Ngày đăng: 12-04-2020 Lượt xem: 2674
Kể từ bệnh dịch COVID-19 khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) từ giữa tháng 12/2019 đến nay, đã lây lan nhanh chóng tới 207 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đến nay, toàn cầu đã có 1.779.583 người nhiễm bệnh, trong đó đã có 108.806 trường hợp tử vong (số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, cập nhật lúc 07g ngày 12/4/2020)
Toàn thế giới trong tình trạng cập nhật hàng giờ số người nhiễm bệnh, ca tử vong trên các quốc gia, vùng lãnh thổ. Những con số tăng quá nhanh gây kinh hoàng cho cả thế giới trước sự lây nhiễm tàn khốc của virus SARS-CoV-2, mặc dù rất nhiều giải pháp đã được triển khai tích cực, truyền thông rộng rãi trên nhiều nước, nhưng bệnh dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu dừng lại.
Thông tin về phản ứng của từng quốc gia, vùng lãnh thổ khiến cho chính phủ, nhà nước các quốc gia phải nhìn lại phương pháp phản ứng, phương thức quản trị xã hội, trong đó có việc tạo sự đồng thuận của người dân. Nhiều bài học được rút ra khiến cho biết bao người hối tiếc, nếu như... có lẽ, thế giới đã không mất mát, tổn thất nhiều như hiện nay.
1. Bài học đầu tiên, then chốt, nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan toàn cầu và trở thành đại dịch, đó là thông tin minh bạch, chính xác và nhanh chóng khi phát hiện bệnh dịch. Nhìn lại thời gian bệnh khởi phát, có thể khẳng định phía Trung Quốc đã cố tình che đậy thông tin khi các bác sĩ ở bệnh viện Vũ Hán phát hiện và cảnh báo về những ca bệnh đầu tiên nhiễm virus lạ (từ cuối tháng 12/2019). Tuy nhiên, những người cảnh báo đúng về bệnh dịch đã bị nhà chức trách khủng bố tinh thần vì dám "tung tin thất thiệt". Cho đến hơn 3 tuần lễ sau đó, khi bệnh dịch phát tán nhanh và nghiêm trọng vượt khỏi đường biên sang nhiều nước trên thế giới thì Trung Quốc mới công bố tình trạng bệnh dịch từ virus Corona và ổ dịch tại Vũ Hán. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã trù trừ đến ngày 30/1/2020 mới tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra (sau này được đặt tên dịch COVID-19) là "vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu". Và đến tận ngày 11/3/2020, WHO mới chịu công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu (!). Nhiều chuyên gia cho rằng WHO không thể chối bỏ một phần trách nhiệm, bởi sự chậm trễ của WHO làm mất thời gian quý báu của nhiều quốc gia trong việc chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị, bệnh viện... cho bệnh nhân COVID-19. Nếu vấn đề cảnh báo khẩn cấp trên toàn cầu được đánh giá đúng, các biện pháp ngăn dịch sớm được triển khai thì có lẽ người bị lây nhiễm và tử vong không nhanh chóng vọt lên con số khủng khiếp đến vậy.
2. Cách phản ứng trước đại dịch của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh chính là một trong những yếu tố tạo nên lòng tin, sự đồng thuận tuyệt đối của người dân. Đến nay, giải pháp được đánh giá có tính hiệu quả cao, đó là: cách ly, hạn chế tối đa những điểm tập trung đông người; tuyên truyền liên tục và toàn diện nâng cao ý thức phòng vệ nghiêm ngặt trong toàn dân, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác, phong tỏa đối với những vùng có nguồn lây nhiễm,... Tuy nhiên, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã không thực sự coi trọng bài học xương máu này để triệt để thi hành. Nguyên nhân có thể là do không được cảnh báo mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, do chủ quan, hoặc có thể do bất đồng thói quen, tập quán. Bằng chứng là một số nước như Italy, Mỹ, Tây Ban Nha, Đức, Pháp,... đã bùng phát dịch bệnh trong thời gian ngắn, sau khi nhiều hoạt động thể thao, thời trang, hội thảo khoa học quốc tế,... vẫn được cho phép diễn ra và đã thu hút hàng trăm, hàng ngàn người. Trường hợp của Mỹ, đến nửa cuối tháng 3/2020, khi số ca nhiễm bệnh và tử vong tăng chóng mặt, toàn quốc thiếu trầm trọng trang thiết bị y tế cần thiết như máy thở, đồ bảo hộ y tế, bình oxy, thuốc men và cả khẩu trang chuyên dụng... Các nhà chức trách của Mỹ đã quyết định dồn mọi nguồn lực vào việc sản xuất máy thở; đồng thời chi 2.000 USD cho gói kích thích kinh tế của Mỹ, số người thất nghiệp tăng cao, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ đóng cửa,... Đó là “cái giá” của sự chủ quan.
3. Rút bài học kinh nghiệm từ dịch MERS và tham khảo, áp dụng cách ngăn chặn dịch hiệu quả từ các nước khác chính là cách giảm thiểu thiệt hại. Điển hình là Hàn Quốc, vào đầu tháng 3, trước nguy cơ có thể trở thành tâm dịch lớn thứ hai sau Trung Quốc, Hàn Quốc đã tiến hành cùng lúc nhiều biện pháp, như thông tin minh bạch và mạnh mẽ về các nhân tố rủi ro và các biện pháp hữu ích; xét nghiệm với số lượng lớn hàng trăm nghìn người ở mọi nơi; cách ly các cá nhân nhiễm bệnh; điều trị những trường hợp cần chữa trị và khử trùng khu vực có nguy cơ lây nhiễm. Chính nhờ rút kinh nghiệm từ đợt bùng phát dịch MERS năm 2015, do không có bộ dụng cụ xét nghiệm, Hàn Quốc đã xây dựng hệ thống cấp phép nhanh chóng cho các bộ dụng cụ xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm có thể gây ra đại dịch. Khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, hệ thống này cho phép cơ quan quản lý nhanh chóng hợp tác với công ty công nghệ sinh học và giới nghiên cứu để phát triển bộ xét nghiệm, dựa trên chuỗi di truyền của virus do Trung Quốc công bố vào giữa tháng 01/2020. Các công ty sau đó đã được cấp chứng nhận để sản xuất và bán bộ dụng cụ trong vòng vài tuần, trong khi quá trình này thường mất một năm. Việc xét nghiệm trên diện rộng giúp Hàn Quốc xác định được tâm dịch và nhanh chóng kiểm soát được sự lây lan. Phản ứng của Hàn Quốc là bài học được các nước có điều kiện áp dụng.
Ngoài ra, khi chưa tìm được thuốc chữa trị thì sử dụng luật pháp cũng là biện pháp hiệu quả ngăn chặn tụ tập đông người, hạn chế dịch bệnh lây lan rộng. Pháp, Đức, Canada, Ấn Độ,... áp dụng mạnh mẽ biện pháp cấm nghiêm ngặt việc di chuyển, phạt cao nếu người dân vi phạm,... Thậm chí, Ấn Độ cho phép người lính cầm roi quất vào dân thường, đuổi người dân về nhà lập tức khi phát hiện có tụ tập, hay đi lễ nhà thờ...
4. Những con số tử vong tăng cao hàng giờ đang khiến cho toàn thế giới rúng động và dường như chưa khi nào sự đoàn kết, chia sẻ trong một quốc gia và giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ lại trở nên nhanh chóng, mạnh mẽ và nhân ái đến vậy. Thông tin liên lạc trên toàn địa cầu đã thu ngắn mọi khoảng cách về địa lý. Giới khoa học quốc tế nhanh chóng liên kết, chia sẻ kinh nghiệm tìm kiếm thuốc điều trị SARS-CoV-2; khi Pháp bùng phát dịch bệnh, người chết tăng cao thì nước Anh và Đức - nơi có điều kiện và có hệ thống y tế tốt nhất, đã bày tỏ thiện chí sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân Pháp nhiễm SARS-CoV-2 để chữa trị; nhiều quốc gia, nhiều tỷ phú trên thế giới tự nguyện chung tay đóng góp nhiều tỷ đô la, nhằm đẩy lùi đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu. Riêng Việt Nam, dù đang căng mình chống dịch bệnh và chịu nạn hạn mặn ở miền Tây, nhưng cũng đã chia sẻ nguồn lực, hỗ trợ y tế và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân các nước, như: tặng Trung Quốc một số vật tư, trang thiết bị y tế (máy thở, quần áo sát khuẩn, găng tay, khẩu trang y tế) trị giá 500.000 USD; tặng cho Lào và Campuchia các trang thiết bị y tế (quần áo bảo hộ, khẩu trang, hệ thống xét nghiệm, bộ xét nghiệm dịch Covid-19) tổng giá trị hơn 7 tỷ đồng; tặng Mianmar 50.000 USD; tặng hàng trăm ngàn khẩu trang và một số vật tư y tế cho Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Anh,...
5. Một trong các yếu tố được nhiều nước trên thế giới quan tâm, bình luận khi nhắc về Việt Nam, đó là lòng tin của người dân đối với Chính phủ. Sự nỗ lực và các quyết sách nhân đạo của Chính phủ Việt Nam đối với người dân là yếu tố quan trọng tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng: miễn phí toàn bộ chi phí sinh hoạt, chữa bệnh cho các trường hợp xét nghiệm dương tính và phải cách ly theo dõi; mở rộng vòng tay đón người Việt Nam trở về từ các nước trên thế giới khi đại dịch lan tràn khắp các nước, đe dọa mạng sống con người từng phút; à ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nhằm chia sẻ khó khăn trong mùa dịch; hỗ trợ người lao động gặp khó khăn trong mưu sinh,... Chính sách nhân đạo, tận lực chăm lo cho người dân trong cơn hoạn nạn đã kích thích toàn dân chung tay cùng Chính phủ, đóng góp nhân lực, trí lực, tài lực để ngăn chặn dịch, với tinh thần lạc quan, tin tưởng ở một ngày chiến thắng hoàn toàn.
Việt Nam đang nỗ lực bảo vệ, gìn giữ những gì mà đất nước đã rất khó khăn mới đạt được, ngoài giữ vững các giải pháp đang tiếp tục thực hiện, Việt Nam vẫn đang tăng cường đầu tư thiết bị bảo vệ nhân viên y tế - những người trên tuyến đầu chống dịch; liên tục thông tin chia sẻ với các nước nhằm tăng cường đầu tư năng lực đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm và chữa trị người nhiễm bệnh. Đó chính là bản lĩnh trong quản trị xã hội và truyền thống nhân ái, sẻ chia trong cộng đồng - nuôi dưỡng sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam.
Đảng và Nhà nước ta vẫn không ngừng nhắc nhở, lưu ý toàn dân không được chủ quan, vừa cân nhắc ban hành thời hạn giãn cách xã hội để bảo đảm an toàn cho người dân, đồng thời tiếp tục tích cực tìm tòi, triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh quyết liệt hơn nữa.
Minh Nghi