flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Cần xử lý nhà sản xuất và kênh sóng dùng chiêu trò lừa dối khán giả trong trò chơi truyền hình

Ngày đăng: 27-12-2021 Lượt xem: 572

Sự kiện gây ồn ào trên truyền thông tuần qua là chuyện một thanh niên tham gia trò chơi truyền hình “Hành lý tình yêu” đã có những phát ngôn làm đạo diễn Lê Hoàng bức xúc gay gắt tại trường quay, và sau đó, làm cộng đồng mạng bình luận phản ứng và đặc biệt là người dân Huế phẫn nộ. Bí thư Thành ủy Huế cũng lên tiếng.

Cụ thể, là trong chương trình ấy, chàng trai gốc Huế, tên Công Hoàng khi công khai tiêu chí chọn người yêu đã khẳng định: Chúng ta sẽ li hôn nếu em không sinh được con trai'. Trong phần trả lời cố vấn chương trình, đạo diễn Lê Hoàng, thí sinh này còn nói thêm rằng phong tục của gia đình anh là đàn bà con gái phải ngồi mâm dưới, nếu có tiệc thì những của ngon vật lạ phải dâng lên mâm trên và tất cả những người trong gia đình ‘đều chấp nhận điều đó'.

Khá đông khán giả sau khi xem chương trình hoặc xem lại clip trên mạng đều cho rằng, lẽ ra, nếu có trách nhiệm, nhà sản xuất – đài truyền hình không nên cho phát sóng phần này vì nội dung sai lệch, xúc phạm, xuyên tạc về văn hóa của người Huế. Ông Phan Thiên Định – Bí thư Thành ủy Huế - trả lời phỏng vấn báo chí bày tỏ: “Nhiều người nhìn vào, nếu không hiểu, họ sẽ mặc định người Huế là như thế. Người Huế là lạc hậu, gia trưởng, bảo thủ, trọng nam khinh nữ.... Anh thanh niên kia có thể chỉ đơn giản đưa ra quan điểm, góc nhìn của anh ấy, nhưng nhà sản xuất, những người kiểm duyệt một chương trình”.

Điều bất ngờ khủng khiếp của câu chuyện về game show này chưa dừng lại ở đó.

Mới đây, từ phát hiện của quần chúng, có nhà báo đã tìm hiểu và phát hiện ra nhân vật thanh niên Huế - Công Hoàng ấy cách nay gần 6 tháng cũng tham gia một game show khác trên HTV, và đã hứa yêu trọn đời một cô gái khác trong gameshow ấy, game Cho phép được yêu”. Công Hoàng thú nhận anh là một diễn viên bán chuyên nghiệp. Anh tham gia các cuộc thi này để kiếm tiền. Và anh chỉ làm theo kịch bản của nhà sản xuất!

Trả lời phỏng vấn báo Lao Động, anh cho biết: “Sau gameshow ‘Cho phép được yêu’, tôi không hẹn hò với cô gái ấy. Đó chỉ là kịch bản. Ông bố cũng là ông bố giả, không phải bố thật. Đều là diễn viên như diễn viên quần chúng... Tôi chỉ làm theo kịch bản”.

Thế là đã rõ.

Nhà sản xuất đã lừa dối ban giám khảo trong trường hợp này và tất nhiên, đã lừa dối khán giả. Họ nhân danh phục vụ khán giả để kiếm tiền bằng mọi giá, thu hút, câu view, câu like bằng những thủ pháp gian dối, bất chấp sai trái về văn hóa.

Như chúng ta đều biết, truyền hình thực tế (reality television) là phương thức làm chương trình truyền hình sử dụng camera ghi lại những tình huống, hoàn cảnh và sự kiện thật, ít sắp đặt trước trong kịch bản. Mỗi chương trình truyền hình thực tế có cách tiếp cận nhân vật, lên kế hoạch kịch bản và tổ chức ê kíp sản xuất phù hợp với điều kiện của mình. Nhà sản xuất luôn cố gắng để những nhân vật (người tham gia) không bị chi phối bởi thao tác ghi hình, thậm chí không biết mình đang bị ghi hình.

Đây là phương thức sản xuất chương trình truyền hình mới du nhập vào Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây. Hình thức truyền hình thực tế được du nhập vào Việt Nam phổ biến nhất là trò chơi truyền hình với các dạng chương trình giải trí như ca hát, thi thố tài năng, chương trình hài, chương trình nấu ăn, chương trình về người mẫu… Ví dụ như Ơn giời! cậu đây rồi, Chuẩn cơm mẹ nấu, Tuyệt đỉnh tranh tài, Người bí ẩn, Bí mật đêm chủ nhật, Đàn ông phải thế, Hội ngộ danh hài, Kỳ tài thách đấu… Hoặc trước đây có Giọng hát Việt (The Voice), The Face, The Remix, X-Factor, Sing my song, Cặp đôi hoàn hảo, Bước nhảy hoàn vũ, Thần tượng Bolero, The Voice Kids, Vietnam’ s got talent, Vietnam next top model, Master Chef…

Công bằng mà nói, chính những format trò chơi truyền hình thực tế được mua bản quyền từ nước ngoài thời gian qua cũng đã góp phần thúc đẩy chất lượng sản xuất nội dung cũng như công nghệ truyền hình trong nước. Nhiều chương trình truyền hình thực tế cũng góp phần tìm tòi những tài năng trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật đóng góp cho đời sống văn hóa.

Tuy nhiên, vì chạy theo thị hiếu, vì chạy theo lợi nhuận, các đơn vị đối tác là các công ty truyền thông trực tiếp sản xuất chương trình đã dùng quá nhiều chiêu trò, tạo scandal, tạo “drama” để thu hút số đông bất chấp các yêu cầu văn hóa, thẩm mỹ tối thiểu.

Dẫu biết rằng để làm tốt một chương trình truyền hình thực tế, nhà sản xuất phải có những thủ pháp sắp xếp dàn dựng như thật và thậm chí, phải có “diễn viên gà nhà” để “làm mồi”. Nhưng những thủ thuật này đều dựa trên cơ sở tôn trọng khán giả, vì khán giả mà phục vụ. Truyền hình thực tế trong bản thân tên gọi của phương thức này đã có chữ “reality” – nghĩa là phải THẬT.

Thế mà nhà sản xuất bất chấp đạo đức, đã tạo ra những thí sinh giả, số phận giả để đánh lừa công chúng truyền hình.

Chiêu trò, thủ pháp trong dàn dựng chương trình chỉ được dùng để tạo ra tình huống cho có chất thực tế chứ không phải “biến không thành có” và đánh lừa khán giả. Ở thời buổi của mạng xã hội, khi công chúng có thể giám sát mọi lúc mọi nơi, không có gì có thể giấu mãi được.

Lừa dối khán giả là vi phạm tính chân thật, khách quan trong hoạt động truyền hình. Đây không chỉ chuyện vi phạm đạo đức, mà có thể nói là hành vi vi phạm pháp luật. Mong rằng các nhà quản lý có những giải pháp xử lý để lành mạnh hóa nội dung giải trí truyền hình trên các nền tảng hôm nay.

PHÚ TRANG