Ngày đăng: 15-12-2017 Lượt xem: 1157
Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê (Le Group) kỳ vọng rất nhiều vào những người gác cổng là nhà báo để có được thông tin khách quan, độc lập và tận tâm với sự thật.
Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê
(Y) Thời gian này, bên anh có gặp sự cố truyền thông nào của doanh nghiệp khách hàng khiến đội ngũ tư vấn truyền thông phải điên đảo?
Rất nhiều. Phải nói là doanh nghiệp ngày nay thường xuyên vấp phải những khủng hoảng không đáng có. Ví dụ như một thương hiệu tã trẻ em, mặc dù đã được các cơ quan chức năng quốc tế khẳng định chất lượng đảm bảo vẫn bị báo chí trong nước gán nghi án có chất gây ung thư, theo một nguồn tin cũ rích cả năm trước đây. Hay như một thương hiệu sở hữu kỳ nghỉ bị một luật sư thiếu lương tâm và kiến thức áp đặt những cáo buộc vô căn cứ, làm nhiễu loạn thông tin và được một số tờ báo câu view trích đăng mà không có kiểm chứng. Thông thường hơn là những sai sót về tiến trình nộp thuế của các doanh nghiệp, mặc dù đã được cơ quan chức năng gia hạn và đã hoàn tất trách nhiệm của mình, vẫn bị vài tờ báo khui ra và gán ghép những nguy cơ tưởng tượng cho khách hàng của các doanh nghiệp đó.
Phải nói rằng, bên cạnh một số ít các doanh nghiệp thực sự có lỗi hoặc sai phạm nào đó, phần lớn các doanh nghiệp gặp phải sự cố truyền thông phần lớn đều do sự thiếu khách quan trong xử lý thông tin, hoặc thổi phồng vấn đề, thậm chí có những trường hợp đăng tin đồn thổi thiếu căn cứ. Khách hàng của chúng tôi đều thuộc loại thứ hai.
(Y) Khủng hoảng truyền thông là vấn đề DN phải làm việc với báo chí nhiều nhất. Khủng hoảng truyền thông thường xuất phát từ 3 nguyên nhân: DN làm sai nên lâm vào tình trạng khủng hoảng; DN bị vu cáo, vu khống, bôi nhọ; Sự cố DN mắc phải chỉ một phần là sự thật rồi bị xé ra to, làm cho nghiêm trọng. Vậy trong mỗi vấn đề này thì hai bên cần có sự kết hợp như thế nào để đạt được mục đích, nhà báo có thông tin chính xác, minh bạch và doanh nghiệp thoát khỏi khủng hoảng?
Chúng tôi thường ví von rằng, báo chí như người gác cổng. Họ cho loại thông tin nào lọt qua cái cửa của họ thì công chúng sẽ nhận được loại thông tin đó. Bất luận trong hoàn cảnh nào, nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của người làm PR cho các doanh nghiệp là làm cho những người gác cổng đó có cái nhìn công bằng và chính trực như Heimdall (người canh giữ Asgard trong bộ phim Thor). Chỉ cần anh ta có góc nhìn một chút thiên lệch thì thông tin bị méo mó, và nạn nhân không chỉ có doanh nghiệp và cả bạn đọc của anh ta nữa. Vì vậy, mục tiêu tối thượng của những người xử lý khủng hoảng truyền thông là mang đến cho báo chí những thông tin trung thực nhất, đúng đắn nhất để báo chí có cái nhìn đa chiều và khách quan.
Người làm truyền thông cũng như luật sư vậy. Công việc của anh ta không phải là biến không thành có, đổi trắng thay đen, mà là giúp cho những người cầm cân nẩy mực có đầy đủ thông tin khách quan nhất để đưa ra kết luận cuối cùng, không làm trầm trọng hơn thực tế lỗi của doanh nghiệp, càng không thể để doanh nghiệp bị hàm oan vì những cáo buộc không đúng.
Ngày nay, các nhà báo có nhãn quan của Heimdall hiếm lắm. Chúng tôi kỳ vọng rất nhiều ở cái tâm và tầm của nhà báo, và chỉ mong rằng họ đều là những người gác cổng thông tin khách quan, độc lập và tận tâm với sự thật. Như vậy, chắc chắn doanh nghiệp sẽ không phải khốn đốn như thời gian vừa qua. Và như thế, doanh nghiệp cũng nể sợ báo chí mà không dám có những sai phạm pháp luật nữa.
(Y) Theo anh, các DN hiện nay thường bị bao vây, công kích, vì đâu?
Tôi thấy có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân lớn nhất là nhu cầu kích động vấn đề để thu hút độc giả của nhiều cơ quan báo chí, đúng hơn là của một bộ phận lớn các nhà báo bị giao chỉ tiêu câu view. Họ không hoàn toàn ác ý với doanh nghiệp, nhưng cần giật tít cắt gọt, chọn vấn đề trầm trọng để thổi phồng lên. Thực tế công chúng dễ bị cuốn vào các chủ đề đó hơn là các mặt tốt của doanh nghiệp. Không loại trừ có một số phóng viên tha hoá, cố tình viết bài, nguỵ tạo thông tin, hoặc phóng đại thông tin, đe doạ doanh nghiệp với mục đích xấu.
Một xu hướng mới, không phải là phổ biến, nhưng đang trở nên nguy hiểm. Đó là, nhà báo đang trở thành quân bài trong tay một số kẻ trục lợi thông tin. Bọn họ thường lợi dụng vai trò xã hội của mình và sự thiếu thông tin hoặc non tay nghề của phóng viên để tung những tin tức giả trá, thiếu kiểm chứng, dựa trên một vài yếu tố có thật nào đó, khiến câu chuyện thật giả khó lường. Loại này, được hỗ trợ bởi mạng xã hội, dễ làm cho câu chuyện bị phóng đại và lan truyền một cách nguy hiểm.
(Y) Hiện nay, nhiều doanh nghiệp và giới làm truyền thông, PR, MKT có rất nhiều chiêu trò để thu hút các nhà báo. Chẳng hạn, lan truyền trên mạng xã hội sau đó báo chính thống nhảy vào làm, vô tình đẩy lên thành hiện tượng, cơn sốt. Lúc này thì nhà báo, phóng viên cần làm gì để tránh và thoát khỏi các ma trận mà doanh nghiệp và giới truyền thông, PR bày ra?
Thực tế có hiện tượng như vậy. Có những người làm truyền thông chân chính, thì cũng có những người làm PR bẩn. Vì vậy, sự minh triết của nhà báo, sự cẩn trọng của nhà báo là hết sức quan trọng. Giữa một rừng rậm thông tin, nếu không cẩn thận, nhà báo dễ bị cuốn vào những loại thông tin giả. Nhưng việc nhận ra đâu là thông tin giả, đâu là thông tin thật không phải là khó. Rất may là internet và những công cụ công nghệ tiên tiến ngày nay cho chúng ta khả năng kiểm chứng phần lớn các thông tin nổi trên bề mặt. Những loại thông tin bí mật, ẩn giấu cũng không phải là không thể tìm thấy. Miễn là các nhà báo có cái đầu đủ lạnh, đủ tỉnh táo, không vội vã tự đẩy mình bị cuốn vào vòng xoáy thông tin, thì sự tĩnh tại đó cho phép họ hiểu ra sự thật dễ dàng.
(Y) Trước khi đến với truyền thông, anh từng làm báo. Vậy anh có va vấp phải vấn đề khủng hoảng của DN và anh đã xử lý thông tin như thế nào?
Tôi từng tham gia điều tra nhiều sự vụ của các doanh nghiệp và các tổ chức trong thời gian làm báo. Tôi tin rằng, hầu hết các nhà báo như tôi đều quan tâm đến danh tiếng và uy tín nghề nghiệp của mình, nên chúng tôi hết sức thận trọng khi tiếp nhận bất cứ vấn đề gì liên quan đến các thông tin tiêu cực của doanh nghiệp, hay bất cứ một tổ chức, cá nhân nào khác. Bên cạnh đó, lương tâm và trách nhiệm buộc chúng tôi phải tìm hiểu cặn kẽ mọi yếu tố mâu thuẫn, phải lắng nghe mọi chiều thông tin liên quan. Bất cứ một mâu thuẫn nào cũng phải được xem xét từ cả hai phía. Tôi tự hào rằng, trong quá trình làm báo, những bài viết của tôi đều có sức nặng thật sự và được anh em đồng nghiệp và cả độc giả đánh giá cao. Tôi nghĩ rằng, đó là phần thưởng danh giá nhất đối với một người cầm bút.
(Y) Việc làm báo ra làm truyền thông giúp anh có được kinh nghiệm xử lý thông tin như thế nào?
Giúp nhiều chứ. Tôi hiểu được tâm lý, năng lực, cũng như thế giới quan của các nhà báo trong nhiều vấn đề. Tôi biết báo chí cần những loại thông tin gì và phương thức tiếp cận thông tin của họ. Tất nhiên, bây giờ báo chí có nhiều loại lắm, hiểu được hết thì có thể là tham vọng quá lớn. Nhưng kinh nghiệm làm báo, và giờ đây là làm tư vấn truyền thông cho tôi cái nhìn từ hai phía. Đó chính là lợi thế lớn nhất để chúng tôi có thể kết nối doanh nghiệp với báo chí.
(Y) Ở VN hiện nay có kiểu “đánh hội đồng” của một số báo để làm tan vỡ 1 doanh nghiệp, 1 thương hiệu. Anh nghĩ sao về vấn đề này? liệu cách làm này có tồn tại trong bối cảnh hội nhập hiện nay? Anh thấy trên thế giới hình thức tác nghiệp này của báo chí có nhiều không? Và họ có bị tẩy chay?
Đáng buồn đây là sự thực, mà ngay cả lãnh đạo báo chí như Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng đã thừa nhận. Tôi không nghĩ là trong lịch sử báo chí thế giới lại có hiện tượng như vậy, ngoại trừ Việt Nam. Mà quy luật là, bất cứ thứ gì lạc loài, trái với khuôn mẫu tiêu chuẩn được thừa nhận chung, thì đều sẽ bị thải loại.
Trên thế giới có thể có những nhà báo tung tin giả, tin tức bịa đặt, nhưng họ hoạt động đơn lẻ và đều bị tẩy chay khi bị phát hiện. Cũng có khi, một số báo chí liên kết để thực hiện điều tra, ví dụ như vụ hồ sơ Panama chẳng hạn, nhưng họ làm thế để điều tra sự thực, để phụng sự tôn chỉ sự thực của báo chí, chứ không phải để đánh đập ai cả. Tôi nghĩ ở Việt Nam cũng vậy thôi. Làng báo khó có thể dung thứ cho những nhà báo, phóng viên tạo lập bè đảng “đánh hội đồng” với mục đích kiếm chác, phục vụ lợi ích riêng.
(Y) Khi có sự cố DN chỉ trông chờ vào đạo đức của nhà báo. Anh nghĩ sao về ý này?
Quả là, đạo đức nhà báo là thứ duy nhất mà doanh nghiệp có thể mong chờ khi bị hàm oan. Sự thật thì chỉ có một, nhưng cách nhìn sự thật và cách cắt cúp, lựa chọn một phần của sự thật thì có vô vàn. Một nhà báo có đạo đức là nhà báo đăng tải trọn vẹn sự thật đó, không thêm bớt, không thiên kiến. Giáo sư Stuart Ewen viết trong cuốn PR! A Social History of Spin rằng, “Lịch sử của PR là lịch sử của cuộc đấu tranh giữa cái gọi là sự thật và cách mà người ta nhìn và hiểu về sự thật đó”. Nếu nhà báo là một người gác cổng thiếu công tâm và liêm chính thì cuộc đấu tranh đó trở thành vô nghĩa.
(Y) Theo anh, thế nào là một bài báo đáng đọc, đáng để tâm và rút kinh nghiệm cho doanh nghiệp, đồng nghiệp? Anh thường tìm những tờ báo nào ở VN & thế giới để đọc? Vì sao?
Tôi nghĩ rằng, với sự cạnh tranh về tốc độ của mạng xã hội, tin tức không còn là lợi thế của báo chí. Cho nên, một bài báo đáng đọc, đáng để tâm là một bài báo có tầm phân tích sâu sắc, với cái nhìn toàn cảnh, đa chiều, giàu thông tin nhưng không bị uốn nắn theo cảm tính của người viết, cung cấp khả năng truy xuất thông tin cho người đọc.
Để tiếp nhận thông tin, tôi thường đọc tin tức của các hãng thông tấn như Bloomberg, AFP vì họ chỉ đơn thuần đưa tin, hoặc một vài tờ báo quen thuộc như New York Times, CNN, Financial Times, Wall Street Journal. Ở trong nước, tôi đọc VietnamPlus, VnExpress, Tuổi Trẻ,… nhưng chủ yếu là tôi sẽ chọn đọc theo những tác giả mà tôi tin cậy là trung thực và khách quan. Tuy nhiên, vì làm nghề truyền thông, nên lượng báo chí tôi phải đọc tương đối lớn, nhiều khi không tuân thủ được nguyên tắc của mình.
Nguồn: Báo Đầu Tư