flag header

Tin tứcThành phố tôi yêu

40 năm huyện Cần Giờ sáp nhập TP.HCM: Cần Giờ đã hồi sinh như thế nào?

Ngày đăng: 20-12-2018 Lượt xem: 4565

Trong những năm 1975-1979 và 1992-1994, các nhà khảo cổ học đã phát hiện, khảo sát và khai quật một loạt di chỉ khảo cổ học tại các địa điểm: Bao Đồng (xã Lý Nhơn), Giồng Phệt (xã Long Hòa), Giồng Cá Vồ (xã Long Hòa), Giồng Am (thị xã Cần Thạnh) tại huyện Cần Giờ. Những phát hiện khảo cổ đã chứng minh Cần Giờ có một nền văn hóa lâu đời với tài nguyên nhân văn phong phú, đa dạng và nền kinh tế thương mại biển phát triển thịnh vượng.

Từ thế kỷ XVIII, với lợi thế là cửa biển ra vào thuận lợi của cả vùng Sài Gòn - Chợ Lớn và xứ Biên Hòa, đã từng có một thời, Cần Giờ trở thành nơi sinh họat nhộn nhịp, đông đúc, tàu thuyền thường xuyên ra vào tấp nập, chuyên chở, lưu thông hàng hóa từ các địa phương thuộc phủ Gia Định và kết nối các trung tâm kinh tế Cù Lao Phố, Sài Gòn, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Hà Tiên… với nhau.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhắc đến Cần Giờ, người ta chỉ nhớ đến một khu căn cứ quân sự tiền tiêu của địch, canh giữ cho con đường thủy huyết mạch từ biển Đông dẫn vào cảng Sài Gòn. Cụ thể, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, nơi đây đã phải hứng chịu 2 triệu tấn bom đạn, hơn 4 triệu ga-lông chất độc hóa học và chất độc da cam, làm 40.000ha rừng ngập mặn bị hủy diệt, cánh rừng chở che cho cách mạng chẳng mấy chốc trở nên hoang tàn, Cần Giờ lúc ấy chỉ còn là một vùng đất sình lầy, cây cối chết đè lên nhau, bộ đội của ta phải chuyển quân ra bờ sông, trong đó lục quân của ta hy sinh hết chỉ còn lại đặc công thủy bám trụ lại tiếp tục chiến đấu.

Ngày đất nước thống nhất, vùng đất Cần Giờ chỉ còn là cánh rừng chồi hoang vu, trơ trọi

Và bước ngoặt lớn nhất trong hành trình “hồi sinh” vùng đất này chính là việc sáp nhập Cần Giờ vào Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 29/12/1978. Có thể nói, đây là một dấu ấn sâu sắc của sự thay đổi mà người dân Cần Giờ nói riêng và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nói chung, không thể nào quên. Dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Thành ủy, Ủy ban Nhân dân và sự tiếp sức của Trung ương cùng người dân Thành phố cùng nhau bắt tay ngay vào công cuộc phục hồi và xây dựng một Cần Giờ mang vóc dáng mới, một tầm cao mới.

Đường Rừng Sác vào trung tâm huyện Cần Giờ được trải nhựa khang trang. Ảnh: P.LONG

Lúc này, phủ xanh rừng chính là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và cũng là nhiệm vụ được triển khai sớm nhất sau khi sáp nhập Cần Giờ vào Thành phố. Những trái đước từ đất Mũi Cà Mau được nhặt từng trái chở bằng đường biển về Cần Giờ cắm xuống vùng đất sình lầy lẫn lộn với bom pháo, nhú mầm xanh, kiên trì suốt hơn 30 năm, cây đước Cà Mau ngày càng đâm chồi xanh bạt ngàn thành khu rừng ngập mặn lớn nhất Việt Nam. Ngày 21/1/2000, Cần Giờ được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Bên cạnh đó, vào năm 1995, Cần Giờ được điện khí hóa và đến đầu năm 2015, điện lưới quốc gia đã kéo đến xã đảo Thạnh An với tuyến cáp dài 5.600m, đã làm thay đổi bộ mặt xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế Cần Giờ. Hàng năm, các xã  phối hợp với ngành điện rà soát, đầu tư phát triển lưới điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Thêm một dấu ấn tuyệt vời, có thể gọi là một kỷ lục của Cần Giờ và của Thành phố Hồ Chí Minh nữa, đó chính là việc khởi công làm con đường Rừng Sác nối liền Duyên Hải - Cần Giờ với trung tâm Thành phố. Việc hoàn thành tuyến đường Rừng Sác có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biển Đông và cửa ngõ Đông Nam thành phố. Tuyến đường Rừng Sác được xây dựng xong đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ ngành du lịch sinh thái và rút ngắn khoảng cách phát triển của huyện Cần Giờ với các quận huyện khác của Thành phố.

Đến Cần Giờ hôm nay không chỉ có ruộng muối tự nhiên mà còn có ruộng muối trải bạt trên 1.000 ha/1.500 ha, không chỉ có những vùng nuôi tôm tự nhiên mà còn có những vùng nuôi tôm thâm canh, tăng năng suất, cùng những ruộng nghêu, ốc rộng lớn… Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 6.500ha. Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác và nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị triển khai trên địa bàn giúp cho việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ngày càng có hiệu quả.

Đặc biệt, Cần Giờ đẩy mạnh và thu hút khách du lịch bởi các chương trình khám phá chiến trường xưa, thăm khu căn cứ Rừng Sác - nơi vang danh chiến tích của Đoàn 10 anh hùng; thăm các đảo có cuộc sống gắn với thiên nhiên trong lành. Cần Giờ còn hấp dẫn bởi các lễ hội Nghinh Ông, Vía Bà đặc sắc, các vùng cây ăn trái, các khu du lịch biển…

Nhắc đến Cần Giờ, người ta không chỉ nhắc đến một Cần Giờ anh hùng, đau thương, một Cần Giờ huyền thoại mà thay vào đó là một Cần Giờ tươi xanh với những hoạt động du lịch của hệ sinh thái rừng ngập mặn và những hệ thống giao thông, điện lưới được đầu tư hiện đại, là một Cần Giờ đang chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế - văn hóa - xã hội.

Hơn 40 năm, trải qua nhiều khó khăn, thăng trầm và thử thách, bằng công lao của nhân dân và sự nỗ lực của chính quyền, Cần Giờ đã có sự hồi sinh ngoạn mục, nay đã mang một vóc dáng mới, từ một vùng đất chết, vực dậy lấy lại vị thế vốn có của mình, trở thành một vùng đất đầy hứa hẹn trong tương lai.

Ngọc Huyền