flag header

Tin tứcTin tức

An sinh xã hội góp phần ổn định xã hội tại Thành phố mang tên Bác

Ngày đăng: 30-10-2021 Lượt xem: 946

1. Càng khó khăn thử thách càng nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội

 Thực hiện an sinh xã hội, góp phần đảm bảo thu nhập và đời sống của  công dân khi không may gặp phải những rủi ro, biến cố xã hội dẫn đến ngừng hoặc giảm thu nhập… là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đối diện với đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2019, nhất là với làn sóng dịch thứ 4 cùng tác động khôn lường của biến thể Delta, có thể thấy, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của chủng virut này, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã hiện thực hóa quan điểm lấy con người là trung tâm và "không để ai bị bỏ lại phía sau" để không chỉ kịp thời đề ra chủ trương, biện pháp cụ thể, coi “chống dịch như chống giặc” và đặt “tính mạng và sức khỏe của nhân dân là trên hết và trước hết” mà còn nỗ lực phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trên tinh thần "lá lành đùm lá rách" và "cùng chia sẻ yêu thương" để từng bước khắc phục mọi khó khăn của đại dịch Covid-19.

Đồng chí Tô Thị Bích Châu - Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM - thăm hỏi, tặng quà người dân quận Phú Nhuận, TP HCM có hoàn cảnh khó khăn

Trong đại dịch Covid-19, cán bộ ngành Y tế, Công an, Bộ đội đã tham gia chống dịch, chấp nhận rủi ro, tận tâm cứu chữa, giành giật sự sống của người dân khỏi tay tử thần. Riêng trong đợt dịch lần thứ 4 này, đã có hàng nghìn cán bộ, nhân viên y tế, học viên ngành Y ở miền Bắc, miền Trung tham gia chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Trong đó, đến hết tháng 8/2021, đã có hơn 2.300 cán bộ y tế bị nhiễm bệnh, trong đó có 3 người đã tử vong vì Covid-19. Trong đại dịch Covid-19, sự vào cuộc của hệ thống chính trị các cấp, của nhân dân cả nước hướng về vùng dịch, chi viện tinh thần và vật chất cho nhân dân vùng dịch; việc các bộ, ngành và các địa phương đã phối hợp, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm cho người dân; đồng thời, chuyển những suất ăn miễn phí chuyển đến tận tay người dân trong vùng giãn cách, phong tỏa là không thể phủ nhận… Cùng với đó, sự tận tâm của các đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Y, chiến sĩ Công an, Bộ đội ngày đêm truy vết F0, mua đồ hộ và chuyển đến tận tay người dân trong vùng cách ly cùng việc áp dụng công nghệ thông tin trong khai báo y tế, đăng ký khám chữa bệnh, tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân miễn phí; phát túi thuốc an sinh cho bệnh nhân F0 trong đại dịch... chính là những minh chứng sinh động nhất của việc thực hiện an sinh xã hội ở Việt Nam.

 Xác định công tác đảm bảo an sinh xã hội là trọng yếu, 19 tỉnh, thành phố phía Nam khi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch để hỗ trợ cho người dân; đồng thời, bổ sung các nhóm đối tượng với các chính sách phù hợp điều kiện của từng địa phương (người bán vé số, xe ôm truyền thống, buôn bán hàng rong, làm việc trong các cơ sở kinh doanh không có hợp đồng lao động…). Cùng với đó, một trong những nỗ lực đáng ghi nhận trong thời gian các địa phương ở miền Nam thực hiện giãn cách là việc hỗ trợ người dân theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ (chiếm 72,5% kinh phí so với cả nước); cố gắng cung cấp lương thực, thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu đến người dân, gia đình, những người lang thang, cơ nhỡ trong khu vực giãn cách xã hội. Đặc biệt, trong đợt dịch lần thứ 4 này, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ đã đổi mới trong cách làm, giúp cho tiền hỗ trợ đến được những hộ chính sách, hộ nghèo, người lao động bị chấm dứt hợp đồng, gặp khó khăn trong giai đoạn cách ly xã hội…

Tính đến ngày 21/9/2021, tổng kinh phí đã hỗ trợ cho công tác an sinh xã hội là gần 13,8 nghìn tỷ đồng cho gần 17,6 triệu đối tượng; trong đó, có 11,4 nghìn tỷ đồng được chi cho 23 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh. Cụ thể, đã xuất cấp 136.349,6 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho hơn 2,4 triệu hộ gia đình với gần 9,1 triệu nhân khẩu gặp khó khăn do dịch trên địa bàn 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã chi hơn 5.446 tỷ đồng (chiếm 40% toàn quốc) hỗ trợ hơn 4,81 triệu đối tượng (chiếm 27,3% toàn quốc) và trao 1,8 triệu túi an sinh xã hội cho người dân...

Có thể nói, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ,  sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế đã giúp Việt Nam đi qua ba đợt bùng phát dịch Covid-19; đồng thời, nỗ lực dập dịch, ngăn chặn rủi ro cao trong đợt bùng phát dịch thứ 4 ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Hà Nội và một số địa phương khác. Những "con số biết nói" này đã góp phần từng bước đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường, để vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa chăm lo ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nói chung, ở vùng dịch lây lan mạnh trong làn sóng thứ 4 nói riêng. Đó cũng chính là một trong những bằng chứng để phản bác lại luận điệu phản động của các thế lực thù địch khi lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, nhất là việc thực hiện an sinh xã hội trong đại dịch Covid-19 để chống phá Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực trong từng quyết sách để thực hiện an sinh xã hội cho người dân

Khi làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 đã đi qua đỉnh, từng bước được ngăn chặn và kiểm soát cũng là lúc cả nước phải đối diện với thực trạng sản xuất, kinh doanh đình trệ dẫn đến có doanh nghiệp phá sản, hoặc ngừng sản xuất và đi liền cùng đó là nguồn nhân lực lao động phải nghỉ việc/nghỉ giãn việc/làm việc cầm chừng gặp nhiều khó khăn trong đời sống. Cuộc sống mưu sinh của người dân vốn vất vả lại càng khốn khó hơn khi tình trạng không có việc làm, giảm thu nhập trở nên phổ biến; trong khi đó, các nhóm đối tượng yếu thế, người lao động trong khu vực phi chính thức lại phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao hơn… Trước tình hình đó, việc thực hiện an sinh xã hội kịp thời, đảm bảo để "không một ai bị bỏ lại phía sau" sẽ không chỉ góp phần hỗ trợ, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định đời sống và an toàn cho người lao động mà còn thiết thực làm cho mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế- xã hội được triển khai trong thực tế trên địa bàn cả nước.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM Trần Thế Thuận trao bảng tượng trưng cho Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Anh Tứ

Là một địa phương nằm trong vùng tâm dịch, đối mặt với đợt dịch  thứ 4 này, có thể nói tại Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng thất nghiệp đã khiến cuộc sống của người lao động gặp nhiều khó khăn, nhất là với những người người lao động di cư (khiến họ buộc phải rời thành phố và các khu công nghiệp về quê để tránh dịch)… Thực trạng này không chỉ đặt ra cho các cấp chính quyền của Thành phố khi phải triển khai đúng đối tượng, hiệu quả nhiều gói an sinh xã hội để hỗ trợ mà còn cần phải khẩn trương tiếp nhận nguồn lực từ ngân sách, từ sự hỗ trợ của các tỉnh/thành trong cả nước và các tầng lớp nhân dân để đảm bảo an sinh xã hội được tốt nhất.

Thực tế là, cả hệ thống chính trị của Thành phố Hồ Chí Minh đã cùng vào cuộc để không chỉ huy động được nhiều nguồn lực từ ngân sách, từ các ban ngành, đoàn thể, các mạnh thường quân (doanh nghiệp, cá nhân), các tỉnh thành khác và nguồn ngân sách dự trữ để nhằm chia sẻ cùng người dân gặp khó khăn trong đại dịch, mà còn triển khai 3 đợt hỗ trợ thiết thực.

- Lần 1: Tháng 7/2021, Thành phố triển khai gói hỗ trợ với tổng kinh phí 886 tỷ đồng, để hỗ trợ tiền ăn cho nhiều đối tượng (người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động/lao động tự do bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19).

- Lần 2: Đầu tháng 8/2021, Thành phố tiếp trục triển khai gói hỗ trợ với kinh phí hơn 900 tỷ đồng dành cho 3 nhóm đối tượng. Nhóm 1 gồm những người lao động không có giao kết hợp đồng lao động/lao động tự do gặp khó khăn do dịch theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 09/2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố. Nhóm 2: gồm các hộ nghèo, hộ cận nghèo đang gặp khó khăn do dịch trên địa bàn Thành phố. Nhóm 3: gồm các hộ lao động nghèo đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu vực bị phong tỏa (trong nhóm 3, hộ lao động không phân biệt thường trú, tạm trú, cứ thực sự khó khăn là được hỗ trợ).

-  Lần 3: Cuối tháng 9/2021, Thành phố tiếp tục triển khai phương án, nhằm chia sẻ phần nào khó khăn bức thiết của người dân. Số lượng người hỗ trợ theo dự kiến là 7,3 triệu người và mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/người. Dự toán kinh phí hỗ trợ là hơn 7.300 tỷ đồng. Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách Thành phố…

Trong lần này, có 4 nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ bao gồm: 1) Thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng đang gặp khó khăn; 2) Người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn do bị mất việc làm, không có thu nhập đang thực tế có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn trong thời gian Thành phố thực hiện giãn cách xã hội; 3) Người phụ thuộc của đối tượng 2 gồm: cha, mẹ, vợ hoặc chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn tại thời điểm khảo sát và lập danh sách; 4) Người lưu trú tạm thời trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu lao động nghèo, xóm nghèo, có hoàn cảnh thật sự khó khăn đang có mặt tại địa bàn xã, phường, thị trấn trong thời gian Thành phố thực hiện giãn cách…

Để giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do tác động của dịch, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có  điều chỉnh về số đối tượng được hỗ trợ; cụ thể là: điều chỉnh “hộ lao động nghèo” thành “hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”… Qua đó, góp phần đảm bảo hỗ trợ đúng, kịp thời đến những người thật sự cần giúp đỡ để vượt qua đại dịch Covid-19.

Tiếp đó, quán triệt quan điểm của Chính phủ là xác định tính chất phức tạp, khốc liệt, khó lường và ngày càng khó dự báo của dịch bệnh Covid-19 (với các loại biến thể tiềm ẩn); xác định rõ "cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên" như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh đã linh hoạt, chủ động triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, kịp thời có các giải pháp tích cực tháo gỡ khó khăn trước mắt để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, nhận thức sâu sắc rằng, quyết sách về an sinh xã hội được thực hiện thành công nhất chính là khi nó được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng và hiệu quả để góp phần ổn định lòng dân, ổn định xã hội, vì thế, một trong những trọng tâm được thảo luận tại Kỳ họp thứ 3 Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026 là thực hiện tốt an sinh xã hội. Theo đó, Thành phố sẽ ban hành kế hoạch phòng chống dịch, phục hồi kinh tế; nghiên cứu, tiếp thu các định hướng từ dự thảo hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 của Trung ương; sẽ tập trung củng cố hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, theo hướng phát triển y tế cộng đồng, y tế điều trị và y tế phục hồi; sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh (chủ yếu vào 3 nhóm: Vốn lao động; cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...).  Và hơn cả mọi lời nói, Thành phố sẽ nỗ lực để đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho người già neo đơn, trẻ mồ côi, nhất là trẻ mồ côi do mất cha mẹ, người thân vì dịch bệnh Covid- 19. Đồng thời, có kế hoạch tri ân những đóng góp và mất mát, hy sinh trong đại dịch; tổ chức khen thưởng cho các cá nhân, đơn vị có đóng góp trong đại dịch; tổ chức các đoàn để đến địa phương, bộ, ngành đã hỗ trợ Thành phố trong công tác chống dịch…

Có thể nói, cả hệ thống chính trị Thành phố mang tên Bác đang nỗ lực từng ngày, từng giờ; đang dồn lực để chăm lo cho nhân dân, từng bước bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; đồng thời, khôi phục và phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Những quyết sách của Thành phố nói riêng và của Đảng, Nhà nước Việt Nam nói chung trong thực hiện an sinh xã hội, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là minh chứng phủ nhận sự xuyên tạc đầy ác ý, phản động của các thế lực thù địch về cái gọi là: "Việt Nam chỉ nói giỏi mà không làm, không chăm lo cho người dân"; "giữa đại dịch Covid-19, người dân không trông cậy gì vào chính quyền mà chỉ là tự cứu nhau"; "ở Việt Nam chỉ chống dịch bằng khẩu hiệu"…

Một Thành phố Hồ Chí Minh chung sức, đồng lòng trong đại dịch sẽ tiếp tục được nhân nguồn sức mạnh trong thực thi các quyết sách; trong đó, có các quyết sách về an sinh xã hội, để từng bước phục hồi và chuyển mình sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể! Đó là điều chắc chắn!

TS. Văn Thị Thanh Mai