flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - thắng lợi của sức mạnh Việt Nam

Ngày đăng: 19-08-2021 Lượt xem: 4927

Ngày 19 tháng 8 năm 1945, cuộc Tổng khởi nghĩa của nhân dân Việt Nam đã nổ ra và thắng lợi ở Hà Nội, sau đó ở Huế (23/8) và Sài Gòn (25/8). Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam là thắng lợi của sức mạnh quật khởi của cả một dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, giành chính quyền về tay nhân dân. Vậy mà, cho đến ngày nay vẫn có người cho rằng thành công của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của Việt Nam tháng 8 năm 1945 là “ăn may”, rằng việc Nhật đầu hàng Đồng minh đã “đặt chính quyền vào tay Việt Minh!”. Sự thật lịch sử khẳng định đó là một cuộc cách mạng mà nhân dân Việt Nam bằng sức mạnh vĩ đại của chính mình đã trở thành người chủ của đất nước, mở ra một trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam: Độc lập, tự do!

*

*    *

Cuối chiến tranh thế giới thứ 2, mặc dù Đức Quốc xã đã bại trận, nhưng chiến tranh vẫn tiếp tục diễn biến ác liệt ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Ba tháng sau khi phát xít Đức đầu hàng Đồng minh, thực hiện thỏa thuận Pốtxđam, ngày 8/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật. Chỉ trong vòng một tuần lễ, tới trưa ngày 13/8, Liên Xô đã tiêu diệt hoàn toàn đội quân Quan Đông - đội quân chủ lực tinh nhuệ nhất của bộ binh Nhật hoàng, giải phóng hoàn toàn vùng Đông Bắc Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Ngày 10/8, Nhật chấp nhận điều kiện đầu hàng mà các nước Đồng minh đưa ra tại Hội nghị Pốtxđam. Ngày 11/8, tin Nhật đầu hàng được phát đi trên toàn thế giới. Ngày 15/8/1945, Nhật hoàng chính thức tuyên bố đầu hàng.

Ở Đông Dương, quân đội Nhật chưa được lệnh chính thức trao quyền quản lý cho Đồng minh. Trên thực tế, quân đội Nhật ở Đông Dương vẫn là một lực lượng mạnh với hơn 6 vạn tên. Về mặt chính trị, chúng không chịu từ bỏ quyền lợi, vẫn cố giữ chính phủ Trần Trọng Kim do Nhật dựng lên. Về quân sự, trên thực tế, chúng còn chống cự quyết liệt ở nhiều nơi, nhất là Thái Nguyên, Hà Đông, Bắc Ninh. Về sau này, khi Việt Minh đã giành được chính quyền, chúng vẫn dựa vào sức mạnh quân sự để hỗ trợ cho Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam, điển hình là ở Sài Gòn.

Trong khi đó, quy ước Pốtxđam đã tạm thời giải quyết mâu thuẫn giữa các nước trong Đồng minh bằng cách quyết định cho quân đội Anh vào tiếp nhận đầu hàng của Nhật và giải giáp quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 trở vào, còn phía Bắc, từ vĩ truyến 16 trở ra, nhiệm vụ đó giao cho quân đội Trung Hoa dân quốc của Tưởng Giới Thạch. Mặt khác, thực dân Pháp cũng đã lộ rõ dã tâm quay trở lại xâm lược Việt Nam. Trên thực tế, khi Việt Minh đã giành chính quyền, núp sau bóng quân Anh, chúng đã vào Sài Gòn và gây hấn, buộc chúng ta phải đứng lên kháng chiến.

Như vậy, việc phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh đúng là tạo ra một thời cơ hiếm có để dân ta giành độc lập, nhưng chính quyền trong tay đế quốc không dễ gì về tay nhân dân. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi là nhờ sức mạnh của nhân dân Việt Nam với ngọn cờ Việt Minh (Việt Nam Độc lập Đồng minh), dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Từ khi Pháp xâm lược Việt Nam, nhân dân ta đã liên tục đứng lên chống Pháp, vì “bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”[1]. “Chúng ta luôn luôn tranh đấu giành quyền độc lập tự do… Đồng bào ta quyết nối gót người xưa, phấn đấu hy sinh đặng phá tan xiềng xích. Việc lớn chưa thành không phải vì đế quốc mạnh, nhưng một là vì cơ hội chưa tới, hai là vì dân ta chưa hiệp lực đồng tâm”[2].

Nay Nhật đầu hàng Đồng minh, đó là một cơ hội hiếm có. Cơ hội đó đã được Đảng và Hồ Chí Minh phân tích, dự báo đúng và rất sớm chuẩn bị lực lượng để chớp thời cơ. Ngay từ khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 nổ ra, mặc dù thất bại trước phát xít Đức, thực dân Pháp ở Đông Dương vẫn ra sức khủng bố các lực lượng cách mạng của Việt Nam. Trước sự chuyển biến mau lẹ của tình hình, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã nhanh chóng chuyển hưởng chỉ đạo chiến lược nhằm tập trung chống thực dân Pháp và tay sai. Chủ trương đó được thể hiện nhất quán trong hai hội nghị Trung ương lần thứ 6 và lần thứ 7. Khi Nhật tiến vào Đông Dương, thực dân Pháp nhanh chóng đầu hàng, cấu kết với phát xít Nhật để chống lại nhân dân Việt Nam, cứu vớt quyền lợi của chúng. Trước tình hình đó, tháng 5/1941, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 đã họp dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị đã phân tích tình hình thế giới và nhận định: Chiến tranh thế giới lần thứ hai mặc dù đang diễn ra rất quyết liệt, song thắng lợi nhất định sẽ thuộc về phe Đồng minh và cho rằng: “Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công”. Việt Nam cần nắm lấy cơ hội ngàn năm có một đó để đứng lên giành độc lập. Hội nghị nhấn mạnh: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của  dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”[3]. Chính vì vậy, Hội nghị quyết định đề cao khẩu hiệu “đánh Pháp, đuổi Nhật”; lập Mặt trận Việt Minh để tập hợp toàn thể quốc dân đồng bào đứng lên cứu quốc, giành chính quyền. Ngay sau Hội nghị, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã gửi “Kính cáo đồng bào”, trong đó Người phân tích: “Nay cơ hội giải phóng đến rồi, đế quốc Pháp bên Âu đã không thể tự cứu, càng không thể cứu bọn thống trị Pháp ở ta.

Trang đầu bức thư “Kính cáo đồng bào” của Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh), ngày 6/6/1941.
(Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, khối tài liệu sưu tầm)

Đế quốc Nhật đã bị sa lầy ở Trung Hoa, lại đương gay go với Anh - Mỹ. Hiện thời muốn đánh Pháp, Nhật ta chỉ cần một điều:

Toàn dân đoàn kết.

… Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa bỏng”[4]. Và Người dự báo: “1945  Việt Nam độc lập”[5].

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dưới ngọn cờ Việt Minh, một cao trào cứu nước đã sôi sục khắp cả nước. Đông dảo các tầng lớp nhân dân từ nông thôn tới thành thị nô nức tham gia Việt Minh với các tổ chức cứu quốc. Để chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền, cùng với xây dựng lực lượng chính trị rộng lớn, lãnh tụ Nguyền Ái Quốc sớm chuẩn bị cho Quốc dân Đại hội. Tháng 10/1944, trong “Thư gửi đồng bào toàn quốc”, Người cho rằng: “… chúng ta trước phải có một cái cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân ta. Mà cơ cấu ấy thì phải do một cuộc Toàn quốc đại biểu Đại hội gồm tất cả các đảng phái cách mệnh và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra. Một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công cuộc cứu quốc, kiến quốc, ngoải thì giao thiệp với các hữu bang”. Người nhận định: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các Đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh”[6]. Cùng với chuẩn bị lực lượng chính trị rộng lớn, lực lượng vũ trang cũng phát triển mạnh mẽ. Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập, sau đó nhanh chóng phát triển, hỗ trợ quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính, hất cẳng Pháp. Trước đó, Trung ương Đảng đã dự báo, rằng sự cấu kết giữa Nhật và Pháp như hai con hổ cùng chung một miếng mồi, tình hình giữa chúng chẳng khác nào “Cái nhọt bọc sẽ phải vỡ mủ”[7]! Ngay sau khi Nhật đảo chính, ngày 12/3/1945, Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Bản Chỉ thị đã khẳng định mặc dù thời cơ cho tổng khởi nghĩa chưa đến nhưng hành động Nhật hất cẳng Pháp sẽ thúc đẩy thời cơ đến nhanh hơn. Chỉ thị đưa ra khẩu hiệu “Đảnh đuổi phát xít Nhật” thay cho khẩu hiệu “Đánh đuổi Nhật, Pháp” và chỉ rõ những yếu tố của thời cơ khởi nghĩa nếu xuất hiện: Nhật mất nước; quân Nhật bại trận; Đồng minh vào Đông Dương. Chỉ thị đặc biệt sáng tạo trong chỉ đạo là nhấn mạnh vai trò tích cực chủ động, chống ỷ lại, chờ đợi: “Song dù sao ta không thể đem việc quân Đồng minh đổ bộ vào Đông Dương làm điều kiện tất yếu cho cuộc tổng khởi nghĩa của ta; vì như thế là ỷ lại vào người và tự bó tay trong khi tình thế biến chuyển thuận tiện… nếu giặc Nhật mất nước như Pháp năm 1940, và nếu quân đội viễn chinh của Nhật mất tinh thần, thì khi ấy dù quân Đồng minh chưa đổ bộ, cuộc tổng khởi nghĩa của ta vẫn có thể bùng nổ và thắng lợi”[8]. Bản Chỉ thị có ý nghĩa hết sức to lớn, không những chỉ ra tình thế mới, khẳng định thời cơ chưa xuất hiện nhưng cũng đã dự báo trước những yếu tố của thời cơ. Chính điều này đã chỉ ra phương hướng hành động đúng đắn của toàn Đảng, toàn dân. Một cao trào kháng Nhật cứu nước đã bùng nổ. Nhiều địa phương căn cứ vào Chỉ thị này mà lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền rất sớm, ngay khi được tin Nhật chấp nhận đầu hàng.

Sáng 19/8/1945, người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận kéo về quảng trường Nhà Hát Lớn Hà Nội, dự lễ mít tinh hưởng ứng cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. (Ảnh tư liệu TTXVN)

Ngay khi Nhật vừa chấp nhận đầu hàng, với sự chuẩn bị trước, Hội nghị toàn quốc của Đảng đã họp tại Tân Trào từ 13-15/8/1945 và quyết định khởi nghĩa với tinh thần của Hồ Chí Minh: “Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”[9]! Hội nghị quyết định phải kịp thời phát động và lãnh đạo toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa trong cả nước để giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và bọn bù nhìn tay sai của chúng, trước khi quân Đồng minh vào Việt nam. Hội nghị cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Ngay đêm 13/8, Ủy ban khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 tuyên bố giờ tổng khởi nghĩa đã đến. Ngay sau Hội nghị toàn quốc của Đảng, ngày 16/8, Quốc dân Đại hội khai mạc tại Tân Trào. Tại Đại hôi, Đảng đã nêu chủ trương đúng đắn là lãnh đạo quần chúng nhân dân nổi dậy tước vũ khí của Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương, giành lấy chính quyền từ tay Nhật, lật đổ bọn bù nhìn tay sai của Nhật, đứng ở địa vị làm chủ nước mình mà tiếp đón quân Đồng minh. Đại hội tán thành chủ trưởng tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua Lệnh khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh và 10 chính sách lớn của Việt Minh[10], quyết định Quốc kỳ, Quốc ca, cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Hồ Chí Minh, với quyết tâm đồng lòng của nhân dân cả nước, cả dân tộc đã vùng đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 19/8/1945, hàng vạn đồng bào ở Hà Nội đã nổi dậy, khởi nghĩa thắng lợi ở ngay trung tâm chính trị đã đánh dấu thắng lợi của sức mạnh quần chúng cách mạng. Tiếp sau đó, ngày 23/8, khởi nghĩa thành công ở Huế, trước quốc dân đồng bào, vua Bảo Đại đã xin thoái vị.

Nhân dân Cần Thơ khởi nghĩa giành chính quyền ngày 26-8-1945.

Nguồn: baotang.thanhhoa.gov.vn

Tại Sài Gòn, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đã nổ ra và giành thắng lợi ngày 25/8/1945. Để đi tới thắng lợi, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã trải qua những năm tháng đấu tranh kiên cường, khốc liệt. Sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, thực dân Pháp đã đàn áp dã man phong trào cách mạng, nhiều cán bộ, đảng viên của Đảng  và biết bao quần chúng cách mạng đã bị bắn giết, tù đày. Với hào khí Nam Bộ, với tinh thần yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc, Sài Gòn cùng toàn Nam Bộ đã nhanh chóng khôi phục phong trào cách mạng. Các cán bộ, đảng viên trung kiên đã móc nối, hoạt động mạnh mẽ ngay giữa lòng địch. Các tổ chức quần chúng phát triển mạnh mẽ dưới ngọn cờ Việt Minh. Trong việc tập hợp lực lượng, Xứ ủy Nam Kỳ (Xứ ủy Tiền phong) đã hết sức sáng suốt, nhanh nhạy khi tranh thủ cơ hội lập ra tổ chức Thanh niên Tiền phong, một tổ chức về danh nghĩa là theo gợi ý của Nhật nhưng thực chất do Đảng lãnh đạo. Sau khi chuẩn bị khẩn trương và chính thức ra công khai ngày 1/6/1945, Thanh niên Tiền phong phát triển lực lượng nhanh chóng, trở thành một lực lượng xung kích trong các tổ chức quần chúng của Đảng. Ngày 22/8/1945, Thanh niên Tiền phong tuyên bố đứng vào hàng ngũ của Mặt trận Việt Minh.

Sau khi được tin Nhật đầu hàng, căn cứ vào chủ truơng được vạch ra từ trước của Xứ ủy: Khởi nghĩa phải nổ ra và thắng lợi trước tiên ở Sài Gòn với sự hỗ trợ của nông thôn, Xứ ủy cùng Thành ủy Sài Gòn và Tỉnh ủy Gia Định đã trực tiếp lãnh đạo nhân dân đứng lên giành chính quyền. Ngày 15/8/1945, Xứ ủy Tiền phong chỉ định Ủy ban khởi nghĩa. Rút kinh nghiệm từ khởi nghĩa Nam Kỳ, Xứ ủy hết sức thận trọng, dân chủ thảo luận, chờ khi Hà Nội khởi nghĩa thì lập tức khởi nghĩa. Ngay sáng 21/8, nghe tin Hà Nội đã khởi nghĩa, Xứ ủy Tiền phong tiếp tục họp. Để cẩn trọng trước phản ứng của Nhật, Xứ ủy quyết định giao cho Tỉnh ủy Tân An khởi nghĩa thí điểm vào đêm 22/8, rạng ngày 23/8. Sáng sớm ngày 23/8, được tin Tân An khởi nghĩa thành công, Nhật không có phản ứng gì, Xứ ủy quyết định sẽ khởi nghĩa vào đêm 24/8 và sáng 25/ 8 sẽ tổ chức biểu tình vũ trang gồm nhân dân thành phố và các tỉnh xung quanh. Thực hiện kế hoạch, từ 19 giờ ngày 24/8, quân khởi nghĩa tiến chiếm các sở Công an, Cảnh sát, Nhà ga, Bưu điện, Nhà đèn, các quận, bót.. chiếm Dinh Khâm sai. “Sáng sớm 25/8, cả triệu quần chúng Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh lân cận hừng hực khí thế cách mạng ồ ạt kéo vào thành phố, quyết tâm khởi nghĩa giành chính quyền. Đoàn người hô vang như sấm dậy khẩu hiệu: “Việt nam hoàn toàn độc lập”; “Tất cả chính quyền về tay Việt Minh!”; “Mặt trận Việt Minh muôn năm!”; “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”; “Độc lập hay là chết!”.

Cờ đỏ sao vàng tràn ngập đường phố, phấp phới bay hiên ngang trên các công sở… Cuộc khởi nghĩa đã thành công nhanh chóng trọn vẹn và không đổ máu”[11]. Cùng với Hà Nội, Huế, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn đã viết lên bản hùng ca của cách mạng Tháng Tám.

Rõ ràng, sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chí Minh, sự chuẩn bị công phu của các tổ chức Đảng, khí thế quật cường của nhân dân cả nước đã tạo nên sức mạnh của cuộc cách mạng, đã biến khả năng giành thắng lợi thành hiện thực vĩ đại. Cùng trong điều kiện chủ nghĩa phát xít thất bại trước Đồng minh, nhưng chỉ có Việt Nam, một nước thuộc địa đã đứng lên giành chính quyền, giành được độc lập tự do. Và cũng chỉ có dân tộc Việt Nam ngay sau khi giành được chính quyền đã phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt hơn là đấu tranh giữ vững chính quyền, bảo vệ tự do độc lập và đã chiến thắng.

Thực tế đó cho thấy, chỉ những kẻ có dã tâm xấu muốn bôi nhọ lịch sử dân tộc mới nhắm mắt trước thực tiễn đó mà thôi!

 Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

 

[1] Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H., 2011, tr. 1

[2] Hồ Chí Minh, Kính cáo đồng bào, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nxb CTQG, H., 2011, tr. 229- 230.

[3] Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930-1975, Nxb CTQG, H., 2015, tr. 274-275

[4] Hồ Chí Minh, Kính cáo đồng bào, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nxb CTQG, H., 2011, tr.230

[5] Hồ Chí Minh, Lịch sử nước ta, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nxb CTQG, H., 2011, tr. 267

[6] Hồ Chí Minh, Thư gửi đồng bào toàn quốc, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nxb CTQG, H., 2011, tr. 537 - 538

[7] Trường Chinh, Cái nhọt bọc sẽ phải vỡ mủ, bài đăng trên báo Cờ giải phóng ngày 28/9/1944, in trong sách Ngọn cờ giải phóng, Nxb ST, H., 1955

[8] Xem: Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 9, Nxb CTQG, H., 2019, tr. 363

[9] Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, Nxb Văn học, H.,1977, tr.203. Xem: Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 9, Nxb CTQG, H., 2019, tr. 453

[10] Xem: Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 9, Nxb CTQG, H., 2019, tr. 459-460

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930-1975, Nxb CTQG, H., 2015, tr. 312