Ngày đăng: 15-12-2018 Lượt xem: 3869
Cần Giờ được xem là vùng đất giàu tiềm năng, có thể khai thác để phục vụ cho sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh vì đây là cửa ngõ duy nhất của Thành phố có thể hướng ra biển. Tuy nhiên, do có đặc thù quan trọng về sinh thái, môi trường, Cần Giờ được xem là “lá phổi xanh” của Thành phố. Cho nên, trong việc lựa chọn cách thức phát triển Cần Giờ, các cấp chính quyền luôn phải đặt trọng tâm bảo vệ môi trường của vùng đất này.
Đảo Thạnh An. Ảnh: Zing
Vốn là vùng đất căn cứ quân sự tiền tiêu của chế độ cũ, chung quanh đồn bốt quân sự là những vùng dân cư nghèo, trong cuộc chiến tranh, Rừng Sác - Cần Giờ đã hứng chịu hơn bốn triệu gallons chất độc hóa học và chất độc da cam, làm 40.000 ha rừng ngập mặn bị hủy diệt hoàn toàn. Sau năm 1975, Cần Giờ chỉ có một tuyến đường bộ 13km nối liền hai xã Cần Thạnh - Long Hòa, các xã còn lại, đi lại hết sức khó khăn, chủ yếu bằng đường thủy, điện chỉ sử dụng máy phát diesel ở những cụm dân cư trung tâm các xã.
Thế nhưng, bốn mươi năm qua, Thành phố đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại Cần Giờ không ngừng phát triển: hệ thống giao thông nông thôn phát triển nhanh, xây dựng mới đường bộ ở các xã (ngoại trừ xã đảo Thạnh An), đường Rừng Sác với kết cấu nền đường cấp phối sỏi đỏ hoàn thành năm 1986 hiện đang được nâng cấp, mở rộng cho sáu làn xe. Cầu Dần Xây đã rút ngắn thời gian lưu thông, tạo nhiều thuận lợi cho huyện trong việc bảo đảm an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có việc khai thác tiềm năng về du lịch sinh thái. Lưới điện quốc gia được đưa về Cần Giờ năm 1990, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, các ngành nghề và phục vụ thường xuyên nhu cầu tiếp cận mọi mặt thông tin, sinh hoạt đời sống và hưởng thụ văn hóa cho hơn 90% số dân.
Là một vùng có nhiều tiềm năng, chiếm một phần ba diện tích toàn thành phố, những năm qua Thành phố đã xác định khâu đột phá đối với Cần Giờ là đầu tư mạnh, phát triển đồng bộ giao thông đường bộ đi trước một bước để thúc đẩy các lĩnh vực, các ngành kinh tế khác cùng phát triển. Từ đó góp phần chăm lo, cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn. Cụ thể, Thành phố đầu tư 600 tỉ đồng nâng cấp và mở rộng đường Rừng Sác dài 31km từ phà Bình Khánh đến Cần Giờ, đây là một dự án chủ chốt để đánh thức các tiềm năng của Cần Giờ. Khi có hệ thống giao thông thuận tiện Cần Giờ sẽ thu hút các nhà đầu tư về đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị đưa Cần Giờ vươn lên thành một đô thị sinh thái của thành phố.
Du khách thăm đảo khỉ
Do phần lớn diện tích đất Cần Giờ thuộc Khu dự trữ sinh quyển phải bảo vệ nghiệm ngặt nên Cần Giờ mạnh dạn lập dự án xây dựng khu đô thị lấn biển Cần Giờ rộng 600 ha, trong đó 400 ha là đô thị, 200 ha bãi biển. Kinh phí đầu tư cho dự án này khoảng 180 triệu USD. Kết hợp với khu dân cư hiện có hình thành một đô thị rộng 2.000 ha với 12.000 dân sinh sống. Một dự án lớn khác là dự án khu dân cư nhà vườn du lịch Phước Lộc do Công ty TNHH Phước Lộc đầu tư gần 600 tỷ đồng đã được triển khai xây dựng 490 biệt thự kiểu mẫu với diện tích xây dựng 35-40%, còn lại hơn 60% diện tích dành cho cây xanh, công viên, công trình công cộng… Với lợi thế hiện có như Khu dự trữ sinh quyển thế giới rộng 38.000 ha là lá phổi của thành phố, di tích lịch sử quốc gia Rừng Sác, bãi biển 30-4, khu du lịch Lâm viên có "vương quốc khỉ", khu du lịch Vàm Sát,... những dự án đầu tư hạ tầng đô thị - du lịch mới đang thúc Cần Giờ vươn vai tạo diện mạo mới thành một khu đô thị du lịch sinh thái của thành phố.
Bên cạnh đó, giá trị cảnh quan, môi trường của Cần Giờ rất lớn, thể hiện ở việc UNESCO đã đưa Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ trở thành một trong những khu dữ sinh quyển quan trọng, cần được gìn giữ của thế giới. Rõ ràng, nguồn lợi kinh tế từ “lá phổi xanh” luôn có và cần phải được khai thác để gắn tự nhiên với đời sống con người, cũng như gắn vùng đất Cần Giờ một cách hữu cơ với đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của Thành phố. Tuy nhiên, so với kinh tế, giá trị môi trường của Cần Giờ là không thể thay thế được; với nguồn thực vật đa dạng, phong phú, Cần Giờ không chỉ là nơi cung cấp danh sách về sinh vật tự nhiên cho nghiên cứu, tìm hiểu về môi trường mà hơn hết, đây là một vùng đất có chức năng là một “bộ lọc” đối với môi trường của chúng ta. Một khi chức năng này bị suy giảm, giá trị cao nhất của Cần Giờ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mặt khác, Thành phố sẽ bị tác động một cách trực tiếp bởi điều này, không phải chỉ trong một vài năm, một thế hệ mà còn lâu dài hơn nhiều lần.
Theo thông tin từ Sở Du lịch Thành phố, hiện đang có rất nhiều dự án đầu tư vào Cần Giờ đã được UBND TP.HCM xét duyệt như: xây dựng cầu Bình Khánh, dự án lấn biển Cần Giờ của Vingroup gần 2.870 ha, dự án của Tập đoàn Tuần Châu triển khai trên diện tích khoảng 300 ha tại vùng biển Cần Thạnh, dự kiến sẽ phát triển 2 khu du lịch cao cấp tại vùng biển Cần Giờ trong tương lai. Cùng với việc thu hút đầu tư thêm nhiều dự án du lịch, chính quyền thành phố sẽ tập trung phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch theo hướng khai thác tối đa tiềm năng của Cần Giờ với sản phẩm đặc thù như thưởng thức hải sản tại chỗ, du thuyền, tham quan đảo khỉ, khu nuôi yến, rừng ngập mặn... Đồng thời sẽ tạo điều kiện đưa khách từ trung tâm thành phố đến Cần Giờ thông qua các tuyến xe miễn phí, đầu tư thêm cầu, phà riêng cho khách du lịch, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư thêm trạm dừng chân... Đây sẽ là điều kiện thuận lợi và tạo động lực cho sự phát triển đi lên của du lịch Cần Giờ nói chung và Di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác nói riêng. Hứa hẹn nơi đây trong tương lai sẽ trở thành địa điểm thư giãn, vui chơi cuối tuần, tìm hiểu văn hóa - lịch sử hấp dẫn của Thành phố Hồ Chí Minh./.
Hoàng Minh