Ngày đăng: 15-12-2017 Lượt xem: 3531
Cách đây 100 năm, quần chúng lao động nước Nga, dưới sự lãnh đạo của chính Đảng tiền phong do Lênin đứng đầu, đã làm nên một sự kiện làm rung chuyển toàn thế giới: Cách mạng Tháng Mười năm 1917 thành công, đánh đổ chế độ quân chủ chuyên chế, đập tan mọi phương án chính trị tiêu cực của các lực lượng tư sản, khai sinh ra chế độ xã hội chủ nghĩa đầu tiên trong lịch sử loài người.
Giương cao lá cờ búa liềm thắm hồng sắc màu cách mạng, giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn Nga thật sự nắm quyền làm chủ, xây dựng chính quyền Xô viết, biến chủ nghĩa xã hội từ mơ ước và lý luận thành hiện thực sinh động ở Nga và sau đó trên toàn Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết chiếm 1/6 diện tích địa cầu. Tròn một thế kỷ đã trôi qua, thế giới có biết bao đổi thay, đảo lộn; đã xuất hiện rất nhiều sự đánh giá khác nhau về sự nghiệp của những người cộng sản. Tuy nhiên, chính thực tiễn lịch sử thế giới trong 100 năm qua, với những sự thật không thể thêm bớt, đã khẳng định vai trò và ý nghĩa hết sức to lớn của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga - cột mốc mở đầu thời đại ngày nay. 1. Bắt đầu từ Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, đã chấm dứt thời đại độc tôn của chủ nghĩa tư bản trong nền kinh tế - chính trị thế giới, mở ra kỷ nguyên mới của phát triển và tiến bộ xã hội. Tính từ cuộc cách mạng tư sản Anh năm 1640 đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản đã có gần 300 năm hình thành và phát triển, có đóng góp lớn cho tiến trình vận động của lịch sử thế giới trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, xã hội, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, chính trị... Tuy nhiên, cũng từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản bộc lộ rõ rệt nhất những hạn chế không thể vượt qua. Nền văn minh vật chất sung mãn do chủ nghĩa tư bản tạo ra đã được xây dựng bằng nước mắt và máu của quần chúng lao động khắp toàn cầu; sự phồn vinh của quốc gia, dân tộc, giai cấp, tầng lớp người này phải được đánh đổi bằng sự bần cùng hóa của nhiều quốc gia, dân tộc, giai cấp, tầng lớp khác; sự hưng thịnh của một nhúm siêu cường phải được đánh đổi bằng hàng loạt cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc, biến hàng trăm quốc gia Á, Phi, Mỹ La tinh thành hệ thống thuộc địa đáng hổ thẹn của chủ nghĩa thực dân... Trong khuôn khổ của chủ nghĩa tư bản, quá trình phát triển đã bị biến thành quá trình phản phát triển ngày càng nghiêm trọng do bản chất bóc lột, hiếu chiến và nô dịch cố hữu của chế độ kinh tế - xã hội này. Đây chính là mâu thuẫn khách quan và hạn chế nội tại của sự phát triển sản sinh ra trong lòng chủ nghĩa tư bản, đẩy chủ nghĩa tư bản đến chỗ bị thay thế không thể tránh khỏi. Hạn chế lịch sử của chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn độc quyền đế quốc cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đặt nhân loại trước một thách thức chung là tìm con đường giải phóng khỏi chế độ bóc lột, áp bức, bất công để thực hiện mục tiêu phát triển. Ở vào điểm giao thời giữa hai thế kỷ, đã xuất hiện nhiều ý tưởng, mô hình, phương án thay thế chế độ tư bản chủ nghĩa, trong đó có tư tưởng Hôxê Mácti (Cuba, 1853 -1895) chủ trương chống đế quốc, xây dựng một chế độ xã hội của tất cả và cho mọi dân nghèo trên thế gian; tư tưởng “Tam Dân” của Tôn Trung Sơn (Trung Quốc, 1866 -1925); tư tưởng dân chủ - xã hội cách mạng châu Âu; tư tưởng yêu nước và giải phóng dân tộc của đông đảo quốc gia Á, Phi, Mỹ La tinh... Như kết tinh của các tư tưởng giải phóng và phát triển tiến bộ của thời đại, Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 nổ ra, đáp ứng đầy đủ nhất những yêu cầu bức bách của lịch sử là xóa bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa, mở ra chân trời mới cho mục tiêu phát triển và tiến bộ xã hội. 2. Từ chiếc nôi nước Nga và Liên Xô, cách mạng vô sản và chế độ xã hội chủ nghĩa đã được tiến hành thắng lợi ở nhiều không gian địa - chính trị trọng yếu; chủ nghĩa xã hội trở thành một hệ thống thế giới, đối trọng hữu hiệu trên nhiều lĩnh vực với hệ thống tư bản chủ nghĩa. Dưới ánh sáng của ngọn hải đăng Tháng Mười Nga, quần chúng lao động và các lực lượng cách mạng khác đã xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở 15 quốc gia thuộc châu Âu, châu Á và châu Mỹ; cộng với nhiều quốc gia định hướng xã hội chủ nghĩa ở Á, Phi và Mỹ La tinh. Liên tục trong nhiều thập niên, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác đã khôi phục đất nước sau chiến tranh, triển khai các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt hàng loạt thành tựu to lớn như vượt chủ nghĩa tư bản về tốc độ tăng trưởng kinh tế; xây dựng được một nền công - nông nghiệp hiện đại hóa với một số lĩnh vực mũi nhọn hàng đầu thế giới; giáo dục, khoa học, kỹ thuật và văn hóa có bước tiến vượt bậc, đạt đỉnh cao thế giới trên không ít tiêu chí, trở thành tấm gương về ưu việt xã hội mà chính chủ nghĩa tư bản phải tiếp thu để điều chỉnh, thích nghi trong bối cảnh thời đại mới. Cho dù không tránh được một số hạn chế, sai lầm trong xây dựng mô hình, cách mạng xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa xã hội đã thật sự là lực lượng mở ra và thực thi mục tiêu giải phóng và phát triển cho nhân loại trong những thập niên sôi sục đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc và đấu tranh xã hội. Hiểu theo nghĩa đó, rõ ràng chủ nghĩa xã hội đóng vai trò là một trong những nhân tố quyết định xu hướng vận động của thế giới trong thế kỷ XX. 3. Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra và tạo động lực mạnh mẽ cho phong trào giải phóng dân tộc trong thời đại mới, thời đại của chủ nghĩa đế quốc bị tấn công và hệ thống thuộc địa sụp đổ. Trong lịch sử nhân loại, vấn đề dân tộc và đấu tranh dân tộc xuất hiện từ rất sớm. Chính phong trào cách mạng tư sản đã thổi bùng lên ngọn lửa giải phóng thuộc địa, khai phá những miền đất mới, khai sinh ra nhiều quốc gia dân tộc như thực thể mới trong đời sống chính trị châu Âu và thế giới. Tuy nhiên, do bản chất cố hữu, chủ nghĩa tư bản phải mở rộng bóc lột, nô dịch giai cấp thành bóc lột, nô dịch các dân tộc, cho nên, nó vừa không đủ sức giải quyết triệt để mục tiêu giải phóng dân tộc, vừa tạo nên những nhà tù khủng khiếp nhất cho các dân tộc. Từ khi chủ nghĩa tư bản trở thành chủ nghĩa đế quốc, toàn bộ giai cấp tư sản thế giới, đứng đầu là các thế lực tư bản độc quyền, là kẻ bóc lột, thống trị, nô dịch toàn bộ lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới, trước hết là giai cấp công nhân. Trong bối cảnh mới của thời đại, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chỉ có thể đi tới đích cuối cùng và bùng lên như một phong trào thế giới nếu được kết hợp chặt chẽ với cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp của công nhân toàn thế giới. Mặt khác, cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân cũng chỉ có thể triển khai thắng lợi nếu công nhân biết giành lấy dân tộc, tự mình biến thành dân tộc, phất cao lá cờ giải phóng dân tộc. Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là phương án giải quyết đúng đắn nhất cho vấn đề dân tộc trong kỷ nguyên mới: đập tan chế độ bóc lột và ách thống trị của giai cấp tư sản, địa chủ Nga hoàng, xây dựng chế độ Xô viết công - nông, đưa nhân dân lao động lên địa vị làm chủ đất nước. Theo con đường được ngọn lửa Tháng Mười Nga thắp sáng, các dân tộc trên thế giới đã vùng lên giải phóng khỏi các chế độ quân chủ, phát xít, thực dân, đế quốc; xác lập nền cộng hòa với chủ quyền đối nội, đối ngoại không thể bác bỏ; xây dựng chế độ xã hội mới do người lao động làm chủ. Chỉ tính từ sau chiến tranh thế giới II, liên tiếp xuất hiện những cột mốc và làn sóng giải phóng dân tộc: 1945, 1954 và 1975 của Việt Nam, 1949 của Trung Quốc, 1959 của Cuba, thập niên 60 của châu Phi, thập niên 70 của Mỹ La tinh, thập niên 80 của các thuộc địa cuối cùng được giải phóng. Dưới sức công phá của dòng thác cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại mới do Cách mạng Tháng Mười Nga mở ra, hệ thống thuộc địa do chủ nghĩa thực dân đế quốc thiết lập trong suốt 5 thế kỷ (từ 1492) đã hoàn toàn sụp đổ trong vòng chưa đầy 50 năm. Lịch sử thế giới hiện đại đã hết sức khách quan ghi tạc công lao, ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga như ngọn lửa soi đường cho sự nghiệp giải phóng các dân tộc, đem lại vị thế chân chính cho tất cả các quốc gia dân tộc trong cộng đồng quốc tế đương đại! 4. Động lực và cảm hứng từ Cách mạng Tháng Mười Nga tiếp tục tạo nên xu hướng phê phán, phủ định và thay thế chủ nghĩa tư bản bằng một chế độ xã hội tiến bộ hơn trong bối cảnh thế giới hiện nay. Trước khi kết thúc thế kỷ XX, lịch sử đặt ra nội dung và yêu cầu mới cho mục tiêu phát triển. Đó là sự phát triển trong hòa bình và tự do; phát triển hài hòa giữa vật chất và tinh thần; phát triển trong công bằng và dân chủ; phát triển bền vững và nhân văn; sự phát triển của mỗi người, mỗi nhóm xã hội, mỗi giai cấp, tập đoàn, mỗi quốc gia, dân tộc phải là điều kiện tích cực cho sự phát triển của những người khác và toàn bộ loài người. Nội hàm toàn diện này của sự phát triển không thể tương dung với giới hạn chật hẹp của hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa, cái hình thái chỉ có thể tồn tại và vận động được nhờ giá trị thặng dư thông qua bóc lột lao động, nhờ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa ngày càng lớn, nhờ đầu cơ tài chính và chiến tranh, v.v... Bởi vậy, mục tiêu phát triển hiện đại tự nó đặt ra yêu cầu tiếp tục giải phóng, giải phóng triệt để hơn khỏi con đường và chế độ tư bản chủ nghĩa trong mọi biến thái khác nhau của chúng. Thế giới đã sớm liên tiếng, vào những năm cuối cùng của thế kỷ XX! Từ các trung tâm tư bản chủ nghĩa, đã không ngừng cất lên biết bao lời cảnh tỉnh rằng chủ nghĩa tư bản là “một thế giới không thể chấp nhận được” (René Dumond), nó “chứa đựng nhiều vết loét không thể cứu chữa” (Henry Kissinger), nó sẽ rơi vào “cuộc khủng hoảng toàn cầu” (George Soros), vì vậy, loài người sẽ phải vận động đến “làn sóng văn minh thứ ba” (Alvin Toffler), đến một “xã hội hậu tư bản” (Peter Drucker), v.v... Có những trí thức phương Tây dũng cảm và tỉnh táo luận chứng: Tại sao Mác đúng? (Terry Eagleton). Ông Ricardo Diaz Zolana, Chủ tịch CLB Rôma, dự báo khi khoảng cách giàu nghèo tiếp tục mở rộng, thì đến một ngày nào đó sẽ xuất hiện một ông Mác và một ông Lênin mới với khẩu hiệu: "Những người nghèo trên toàn thế giới, đoàn kết lại!”. Để tìm cách thoát khỏi bế tắc, trong những thập niên vừa qua, chủ nghĩa tư bản ra sức triển khai các phiên bản khác nhau của chủ nghĩa tự do mới trên phạm vi toàn cầu với những cơn hồng thủy phi điều tiết hóa, tư nhân hóa, tự do hóa, buộc các nền kinh tế quốc gia phải mở cửa rộng rãi cho tư bản độc quyền quốc tế xâm nhập, tạo không gian để chúng xác lập các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trên toàn thế giới. Với tính cách là mô hình chủ nghĩa tư bản trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, chủ nghĩa tự do mới vừa đem lại hào quang không thể phủ nhận, vừa tô đậm thêm những hạn chế không thể vượt qua của chủ nghĩa tư bản. Một mặt, kinh tế tăng trưởng cao, ngoại thương rộng mở, chuyển giao công nghệ đạt quy mô lớn... Mặt khác, phân cực giàu - nghèo ngày càng trầm trọng trên mọi cấp độ; kinh tế ảo vượt xa kinh tế thực do đầu cơ tài chính - tiền tệ, xung đột xã hội gay gắt, văn hóa dân tộc bị chà đạp, môi trường sinh thái bị tàn phá nặng nề, nguy cơ đe doạ an ninh lan tràn khắp toàn cầu... Với chủ nghĩa tự do mới, chủ nghĩa tư bản có tham vọng dẫn dắt thế giới đi vào toàn cầu hóa. Thế giới đã lên tiếng trả lời bằng một phong trào chống toàn cầu hóa tự do tư bản chủ nghĩa ngay từ năm 1999. Trước khi bước sang thiên niên kỷ thứ ba, vài chục nghìn người từ nhiều nơi trên thế giới, thuộc đủ màu da và khuynh hướng tư tưởng - chính trị, rầm rộ biểu tình trên các đại lộ của thành phố Seattles (Mỹ) phản đối Hội nghị Bộ trưởng WTO dự định thể chế hóa nền thương mại tự do toàn cầu. Kể từ thời điểm đó, hàng năm, hàng trăm nghìn công dân khắp năm châu đều đặn tụ họp trên các đường phố phương Tây kiên quyết phản đối hệ thống xúc tiến toàn cầu hoá do các tập đoàn xuyên quốc gia và các thiết chế quyền lực tư bản độc quyền (G7, NATO, WTO, WB, IMF...) chi phối. Phong trào chống toàn cầu hoá tự do là sản phẩm độc đáo của một thế giới phải đối mặt với chủ nghĩa tư bản như thế lực đế chế toàn cầu; là sự phản kháng toàn cầu chống chủ nghĩa tư bản trong thế giới đương đại. Trong thế giới đương đại, đã xuất hiện nhiều tập hợp công dân toàn cầu chống chủ nghĩa tư bản, đã toàn cầu hóa cuộc đấu tranh xã hội hướng tới tương lai công bằng và bình đẳng, phát triển bền vững và tôn trọng phẩm giá con người, khác hẳn cái thế giới của chủ nghĩa tư bản ngày nay. Khẩu hiệu đấu tranh của tập hợp các lực lượng rất đa dạng này là Một thế giới khác tốt hơn là có thể (An other better world is possible). Đi đầu trong cuộc đấu tranh không chỉ có các lãnh tụ công nhân, mà là các nhân vật nổi tiếng trong thế giới tư bản chủ nghĩa: Samir Amin, Ricardo Petrela, Suzan George, Carlos Taplada, Francois Chesney, Francois Houtard, James Tobin... Chủ nghĩa tư bản, dưới hình thức hiện đại nhất của nó là chủ nghĩa tự do mới, đã bị phê phán quyết liệt ngay từ bên trong và ở quy mô toàn cầu. Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản và khuynh hướng xây dựng một xã hội khác thay thế, bắt đầu từ Cách mạng Tháng Mười Nga cách đây 100 năm, đang và tiếp tục diễn ra một cách không thể phủ nhận! Cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã sản xuất ra hàng loạt tư liệu sản xuất mới, điển hình là mạng internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, người máy, công nghệ in 3D, công xưởng thông minh… không thể tương dung với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa; đồng thời, đã đẩy trình độ xã hội hóa các tư liệu sản xuất chủ yếu lên nấc thang của quốc tế hóa, toàn cầu hóa, ngày càng không thể chứa đựng nổi trong khuôn khổ hạn hẹp của các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Trước áp lực của các tất yếu khách quan, chủ nghĩa tư bản cũng đã triển khai một số điều chỉnh trong quan hệ sản xuất, chính sách xã hội, hình thức của kiến trúc thượng tầng... Những điều chỉnh này, vừa không làm thay đổi bản chất của chủ nghĩa tư bản, vừa tạo ra những nhân tố xã hội mới, có thể trở thành chất liệu cho xã hội tương lai. Có thể nêu lên sự hình thành của kinh tế hợp tác, mà ở đó người lao động trực tiếp tham gia quản lý trên cơ sở sở hữu tập thể; chế độ giáo dục phổ thông miễn phí; chế độ bảo hiểm xã hội đa dạng và có độ che phủ rộng… là những nhân tố mà Mác - Ăngghen dự báo trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, giờ đây vẫn đang là những “cửa sổ nhỏ trong lòng chủ nghĩa tư bản nhìn sang chủ nghĩa xã hội”. Những dấu hiệu này, tuy chưa nhiều, nhưng cũng khẳng định con đường Tháng Mười Nga tiếp tục mở lối đi cho thế kỷ XXI. 5. Kiên định đi theo con đường và phát huy bài học sáng tạo của Cách mạng Tháng Mười Nga, chủ nghĩa xã hội chứng minh sức sống và tính ưu việt của mình thông qua quá trình cải cách, đổi mới và phát triển. Từ cuối thế kỷ XX đến nay, các nước xã hội chủ nghĩa và các lực lượng cộng sản thế giới tích cực đổi mới tư duy lý luận, cương lĩnh, đường lối và hoạt động thực tiễn. Những nguyên lý và các giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin được nhận thức đúng đắn hơn; những kinh nghiệm thành công và những hạn chế, vấp váp của chủ nghĩa xã hội được xác định một cách chân thực hơn; những xu thế vận động của thế giới hiện đại được lĩnh hội kịp thời, khách quan hơn; chiến lược, chủ trương, chính sách.. ngày càng phù hợp hợp với bối cảnh, nhiệm vụ mới. Nhờ vậy, các quốc gia xã hội chủ nghĩa không những thoát khỏi khủng hoảng, mà còn đạt nhiều bước tiến lớn. Trung Quốc chiếm gần 1/5 dân số, liên tục dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế suốt hơn 30 năm qua, hiện đứng thứ hai về GDP và chiếm vị trí hàng đầu thế giới trong nhiều chỉ số kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học công nghệ, trở thành cường quốc đang phát triển lớn nhất toàn cầu. Việt Nam đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, ra khỏi tình trạng kém phát triển, đang trở thành người bạn, đối tác tin cậy của các nước và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Cuba kiên định ngọn cờ chống chủ nghĩa đế quốc, bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và chủ nghĩa xã hội; đồng thời, bình tĩnh, sáng tạo trong quá trình cập nhất hóa mô hình phát triển kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa. Trong không gian Mỹ La tinh rộng lớn, danh từ chủ nghĩa xã hội đang trở thành động lực tập hợp lực lượng và niềm tin công khai của đông đảo nhân dân đang cống hiến sức lực và trí tuệ cho công cuộc xây dựng xã hội mới. Lãnh tụ Hugo Chavez nhất quán với tính chất xã hội chủ nghĩa của cuộc cách mạng Bô-li-va ở Venezuela, đưa đất nước đi lên “chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI”. Tổng thống Bolivia Evo Morales nhiều lần tuyên bố “chủ nghĩa xã hội là niềm hy vọng của Mỹ La tinh”, khẳng định mình là người “chống chủ nghĩa đế quốc từ trong xương tủy”. Tổng thống Nicaragoa Daniel Ortega tuyên bố “hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở đất nước mình”… Với tính cách là sản phẩm của Cách mạng Tháng Mười Nga, chủ nghĩa xã hội hiện nay vẫn là một lực lượng chính trị, quân sự, kinh tế, tinh thần không thế lực nào có thể bỏ qua trong những tính toán chiến lược toàn cầu. Chính vì chân lý sáng tỏ này, mà nhiều trí tuệ lớn hiện thời như Jacques Derrida, Noam Chomsky, Joseph Stiglizt, Dinoviev..., giống như Albert Enstein, Paul Satre, Bertral Roussel... trước kia, đều biểu thị sự đồng tình không che giấu với chủ nghĩa cộng sản, công khai đánh giá Mác là nhà tư tưởng của thế kỷ XXI và Cách mạng Tháng Mười Nga là sự kiện vĩ đại, mở ra con đường giải phóng và phát triển cho thế giới hiện đại. |
PGS,TS NGUYỄN VIẾT THẢO Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/34575302-cach-mang-thang-muoi-nga-nam-1917-va-con-duong-phat-trien-cua-the-gioi-duong-dai.html |