Ngày đăng: 29-01-2021 Lượt xem: 1077
1. Kiên quyết và mềm dẻo trong đối nội, đối ngoại để tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 27/8/1945, Uỷ ban dân tộc giải phóng đã cải tổ, mở rộng thành Chính phủ lâm thời. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhận thức rõ tầm quan trọng của Tổng tuyển cử, ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Người khẳng định: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ lâm thời tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu”[1].
Nhấn mạnh yêu cầu cần thiết và nêu rõ cơ sở pháp lý để có thể tổ chức cuộc Tổng tuyển cử đó, Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 14/SL ngày 8/9/1945, gồm 7 điều quy định rõ thời hạn tổ chức Tổng tuyển cử; đối tượng được tham gia bầu cử và ứng cử; lập Uỷ ban dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử và dự thảo một bản Hiến pháp đệ trình Quốc hội; đồng thời, nêu rõ: “Xét rằng nhân dân Việt Nam do Quốc dân đại hội thay mặt là quyền lực tối cao để ấn định cho nước Việt Nam một Hiến pháp dân chủ cộng hoà. Xét rằng trong tình thế hiện giờ sự triệu tập Quốc dân đại hội không những có thể thực hiện được mà lại rất cần thiết để cho toàn dân tham gia vào công cuộc củng cố nền độc lập và chống nạn ngoại xâm”[2].
Tiếp theo đó, Sắc lệnh số 34/SL ngày 20/9/1945 về thành lập Uỷ ban dự thảo về Hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu; Sắc lệnh số 39/SL ngày 26/9/1945 về thành lập Uỷ ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử gồm 9 người; Sắc lệnh số 51/SL ngày 17/10/1945 quy định rõ thể lệ Tổng tuyển cử phải được thực hiện theo đường lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bí mật; Sắc lệnh số 71/SL ngày 2/12/1945 bổ khuyết điều 11 chương V của SL/51 nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho những người ứng cử vào Quốc hội… của Chính phủ lâm thời đã được ban hành nhằm chuẩn bị tích cực cho ngày Tổng tuyển cử như dự định là 23/12/1945. Sau đó, để tạo điều kiện cho việc chuẩn bị Tổng tuyển cử chu đáo hơn, đồng thời giúp cho các ứng cử viên có nhiều thời gian nộp đơn và vận động tranh cử, ngày 18/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh hoãn Tổng tuyển cử đến ngày 6/1/1946.
Có thể thấy rằng, trong tình thế đặc biệt khó khăn bởi sự chống phá điên cuồng của các lực lượng đối lập, phản động (Việt Quốc, Việt Cách và các tổ chức đảng phái tay sai thân Nhật…); bởi nền kinh tế nghèo nàn, kiệt quệ, nạn đói đe doạ nghiêm trọng, bởi hơn 90% dân số là mũ chữ và kho bạc gần như trống rỗng và bởi nạn ngoại xâm đang đe dọa (miền Nam là quân Pháp và quân Anh, miền Bắc là quân Tưởng và quân Mỹ)… thì những sắc lệnh nêu trên là việc làm thiết thực của Chính phủ lâm thời, góp phần quan trọng, đảm bảo chu đáo, thành công cho cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.
Xác định rõ, quá trình chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên cũng là quá trình đấu tranh chính trị, đấu tranh dân tộc quyết liệt của Đảng và nhân dân ta với những hành động phá hoại, chống phá của các thế lực phản động, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng (đã rút vào hoạt động bí mật) vừa thực hiện sách lược mềm dẻo, nhân nhượng có nguyên tắc và hoà giải để có thể tiến tới tổ chức Tổng tuyển cử trong cả nước, vừa vạch trần những luận điệu phản động của kẻ địch, định hướng cho dư luận thông qua các bài viết đăng trên báo Cứu quốc, Sự thật, Quốc hội… Từ đó, cổ vũ nhân dân tích cực tham gia Tổng tuyển cử và khẳng định đây là một “dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”[3].
Thực hiện chủ trương thống nhất và hoà giải, để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, trên tinh thành đoàn kết, đình chỉ công kích và hợp tác lẫn nhau, ủng hộ Tổng tuyển cử và kháng chiến, ngày 24/2/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại diện của tổ chức Việt Quốc, Việt Cách đã ký bản Biện pháp đoàn kết gồm 14 điều chính và 4 điều phụ; trong đó, nhấn mạnh nội dung: Độc lập trên hết, kêu gọi đoàn kết, đình chỉ đăng báo công kích lẫn nhau bằng lời nói và hành động. Tiếp đó, vì đại cục và nhằm cô lập, hạn chế sự chống phá của các thế lực phản động, ngày 1/1/1946, Chính phủ lâm thời tự cải tổ thành Chính phủ liên hiệp lâm thời, có thêm thành phần của Việt Quốc và Việt Cách. Chính phủ liên hiệp lâm thời gồm 18 thành viên do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch kiêm Ngoại giao đã tuyên bố chính sách của Chính phủ; trong đó, nội dung đối nội là “làm sao cho cuộc toàn dân tuyển cử được thành công mỹ mãn và chuẩn bị sẵn sàng việc khai Quốc hội”[4].
Dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng Cộng sản, Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương về Kháng chiến Kiến quốc ngày 25/11/1945 đã nêu chủ trương để những đảng viên cộng sản hay người của Mặt trận Việt Minh “không dùng danh nghĩa đoàn thể mình ra ứng cử để chứng tỏ mình không giành giật ảnh hưởng hay thế lực đảng phái mà chỉ có mục đích cứu nước, và mình trúng cử là vì mình được quốc dân yêu chuộng và tin cậy”[5]. Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh, đáp lại sự tin cậy, kính yêu của 118 vị Chủ tịch các Uỷ ban nhân dân và tất cả các giới đại biểu làng xã yêu cầu Người miễn phải ứng cử và suy tôn Người làm Chủ tịch vĩnh viễn nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã nói “Tôi rất cảm động được đồng bào quá yêu mà đề nghị tôi không phải ra ứng cử… Nhưng tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của cuộc Tổng tuyển cử đã định”. Ngày 26/12/1945, trả lời phóng viên các báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích rõ hơn lý do vì sao Người không thể không thực hiện quyền công dân, không qua bầu cử mà trở thành người lãnh đạo nhà nước. Khi được hỏi “Thế sao Cụ không tự chỉ định Cụ ra làm Chủ tịch Việt Nam, Cụ còn phải ra ứng cử lôi thôi?", Người đã trả lời rằng: “Vì tôi không muốn làm Vua Lui thập tứ”[6].
Ngày 3/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp của Chính phủ liên hiệp lâm thời, kiểm tra lần cuối cùng những công việc của Tổng tuyển cử. Ngày 5/1/1946, Người ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của người dân một nước độc lập trên tinh thần "về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn"[7]; đồng thời khẳng định: "Ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình… Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước”[8].
Ngày 6/1/1946 báo Quốc hội - Nhật báo ra trong thời kỳ Tổng tuyển cử xuất bản số đặc biệt đã trân trọng in ở trang đầu ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và bút tích Lời kêu gọi của Người: “Khuyên đồng bào nam nữ 18 tuổi trở lên hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu, để bầu những người đại biểu xứng đáng vào Quốc hội đầu tiên của nước ta”[9].
2. Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 - Bước nhảy vọt về thể chế dân chủ ở Việt Nam
Ngày 6/1/1946, bất chấp bom đạn và sự chống phá của kẻ thù, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập bầu Quốc hội khoá I đã diễn ra đúng kế hoạch và giành thắng lợi trên phạm vi cả nước.
Tại Hà Nội, hàng chục vạn cử tri đã đi bỏ phiếu. Trong cuộc bầu cử ở Hà Nội, đã có 172.765 trong tổng số 187.880, tức 91,95% cử tri của cả 74 khu phố nội thành và 118 làng ngoại thành đã đi bỏ phiếu. Sáu trong tổng số 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Người trúng cử thấp phiếu nhất là 52,5%, người đạt phiếu cao nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh được 169.222 phiếu, tức 98,4%.
Ở các địa phương khác, mặc dù một số địa phương phải đối phó với âm mưu phá hoại tinh vi, trắng trợn của kẻ thù, nhưng nói chung tổng tuyển cử ở miền Bắc diễn ra an toàn. Hải Phòng có tới 96% cử tri đi bỏ phiếu. Ở miền Nam, nhất là Nam Bộ, dưới bom đạn ác liệt của kẻ thù, không có nơi bỏ phiếu cố định, thậm chí ngay tại bệnh viện hoặc trên trận tuyến... Tổng tuyển cử vẫn thu được kết quả tốt đẹp. Nhiều tỉnh còn đạt số cử tri đi bỏ phiếu rất cao, như Sa Đéc đạt 93,54%, Bạc Liêu đạt 90,97%. Tại Tây Nguyên, thực dân Pháp dùng máy bay ném bom lửa xuống ba làng để khủng bố dân chúng, song Tổng tuyển cử vẫn được tiến hành theo kế hoạch...
Vậy là, ba tháng sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với tinh thần yêu nước và ý chí, quyết tâm của người dân một nước độc lập, tự do sau hơn 80 năm trời nô lệ, tại 71 tỉnh thành của cả nước đã có 89% số cử chi đi bỏ phiếu (có nơi đạt 95%) để bầu 333 đại biểu vào Quốc hội khóa I. Quốc hội khóa I có 403 đại biểu, gồm 333 đại biểu được nhân dân bầu chính thức và 70 đại biểu không qua bầu cử (20 đại biểu của Việt Cách/Việt Nam cách mệnh đồng minh hội và 50 đại biểu thuộc Việt Quốc/Việt Nam Quốc dân Đảng). Trong số đại biểu được bầu, có 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu là phụ nữ và 34 đại biểu các dân tộc thiểu số. Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng cử và bầu cử ở Hà Nội; Người được 169.222 phiếu bầu tức 98,4%.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử phát triển của thể chế chính trị ở Việt Nam. Dù phải trải qua bao vất vả, khó khăn và đã phải đổ máu, song đây là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, nhân dân Việt Nam đã thực hiện thắng lợi quyền công dân của mình để bầu ra cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước.
Ngày 3/2/1946, trong diễn văn khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá I, diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cuộc quốc dân đại biểu đại hội này là lần đầu tiên trong lịch sử của nước Việt Nam ta. Đó là kết quả của sự hy sinh tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể, đồng bào không kể già trẻ, lớn bé gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành khối hy sinh không sợ hiểm nguy tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”[10].
Có thể nói, từ Quốc dân Đại hội Tân Trào (16, 17/8/1945) đến Tổng tuyển cử (6/1/1946) bầu Quốc hội khoá I là khoảng thời gian không dài, song vô cùng khó khăn, phức tạp và đầy biến động. Trong khoảng thời gian đó, bằng sự nhạy cảm chính trị, bằng những quyết sách đúng đắn và sự cố gắng hết mình của Trung ương Đảng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã làm được những việc chưa từng có trong lịch sử các dân tộc thuộc địa - Đó là giành chính quyền, tuyên bố độc lập và tiến hành Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu để bầu Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử với sự ra đời của Quốc hội khoá I đã khẳng định sự kiên định, nhất quán trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc xác lập chính quyền nhà nước thuộc về nhân dân, do nhân dân bầu ra, vì nhân dân mà phục vụ; đồng thời để lại bài học quý về niềm tin sâu sắc của Người và Đảng ta vào tinh thần yêu nước, ý thức chính trị của nhân dân trước vận mệnh của nước nhà. Thắng lợi đó cũng cho thấy:
Một là, xác định rõ việc xúc tiến để tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I là một cuộc đấu tranh chính trị quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta một mặt chủ động tạo cơ sở pháp lý cho cuộc bầu cử (thông qua các sắc lệnh của Chính phủ lâm thời) và tiến hành các biện pháp về đối nội, đối ngoại; mặt khác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bầu cử, ý nghĩa của bầu cử để định hướng dư luận, phân hóa kẻ thù, cổ vũ nhân dân tích cực tham gia Tổng tuyển cử. Trong bối cảnh đầy khó khăn, thử thách, ở vào tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" giữa thù trong và giặc ngoài, việc quyết định tiến hành cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 là bước đi đầu tiên, quan trọng và cần thiết của nước Việt Nam độc lập; là hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Thông qua sự kiện trọng đại này, khẳng định rằng "người Việt Nam không những chỉ có khả năng tự trị, mà còn biết tự tổ chức một cách dân chủ nữa”[11].
Hai là, Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I được tổ chức theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu; trong đó, mọi người dân Việt Nam "muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử" và "dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước" như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong các bài viết đăng trên báo Cứu quốc ngày 31/12/1945 và ngày 5/1/1946 là minh chứng sinh động nhất của việc thực thi dân chủ ở Việt Nam. Thông qua cuộc Tổng tuyển cử, các tầng lớp nhân dân thể hiện quyền làm chủ/là chủ của mình khi dùng lá phiếu cử tri/"lá phiếu của tự do, giành được từ cuộc đấu tranh lâu dài bằng biết bao máu và nước mắt. Cho tới ngày hôm qua, vì những lá phiếu này máu vẫn còn phải đổ. Bốn mươi hai cán bộ đã hy sinh tại miền Nam, trong công tác vận động Tổng tuyển cử"[12] để quyết định xây dựng nhà nước của mình.
Ba là, Quốc hội khóa I không chỉ thể hiện tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc thông qua thành phần, cơ cấu… mà còn là kết quả sự gắn bó mật thiết và niềm tin son sắt của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính quyền cách mạng non trẻ. Kết quả của cuộc Tổng tuyển cử còn là sự biểu thị khát vọng dân chủ của nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trước vận mệnh của nước nhà. Sức mạnh ấy đã đập tan âm mưu đen tối của các thế lực phản động; đã khẳng định tính chính nghĩa của cách mạng và sự sáng suốt chính trị của nhân dân. Thời gian càng lùi xa, càng khẳng định rằng, lòng dân là quốc bảo của đất nước. Có dân và sự tin tưởng của dân; có dân và thành lũy lòng dân trung kiên ủng hộ Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thì việc gì cũng thành công./.
TS. Văn Thị Thanh Mai
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr. 7
[2] Việt Nam dân quốc công báo, ngày 29/9/1945
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.153
[4] Báo Cứu quốc, ngày 10/11/1945
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.8, tr.33
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr. 146
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr. 166
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr. 166
[9] Tài liệu lưu Bảo tàng Hồ Chí Minh
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr. 216
[11] Báo La république, số 4, ngày 28/10/1945
[12]Võ Nguyên Giáp: Những năm tháng không thể nào quên, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1977, tr.114