flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

Báo chí cách mạng Việt Nam qua góc nhìn của các nhà cách mạng xã hội chủ nghĩa

Ngày đăng: 08-06-2020 Lượt xem: 1892

95 năm qua (21/6/1925 - 21/6/2020), Báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng lớn mạnh cả về lượng và chất, dưới sự bùng nổ của công nghệ số và mạng xã hội, thế nhưng mỗi nhà báo, mỗi chiến sĩ trên mặt trận văn hoá tư tưởng vẫn giữ cho mình được “bút sắc, lòng trong, tâm sáng” để góp phần xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ảnh minh họa

Theo C.Mác: “Tự do báo chí, quyền lập hội, giáo dục phổ thông toàn dân, đó là chủ nghĩa xã hội”[1].

Theo Ăngghen: Báo chí cần phải bảo vệ và giải thích rõ yêu cầu của Đảng, thể hiện rõ những ý kiến quan điểm của Đảng, đồng thời báo chí phải đấu tranh với kẻ thù của Đảng, bác bỏ ý kiến tham vọng của chúng”. Báo Đảng là người phát ngôn của Đảng, là đội tiên phong của giai cấp vô sản, là người tuyên bố, bảo vệ luận cương và phương hướng của Đảng”[2].

Theo V.I. Lênin: “Báo chí là trận địa ban đầu, từ đó Đảng sẽ tiến hành cuộc đấu tranh với đối thủ của mình bằng vũ khí tương xứng. Báo ngày là công cụ tuyên truyền cổ động quần chúng không gì thay thế được”[3].

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh[4]:

- Văn hóa, báo chí phục vụ quần chúng Nhân dân là phải miêu tả cho hay, cho thật, cho hùng hồn; phải trả lời được các câu hỏi: Viết cho ai? Viết nhằm mục đích gì? Viết như thế nào? Lấy tài liệu đâu mà viết? Viết phải thiết thực, tránh cái lối viết rau muống mà ham dùng chữ. Nói cũng vậy. Nói ít, nhưng nói cho thấm thía, nói cho chắc chắn, thì quần chúng thích hơn. Tóm lại, “từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng. Trên cơ sở đó để định hướng giá trị cho quần chúng”.

- Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại. Trong đấu tranh trên mặt trận tuyên truyền, đối với địch thì nêu những cái xấu của nó để bộ đội ta, đồng bào ta biết là chúng nó độc ác thế nào, xấu xa thế nào, để gây lòng căm thù đối với quân địch. Sự hung ác, xấu xa của chúng nó rất nhiều, nếu biết gom tài liệu thì tha hồ mà viết. Có những việc chúng nó làm, bên ngoài thì như là tốt, mà bên trong thì thật là xấu, ta phải giải thích cho Nhân dân ta hiểu. Còn về phía ta thì phải ra sức tuyên truyền đường lối của Đảng, tuyên truyền những thành tích của công cuộc kháng chiến và kiến quốc, phải nêu gương người tốt. Làm như vậy bản thân các nhà báo đã đóng góp vào cuộc kháng chiến thắng lợi, xây dựng hoà bình và đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Để làm trọn nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức hướng dẫn thì các báo chí ta cần phải gần gũi với quần chúng hơn nữa, đi sâu vào công việc thực tế hơn nữa, cách làm việc của các báo chí phải cải thiện hơn nữa.

- Trong điện mừng Hội nhà báo Á - Phi (24/4/1965), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”.

Tại Đại hội lần thứ III những người viết báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén…

- Nói chuyện tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam tháng 4/1959, Bác Hồ căn dặn các nhà báo: "Báo chí chúng ta thì cần phải phục vụ Nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành...) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của chúng ta đều phải có đường lối chính trị đúng. Báo chí của ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ Nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”.

- Nói chuyện với một số cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng, tháng 6/1968, về việc xuất bản loại sách người tốt, việc tốt, Bác Hồ nói: “Các chú vẫn thường nói: Nhân dân ta rất anh hùng, ra ngõ gặp anh hùng. Điều đó rất đúng. Có thể nói trong mỗi nhà đều có anh hùng, như thế ra ngõ mới gặp anh hùng chứ!". Người cho rằng, những người làm nên sự tích oanh liệt được Đảng và Nhà nước tuyên dương là những bông hoa rất đẹp ở vườn hoa chung của dân tộc. Nhưng dù sao, số người và những tập thể được công nhận là anh hùng, dũng sĩ, chiến sĩ thi đua, được tặng huân chương, huy chương vẫn là số ít so với hàng triệu, hàng chục triệu con người hàng ngày góp gió thành bão, đang gánh vác mọi việc nước, việc nhà để đánh thắng giặc Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên Bác nghĩ cần có những phần thưởng để khuyến khích, động viên, cổ vũ mọi người làm tròn nhiệm vụ. Từ ngày hoà bình lập lại, Bác có yêu cầu báo của Đảng và của các đoàn thể mở ra mục Người mới, việc mới, nay nên gọi là Người tốt, việc tốt cho đúng hơn. Người dặn dò các nhà báo: "Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu".

- Báo chí phải có ý thức về xu hướng chính trị của mình. Bởi vì, người làm báo là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Nhân tố quyết định là tư tưởng và lập trường chính trị vững chắc, đường lối chính trị đúng. Xu hướng chính trị chủ đạo, xuyên suốt, duy nhất là phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Muốn thế phải kết hợp chặt chẽ “xây" với “chống", “phò chính” đi đôi với “trừ tà".

Tóm lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh có không ít các ý kiến về người làm công tác báo chí cách mạng, nhưng vấn đề hàng đầu mà Bác đòi hỏi đối với các nhà báo là phải có phẩm chất chính trị vững vàng và đạo đức tốt đẹp. Nhà báo cũng phải là chiến sĩ cách mạng, "Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng". Bác dạy, "Có người chỉ muốn làm cái gì để "lưu danh thiên cổ" cơ. Muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn. Cái đó cũng không đúng... Họ không thấy rằng: làm việc gì có ích cho Nhân dân, cho cách mạng đều là vẻ vang”.

HM

 

[1] C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, t.7, tr.124.

[2] C.Mác, Ăngghen về công tác báo chí, TTXVN, 1982, tr.7.

[3] V.I.Lênin nói về sách báo, NXB Sách giáo khoa Mác Lênin, Hà Nội, 1984, tr.18.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000.