flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

Bà Đoàn Thị Giàu: “Hậu phương” vững chắc của Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Ngày đăng: 20-10-2020 Lượt xem: 2378

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”; “Nói đến phụ nữ là nói đến một nửa xã hội” - cho thấy dù ở vai trò, sứ mệnh của người phụ nữ. Trong thời chiến cũng như thời bình, phụ nữ Việt Nam luôn là hậu phương cho tiền tuyến đấu tranh vì tương lai dân tộc, Bác Tôn - người bạn chiến đấu thân thiết của Bác Hồ, đã có một hậu phương như thế, chính là bà Đoàn Thị Giàu, một người vợ chung thủy - người mẹ dịu hiền, kiên cường.

Bà Đoàn Thị Giàu (tự là Hai Oanh) sinh năm 1896, tại Vĩnh Kim, Châu Thành, Tiền Giang, là một cô giáo dạy học ở trường làng. Bà Giàu là chị của ông Đoàn Công Sứ - người được Bác Tôn lo đám tang khi còn ở bên Pháp. Cảm kích trước tấm lòng của bác Tôn Đức Thắng, gia đình đã gả con gái là bà Đoàn Thị Giàu cho Bác Tôn năm 1921. Sau khi cưới, bà Giàu theo chồng lên Sài Gòn, ngoài công việc dạy học, bà còn làm thêm nghề may để phụ giúp chồng. Bác Tôn lúc này vẫn làm việc tại xưởng đóng tàu và âm thầm lãnh đạo Công hội bí mật hoạt động đấu tranh cho giai cấp công nhân. Hai người sinh được hai người con gái là cô Tôn Thị Hạnh, Tôn Thị Nghiêm và một người con trai tên Liêm nhưng mất từ nhỏ.

Khi biết chồng mình tham gia Cách mạng, bà Giàu cũng tích cực tham gia vào công tác đoàn thể do đồng chí Lương Nguyễn Trung Nguyệt khởi xướng. Bà cùng với bà Sáu Bá, Ba Chức và nhiều chị em thợ may thành lập một tổ phụ nữ, hàng tháng đều có họp bàn công việc, lấy rau câu in truyền đơn, tài liệu, báo chí bí mật. Sau những lần cùng với Bác Tôn về quê ở Vĩnh Kim, bà Giàu hỗ trợ chồng xây dựng nhiều tổ chức nông hội trong vùng, bên cạnh đó còn hùn vốn mở vựa mắm, tiệm thuốc bắc giúp đỡ tài chính cho Kỳ bộ Nam kỳ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội[1].

Cô Tôn Thị Hạnh chia sẻ về mẹ mình: “Thời kỳ ở Sài Gòn ba tôi làm một tháng ngày ấy một trăm rưỡi là nhiều rồi, hãng Kroff mà. Mẹ tôi đi chợ nấu nuôi đồng chí, người nào khó khăn đến cũng nuôi”. Trong thời gian từ lúc lên Sài Gòn năm 1921 đến năm, bà Giàu một mình quán xuyến việc nhà, tuyên truyền vận động chống thực dân Pháp, buôn bán ủng hộ và đóng góp kinh phí cho bác Tôn và các đồng chí lãnh đạo công nhân Ba Son bãi công chống thực dân đàn áp phong trào đấu tranh của công nhân và quần chúng nhân dân lao động. Một người phụ nữ tần tảo, giỏi việc nước, đảm việc nhà, là hậu phương vững chắc cho Bác Tôn yên tâm công tác.

Đến năm 1929, sau vụ án Barbier, Bác Tôn biết mình có thể bị địch bắt nên đã thu xếp cho vợ con về Mỹ Tho để tránh liên lụy, còn Bác Tôn trở lại Sài Gòn tiếp tục đấu tranh. Đầu năm 1930, Bác Tôn bị bắt và kết án 20 năm tù khổ sai tại Côn Đảo. Khi nghe tin ấy bà Giàu vừa sinh con trai, tìm đến Khám Lớn, cho con được gặp cha. Theo lời cô Tôn Thị Hạnh kể lại rằng: Mỗi tháng 1 lần, mẹ tôi gánh thỏ, gánh gà lên Sài Gòn bán, thăm dò tin tức ba tôi. Được biết ba bị giam ở bót Catina, một hôm mẹ tôi đưa tôi và thằng em út lên bót Catina để thăm ba, khi đến cửa, mẹ tôi dặn, con có gặp ba thì đừng khóc mà ba buồn. Vào đến nơi thấy ba tôi bị còng chân, tôi cúi đầu muốn khóc nhưng mẹ tôi thì cười nói tự nhiên và đưa thằng em cho ba bế. Ngồi chơi được một chút thì lính mã tà đuổi mẹ và chị em tôi ra, ra khỏi cổng bót, mẹ và chị em tôi mới dám khóc…”.

Trong thời gian ở trong tù Bác Tôn từng gửi một bức thư về cho vợ và nói bà Giàu lấy chồng khác đừng chờ mình mà cực khổ. Bà Giàu nói với con gái là cô Hạnh “Ba mày coi thường tao quá” và viết thư trả lời một cách khảng khái cho Bác Tôn: “Tôi đã lấy chồng rồi, đẻ được hai đứa con gái và một đứa con trai”. Trong lúc chồng bị đày đi Côn Đảo, bà Giàu vì để tránh sự theo dõi của địch, bà một mình tần tảo buôn bán trong đời sống vô cùng khó khăn cực khổ.

Năm 1940 - 1941, sau Nam Kỳ khởi nghĩa bà Giàu dẫn con sang tận Nam Vang, Campuchia buôn bán cháo đậu xanh nhưng thất bại, cuộc sống cực khổ khó khăn, bà và con ngủ ở cầu thang gác. Thấy con hỏi ba ở đâu mà để gia đình cực khổ thế này, bà nói với con: “Mẹ con mình khổ nhưng ba con còn khổ hơn cơ, cái cảnh tù đầy còn khổ hơn mẹ con mình nhiều”. Bà còn từ chối nhiều người có ý định với mình, nhất định không lấy chồng khác.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Bác Tôn cùng các đồng chí vượt ngục Côn Đảo được trở về đất liền, hai vợ chồng gặp nhau trong thời gian ngắn thì Bác Tôn lại được điều ra Bắc nhận nhiệm vụ mới. Bà tiếp tục một mình chờ đợi và dõi theo bước đường hoạt động cách mạng của chồng. Một mình ở lại quê nhà, bà Giàu tham gia công tác phụ nữ cứu quốc ở Mỹ Tho, sau đó là căn cứ địa Đồng Tháp.

Hiệp định Geneva được kí kết năm 1954, gia đình Bác Tôn mới đoàn tụ ở Hà Nội sau khi bị chia cắt gần suốt 25 năm. Đến khi trở thành phu nhân của Chủ tịch nước năm 1969, gia đình vẫn tiếp giữ nếp sống giản dị tại Hà Nội trong những ngày cả nước còn chiến tranh. Đáng tiếc nhất, bà Đoàn Thị Giàu không thể cùng gia đình cảm nhận niềm vui của ngày thống nhất đất nước sau khi ra đi ngày 25/5/1974 do bệnh nặng. Bác Tôn thương tiếc người vợ, người mẹ của các con mình, hậu phương vững chắc của Bác Tôn. Bác Tôn nói với các con: “Ba rất biết ơn má con vì trong thời gian ba đi tù, đi kháng chiến nhưng má con vẫn ở thế nuôi các con cho khôn lớn. Thế bây giờ má con mất rồi, thế ba đối xử với má con như thế đã đầy đủ trách nhiệm chưa?”, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, trong giờ phút cuối cùng của vợ mình Bác đã hôn lên trán từ biệt lần cuối.

Cuộc đời bà Đoàn Thị Giàu trải qua nhiều gian khổ, vật lộn với cuộc sống tha hương chờ chồng, nuôi con. Từ một cô giáo miệt vườn cho đến lúc trở thành phu nhân của Chủ tịch nước, tuy lúc gia đình đoàn tụ, sống bên chồng mình không lâu dài nhưng lúc nào bà cũng sát cánh cùng chồng đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc. Bà Giàu là hiện thân cho hình ảnh người phụ nữ Nam bộ thủy chung, tận tụy vì con, hết lòng kiên trung với Đảng, với Tổ quốc, không chỉ giỏi việc nhà còn tích cực tham gia đấu tranh vì Nhân dân, là hậu phương vững chắc từ những ngày đầu lãnh đạo công nhân Ba Son đấu tranh, cho đến khi Bác Tôn trở thành Chủ tịch nước./.

Hoàng Hiệp

(Bảo tàng Tôn Đức Thắng)

 

[1] Bác Tôn (1888 - 1980) - Cuộc đời và sự nghiệp, Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ An Giang, NXB Sự thật, tr. 89 - 90, năm 1988.