flag header

Tin tứcThành phố tôi yêu

Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM: 70 năm hình thành và phát triển

Ngày đăng: 01-08-2019 Lượt xem: 3266

Cách đây bảy mươi năm (1949-2019), Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định trước đây, nay là Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ra đời - đây là nhân tố quan trọng góp phần thiết thực cho công cuộc hồi phục, xây dựng và phát triển đất nước. Với truyền thống lịch sử, trải qua biết bao bài học kinh nghiệm, hoạt động kiên cường, đầy gian khổ, hy sinh trên trận địa tư tưởng văn hóa; công tác tuyên giáo trên địa bàn Thành phố đã đạt được những thành quả đáng kể trong thực hiện công tác tư tưởng chính trị 30 năm kháng chiến chống pháp - chống Mỹ (1945-1975) và qua các thời kỳ cách mạng. Đặc biệt, với những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, năm 2018 Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ảnh: Các thành viên tham gia hành trình về nguồn do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên, tỉnh Tây Ninh

Góp phần làm nên những thắng lợi vẻ vang của cách mạng

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong những ngày đầu mới giành được chính quyền còn ngổn ngang bề bộn, nhiều công việc chưa được giải quyết thì ngày 23/9/1945 thực dân Pháp nổ súng tấn công, mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Trước tình hình trên và yêu cầu mới của công tác xây dựng Đảng, tháng 11/1949, Ban Tuyên huấn Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn được thành lập do đồng chí Võ Văn Tuấn (Hai Trúc) làm Trưởng Ban cùng các bộ phận chuyên môn gồm có: Thông tin tuyên truyền, Huấn học và Trường Đảng. Nhiệm vụ trọng tâm thời điểm này là động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kháng chiến cứu quốc, giữ vững chính quyền cách mạng. Được sự chỉ đạo của Thành ủy, Ban Tuyên huấn đã phối hợp với Ty Thông tin Tuyên truyền (thuộc Ủy ban Kháng chiến Hành chính Sài Gòn - Chợ Lớn) để hoạt động xây dựng một hệ thống tuyên truyền từ Thành phố, Quận đến Hộ.

Vào tháng 7/1954, ký kết Hiệp định Genève diễn ra, một số cán bộ của thành phố được tập kết ra Bắc, số còn lại tiếp tục lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi thống nhất đất nước. Do tính chất đặc biệt của Thành phố là trung tâm đầu não của bộ máy xâm lược, kẻ địch khủng bố, đàn áp nặng nề, phong trào cách mạng gặp nhiều khó khăn; bộ máy công tác tuyên giáo thời gian này không còn hoạt động. Đến năm 1960, Ban Tuyên huấn Khu Sài Gòn - Gia Định được thành lập lại do đồng chí Phạm Dân (Ba Hương) làm Trưởng Ban.

Đặc biệt trong giai đoạn từ năm 1965-1975 là thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất, địch đánh phá ngày đêm bằng đủ các loại phương tiện; căn cứ Tuyên huấn Sài Gòn - Gia Định phải di chuyển liên tục. Giai đoạn này, Ban Tuyên huấn hoạt động ở cả đô thị và nông thôn với nhiều bộ phận khác nhau cả công khai lẫn bí mật. Đồng thời, Ban Tuyên huấn đã tổ chức được Trường huấn luyện, Nhà in, Đoàn văn công, điện đài, báo chí thông tấn, quay phim nhiếp ảnh để phục vụ công tác tuyên truyền ở cả nội và ngoại thành. Nhờ vậy, công tác Tuyên huấn đã chi phối được nhiều phong trào công khai có tác động lớn đến chính trị, tư tưởng của đồng bào Thành phố.

Ngày 30/4/1975 - miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, công tác tuyên giáo tập trung vào một số công việc chủ yếu là tuyên truyền đường lối, chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế, chính sách khoan hồng nhân đạo của Đảng đối với các sĩ quan, binh lính, công chức của chế độ cũ nhằm ổn định tư tưởng trong nhân dân. Mặt khác, đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch từ bên ngoài và trong nước nhằm ổn định nhân dân.

Trong cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc ta, công tác tuyên huấn có vai trò rất quan trọng, góp phần làm nên những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam. Kể từ khi ra đời cho đến ngày giải phóng, các cán bộ, chiến sĩ tuyên huấn Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã không ngại khó khăn gian khổ, cống hiến sức lực, trí tuệ, kể cả hy sinh để phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng. 

Tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo

Với chức trách, vai trò đi trước mở đường, ngành Tuyên giáo TP.HCM tiếp tục năng động, sáng tạo như truyền thống của nhân dân và Đảng bộ Thành phố, tháng 11/1991, Thường vụ Thành ủy quyết định nhập Ban Tuyên huấn và Ban Văn hóa - Văn nghệ thành Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy do đồng chí Trần Trọng Tân, Phó Bí thư Thành ủy làm Trưởng Ban. Với nhiệm vụ xuyên suốt là tập trung quán triệt đường lối đổi mới của Đảng, xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, các tập tục lạc hậu, xây dựng và mở rộng các thành phần kinh tế, các hình thức liên doanh liên kết giữa các thành phần kinh tế. Về mặt xã hội, tuyên truyền các chính sách, về quan điểm “lấy dân làm gốc”, tăng cường đề cao cảnh giác cách mạng chống lại các âm mưu phá hoại nhiều mặt của địch; đồng thời tập tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, ổn định trật tự xã hội…

Từ tháng 7/2007, Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chính thức được đổi tên là Ban Tuyên giáo Thành ủy theo Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa X). Trong những năm qua, ngành Tuyên giáo nói chung và Ban Tuyên giáo Thành ủy nói riêng đã chủ động, tích cực tham mưu cấp ủy cải tiến và thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên giáo, đặc biệt tập trung tham mưu giúp cấp ủy triển khai học tập quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Các mặt hoạt động đều có chuyển biến tích cực, tác động tốt về định hương tư tưởng chính trị và xây dựng đạo đức lối sống, góp phần tạo sự nhất trí nội bộ và đồng thuận xã hội; công tác tuyên truyền, thông tin thời sự, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ được tăng cường, đã giúp cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức, thực  hiện tốt nhiệm vụ được giao. Cấp ủy các cấp đã quan tâm nắm bắt và xử lý có hiệu quả diễn biến tư tưởng, dư luận xã hội trên địa bàn; quan tâm phát hiện các giải pháp ngăn ngừa, phòng chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…

Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng triển khai thực hiện mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tuyên giáo; xây dựng lực lượng nòng cốt, đội ngũ cộng tác viên mạnh trên các lĩnh vực quan trọng; chủ động thông tin tích cực, định hướng tuyên truyền kịp thời, nhanh chóng, đặc biệt đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm; đẩy mạnh công tác phát hiện, bồi dưỡng, cổ vũ, tuyên dương, giới thiệu điển hình tiên tiến, mô hình sáng tạo, giải pháp hay về công tác tư tưởng, văn hóa, về thi đua lao động, học tập, sản xuất, chiến đấu trong xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố và các lĩnh vực…

Hình thành và phát triển gắn liền với hoạt động lãnh đạo của Đảng bộ Thành phố, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trải qua tám thập niên, công tác tuyên giáo Thành phố đã góp phần xây dựng Đảng về trí tuệ, chính trị tư tưởng, xây dựng đường lối cách mạng đúng đắn; đưa lý luận và đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; giác ngộ các tầng lớp nhân dân ủng hộ, thực hiện công cuộc cách mạng do Đảng lãnh đạo…  Song, phát huy bài học kinh nghiệm đã có trong bối cảnh và điều kiện mới, phát huy sức mạnh của toàn hệ thống cách “binh chủng” làm công tác tuyên giáo - công tác tư tưởng chính trị, bao gồm cả “xây” và “chống”, theo phương châm “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy chính thắng tà” tạo niềm tin, khí thế và thực lực trên mọi lĩnh vực, đảm bảo mọi điều kiện, cơ sở thuận lợi cho công tác tư tưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian tới.

Và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mà Ban Tuyên giáo Thành ủy vinh dự nhận được trong năm 2018 chính là sự ghi nhận của Tổ quốc đối với công lao, sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh, là phần thưởng vô cùng thiêng liêng, cao quý của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với các thế hệ làm công tác tuyên huấn Sài Gòn - Gia Định. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của ngành tuyên huấn, ngành tuyên giáo Thành phố, mà còn là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.

Ái Nhi