Ngày đăng: 30-03-2020 Lượt xem: 11169
Đây là lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong (Sư đoàn 308, Quân đoàn 1) chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô Hà Nội vào năm 1954. Người khẳng định và tôn vinh “Các Vua Hùng đã có công dựng nước”. “Công dựng nước” của các Vua Hùng thật là to lớn. Lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc ta luôn luôn phải đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Trong quá trình dựng nước và giữ nước đầy gian khổ, hy sinh, dân tộc ta đã tạo nên truyền thống đoàn kết, anh dũng, kiên cường, thông minh, sáng tạo, và có tinh thần độc lập, tự chủ. Vì thế, dân ta đã làm nên biết bao chiến công oai hùng, dựng nên đất nước, khẳng định chủ quyền và bồi đắp bản sắc dân tộc. Và dường như lời căn dặn của Người vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong thời điểm cả nước với tinh thần “chống dịch như chống giặc” - đại dịch Covid-19.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kêu gọi toàn dân chung tay phòng chống dịch Covid-19
Chiều 26/3/2020, trong buổi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 TPHCM họp trực tuyến với 24 quận, huyện và một số sở, ngành liên quan, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ: “Trong lúc khó khăn này, mỗi người sống cực hơn một chút để người khác đỡ lâm vào cảnh khó khăn hơn và để chúng ta chống được dịch”. Kể từ khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện vào ngày 23/1/2020, đất nước chúng ta nói riêng và cả thế giới nói chung đang “gồng mình” chống đại dịch Covid-19. Hơn hai tháng qua, tinh thần tương thân tương ái, nghĩa tình và chủ động cộng đồng trách nhiệm của mỗi người dân được thể hiện rõ hơn bao giờ hết.
Ngay chính lúc này đây, chúng ta lại càng thấm thía hơn lời dặn “cùng nhau giữ lấy nước” của Bác - “Giữ nước” là toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, đem lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Bởi nhân dân là gốc của đất nước. Đấy chính là “kế sâu dễ bền gốc” mà ông cha ta truyền lại. Với vốn kiến thức hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi hiểu rằng lời dặn “cùng nhau giữ lấy nước” của Bác không có nghĩa là ra trận chiến chống giặc ngoại xâm mà còn là sự chia sẻ, đoàn kết, cùng cộng đồng trách nhiệm; cùng sáng tạo vượt qua khó khăn, thiên tai, dịch bệnh để xây dựng đất nước phồn thịnh, văn minh, hiện đại và phát triển vững mạnh hơn.
Và để thực hiện lời căn dặn giữ nước của Bác, ngày 30/3/2020 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch Covid-19.
Lời kêu gọi nhấn mạnh: “Trong cuộc chiến phòng, chống dịch ở vào thời điểm vô cùng quan trọng này, một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của các tổ chức, cá nhân, cũng như cuộc sống hàng ngày của đồng bào ta. Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh…”.
Tôi đã ngậm ngùi khi đọc những dòng chia sẻ này trên Báo Phụ Nữ TPHCM: “Và chúng tôi tin, ở thời điểm dịch bệnh hoành hành hiện nay, khi những con người phiêu dạt bên lề Thành phố đang là những người “dễ tổn thương” nhất của xã hội, ở đâu đó, vẫn có những tấm lòng âm thầm gửi đến họ. Có khi là một bữa cơm, một hộp sữa hay một gói mì. Hay như một bác bảo vệ lương tháng chỉ 4 triệu đồng nhưng ngày nào cũng như ngày nào, bất kể nắng mưa, cũng dành ra 10.000 đồng biếu ông Nam - “cư ngụ” ở bến xe buýt trước cổng trường THCS Vân Đồn (đường Hoàng Diệu, Quận 4). Vì một lý do rất đơn giản nhưng cũng đầy xúc động: “Nếu bữa đó, không có ai mang cơm từ thiện qua thì ông Nam vô gia cư cũng có 10.000 đồng của bác để không bị đói”. Hóa ra, người nghèo khổ còn nhiều và những tấm lòng nhân ái cũng nhiều lắm. Bằng nhiều cách khác nhau, họ vẫn tìm thấy nhau, trao nhau một chút ấm lòng giản dị giữa cái lạnh lùng của mùa dịch”.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với báo chí về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TPHCM
Có lẽ cũng từ những dòng viết này, chiều muộn ngày 30/3, tại buổi trao đổi thông tin với báo chí về tình hình dịch bệnh Covid-19, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết Thành phố sẽ bàn chuyện hỗ trợ người vô gia cư trong mùa dịch để hạn chế việc lây lan dịch Covid-19. Trong buổi trao đổi, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ: "Tôi vừa nhận được một tin nhắn của một giảng viên gợi ý Thành phố nên hỗ trợ người vô gia cư, nếu những người này không được chăm sóc sẽ dễ là nguồn lây nhiễm. Tôi vừa chuyển cho đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố tin nhắn này và chúng tôi sẽ bàn chuyện giúp người vô gia cư như thế nào. Đây là việc chưa từng có nhưng trong mùa dịch này cũng là chuyện nên bàn".
Không chỉ dừng lại ở câu chuyện trên, đã có nhiều bài viết, nhiều thước phim phóng sự, nhiều hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội về tất cả lực lượng, thành phần cùng tham gia chống dịch, phục vụ từ sáng tinh mơ, ăn uống vội vã… Tinh thần đoàn kết “lá lành đùm lá rách”, đạo lý truyền thống dân tộc “bầu ơi thương lấy bí cùng/tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” càng được dâng cao, cùng phấn đấu vì một mục tiêu chung là “đẩy lùi Covid-19”. Đó là hình ảnh quên ăn quên ngủ, căng mình với bệnh nhân nhiễm Covid-19, đồng lòng chung sức đẩy lùi tin giả về dịch bệnh… của đội ngũ y bác sĩ từ những ngày Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay. Đó là hình ảnh phấn khởi của 600.000 người lao động TPHCM khi nhận thông tin họ sẽ được Thành phố hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng từ thu nhập tăng thêm của đội ngũ cán bộ, công chức TPHCM. Đó là hình ảnh mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Quýt (95 tuổi, quận Gò Vấp) vẫn ngày ngày cần mẫn may khẩu trang tặng cho người có hoàn cảnh khó khăn. Với Mẹ còn làm việc và giúp ích cho cuộc đời là còn niềm vui. Đó là hình ảnh xúc động, ngậm ngùi và biết ơn của người lao động khi được miễn giảm tiền thuê trọ. Còn nhiều, nhiều lắm sự sẻ chia, tình nghĩa của các doanh nhân, doanh nghiệp, đơn vị, đội ngũ văn nghệ sĩ…
Cán bộ, chiến sĩ, nhân viên cùng hỗ trợ người trong khu vực cách ly
Hay những hình ảnh về sự hi sinh, nỗ lực của các chiến sĩ, nhân viên tuyến đầu chống dịch Covid-19. Họ là những quân nhân hậu cần tại khu cách ly quận Thủ Đức, ngủ ngoài trời sau khi thực hiện nhiệm vụ dọn dẹp ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM để chuyển nơi này thành khu cách ly tập trung, đón người Việt từ nước ngoài về nước tránh dịch. Trước đó, vào đầu tháng 2, khi những công dân Việt Nam từ Trung Quốc về nước để tránh dịch, nhiều chiến sĩ tại các doanh trại quân đội đã chấp nhận ra rừng ngủ để nhường nơi cách ly cho bà con. Trước sự hi sinh của cán bộ, chiến sĩ quân đội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Quân đội của chúng ta luôn là trụ cột của quốc gia, đặc biệt khi đất nước lâm nguy, giặc giã, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm thì vai trò chủ đạo, tính chất nòng cốt của quân đội càng được thể hiện rõ hơn và phát huy mạnh mẽ”.
Thành đoàn thành phố Hà Nội đã ban hành công văn khẩn với thông điệp “Ở nhà là yêu nước, ở nhà là chung tay đẩy lùi Covid-19”. Còn giới trẻ ở Thành phố mang tên Bác thì gõ cửa từng nhà dân hướng dẫn họ khai báo y tế; hỗ trợ lực lượng an ninh chuyển đồ dùng, lương thực, nhu yếu phẩm cho các khu vực cách ly; phát khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, quần áo bảo hộ y tế miễn phí, tờ rơi tuyên truyền phòng chống dịch cho người dân; sáng chế các sản phẩm khử khuẩn…
Trong thời điểm này, cũng giống như bệnh tật, căn nhà trong suốt lịch sử được nhắc đến như một phép ẩn dụ cho những gì gần gũi và an toàn. Du học sinh lên máy bay về nước, tiếp viên thông báo “chào mừng các bạn về Nhà”, Nhà ở đây là Tổ quốc. Kiều bào ta ở nước ngoài là một phần máu thịt không thể tách rời. Tổ quốc luôn chào đón những người con thân yêu trở về đất Mẹ Việt Nam. Ngay từ chuyến bay đầu tiên đưa người Việt từ tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc về nước, người dân mong muốn nhìn thấy đồng bào mình trở về nước an toàn. Đối với các thành viên trên chuyến bay này, họ cảm nhận là mình đã góp một phần dù rất nhỏ bé đem đến niềm hạnh phúc lớn lao cho nhiều người.
Các bạn đoàn viên, thanh niên cùng ra quân hỗ trợ phòng chống dịch
Đặc biệt, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TPHCM vào chiều 19/3, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố sẽ tiếp nhận khoảng 17.000 người Việt Nam trở về nước và có mong muốn được cách ly tại TPHCM. Điều này khẳng định, TPHCM hoàn toàn chủ động, sẵn sàng đón nhận những người con xa xứ trở về Việt Nam sau khi đã lường trước hết mọi khả năng, đảm không bị lúng túng trước những diễn biến mới của dịch Covid-19, thể hiện tính nhân văn cao cả, tính ưu việt của Đảng và Nhà nước ta đối với đồng bào mình trước những khó khăn, hoạn nạn.
Tóm lại, thực hiện lời căn dặn “cùng nhau giữ lấy nước” của Bác là ngay chính lúc này đây - sự đồng lòng, tinh thần đại đoàn kết và niềm tin của người dân vào chủ trương của Đảng, những kế sách dẫn dắt đất nước vượt qua khó khăn, những hệ lụy phải đối mặt của nền kinh tế sau cơn đại dịch là nguồn động viên để đưa đất nước chúng ta đi đến thắng lợi./.
Thụy Quân