flag header

Tin tứcTin tức

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một nhiệm vụ cấp bách, thiêng liêng

Ngày đăng: 04-02-2022 Lượt xem: 1059

Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam được hiến định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phải chỉ là ý muốn chủ quan của Đảng mà đó là sự lựa chọn của lịch sử, được kiểm nghiệm bởi lịch sử. Thực tế, suốt 9 thập niên, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn được các tầng lớp nhân dân tin tưởng, đồng lòng ủng hộ, đi theo và chịu sự lãnh đạo của Đảng, góp sức và làm nên những thành tựu của cách mạng Việt Nam. 

1. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, nòng cốt là hệ thống tuyên giáo các cấp

Với một Đảng Mácxít Lêninnít như Đảng Cộng sản Việt Nam, thì bảo vệ nền tảng tư tưởng là một nội dung quan trọng; trong đó "bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” luôn là nhiệm vụ xuyên suốt, nhất quán. Trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh/bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ của tất cả các cấp ủy Đảng, của tất cả mọi cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị.

Căn cứ vào yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ cụ thể mỗi giai đoạn cách mạng, vào Cương lĩnh của Đảng, mấy thập niên gần đây, cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được tiếp tục chỉ đạo cụ thể, thông qua các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề như: Nghị quyết số 01-NQ/TW về "Công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay”(3/1992); Nghị quyết số 09-NQ/TW về "Một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay” (2/1995); Chỉ thị số Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" (5/2011); Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"(1/2012); Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (5/2016); Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" (10/2016) và Kết luận số 53-KL/TW của Ban Bí thư về "Việc chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu độc trên Internet, mạng xã hội"(6/2019)…

Đứng trước yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, để tiếp tục "tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch"[1] nhằm tập trung thực hiện mục tiêu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”(10/2018) đã nêu rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh, phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đó chính là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng Tuyên giáo các cấp là nòng cốt; đồng thời, là công việc tự giác, thường xuyên của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch với tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài. Càng khó khăn, thử thách, càng phải chú trọng nhiệm vụ quan trọng này. Vì thế, để "tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ""[2], cuộc đấu tranh của Đảng trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng để bảo vệ nền tảng tư tưởng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đã được toàn Đảng và cả hệ thống chính trị thống nhất trong nhận thức và hành động;  trong cả xây dựng, phát triển lực lượng và trong tổ chức, phối hợp tác chiến.

Trên cơ sở xác định rõ tính chất, thực chất và bản chất đối kháng, không khoan nhượng của cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng được tổ chức với sự vào cuộc tích cực, chủ động của các lực lượng, ở cả Trung ương và địa phương; trong đó, xung kích và nòng cốt là ngành Tuyên giáo các cấp. Cùng với đó là các cơ quan nghiên cứu khoa học, lý luận, các ban đảng, cơ quan truyền thông, thông tin các cấp; là vai trò chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương và sự phối hợp đồng bộ, hệ thống, trách nhiệm của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương cùng với sự vào cuộc linh hoạt, chủ động, quyết liệt, bền bỉ của các lực lượng, đơn vị chức năng, các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương… để đảm bảo sự chủ động, linh hoạt, nhịp nhàng theo nhiều tầng, nấc, cấp độ.

2. Kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội không phải là sai lầm, lạc hậu

Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cầm quyền, độc quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam là bởi Đảng đã khẳng định được vai trò tiền phong, lãnh đạo của mình; là bởi sự tôn vinh, tin tưởng của các tầng lớp nhân dân; là bởi sự thừa nhận của các chính đảng khác (lịch sử dân tộc từng có Đảng Xã hội, Đảng Dân chủ... tham gia chính trường, song vì không thể đảm nhiệm được sứ mệnh lịch sử, nên cuối cùng đã tự rút lui). 92 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã làm nên những kỳ tích không thể phủ nhận. Thời gian có thể làm thay đổi nhiều thứ và thế giới cũng sẽ nhiều đổi thay, song những gì mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã nỗ lực vì đất nước và nhân dân cũng không thể bôi đen hay xuyên tạc được. Thực tế là, từ ngày có Đảng Cộng sản lãnh đạo, nhân dân Việt Nam giành được nhiều thắng lợi trong thế kỷ XX, cũng như những thành tựu trong hai thập niên đầu của thế kỷ XXI. Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước đã được khẳng định và ghi nhận.

Thực tế là, ngay từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp điều kiện cụ thể của đất nước đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam kiên trì đấu tranh cách mạng đầy gian khổ và hy sinh suốt 15 năm (1930-1945) để giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; kiên trì tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng suốt 30 năm (1945-1975) để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội; tiếp tục tiến hành sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng 3 thập niên (1986-2022) chưa bao giờ/không bao giờ là sai đường và lạc hậu. Nếu không có Đảng dẫn đường, lãnh đạo thì tất yếu sẽ không thể có một  nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa hòa bình, độc lập, thống nhất và ngày một phát triển như hôm nay!

Hơn 76 năm qua, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; xác định rõ: “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam”, “đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi” và "thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta", khi thực dân Pháp (tái xâm lược Việt Nam, gây ra cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ 2) và sau đó là đế quốc Mỹ (gây chiến ở miền Nam, rồi sau đó lan ra cả nước), đồng bào và chiến sĩ cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã kiên định, quyết tâm đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong 30 năm kiên cường đấu tranh chống sự xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đã có biết bao người con ưu tú của Tổ quốc hiến dâng thân mình, một phần máu xương của mình cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Sự hy sinh anh dũng đó đã góp phần làm cho trái ngọt "độc lập, tự do, hạnh phúc" được nở hoa trên mảnh đất Việt Nam, chứ không phải là trong suốt 30 năm đó người dân Việt Nam "phải chấp nhận khổ nghèo, hy sinh vì nội chiến" như các thế lực thù địch đã kích động, quy chụp. Thực tế, sự hy sinh và đóng góp sức mình của mỗi người dân Việt Nam yêu nước cho một đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội chính là sự kiên định con đường Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn từ năm 1930, chứ không phải là Việt Nam cố bấu víu vào chủ nghĩa xã hội, trong khi hệ thống chủ nghĩa xã hội thế giới "coi như đã tan rã", chỉ còn lại "vài nước rời rã cố bám" như các nhà "dân chủ cuội" nhận định.

Trong quá trình lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành sự nghiệp cách mạng, Đảng không chỉ đã xác lập, củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo, sức mạnh, uy tín, sức chiến đấu của mình bằng đường lối chính trị đúng đắn; bằng bản lĩnh, nghị lực, trí tuệ, đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên mà còn luôn chú trọng thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng, để Đảng luôn là một tổ chức đoàn kết, thống nhất chặt chẽ, vững chắc; luôn gắn bó, liên hệ mật thiết với nhân dân, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ và bảo vệ. Trong mọi lĩnh vực công tác cũng như cuộc sống đời thường, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng đã nỗ lực tu dưỡng về mọi mặt để phụng sự Tổ quốc và nhân dân với tinh thần liêm chính, cần, kiệm, chí công vô tư và bằng sự nêu gương, hy sinh quên mình, phấn đấu không mệt mỏi.

Vì thế, trên hành trình lãnh đạo nhân dân Việt Nam kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ngày càng khẳng định và củng cố được vị trí cầm quyền, độc quyền lãnh đạo của mình. Đồng thời, trong hành trình đó, nhân dân Việt Nam cũng ngày càng nhận thức sâu sắc hơn vai trò không thể phủ nhận/không thể thay thế được của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này là sự thật, và sự thật này bác bỏ sự quy chụp không khách quan, đầy chủ kiến ác ý của các thế lực thù địch khi tung tin "vịt" lên mạng xã hội rằng, Việt Nam "cố tình" đi lên chủ nghĩa xã hội là do "Đảng sai lầm, lạc hậu" và sự độc quyền lãnh đạo của Đảng là "vì muốn thống trị uy quyền, muốn độc bá, độc tôn".

Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo cách mạng không phải là căn nguyên dẫn đến tham nhũng

Lịch sử cách mạng từ khi có Đảng lãnh đạo cho thấy rằng, ở vào những điều kiện cụ thể khác nhau, công tác phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham ô, tham nhũng có thể đậm nhạt khác nhau, song Đảng luôn nhất quán chủ trương thường xuyên phòng và đấu tranh chống tham nhũng để xây dựng Đảng, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đảm bảo vai trò tiền phong của Đảng.

Thực tế cho thấy, tham nhũng gắn liền với quyền lực; là sự lạm dụng quyền lực của những người được giao trọng trách/chủ thể nắm giữ quyền lực khi bị tha hóa và tham nhũng là một "căn bệnh" chung của mọi hình thức nhà nước, dù thuộc bất kể thể chế chính trị nào. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo về vấn nạn này trong nhiều tác phẩm: Chính phủ là công bộc của dân (19/9/1945); Sao cho được lòng dân (12/10/1945); Bỏ cách làm tiền ấy đi (17/10/1945); Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng (17/10/1945); Sửa đổi lối làm việc (10/1947); Tự phê bình và phê bình (14/2/1952); Chống quan liêu, tham ô, lãng phí (31/7/1952); Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (3/2/1969); Di chúc (1969),v.v..

Thực tế, các hành vi tham nhũng và tiêu cực trong lĩnh vực nào cùng vậy, ở cấp nào cũng vậy cũng đều làm mất đi sự trong sạch của bộ máy Đảng và Nhà nước; đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, phẩm chất đạo đức và vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đồng thời, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Vì thế, để Đảng "là đạo đức, là văn minh" như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, thì Đảng càng phải đẩy mạnh công tác phòng và đấu tranh chống tham nhũng gắn liền với công tác phòng, chống tiêu cực; nhất là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu nói riêng.

Những nhiệm kỳ gần đây, Đảng không chỉ ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, két luận liên quan đến công tác phòng và đấu tranh chống tham nhũng mà còn tăng cường lãnh đạo chặt chẽ công tác này để nhằm mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng là trong đấu tranh chống tham nhũng phải luôn tuân thủ quy định của pháp luật; là "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", kết quả công tác đấu tranh chống tham nhũng những năm qua không chỉ tạo được bước đột phá mà còn góp phần từng bước hình thành cơ chế răn đe để mỗi cán bộ, đảng viên ở các cơ quan công quyền "không dám tham nhũng, không thể tham nhũng và không muốn tham nhũng"…

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong từng tổ chức Đảng, trong mỗi người cán bộ, đảng viên  vẫn chưa thể ngăn chặn, đẩy lùi triệt để. Cho nên, chưa bao giờ lại có nhiều cán bộ cấp cao vướng vào vòng lao lý vì tham nhũng, cố ý làm trái pháp luật như nhiệm kỳ khóa XII của Đảng. Đồng thời, cũng chưa bao giờ việc phòng và đấu tranh chống tham nhũng gắn với phòng và chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" lại trở nên cấp bách và có ý nghĩa như vậy trong bối cảnh hiện nay.

Các thế lực thù địch cứ một mực cho rằng "Đảng độc tài cai trị" nên đó là nguồn cơn của tham nhũng mà cố tình không chịu hiểu rằng, ở đâu có quyền lực thì ở đó tất yếu có tham nhũng, có nguy cơ tham nhũng tiềm ẩn. Thể chế nào thì cũng có tiêu cực, quan liêu, tham ô, tham nhũng chứ không phải chỉ ở Việt Nam. Đặc biệt, chủ trương phòng và đấu tranh chống tham nhũng ngày càng được đẩy mạnh trên tinh thần kiên quyết, quyết liệt, không ngưng nghỉ, không có vùng cấm dưới sự lãnh đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã, đang và sẽ luôn nghiêm khắc với chính mình, với đội ngũ cán bộ, đảng viên để kịp thời phát hiện, đưa ra xử lý những người đã suy thoái, biến chất, vi phạm pháp luật và kỷ luật Đảng.

Cũng vì thế, bất kể cá nhân, tổ chức nào vi phạm pháp luật, đầu cơ, tham ô, tham nhũng hay nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp thì cũng sẽ bị trừng trị nghiêm minh theo pháp luật, trên tinh thần "cắt bỏ một cành cây hỏng để cứu cả thân cây; chặt bỏ một cây sâu bệnh để cứu cả một rừng cây xanh tốt". Thống nhất trong chủ trương và quyết liệt trong xử lý các hành vi, vụ án tham nhũng là để làm trong sạch Đảng, để Đảng mạnh khỏe chứ không phải đó là một cái cớ để các "phe nhóm đưa nhau ra tòa, vào tù trong cuộc chiến giành quyền và lợi" như các phần tử chống Đảng và chế độ xuyên tạc và kích động./.

Mai Luân

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.201

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.183