Ngày đăng: 13-04-2022 Lượt xem: 1126
Được xây dựng và hoạt động theo nguyên tắc một Đảng Mácxít Lêninnít, nên bảo vệ chính trị nội bộ là một nhiệm vụ quan trọng, liên quan đến sự sống còn của Đảng và chế độ; đồng thời, đó là một trong những nội dung quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đảm bảo cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ cách mạng. Nhiệm vụ trọng yếu này được thực hiện nghiêm suốt 13 nhiệm kỳ Đại hội Đảng không phải là nhằm để xây dựng "lô cốt", càng không phải là sự "cố thủ" nội bộ nhằm bảo vệ quyền lợi cho Đảng như sự xuyên tạc, bịa đặt, vu khống của các thế lực thù địch, của những phần tử phản động, cơ hội (Phạm Trần, Phạm Nhật Bình, Nguyễn Văn Đài…), mà đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu để bảo vệ Đảng và chế độ.
1. Bảo vệ chính trị nội bộ gắn liền với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng
Hơn 92 năm xây dựng và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chứ không phải chỉ khi có sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ thì Đảng mới tiến hành bảo vệ chính trị nội bộ. Sự thật thì sự suy diễn hồ đồ và quy kết rằng Đảng tiến hành công tác bảo vệ chính trị nội bộ là vì cán bộ, đảng viên ngày càng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; và từ Đại hội IX đến nay, Đảng mới tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ nhằm "bảo vệ quyền lợi cho Đảng" chính là luận điệu phản động của những phần tử nhân danh dân chủ, ngáo dân chủ tư sản. Đằng sau sự xuyên tạc phản động đó chính là âm mưu phủ nhận công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, dẫn đến đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và đòi đa nguyên đa đảng đối lập, đòi thực thi tự do dân chủ tư sản, xã hội dân sự ở Việt Nam.
Thực tế, công tác bảo vệ chính trị nội bộ là yêu cầu vừa cấp bách, vừa thường xuyên của Đảng cầm quyền, nhằm xây dựng Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất; đồng thời, đảm bảo chủ động trong việc phòng ngừa từ sớm, từ xa các nguy cơ và những nhân tố tiềm ẩn có thể gây mất ổn định chính trị, xã hội do các thế lực thù địch, phản động thực hiện nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nội dung trọng tâm của công tác bảo vệ chính trị nội bộ chính là "bảo vệ Cương lĩnh, Điều lệ Đảng; bảo vệ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; bảo vệ Hiến pháp và pháp luật; bảo vệ cán bộ, đảng viên về mặt chính trị. Gắn công tác bảo vệ chính trị nội bộ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những hiện tượng cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, gây mất đoàn kết trong Đảng; xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, nhất là phát ngôn, tuyên truyền, tán phát tài liệu trái Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch”[1].
Vì có tầm quan trọng như vậy, nên trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, công tác bảo vệ chính trị nội bộ đã được triển khai thường xuyên, liên tục trong cả hệ thống chính trị; từ Trung ương đến địa phương gắn với việc kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng - đó là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; gắn với Điều lệ Đảng, với các Nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng và đó chính là nền tảng cho việc giữ vững an ninh chính trị của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, xuất phát từ sự biến chuyển nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình quốc tế, khu vực và trong nước; nhất là sự gia tăng chống phá của các thế lực thù địch vào Đảng và chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; vào việc thực thi dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, v.v.. những nhiệm kỳ gần đây, công tác bảo vệ chính trị nội bộ được đẩy mạnh.
Cùng với việc hệ thống các văn bản quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ tiếp tục được bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện qua các nhiệm kỳ Đại hội Đảng cho phù hợp với yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ cách mạng là việc quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ được thực hiện nghiêm từ Trung ương đến cơ sở. Cụ thể, việc thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 18/8/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về “Tăng cường công tác bảo vệ Chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay”, Quy định số 228-QĐ/TW quy định về "Nhiệm vụ của đảng viên và công tác quản lý đảng viên ở nước ngoài" và Quy định số 126-QĐ/TW của Bộ Chính trị quy định "Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ" gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ", với Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và các Quy định về những điều đảng viên không được làm, về nêu gương…đã góp phần quan trọng trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; thiết thực góp phần nâng cao nhận thức, chủ động phòng và đấu tranh có hiệu quả với các âm mưu, thủ đoạn chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của các thế lực thù địch nhằm phá hoại sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng…
Những kết quả đạt được trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, việc thực hiện công tác bảo vệ chính trị nội bộ nói riêng cho thấy hiệu quả rõ rệt của công tác đấu tranh, bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, bảo vệ tổ chức và cán bộ, đảng viên trước những diễn biến phức tạp của tình hình và âm mưu, hoạt động chống phá nội bộ của các thế lực thù địch… Đồng thời, cũng cho thấy các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các dấu hiệu, biểu hiện vi phạm về chính trị nội bộ; thực hiện công tác thẩm định tiêu chuẩn chính trị nhân sự phục vụ yêu cầu công tác cán bộ và kết nạp đảng viên; công tác thẩm tra, xác minh và kết luận đối với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm về tiêu chuẩn chính trị… được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, mang lại hiệu quả thiết thực.
Vì thế, những luận điệu xuyên tạc, vu khống cho rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam phải bảo vệ chính trị nội bộ do những ''phức tạp không nhỏ" trong nội bộ; do tình trạng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ gia tăng; do trong nội bộ Đảng mất đoàn kết; do sự tranh giành ghế của các phe nhóm; do các cơ quan tuyên truyền, tuyên giáo "tung hỏa mù"… là hoàn toàn bịa đặt, sai sự thật.
Những luận điệu phản động này, nếu không được chỉ ra, không được nhận diện đúng, để từ đó nâng cao cảnh giác thì ắt sẽ là một trong những nguyên nhân tạo ra kẽ hở, "vết nứt" để các phần tử cơ hội, phản động lợi dụng, tác động vào công tác chính trị nội bộ; thậm chí lôi kéo, mua chuộc, chuyển hoá những người có quan điểm lệch lạc, tư tưởng bất mãn, suy thoái dẫn đến phá hoại sự đoàn kết thống nhất trong Đảng nói riêng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc nói chung.
2. Càng khó khăn, thử thách càng phải tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ
Cũng cần phải nói rằng, bên cạnh những kết quả đạt được không thể phủ nhận trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, thì vẫn còn "một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"[2]. Trong khi đó, công tác tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát ở nhiều nơi còn hình thức. Việc thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu chưa tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị…
Thực tế, Đảng cũng là một thực thể xã hội; trong nội bộ Đảng có cán bộ, đảng viên gương mẫu, tiền phong, song đi liền cùng đó, cũng không thiếu những "con sâu làm rầu nồi canh" - những người đã suy thoái, biến chất. Cho nên, việc thường xuyên tiến hành tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát, chỉnh đốn tổ chức, bảo vệ chính trị nội bộ… trong cả hệ thống chính trị là yêu cầu cần thiết, để vừa xây dựng Đảng làm cho Đảng xứng đáng với vai trò tiền phong, để vừa kịp thời phát hiện, đưa ra khỏi Đảng những người đã rời xa lý tưởng cách mạng, thiếu rèn luyện và tu dưỡng về mọi mặt… chứ không phải là để "giữ cho đảng khỏi vỡ từ trong lòng chế độ" như sự xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: "Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ... Chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị. Bảo vệ Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương, nguyên tắc và hoạt động của Đảng; bảo vệ Hiến pháp và pháp luật; bảo vệ cán bộ, đảng viên về mặt chính trị; bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm những cán bộ có động cơ sai trái, tư tưởng cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng xã hội… để xuyên tạc, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ"[3] và nhằm nâng cao chất lượng công tác bảo vệ chính trị nội bộ gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đáp ứng yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, ngày 8/2/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 58-QĐ/TW “Một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng” (Quy định 58) thay thế Quy định số 126-QĐ/TW ngày 28/2/2018 của Bộ Chính trị "Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng"(Quy định 126).
Quy định 58 có 7 điểm mới so với Quy định 126; trong đó có những điểm bổ sung liên quan đến quy định mức giới hạn bố trí đối với cán bộ, đảng viên có vấn đề chính trị phức tạp, nhưng không vi phạm Quy định này (những trường hợp này được bố trí cao nhất đến uỷ viên ban thường vụ cấp uỷ cấp tỉnh và tương đương; bổ sung trường hợp cán bộ, đảng viên là con liệt sỹ, con thương binh ¼ nhưng có cha, mẹ, người nuôi dưỡng trực tiếp của vợ hoặc chồng vi phạm do làm việc cho chế độ cũ thì có thể bố trí đến uỷ viên ban thường vụ cấp uỷ tỉnh và tương đương)..., nhằm khắc phục triệt để những mâu thuẫn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện như: cho phép một số trường hợp được tham gia đến cấp uỷ cấp tỉnh, bố trí đến trưởng ngành cấp tỉnh, nhưng lại không được làm việc trong cơ quan, bộ phận và vị trí trọng yếu, cơ mật,v.v..
Việc ban hành và tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để quán triệt triển, khai thực hiện Quy định 58 là rất quan trọng, góp phần đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, dễ thực hiện trong cả hệ thống chính trị. Đồng thời cũng cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức rất rõ rằng, cùng với những thuận lợi, thời cơ về tiềm lực, vị thế, thì Việt Nam cũng đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức liên quan đến chính trị nội bộ. Trong đó, không thể không nhắc đến sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch, phản động từ bên ngoài với những chiêu trò, thủ đoạn ngày một tinh vi khi thực hiện âm mưu, chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, cũng không thể không nhắc đến việc một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đã lợi dụng chức quyền và sơ hở trong cơ chế, chính sách để tham ô, tham nhũng, trục lợi cá nhân, làm giàu bất chính, vi phạm Điều lệ Đảng và pháp luật Nhà nước…
Cùng với đó là một bộ phận cán bộ, đảng viên, trí thức xa dần lý tưởng cách mạng, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, về mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã sử dụng mạng xã hội công khai nói, viết, trả lời phỏng vấn báo, đài nước ngoài một số vấn đề trái với chủ trương, đường lối, Điều lệ của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thậm chí, có những kẻ còn cổ xúy việc bẻ cong lịch sử, phủ nhận lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng…Cho nên, chắc chắn việc tăng cường và nâng cao công tác bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng theo Quy định 58 là để đảm bảo Đảng luôn trong sạch vững mạnh, xứng đáng với vai trò tiền phong, cầm quyền, độc quyền lãnh đạo cách mạng; xứng đáng với niềm tin yêu và sự kỳ vọng của nhân dân, chứ không phải là xây dựng sự “cố thủ trong lô cốt nội bộ” như luận điệu bóp méo, xuyên tạc của một số phần tử phản động tung lên mạng xã hội.
Thực tế, việc các cấp ủy từ Trung ương đến địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ không chỉ góp phần bảo vệ từng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực, bè phái, nhóm lợi ích trong công tác cán bộ, trong đấu tranh chống tham nhũng và tiêu cực, gây mất đoàn kết nội bộ, mà còn tạo điều kiện phát hiện, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật được kịp thời. Nhờ thường xuyên thực hiện tốt bảo vệ chính trị nội bộ mà Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là một tổ chức thống nhất trong tư tưởng và hành động; thống nhất trong cả hệ thống từ Trung ương đến địa phương, trong cả hệ thống chính trị để lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, cũng không thể phủ nhận rằng, càng tăng cường và nâng cao chất lượng công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong cả hệ thống chính trị thì càng góp phần quan trọng vào những kết quả đạt được của công tác đấu tranh chống tham ô, tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực nói riêng, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng nói chung.
Vì thế, phải khẳng định rằng, công tác bảo vệ chính trị nội bộ luôn được chú trọng; đã, đang và sẽ tiếp tục được thực hiện nghiêm trong các nhiệm kỳ của Đảng, để từng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, xứng đáng với vai trò tiền phong. Càng nhiều khó khăn, thử thách thì mỗi cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên và người đứng đầu cơ quan, địa phương đơn vị; mỗi người dân Việt Nam càng cần phải nâng cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; càng phải hiểu đúng về vai trò, nhiệm vụ quan trọng của công tác bảo vệ chính trị nội bộ, để kiên định xây dựng Đảng, bảo vệ Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa trên nền tảng lý luận chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh./.
Mai Luân
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.207-208
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr.92
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.II, tr.244-245