flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Bài học tự lực, tự cường trong bối cảnh hiện nay

Ngày đăng: 12-03-2022 Lượt xem: 1399

Trong khi xung đột vũ trang ở Ukraine diễn ra, người ta nói nhiều đến thái độ của các nước, nhất là hai quốc gia đang có tranh chấp là Nga và Ukraine. Người ta có thể phê phán, công kích cách ứng xử của từng nước, rồi nhân đó liên hệ một cách khập khiễng về tình hình ở trong nước để “tranh thủ” đả phá chế độ ở Việt Nam. Thế nhưng, có một thực tế là một số người tự mâu thuẫn với chính mình, khi đề cao tinh thần độc lập, tự chủ của một quốc gia nhưng lại thúc đẩy, kêu gọi quốc gia đó dựa vào các quốc gia khác để bảo vệ nền độc lập, tự chủ của mình. Trong khi có chúng ta có một bài học xương máu về tinh thần tự lực, tự cường trong xây dựng và bảo vệ đất nước!

Thực tế cho thấy, một Ukraine vốn thừa hưởng nhiều thành tựu và di sản của Liên Xô để lại, có nhiều điều kiện để phát triển mạnh mẽ nhưng đã không thực hiện được điều đó bởi tâm lý muốn dựa vào nước khác, kể cả trong việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Các bất ổn của nước này từ khoảng 20 năm nay đều có liên quan đến việc “ngã nghiêng” đó, nhất là xu hướng thân phương Tây để dựa vào tiềm lực quân sự, tiềm lực kinh tế và chọn cách đó để “làm đối trọng” với Nga, “thoát Nga”. Trong khi phương Tây và Nga luôn đối chọi nhau trên nhiều lĩnh vực thì lẽ ra Ukraine với vị trí địa chính trị chiến lược của mình một mặt phải duy trì sự cân bằng trong các quan hệ, mặt khác phải làm cho mình ngày càng mạnh lên để giảm sức ép của các thế lực thì họ đã chọn một giải pháp dựa dẫm. Và thực tiễn đã chứng minh rằng đó là một chiến lược không phù hợp!

Lịch sử thế giới đã chứng minh điều này rất rõ nét. Chẳng hạn, ở trên lãnh thổ Trung Quốc thời trung đại, có những quốc gia hùng mạnh nhưng khi liên kết hoặc dựa vào nước khác để cùng xâm lược hay chống nước thứ ba thì rốt cuộc bản thân nó cũng trở thành kẻ bị xâm lược. Đó là trường hợp nhà Tống sau khi liên tục bị nhà Kim xâm lược đã liên hết với quân Mông Cổ nhằm đối phó với Kim, nhưng sau khi cùng nhau diệt được Kim thì Mông Cổ quay sang diệt Tống để thành lập nhà Nguyên…

Hay ở một khía cạnh khác, không ít quốc gia vươn lên phát triển mạnh mẽ đều thể hiện rõ tinh thần lực lực, tự cường hoặc khi ở trong thế phải dựa vào nước khác thì vẫn giữ sự khao khát tự chủ hoặc nỗ lực tự chủ. Đó là trường hợp của Singapore, dù rất nhỏ về quy mô dân số và diện tích nhưng đã giữ vị thế độc lập, tự chủ trong quan hệ với các nước, không ngả theo quốc gia nào một cách rõ rệt và nhờ giữ sự cân bằng đã không ngừng phát triển. Hay Nhật Bản dù phải chịu sự kềm kẹp của Mỹ về nhiều mặt nhưng luôn có thái độ tự lực, tự cường, đặc biệt là về kinh tế, văn hóa để duy trì vị thế nhiều năm là nền kinh tế thứ hai thế giới. Kể cả Libya, Iraq… cũng từng khẳng định sự tự lực của mình và trở thành những quốc gia phát triển nhanh trước khi bị Mỹ và phương Tây tìm nhiều cách để khống chế, cuối cùng là xâm lược bằng cách lật đổ các chính quyền “dám” đương đầu với phương Tây…

Đối với Việt Nam, gần như trong suốt chiều dài lịch sử, dân tộc ta đều thể hiện rõ tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, gắn với đường lối ngoại giao mềm dẻo, cân bằng. Đặc biệt, trong thời kỳ cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo, tinh thần đó càng được phát huy rõ nét. Một trong những bài học quan trọng được đúc kết từ thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là về tinh thần chủ động, sáng tạo. Bối cảnh quốc tế bấy giờ có nhiều điều kiện thuận lợi cho cách mạng Việt Nam nhưng nếu không có tinh thần đó về xác định và hoàn thiện đường lối chính trị, về phương thức tiến hành, chuẩn bị lực lượng, về nắm bắt và tận dụng triệt để thời cơ, về chính sách đối ngoại…, nhất là tinh thần tự lực, thì không thể có một cuộc tổng khởi nghĩa “trời long đất lở”, giành chính quyền về tay nhân dân một cách trọn vẹn, gần như không đổ máu như vậy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh đến vấn đề tự lực, tự cường. Trong bài nói chuyện tại hội nghị chiến tranh du kích, ngày 13-7-1952, Người rút ra kết luận: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Trước đó, vào tháng 5-1947, trả lời phỏng vấn của thông tín viên hãng Reuters, Người nói: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”. Khi động viên toàn dân tích cực tham gia và ủng hộ Chính phủ trong dịp kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến, ngày 10-6-1948, Người nêu rõ: “Mỗi một người dân phải hiểu: Có tự lập mới độc lập, có tự cường, mới tự do”… Như vậy, theo Hồ Chí Minh, Việt Nam luôn cần phải tự lực, tự cường, không chỉ trong kháng chiến, mà cả trong xây dựng đất nước.

“Tự lực” và “tự cường” thường gắn với các yếu tố “tự chủ” (với nghĩa tự quyết định mọi công việc của mình, không để ai chi phối), “tự do” (với nghĩa là trạng thái của một dân tộc, một xã hội và các thành viên trong đó không bị cấm đoán, hạn chế vô lý trong các hoạt động xã hội – chính trị, đồng thời không bị lực lượng ngoại xâm chiếm đóng), “tự quyết” (với nghĩa một dân tộc tự mình định đoạt những công việc thuộc về vận mệnh của mình, như thành lập nhà nước, chọn mô hình phát triển)…

Trải qua các cuộc kháng chiến, đất nước ta, dân tộc ta, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã lần lượt đánh bại những kẻ thù hùng mạnh nhất, hung hãn nhất, xảo quyệt nhất, tàn bạo nhất. Trong những lần đó, chúng ta đã được bạn bè thế giới giúp đỡ về rất nhiều mặt, tạo nên động lực tinh thần và sức mạnh vật chất lớn lao để chiến thắng kẻ thù. Nhưng, chúng ta đã chiến thắng bằng chính sức mình và bằng cách thức của mình.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã đúc kết một bài học của cách mạng Việt Nam: “Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần kiên định ý chí độc lập, tự chủ và nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế, phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại”. Điều này có nghĩa là chúng ta phải thực hiện đồng thời hai yêu cầu: một mặt nước ta phải đề cao năng lực tự chủ, luôn chú trọng sự tự lực, tự cường, không dựa dẫm vào nước khác mà phải luôn tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế và nhân dân các nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi. Điều này bác bỏ ý kiến cho rằng Việt Nam cần phải liên kết, liên minh với nước này để chống nước khác hoặc dựa vào nước nào đó để phát triển, bởi nó không chỉ trái với truyền thống của đất nước ta, của Đảng ta mà còn phi thực tế! Bởi nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, thái độ dựa dẫm, ỷ lại thì khác nào “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”!

Thực tiễn cách mạng nước ta từ khi có Đảng, nhất là thực tiễn hơn 35 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã thể hiện rõ ý nghĩa của nhận định ấy. Trong đó, yếu tố tự lực, tự cường, ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc ta, đóng vai trò quyết định và chính nhờ có nó chúng ta mới nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ của bạn bè quốc tế và cũng từ đó chúng ta mới có năng lực để biến sự giúp đỡ thành những giá trị cụ thể.

Một trong những bài học kinh nghiệm qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng được nêu tại Đại hội XIII là “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường”. Và trong các quan điểm chỉ đạo của Đại hội có một nội dung rất quan trọng là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”. Đây là sự sáng tạo của bài học từ Cách mạng tháng Tám: khi trước, tự lực, tự cường là để giành độc lập, tự do; nay tự lực, tự cường là để xây dựng đất nước giàu mạnh, hạnh phúc, sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Không có tinh thần đó thì đất nước không thể tự chủ, càng không thể phồn vinh, hùng cường!

Suy cho cùng, khi liên hệ câu chuyện ở Ukraine để nói về vấn đề của Việt Nam thì không thể bỏ qua bài học về tự lực, tự cường!

NGŨ YÊN