Ngày đăng: 07-01-2019 Lượt xem: 5872
Bước vào những năm 70 của thế kỉ XX, quan hệ Việt Nam - Campuchia xuất hiện những rạn nứt và bất đồng trong nhiều vấn đề ở cấp độ quốc gia, nhất là vấn đề chủ quyền lãnh thổ và khởi nguồn cho những xung đột đó xuất phát từ chính quyền Khmer Đỏ. Được sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiều từ các nước gia tăng sức ép, chống đối thù địch với Việt Nam và sự đang lên của chủ nghĩa dân tộc cực đoan ngay trong nội bộ của những người Cộng sản Campuchia đã đưa cách mạng Campuchia đi theo một con đường khác - con đường cực đoan và phát xít tàn bạo.
Chính quyền Khmer Đỏ phát động cuộc chiến tranh xâm phạm vào lãnh thổ của Việt Nam và khơi mào cho một cuộc chiến biên giới kéo dài ở phía Tây Nam của đất nước. Chiến tranh Biên giới Tây Nam là cuộc “chiến tranh bắt buộc” mà quân dân Việt Nam phải tiến hành để tự vệ và bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ quốc gia trước sự xâm lược trắng trợn của chính quyền Khmer Đỏ.
Sư đoàn trưởng 320 Khuất Duy Tiến (trái) báo cáo phương án đánh trả quân Pol Pot xâm lược với thiếu tướng Nguyễn Quốc Thước, Tư lệnh Quân đoàn 3. Bên phải là Chính ủy sư đoàn Hà Quốc Toản. Ảnh: Quân Đoàn 3
Tính chất cuộc chiến tranh Biên giới Tây Nam 1975 - 1979
Không chỉ có các hành động gây hấn và xâm phạm liên tiếp vào lãnh thổ Việt Nam, Pol Pot còn rất ngạo mạn khi mạnh miệng tuyên Đài phát thanh Phnom Penh rằng: “Trong đời tôi, tôi hy vọng giải phóng Sài Gòn, sáp nhập vùng lãnh thổ Nam Bộ của Việt Nam vào đất nước “Campuchia Dân chủ”, (theo báo Le Monde - Pháp, ngày 8/1/1978). Với tư tưởng đó, Pol Pot đã ra lệnh mở cuộc tấn công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam; giết người, đốt phá trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, nhà thờ, chùa chiền, cướp, giết trâu, bò… gây bao đau thương, tang tóc cho nhân dân Việt Nam. Hành động của họ rõ ràng là phi nghĩa, không gì có thể biện minh được.
Từ sự hung hãn của Tập đoàn Pol Pot, có thể khẳng định cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam (1975 - 1979) đó là một cuộc phản công tự vệ chính đáng của quân dân Việt Nam trước các hành động xâm lược trắng trợn nhằm thôn tín vùng lãnh thổ Nam Bộ của Việt Nam vào chính quyền Khmer Đỏ. Nhân dân Việt Nam không hiếu chiến, luôn yêu chuộng hòa bình và khát khao giành độc lập, tự do là một thực tế hiển nhiên. Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam thực chất là một cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, trước để tự vệ, bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ quốc gia sau là vì nghĩa cử cao cả, giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng đẫm máu từ chính quyền Khmer Đỏ do tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary lãnh đạo. Quân dân Việt Nam tiến công tiêu diệt quân Khmer Đỏ xâm phạm lãnh thổ và giết hại thường dân ở biên giới và cũng làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả giúp dân tộc Campuchia thoát khỏi nguy cơ diệt vong. Chính những người lãnh đạo quốc gia Campuchia, Thủ tướng Hun Sen sau này đã khẳng định sự thật hiển nhiên đó.
Ngày 2/1/2012, khi đến tỉnh Đồng Nai dự lễ khánh thành di tích lịch sử Sư đoàn 125, tiền thân của Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia, Thủ tướng Hun Sen đã gọi bộ đội Việt Nam là “đội quân nhà Phật”. Thủ tướng Hun Sen nói: “Chúng ta có thể hỏi rằng trên thế giới này có đất nước nào đã giúp nhân dân Campuchia, đặc biệt là giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và ngăn cản sự quay lại của chúng? Câu trả lời chính là nhân dân và quân đội Việt Nam! Nhân dân Campuchia có niềm tin chỉ có tiên có Phật mới cứu giúp được những phận người khi gặp khó khăn khốn cùng. Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu tiên Phật tới cứu thì bộ đội tình nguyện Việt Nam xuất hiện. Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật”.
Và đến cuối tháng 12/2013 khi thăm Việt Nam, Thủ tướng Hun Sen tiếp tục khẳng định: “Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia đã hi sinh hàng vạn người, bị thương không biết bao nhiêu. Việt Nam đã phải trả một cái giá rất lớn khi giúp đỡ Campuchia... Vấn đề này không quên được”. Có thể nói, chiến tranh biên giới Tây Nam những năm 1975 - 1979 không chỉ giữ an bờ cõi biên giới Tây Nam Việt Nam mà kết quả của cuộc chiến tranh vệ quốc đó của quân dân Việt Nam còn cứu cả một dân tộc Campuchia đang trên bờ vực của sự tiêu vong do chính sách cai trị tàn bạo, diệt chủng của tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary.
Chiến tranh biên giới Tây Nam (1975 - 1979) còn chứng tỏ sức mạnh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam khi sẵn sàng tiến công đánh bại quân xâm lược Khmer Đỏ và không ngại hy sinh mất mát để giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi diệt vong. Sau ngày giải phóng Phnom Penh ngày 9/1/1979, ngày 18/1/1979 Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia thành lập, ký kết với Chính phủ Việt Nam Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác lâu dài. Theo đó Campuchia yêu cầu Việt Nam để quân tình nguyện ở lại giúp giữ vững an ninh quốc phòng và xây dựng đất nước bị tàn phá nặng nề trong chế độ Pol Pot. Tư tưởng “giúp bạn là tự giúp mình” trở thành phương châm hành động xuyên suốt từ trên xuống, trong quân sự và các bộ ngành chuyên môn, các địa phương giáp biên giới. Và, có thể khẳng định, hành động của Việt Nam xuất phát từ nhu cầu tự vệ chính đáng, trách nhiệm quốc tế cũng như lương tâm của một dân tộc từng chịu nhiều áp bức, ngoại xâm và sự đóng góp, hy sinh của Việt Nam tại Campuchia vừa vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc vừa với tinh thần quốc tế trong sáng và cao cả.
Những người lính tình nguyện Việt Nam trở về năm 1989, sau 10 năm chiến đấu bảo vệ đất nước bạn. Nhưng quá nhiều đồng đội của họ đã nằm lại nơi đây... Ảnh tư liệu: Tuổi Trẻ
Bài học từ cuộc chiến tranh Biên giới Tây Nam
Chiến tranh biên giới Tây Nam (1975 - 1979), cuộc chiến tranh không mong muốn và là cuộc chiến bắt buộc của nhân dân Việt Nam ở biên giới Tây Nam Tổ quốc. Chiến tranh kết thúc 40 năm nhưng ngày nay nhìn lại cuộc chiến vệ quốc này của quân dân Việt Nam trong những năm 1975 - 1979 gợi cho chúng ta nhiều điều phải suy nghĩ về cuộc chiến tranh này.
Thứ nhất, chiến tranh Biên giới Tây Nam là “cuộc chiến tranh bắt buộc” mà quân dân Việt Nam phải tiến hành để tự vệ, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Quân dân Việt Nam chỉ thật sự chiến đấu khi quốc gia bị xâm lăng và chiến tranh biên giới Tây Nam là cuộc chiến tranh mà nhân dân Việt Nam không mong muốn xảy ra nhưng cuối cùng nó vẫn xảy ra do chính sách xâm lược, hiếu chiến, tàn bạo của chính quyền Khmer Đỏ lúc bấy giờ.
Thứ hai, chiến tranh biên giới Tây Nam là cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Đó là cuộc phản kích tự vệ chính đáng của quân dân Việt Nam trước các hành động xâm lược trắng trợn và những cuộc thảm sát tàn bạo của quân đội và chính quyền Khmer Đỏ đối với thường dân vô tội Việt Nam ở dọc biên giới Tây Nam Tổ quốc.
Thứ ba, chiến tranh biên giới Tây Nam những năm 1975 - 1979 không chỉ là cuộc chiến tranh tự vệ chính đáng của nhân dân Việt Nam mà đó còn là cuộc chiến bảo vệ chính nghĩa, chân lý và là cuộc chiến cứu trợ nhân đạo do quân tình nguyện Việt Nam tiến hành nhằm cứu giúp và hồi sinh dân tộc Campuchia đang trên bờ vực của sự diệt vong bởi các chính sách đàn áp, khủng bố và thảm sát kinh hoàng từ quân đội và chính quyền Khmer Đỏ đối với nhân dân Campuchia lúc bấy giờ.
Thứ tư, mặc dù chiến tranh biên giới Tây Nam đã vào lịch sử nhưng còn đó những bài học kinh nghiệm đấu tranh cách mạng quý báu vẫn còn nguyên giá trị to lớn trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam ngày nay. Từ trong cuộc chiến chính nghĩa đó, toàn Đảng, toàn quân dân Việt Nam hiện nay và trong tương lai cần nhận thức được rằng phải luôn luôn đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng ngay cả trong thời bình, phải không ngừng ra sức xây dựng phát triển đất nước về mọi mặt, ra sức đấu tranh củng cố, bảo vệ hòa bình và sẵn sàng thực hiện những nghĩa vụ quốc tế cao cả, trong sáng giúp nhân nhân các nước bạn khi có yêu cầu nhằm tô điểm thêm sáng ngời tinh thần quốc tế trong sáng và cao đẹp của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Thứ năm, qua các cuộc chiến tranh dựng nước và chúng ta nhận ra rằng sức mạnh của lực lượng vũ trang cách mạng là to lớn quyết định đến thành bại của cách mạng; phải xác định đúng mục tiêu, thời cơ, phương thức và sử dụng lực lượng phản công (5 cụm mục tiêu chiến lược, thời cơ, mục đích tổng phản công, về sử dụng lực lượng trong tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng). Và trong vấn đề bảo vệ độc lập, tự do chủ quyền lãnh thổ Việt Nam hiện nay, toàn Đảng, toàn quân dân Việt Nam phải tăng cường chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng vững mạnh, đủ sức để tự vệ và phản công trước bất kỳ đối thủ hùng mạnh nào đe dọa đến nền độc lập, tự do cũng như xâm phạm đến chủ quyền lãnh thổ của quốc gia.
Tóm lại, chiến tranh biên giới Tây Nam là cuộc đấu tranh trên ba mặt quân sự, chính trị, ngoại giao nhưng hoàn toàn khác với cuộc kháng Pháp, chống Mỹ trước đây, ta đánh với một nước “xã hội chủ nghĩa” cực đoan, giả danh chủ nghĩa xã hội đánh trên đất kẻ thù phải đối phó với vấn đề dân tộc, chủ quyền, rất khó cho việc phát động nổi dậy của nhân dân và xác định hậu phương của quân ta. Ở đây bài học về mất cảnh giác, về xây dựng lực lượng quốc phòng trước sự phản bội của Pol Pot; bài học về đấu tranh đối ngoại trong bối cảnh chế độ chính trị phức tạp bất lợi cho các nước xã hội chủ nghĩa; bài học về xử lý chống bạo loạn trong nội địa và ứng xử với cộng đồng dân tộc thiểu số trong tình huống bức bách…Tất cả là bài học lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay./.
Thái Văn