flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM LUÔN ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC, VƯỢT QUA MỌI KHÓ KHĂN THÁCH THỨC

Ngày đăng: 21-06-2020 Lượt xem: 623

Trong hành trình 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước kể từ năm 1911, dù phải làm nhiều nghề để kiếm sống, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm quan tâm  đến hoạt động báo chí, tham gia viết báo và sáng lập những tờ báo phục vụ đấu tranh cách mạng. Cuối năm 1917, khi đặt chân lên nước Pháp, Người bắt đầu chú ý nhiều hơn đến việc học viết báo và làm báo. Tại đây, được sự hướng dẫn của Longuet - cháu ngoại của Karl Marx, làm việc ở báo Sinh hoạt công nhân tận tình chỉ dẫn, Bác Hồ khi ấy với tên gọi là Nguyễn Tất Thành đã cố gắng học viết báo từ những bài đơn giản nhất cho tới những bài dài hơn, chuẩn mực hơn. Từ những năm tháng đầu tiên của cuộc hành trình tìm đường đi cho dân tộc, Người đã sớm nhận thấy tầm quan trọng của báo chí và phát huy vai trò, thế mạnh của báo chí thànhphương tiện quan trọng trong con đường truyền bá chủ nghĩa yêu nước, thức tỉnh tinh thần dân tộc lúc bấy giờ.

Năm 1921, cũng tại Pháp, Người lấy tên là Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà yêu nước thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa, năm 1922 Người cùng lập ra tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) làm cơ quan ngôn luận của Hội. Số báo đầu tiên của Le Paria ra ngày 1/4/1922 và Nguyễn Ái Quốc trở thành nhân vật nòng cốt của tờ báo. Sau đó người còn tham gia viết cho các báo: L’Humanité, La Vie Ouvrière, Tập san Inprekorr, La Revue Communiste, Le Libertaire, Mátxcơva Guđok, Le Populaire, Le Journal du Peuple, L'Ame Annamite, Pravđa, Công nhân Bacu, Tạp chí Đỏ, Tạp chí Rabôtnhítxa, Tạp chí Quốc tế Nông dân.

Năm 192, tại Quảng Châu (Trung Quốc), để có một tờ báo cho tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức ra Báo Thanh niên, số đầu tiên ra ngày 21/6/1925. Nhiều số báo đã được các nhà cách mạng chuyển về trong nước vàchuyển đi nhiều nước, thâm nhập vào phong trào yêu nước của các tổ chức người Việt ở các nước trên thế giới. Tháng 12/1926, Nguyễn Ái Quốc lập ra báo Công nông dành cho hai giai cấp chủ chốt của cách mạng. Tháng 1/1927, Người sáng lập báo Lính kách mệnh(tiền thân của báo Quân đội nhân dân ngày nay)… Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Người đã chỉ đạo và tổ chức ra các tờ Tranh đấu và tạp chí Đỏ. Tháng 01/1941 Nguyễn Ái Quốc về nước và từ đây Người mang tên mới là Hồ Chí Minh đã chủ trì triệu tập Hội nghị thành lập Mặt trận Việt Minh, cho ra tờ báo Việt Nam độc lập từ năm 1941 và báo Cứu quốc từ năm 1942. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tháng 02/1951, Hồ Chí Minh chỉ đạo thành lập báo Nhân dân- cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Việt Nam.

Sơ lược vài nét như trên, cho thấy ở vào những giai đoạn quan trọng của cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn quan tâm việc lập ra những tờ báo làm cơ quan ngôn luận cho những tổ chức chính trị mới được thành lập và hướng đến những đối tượng độc giả cụ thể, những lực lượng cách mạng nòng cốt. Điều đó cho thấy, báo chí nói chung và báo chí cách mạng Việt Nam nói riêng đã luôn đồng hành cùng dân tộc, đồng hành cùng những chặng đường đấu tranh cách mạng của dân tộc, dù có những thời điểm gặp nhiều khó khăn khi phải hoạt động bí mật, khó khăn trong việc in ấn, phát hành.

Trong thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp và 21 năm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, báo chí đã đi vào chiến trường, phục vụ trực tiếp nhu cầu thông tin về cuộc kháng chiến đầy cam go, anh dũng và đầy hy sinh của dân tộc. Lực lượng báo chí cách mạng được thành lập và tác chiến ngay tại chiến trường miền Nam do Trung ương Cục miền Nam và Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam trực tiếp chỉ đạo. Đó là các cơ quan báo chí: Giải Phóng, Đài phát thanh Giải Phóng, Thông tấn xã Giải Phóng và Quân Giải phóng, Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng, Điện ảnh Quân Giải phóng, Chương trình phát thanh Quân Giải phóng miền Nam... tất cả đều được thành lập ngay trong những ngày đấu tranh đầy quyết liệt, cam go, gian khổ, hy sinh từng ngày ở chiến trường miền Nam.  

Sau ngày đất nước thống nhất, báo chí ở nước ta đã phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước và đặt cơ quan đại diện tại nhiều quốc gia trên thế giới; nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, đa dạng, hiệu quả. Trong công cuộc đổi mới kể từ năm 1986, báo chí đã góp phần to lớn vào việc thông tin, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Báo chí cách mạng Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng chính trị, tư tưởng, lấy việc phục vụ Nhân dân làm mục tiêu cao cả của mình. Báo chí cách mạng là đội quân đi đầu trong công tác chính trị, tư tưởng, văn hóa, với chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân đứng lên làm cách mạng vì độc lập, tự do, gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. 

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay, báo chí nước ta đã thực hiện tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể quần chúng và là diễn đàn rộng rãi của Nhân dân, góp phần kiến tạo bầu không khí dân chủ trong đời sống xã hội. Trong thực tiễn đổi mới đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay thể hiện rõ nét hơn chức năng giám sát, phản biện, giúp Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đoàn thể Trung ương và địa phương xây dựng, điều chỉnh, bổ sung nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế, quy định pháp lý và triển khai các chương trình, dự án kinh tế - xã hội; thể hiện rõ nét tính chiến đấu, đi tiên phong trong việc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; có tác động tích cực trong việc giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Báo chí cách mạng Việt Nam đã đi đầu trong công tác thông tin, tuyên truyền, khẳng định cơ sở pháp lý, bằng chứng lịch sử về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích chính đáng của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam; phê phán, phản đối hành động sai trái, phi pháp của Trung Quốc trê Biển Đông; khơi dậy lòng yêu nước, ý thức chủ quyền lãnh thổ, lợi ích chính đáng của dân tộc; khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước ta giải quyết các vấn đề trên biển bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc gắn với giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực để xây dựng và phát triển đất nước.

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, các thế lực thù địch không ngừng ra sức chống phá Đảng và Nhà nước ta, sử dụng các công cụ truyền thông để vu khống, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, lãnh đạo Đảng, Nhà nước; xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, công tác điều hành của Nhà nước. Chúng xác định việc phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng là một mục tiêu trọng điểm, nhằm tiến tới phủ nhận hoàn toàn Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và sâu xa hơn là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thủ tiêu chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam... Chúng đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tăng cường các hoạt động lợi dụng đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng, Nhà nước ta để tiến hành các hoạt động tình báo, gián điệp, nhằm phá hoại ta từ bên trong và kết hợp với bên ngoài. Chúng thường dùng luận điệu “phản biện xã hội”, đấu tranh vì “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do tôn giáo”, xây dựng “xã hội dân sự”, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ,… để tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; kích động tư tưởng, thái độ thù địch.

Trước tình hình mới ngày càng phức tạp về hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, báo chí cả nước đã thể hiện rõ vai trò quan trọng trong tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; nỗ lực, tích cực, sáng tạo trong tuyên truyền những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước; định hướng văn hóa, thẩm mỹ cho bạn đọc; tích cực thông tin, tuyên truyền phản ánh thực tiễn đời sống xã hội, góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng; quảng bá hình ảnh, uy tín của đất nước, con người Việt Nam. Báo chí tham gia tích cực, tiên phong trong công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng, bao vệ uy tín, vị thế của Đảng, Nhà nước, và sự nghiệp cách mạng của toàn dân.

Trong xu thế vận động và phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là sự bùng nổ của internet và truyền thông mạng xã hội đã đặt báo chí cách mạng đứng trước những khó khăn, thách thức đòi hỏi phải có những nỗ lực đổi mới mang tính đột phá về nội dung, phương thức hoạt động và đầu tư nâng cao trình độ và máy móc thiết bị đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Tính nhanh chóng, tiện dụng và lan tỏa của mạng xã hội đã thu hút mạnh mẽ công chúng dần dần thay đổi thói quen đọc báo, xem tivi, nghe đài để tiếp cận thông tin, hình ảnh mang tính nóng sốt, đa dạng, đa chiều, đa phương tiện, không mất thời gian kiểm chứng nguồn tin, biên tập xuất hiện dày đặc trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo, Google, Youtube, v.v… Cuộc cạnh tranh về thị phần đã tạo ra những thách thức rất lớn về chuyên môn, về đạo đức nghề nghiệp và về kinh tế báo chí đòi hỏi các cơ quan báo chí phải vượt qua để duy trì tốt hoạt động và hoàn thành sứ mệnh chính trị của báo chí cách mạng. 

Hiện tượng quốc tế hóa báo chí cũng ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Trong bối cảnh thông tin toàn cầu đang phát triển, các tập đoàn truyền thông, các cơ quan báo chí đều muốn đẩy mạnh ảnh hưởng của mình tở các quốc gia khác. Chính vì vậy mà họ cố gắng đưa tờ báo của mình ra khỏi khuôn khổ của một quốc gia.Quốc tế hóa báo chí là hình thức mà một tờ báo, ấn phẩm báo chí được phát hành ở nhiều quốc gia, hoặc phát hành ở quốc gia này nhưng được bán ở quốc gia khác. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các cơ báo chí, cũng mỗi phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên… trong đội ngũ những người làm báo để giữvững vị thế vai trò của báo chí cách mạng; để làm sao thông tin trên báo chí chính thống luôn là dòng thông tin chủ lưu.

Tuy nhiên, dù đứng trước bất kỳ khó khăn, thách thức nào, với bản chất cách mạng kiên cường, được Đảng lãnh đạo sâu sát toàn diện, Nhà nước tạo hành lang pháp lý và cơ chế thuận lợi, phù hợp, Nhân dân ủng hộ đồng hành, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đóng vai trò là lực lượng nòng cốt, là vũ khí cách mạng sắc bén, luôn đồng hành cùng dân tộc, là diễn đàn tin cậy của các tầng lớp Nhân dân. Báo chí cách mạng Việt Nam luôn nỗ lực phấn đấu thực hiện đúng như lờiBác Hồ kính yêu đã từng căn dặn: “Báo chí của ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ cho nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ… Mỗi tờ báo như báo của nông dân, báo của công nhân, báo của thanh niên, báo của phụ nữ, v.v., nên có đặc điểm của nó”./.

TRỊNH THÁI NGUYÊN