flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

90 năm Mặt trận dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng (Bài 2)

Ngày đăng: 18-11-2020 Lượt xem: 778

Tiếp tục để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là nơi quy tụ và phát huy vai trò của mỗi người dân Việt Nam yêu nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

75 năm trôi qua kể từ thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945,  bài học về việc xây dựng, củng cố và lãnh đạo Mặt trận, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của cả dân tộc; giữ vững nguyên tắc, không lơ là cảnh giác cách mạng, nhưng chân thành, cởi mở trong hợp tác và liên kết; với các hình thức vận động, tập hợp và quy tụ quần chúng phù hợp, hoạt động hiệu quả của Mặt trận Việt Minh đã được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Trong bối cảnh đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, những bài học này tiếp tục được kế thừa để xây dựng, củng cố và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng; cụ thể:

 Một là, trong  công tác Mặt trận, Đảng Cộng sản Việt Nam phải luôn là hạt nhân lãnh đạo bằng cách đề ra đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng và lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân.  Đảng phải là đạo đức, là văn minh và là “một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất” để không chỉ giữ vững đường lối chính trị, mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng mà còn phải chủ động phòng và chống mọi khuynh hướng hạ thấp vai trò của Đảng, đòi chia quyền lãnh đạo trong Mặt trận, xa rời phương hướng, mục tiêu chiến lược của cách mạng. Đồng thời, Đảng phải tôn trọng tính độc lập về tổ chức và hoạt động sáng tạo của Mặt trận; lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận đối với sự lãnh đạo của Đảng, với mỗi cán bộ, đảng viên; phải chú trọng xây dựng và củng cố khối liên minh công - nông - trí vững mạnh làm nền tảng của Mặt trận.

Trong công tác Mặt trận, sự quan tâm lãnh đạo của các cấp uỷ, sự chủ động phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền các cấp để Mặt trận và các đoàn thể chính trị -xã hội hoạt động có hiệu quả là rất quan trọng. Do đó, sự quan tâm lãnh đạo của mỗi cấp ủy đến việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận, đoàn thể và quy chế phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận và các đoàn thể trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… của đất nước, địa phương và cơ sở sẽ góp phần để Mặt trận hoạt động hiệu quả, phát huy được vị thế, vai trò của mình.

Hai là, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “đoàn kết làm ra sức mạnh”, “đoàn kết là thắng lợi”… cho nên, trong Mặt trận, đoàn kết phải luôn là một vấn đề chiến lược chứ không phải là sách lược hay thủ đoạn chính trị. Phải luôn coi kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là lợi ích cơ bản, lâu dài, phù hợp với nguyện vọng của tuyệt đại bộ phận nhân dân và thực hiện “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng”[1] để tập hợp rộng rãi tất cả các giai cấp, dân tộc, tôn giáo, tầng lớp và các cá nhân yêu nước.

Trong xu thế toàn cầu hóa, Việt Nam đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục “đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[2]. Đồng thời, trong mọi mặt công tác, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phải chú trọng phòng và tránh khuynh hướng cô độc, hẹp hòi, coi nhẹ tranh thủ các lực lượng có thể tranh thủ, hoặc đoàn kết một chiều, không đấu tranh với những tư tưởng, việc làm sai trái của các thành viên trong Mặt trận.

Ba là, là một trong những lực lượng to lớn của cách mạng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chính sách Mặt trận rất quan trọng đối với sự phát triển phồn vinh và hạnh phúc của dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam, cho nên Mặt trận phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân và phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo, mọi nguồn lực của nhân dân để nhân nguồn sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo đó, Mặt trận không chỉ phải chú trọng chăm lo xây dựng và củng cố khối liên minh công - nông - trí làm nền tảng; quan tâm để không bỏ sót ai, không coi nhẹ một ai, không để ai ở lại phía sau nhằm tập hợp, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà còn phải “đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Tổ chức thực hiện tốt Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”[3]; đồng thời, khơi dậy khát vọng phát triển dân tộc, phát huy ý chí của tất cả mọi người dân Việt Nam để phát triển, xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm từ 2021 - 2030 như Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu.

Bốn là, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…; chăm lo nhu cầu, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân, công tác tuyên truyền phải chú trọng vào việc nâng cao tính tự giác và gắn bó của quần chúng với việc xây dựng tổ chức Mặt trận và các đoàn thể vững mạnh; tiến hành có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Đồng thời, chú trọng xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội với hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm từng đối tượng vận động. Bởi rằng, các hình thức tổ chức quần chúng, các phong trào thi đua, các cuộc vận động cách mạng chỉ có sức sống khi quần chúng cần đến nó, chứ không thể khiên cưỡng, áp đặt, bởi mọi sự sao chép cứng nhắc, dập khuôn máy móc hay quan liêu đều không được lòng dân, không được nhân dân đồng tình, ủng hộ. 

Năm là, Đảng phải bồi dưỡng và giới thiệu những cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức, có tín nhiệm trong các tầng lớp nhân dân, có năng lực chuyên môn làm công tác Mặt trận, để Mặt trận chọn cử theo đúng Điều lệ. Những cán bộ, đảng viên làm công tác Mặt trận phải là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; luôn rèn luyện và giữ gìn đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; nói đi đôi với làm, gương mẫu về mọi mặt và nhất là phải tận tâm tận sức phục vụ nhân dân, được nhân dân yêu mến, tin tưởng. Đó phải là những người luôn bám sát địa bàn cơ sở, hiểu rõ cơ sở, nắm vững tâm tư, nguyện vọng và bức xức của mỗi người dân trên địa bàn cơ sở, để tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo sự đồng tâm, đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trong công tác Mặt trận, cần coi trọng việc kết hợp và phát huy hiệu quả đội ngũ cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách và cộng tác viên; đồng thời, quan tâm việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Mặt trận và các đoàn thể có phẩm chất, năng lực và kỹ năng vận động quần chúng, nhất là những người trưởng thành từ trong phong trào quần chúng.

90 năm xây dựng và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, có thể nói, dù được gọi với tên nào như trước khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công hay Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Mặt trận Liên Việt) trong kháng chiến chống Pháp; Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình ở Việt Nam (thành lập ở miền Nam) trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay…, thì chỉ khi Mặt trận thực sự là nơi tập hợp, động viên hết thảy mọi người dân tích cực tham gia vào sự nghiệp cách mạng; được quy tụ, đoàn kết trên cơ sở chương trình hành động chung; các giai tầng trong Mặt trận đều thống nhất về lợi ích chung của dân tộc, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa đoàn kết và đấu tranh để phát huy cao nhất vai trò của các thành viên, thì Mặt trận mới phát huy được vai trò và sức mạnh “tiềm tàng” của mình./.

TS Văn Thị Thanh Mai

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.158

[2]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.166

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.170