flag header

Tin tứcTin tức

90 năm Mặt trận dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng (Bài 1)

Ngày đăng: 16-11-2020 Lượt xem: 1714

Trong mỗi thời kỳ, Mặt trận dân tộc thống nhất (Mặt trận) lại có tên gọi khác nhau phù hợp điều kiện và hoàn cảnh lịch sử, song dù mang tên nào thì Mặt trận và nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng luôn bám sát nhiệm vụ chính trị;  phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

1. Phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất

Thấu hiểu sâu sắc rằng, nhân dân Việt Nam có truyền thống yêu nước, có tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng và truyền thống ấy, tinh thần ấy luôn được củng cố, đắp bồi trong suốt hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng, ở Việt Nam, “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”[1] và thậm chí đó là “là động lực vĩ đại và duy nhất”; đồng thời, chỉ rõ: “Cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”[2]. Vì thế, để làm tròn nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó, Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiền phong của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam cần phải tập hợp, quy tụ, vận động và tổ chức các tầng lớp nhân dân trong một tổ chức - một hình thức Mặt trận dân tộc thống nhất, rộng rãi để thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chương trình của Mặt trận Việt Minh, tháng 5/1941.

(Ảnh chụp hiện vật Bảo tàng lịch sử quốc gia).

Sau gần 30 hoạt động ở nước ngoài, năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước. Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8(5/1941), Người cùng Trung ương Đảng quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng: đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu; tạm gác khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của địa chủ và chủ trương thành lập một Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập trung vào nhiệm vụ chống đế quốc, giành độc lập dân tộc…

Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh được thành lập ngày 19/5/1941(gọi tắt là Việt Minh), nhằm tập hợp, cổ vũ và động viên quần chúng nhân dân trong hành trình đấu tranh vì độc lập, tự do. Đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của tuyệt đại đa số các tầng lớp nhân dân, Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ của Mặt trận Việt Minh nêu rõ: “Chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc giải phóng và sinh tồn”[3]; đồng thời, kêu gọi “đồng bào ta hãy tìm các đoàn thể cứu quốc của Việt Minh mà gia nhập cho mau. Các bạn trẻ hãy thống nhất lại trong”Thanh niên cứu quốc đoàn”…Anh chị em thợ thuyền và dân cày hãy vào “Công nhân cứu quốc hội” và “Nông dân cứu quốc hội”. Các bậc trí thức văn nhân hãy đoàn kết thành “Văn hóa cứu quốc hội”[4]… để “cốt thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước: 1. Làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập; 2. Làm cho dân Việt Nam sung sướng, tự do”[5].

Có sức mạnh hiệu triệu, đánh thức tinh thần dân tộc của toàn dân nhằm mục tiêu đánh Pháp, đuổi Nhật để dựng lên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Việt Minh thực sự là bước phát triển cao hơn, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hơn và khắc phục được tình trạng thiếu một bề sâu cần thiết, thiếu sự tham gia của nhiều đảng phái trong nước so với các hình thức mặt trận đã được thành lập trước đó như Hội Phản đế đồng minh (18/11/1930); Hội Phản đế liên minh (3/1935); Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế (6/1936); Mặt trận dân chủ thống nhất (3/1938); Mặt trận thống nhất phản đế Đông Dương (11/1939) và Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế (cuối năm 1940).

Các đ/c Ủy viên Ủy ban Liên Việt toàn quốc chụp ảnh kỷ niệm với các

đại biểu dự Đại hội trước cửa hội trường.

(Ảnh tư liệu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Tư tưởng độc lập, tự do và chiến lược đại đoàn kết dân tộc trong Mặt trận Việt Minh do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo đã hấp dẫn, quy tụ được các giai tầng trong xã hội trên tinh thần không có sự phân biệt giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, đảng phái… Từ những tổ chức thí điểm của Mặt trận Việt Minh đầu tiên ở Hà Quảng (Cao Bằng) năm 1941, Việt Minh phát triển nhanh và lan rộng trong toàn quốc. Cùng với đó, các đoàn thể Hội Nông dân cứu quốc, Hội Công nhân cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Hội Thanh niên cứu quốc… cũng được thành lập và phát triển nhanh chóng trong các nhà máy, xí nghiệp, trường học; ở khắp các tỉnh, thành phố… 

Với Mặt trận Việt Minh, chỉ có một khối toàn dân đoàn kết, thống nhất và sức mạnh của lòng yêu nước, khát khao độc lập, tự do, tinh thần dân tộc, đoàn kết muôn người như một được khơi dậy mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng lên cao, sôi nổi và đều khắp trong cả nước. Với Mặt trận Việt Minh, khi thời cơ cách mạng đã chín muồi, ngày 14/8/1945 Tổng bộ Việt Minh đã kêu gọi: “Giờ Tổng khởi nghĩa đã đánh! Dân tộc ta đến lúc vùng dậy cướp lại quyền độc lập của mình! Trước cơ hội có một không hai ấy, toàn thể dân tộc ta phải đem hết lực lượng, dùng hết can đảm, bao quanh đạo quân Giải phóng quân Việt Nam, tung xương máu ra đánh đuổi giặc Nhật, đòi lấy tự do, hạnh phúc cho nhân dân …Thắng lợi nhất định về ta”[6].

Sức mạnh nội sinh từ khối toàn dân đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945; đã “đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa” như Tuyên ngôn độc lập Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2/9/1945; đã khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

TS. Văn Thị Thanh Mai


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia –Sự thật, Hà Nội, 2011, t.1, tr.511

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia –Sự thật, Hà Nội, 2011, t.2, tr.283

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.461

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.462

[5]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.470

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.558