuất hiện đồng loạt trên báo Tin sáng Sài Gòn và tạp chí Time. Lần đầu tiên, sự thật “rùng mình” về nơi đày ải, giam cầm tù nhân dã man, phi nhân tính đã bị bóc trần trên mặt báo, cái mà chính phủ Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã không ngớt che đậy và bưng bít. Những hình ảnh ghê rợn của các nhục hình tra tấn tù nhân ở nhà tù Côn Đảo đã làm không chỉ người dân trên thế giới, trong đó có người dân Mỹ kinh tởm bộ mặt thật của cuộc chiến tranh mà còn làm cho chính giới Mỹ một phen rúng động.

Những dân biểu dũng cảm trong Hạ viện Hoa Kỳ là ông Williamm R. Anderson và ông August Hawkins đã ra Côn Đảo điều tra về "Vụ chuồng cọp Côn Đảo" và trình lên Hạ nghị viện. "Vụ chuồng cọp Côn Đảo" sau đó đã bị đem ra chất vấn ở Hạ nghị viện Mỹ cũng như bị tố cáo trên các tờ báo lớn gây ra một làn sóng phản đối chiến tranh ở Việt Nam trên toàn thế giới.

Nhà báo Lý Quí Chung trong Hồi ký không tên cho biết khi ông cùng đoàn chế độ Sài Gòn do Trung tướng Trần Văn Đôn dẫn đầu đi thăm các nước với ý định của nhà cầm quyền để “giải độc” cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Đến nước Anh, Công đảng (đảng cầm quyền khi ấy ở nước Anh tiếp đoàn) tại Westminster, trụ sở quốc hội Anh. Ngoài các lãnh tụ của đảng có hai đại diện đoàn thanh niên Công đảng. Chủ nhà phát biểu xong, đến đoàn Sài Gòn chưa kịp phát biểu đã bị một trong hai thanh niên đứng dậy phủ nhận tính cách đại diện của đoàn Việt Nam Cộng hòa và khẳng định: “Đại diện hợp pháp duy nhất của miền Nam Việt Nam là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam[9]”. Trên ngực cả hai thanh niên đều đeo huy hiệu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Cả hai thanh niên Công đảng Anh đã đồng loạt đứng dậy hô to khẩu hiệu phản đối đoàn chế độ Sài Gòn và hoan hô Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Chiến thắng 30-4, dân tộc Việt Nam không quên những người Mỹ yêu chuộng tự do, hòa bình đã tự thiêu để phản đối chiến tranh, phản đối quân đội Mỹ gây tội ác ở Việt Nam như: Norman Morrison, Roger Allen LaPorte, cụ bà Alice Herz v.v… Phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam không chỉ diễn ra sôi nổi trong lòng nước Mỹ mà những con người yêu chuộng hòa bình từ nước Mỹ đã lên đường sang tận Việt Nam để bày tỏ sự ủng hộ. Đã có những bức thư bày tỏ sự thông cảm với cuộc chiến đấu của Nhân dân Việt Nam chứa chan tình hữu ái: “Gửi Nhân dân Việt Nam, những người phải chờ đợi hòa bình quá lâu, gửi tất cả người Mỹ ở Việt Nam, gửi nhân dân toàn thế giới. Chúng tôi là những người Mỹ đến Việt Nam để phản đối sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ. Chúng tôi yêu cầu người Mỹ ngưng ngay việc sát hại người Việt Nam[10]”. Đó là lời mở đầu “Bức tâm thư gửi đến nhân dân Việt Nam” của Đoàn đại biểu nhân dân phản chiến Mỹ do mục sư M.J. Muste 81 tuổi dẫn đầu và lần đầu đến Việt Nam. Khi sang Việt Nam, mục sư Muste phát biểu: “Chúng tôi rất thán phục và đồng thời cũng cảm thấy xót xa cho dân tộc các bạn bị bó buộc phải tiến hành một cuộc chiến đấu sống còn chống lại những kẻ xâm lược hùng mạnh nhất thế giới[11]”. Và, “…đến bây giờ họ vẫn thủy chung với sự nghiệp đấu tranh của Việt Nam…Những người bạn quốc tế ấy là những người sống có lý tưởng, hạnh phúc của họ là được làm theo lý tưởng[12]”.

Nhớ về sự kiện trọng đại này, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, khi ấy là Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã xúc động ghi trong hồi ký của mình rằng khi đặt bút ký hiệp định lịch sử này bà đã vô cùng xúc động, nghĩ đến “đồng bào, đồng chí, đến bạn bè ở cả hai miền Nam Bắc… (…) là ân tình sâu đậm mà cả thế giới giành cho cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta[13]”.

4. Chiến thắng của tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Chiến thắng 30-4 là chiến thắng được cộng hưởng từ nhiều nhân tố, trong đó không thể không kể tới những người yêu nước chân chính sống trong lòng địch, không thể không nhớ tới công lao của mọi giới đồng bào, của đồng bào các dân tộc, tôn giáo.

Những tên tuổi các chức sắc tôn giáo đã trở thành quen thuộc với các giới đồng bào trong như hòa thượng Thích Quảng Đức, tthượng tọa Thích Trí Quang, linh mục Nguyễn Ngọc Lan v.v…

Cuộc tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo đã làm cho cả thế giới bàng hoàng. Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy đã phải thốt lên rằng chưa có bức ảnh nào ám ảnh ông một cách kinh khủng như vậy. Thượng tọa Thích Trí Quang là người có tác động quan trọng đến việc nhận chức và nhanh chóng đầu hàng của ông Dương Văn Minh vào trưa ngày 30-4-1975. Linh mục Nguyễn Ngọc Lan thì là một người đặc biệt, người mà như ông Trần Văn Giàu, Nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định đã viết: “Trong phong trào đấu tranh chống Mỹ cứu nước ở thành phố Sài Gòn anh được biết đến như một người xung trận quả cảm, đồng hành với trí thức, học sinh, sinh viên, phật tử và đồng bào nói chung[14]”.

Giữa đô thành Sài Gòn trong những năm tháng chiến tranh đã xuất hiện hàng loạt những phong trào của trí thức miền Nam lên án chiến tranh, kêu gọi hòa bình. Các phong trào tiêu biểu nổi tiếng có thể kể tới như: “Phong trào hòa bình”, “Ủy ban cứu tế và bảo vệ tính mạng, tài sản của dân chúng”, “Hát cho đồng bào tôi nghe”, “Hội bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ”, “Ủy ban phụ nữ đòi quyền sống”, “Phong trào dân tộc tự quyết”, “Ủy ban vận động hòa bình”, “Lực lượng quốc gia tiến bộ”, các phong trào đấu tranh của người Hoa ở Sài Gòn. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, một tổ chức đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris đã ra đời, đó là “Tổ chức nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris” quy tụ rất nhiều tên tuổi lớn của giới trí thức miền Nam v.v…

Trong mỗi người Việt Nam đều chảy chung dòng máu yêu nước của cha ông truyền lại từ ngàn xưa, vì vậy, có thể vì lý do này hay lý do khác, đã có lúc họ đứng ở chiến tuyến khác nhau. Thế nhưng, khi gặp những điều kiện thuận lợi, tinh thần yêu nước trong mỗi người Việt Nam lại sống lại và giúp họ có những quyết định sáng suốt. Hành động thức thời của ông Dương Văn Minh sớm đầu hàng đã góp phần giữ cho một Sài Gòn nguyên vẹn. Những người trong chính quyền Dương Văn Minh như Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, Phụ tá, sau là quyền Tổng Tham mưu trưởng Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc Cảnh sát Sài Gòn - Gia Định Triệu Quốc Mạnh là những người đã xuất hiện rất đúng lúc, trong một thời điểm quyết định góp phần làm cho cuộc chiến vốn đã khốc liệt bớt mất mát, khổ đau v.v…

          Kết luận: Trong Di chúc để lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết, đến ngày thống nhất nước nhà, Người “sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta. Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta[15]”. Còn nhớ, sau ngày 30-4-1975, vừa đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, ông Lê Duẩn, Tổng bí thư Đảng Lao động Việt Nam đã nói: “Thắng lợi này là thắng lợi của cả dân tộc Việt Nam chứ không của riêng ai”. Tinh thần ấy cũng là phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định Trần Văn Trà trong buổi tiếp và trả tự do cho toàn bộ nội các Dương Văn Minh ngày 02-5-1975: “Trong cuộc chiến đấu lâu dài này không có ai là kẻ thắng ai là kẻ bại…Toàn quân và toàn dân Việt Nam là người chiến thắng, chỉ có đế quốc Mỹ xâm lược là kẻ chiến bại[16]”. Một nghìn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây cũng không một thế lực nào có  thể khuất phục và chia cắt đất nước Việt Nam. Tinh thần đại đoàn kết dân tộc của dân tộc Việt Nam đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, được trui rèn trong những thử thách mất còn của đất nước sẽ là những giá trị tiềm tàng tạo nên sức mạnh khi Tổ quốc lâm nguy. Đại đoàn kết dân tộc, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế sẽ là sức mạnh vĩ đại để Việt Nam ngày càng vững mạnh và phát triển.

                                                                TS. VŨ TRUNG KIÊN

Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Khu vực II.

 


[1] Lý Quí Chung (2004), Hồi ký không tên, Nxb Trẻ, tr. 449

 

[2] Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh (1996), Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 324

[3] Xem: Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh (1996), Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 329-320

[4] Xem: Nhiều tác giả (2012), Nỗi đau da cam, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2012

[5] Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh (1996), Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 321

[6] Nguyễn Thị Bình (2012), Gia đình, bạn bè, đất nước, Nxb Tri thức, tr. 191

[7] Trung tâm lưu trữ quốc gia II (2012), Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn, Nxb Chính trị quốc gia, t1, tr. 75

[8] Nguyễn Thị Bình (2012), Gia đình, bạn bè, đất nước, Nxb Tri thức, tr. 117

[9] Lý Quí Chung (2004), Hồi ký không tên, Nxb Trẻ, tr. 188

[10] Nguyễn Hữu Thái (2018), Sài Gòn có một thời như thế, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 175

[11] Nguyễn Hữu Thái (2018), Sài Gòn có một thời như thế, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 178

[12] Nguyễn Thị Bình (2012), Gia đình, bạn bè, đất nước, Nxb Tri thức, tr. 181

[13] Nguyễn Thị Bình (2012), Gia đình, bạn bè, đất nước, Nxb Tri thức, tr. 135

[14] Trần Bạch Đằng (2007), “Tiễn biệt anh, anh Nguyễn Ngọc Lan”, báo Thanh Niên onile ngày 26/02/2007, https://thanhnien.vn/thoi-su/tien-biet-anh-anh-nguyen-ngoc-lan-386749.html          

[15] Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 509

[16] Nguyễn Hữu Thái (2018), Sài Gòn có một thời như thế, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 300-301