Ngày đăng: 17-12-2018 Lượt xem: 3503
Ngày 29/12/1978, căn cứ theo Nghị định của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại kỳ họp thứ 4, khóa IV nhiệm kỳ 1976-1981, huyện Duyên Hải, tỉnh Đồng Nai được sáp nhập vào Thành phố Hồ Chí Minh - đây là bước ngoặt cực kỳ trọng đại, là dấu ấn sâu sắc mà người dân Duyên Hải - Cần Giờ nói riêng và nhân dân TP.HCM nói chung không thể nào quên.
Theo bản Kế hoạch Quy hoạch tổng thể 1986-2000 (1985) Cần Giờ được xác định: “Bảo vệ cửa ngõ phía Đông Nam của Thành phố, bảo vện đường tàu biển quốc tế đi vào cảng Sài Gòn và khu dầu khí Vũng Tàu. Cần Giờ là nơi cung cấp hàng xuất khẩu, thực phẩm, chất đốt và nguyên liệu cho công nghiệp của Thành phố, là địa bàn tiếp nhận giãn dân của Thành phố. Là mảnh đất có khí hậu, môi trường thiên nhiên trong lành, cảnh quan đặc sắc, kết hợp với truyền thống lịch sử của chiến khu Rừng Sác, góp phần làm phong phú, đa dạng loại hình du lịch của TP.HCM”.
Đi thuyền trong KDL Vàm Sát
Đảm bảo cân bằng phát triển kinh tế và môi trường
Nhắc đến Cần Giờ, người dân và du khách thường biết đến một nơi với hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, với di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác, với lễ hội Nghinh Ông đặc trưng của người dân vùng ven biển, có đường bờ biển dài, đặc sản địa phương tươi ngon được nuôi trồng, đánh bắt trực tiếp từ biển Cần Giờ, các làng nghề truyền thống của người dân như nghề muối, các mô hình nuôi trồng thủy hải sản, nuôi chim yến cũng khiến du khách thích thú thưởng thức và trải nghiệm.
Tuy nhiên, so với kinh tế, giá trị môi trường của Cần Giờ là không thể thay thế, tại đây, với nguồn thực vật đa dạng, phong phú, Cần Giờ không chỉ là nơi có thể cung cấp một danh sách về sinh vật tự nhiên cho nghiên cứu, tìm hiểu về môi trường mà hơn hết, đây là một vùng đất có chức năng là một “bộ lọc” đối với môi trường của chúng ta, “lá phổi xanh” quan trọng nhất ở chức năng bộ lọc đó. Một khi chức năng này bị suy giảm, giá trị cao nhất của Cần Giờ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mặt khác, Thành phố sẽ bị tác động một cách trực tiếp bởi điều này, không phải chỉ trong một vài năm, một thế hệ mà còn lâu dài hơn nhiều lần.
Đánh giá về quá trình phát triển huyện Cần Giờ, đồng chí Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết: “Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, diện tích rừng, hệ sinh thái rừng ngập mặn tại Cần Giờ đã được phục hồi, hệ động thực vật đa dạng, phong phú trước đây đã hồi phục gần như nguyên vẹn tại Cần Giờ, qua đó góp phần điều hòa khí hậu, hạn chế sạt lở, mở rộng diện tích đất bồi, hạn chế xâm nhập mặn và thiên tai, giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng cửa sông, ven biển, tạo điều kiện phát triển ngành thủy sản và môi trường sống cho các loài động vật khác; Nhiều đối tượng vật nuôi mới được nông dân áp dụng vào sản xuất như: tôm thẻ chân trắng, hàu, ốc hương… bên cạnh các đối tượng chủ lực là nhuyễn thể, tôm sú”.
Đặc biệt, trong quá trình định hướng và xây dựng, phát triển kinh tế tại Cần Giờ, Thành phố luôn đảm bảo tính cân bằng giữa phát triển và môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững. Điều đó không chỉ để giữ gìn cảnh quan, sinh thái của riêng Cần Giờ mà quan trọng hơn nữa là vì một “bộ lọc” và “lá chắn” tự nhiên của Thành phố trước những tác động tiêu cực về môi trường trong quá trình xây dựng và phát triển địa phương.
Đảo Thạnh An, điểm du lịch hấp dẫn ở Cần Giờ
Định hướng phát triển kinh tế biển gắn với an ninh quốc phòng
Cần Giờ là cửa ngõ biển duy nhất của Thành phố, có vị trí quan trọng trong thực hiện Chiến lược biển và lĩnh vực an ninh, quốc phòng, thời gian qua chính quyền và nhân dân Cần Giờ đã xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với giữ vững an ninh - quốc phòng theo Nghị quyết của Đảng bộ Huyện. Đặc biệt, bám sát Nghị quyết Chiến lược Biển tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với chủ trương đột phá: “Vùng biển và ven biển Đông Nam Bộ (Bà Rịa - Vũng Tàu - TP.HCM): Phát triển cảng biển container quốc tế, dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp hỗ trợ và các dịch vụ ngành dầu khí”.
Theo đó, để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, huyện Cần Giờ cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; xác lập cơ cấu đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất - kinh doanh; nâng cao chất lượng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng khai thác tiềm năng, thế mạnh về dịch vụ du lịch và thủy sản. Bên cạnh đó, việc huy động và sử dụng hợp lý các nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ để thúc đẩy phát triển kinh tế luôn được lãnh đạo huyện chú trọng; Nghiên cứu đề xuất chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế biển, làm giàu từ biển. Tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, gắn liền với đặc trưng của một huyện nông thôn mới của thành phố, xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch và sản phẩm đặc trưng mang màu sắc bản địa; đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp; triển khai dịch vụ bảo hiểm trong nông nghiệp.
Ngoài ra, nhằm thực hiện chiến lược kinh tế biển bền vững gắn với nhiệm vụ an ninh - quốc phòng; đồng thời thực hiện chủ trương của thành phố về đầu tư xây dựng huyện Cần Giờ trở thành đô thị biển, đô thị du lịch nghỉ dưỡng của Việt Nam và trong khu vực, huyện Cần Giờ cũng đã tập trung xây dựng chiến lược phát triển Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ mà cụ thể là đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn, bảo tồn các loài động vật hoang dã; xây dựng các biện pháp về chăm sóc rừng và tác động lâm sinh để nâng cao chất lượng rừng ngập mặn.
Song song đó là việc tích cực, chủ động khai thác mở rộng thị trường, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư. Phát triển nhanh mạng lưới phân phối, bán buôn và bán lẻ, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị để giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Đặc biệt, huyện cũng đã quan tâm nhiều hơn đến công tác giáo dục - đào tạo nhằm kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa trên cơ sở nghiên cứu “Văn hóa Biển” xây dựng phương thức tiếp cận trong các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của nhân dân gắn liền với những giá trị lịch sử, truyền thống anh hùng cách mạng với văn hóa đặc trưng của cư dân vùng biển.
Có thể nói, trải qua 40 năm trở thành một phần của TP.HCM, huyện Cần Giờ đã gắn kết với đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của Thành phố; điều đó cho thấy vai trò quan trọng của huyện về môi trường, kinh tế, an ninh. quốc phòng đối với Thành phố và là điểm đến không thể nào quên tại thành phố mang tên Bác.
Về nguồn gốc tên gọi Cần Giờ thì theo một câu chuyện kể rằng vào những năm giữa thế kỷ XVII, tàu lớn muốn vào cửa Cần Giờ thì phải đợi con nước thuỷ triều lên xuống, mà muốn đợi thì phải có “thì giờ”. Nhưng cũng có chuyện kể rằng: Năm xưa Nguyễn Ánh trên đường chạy trốn quân Tây Sơn đánh đuổi đã đến vùng đất Cần Giờ này. Ở đây người dân chài thường nhắm giờ theo hai chòm sao Nam Tào và Bắc Đẩu để ra khơi, trong khi đó Nguyễn Ánh cần có thời gian chính xác để họp hội. Vì thế ông đã tạo ra chiếc đồng hồ bằng cách dùng cái lu nước cùng kích cỡ và đục một lỗ nhỏ thoát nước, trên có gác một cái cần treo cây thước đã vạch sẵn những múi giờ rồi canh theo mực nước hạ xuống mà lấy mốc thời gian để hội họp. Sau này khi đã giành được quyền bính, lên ngôi vua lấy hiệu là Gia Long, ông đặt tên vùng đất này là Cần Giờ.
Hoàng Minh