flag header

Tin tứcChống DBHB

Cảnh giác trước hoạt động lợi dụng phản biện xã hội để xuyên tạc, chống phá

Ngày đăng: 21-10-2018 Lượt xem: 5026

Hầu như mọi người đều nhất trí rằng, để thực hành phản biện xã hội với ý nghĩa tích cực, cần tuân thủ là phải dựa trên nền tảng tri thức, thái độ khách quan, lấy lợi ích của cộng đồng làm mục đích... Nếu không phản biện xã hội sẽ dễ chỉ là ý kiến chủ quan, cảm tính và phiến diện, cực đoan, không đóng góp với tiến trình phát triển của xã hội, của đất nước, mà còn cản trở tiến trình đó. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có một số cá nhân xem phản biện xã hội được sử dụng như một "chiêu bài" để thực hiện một ý đồ, một mục tiêu nào đó hoàn toàn không nhằm mang lại lợi ích cộng đồng.

 

Các “chiêu bài” cũ rích!

Có không ít kẻ tự cho mình là người “phản biện”, “tiến bộ”, thậm chí là “phản tỉnh”, nên thường có những ý kiến có vẻ phản biện về các vấn đề của Đảng, của Nhà nước, của đất nước. “Hiện nay có những ý kiến của các "nhà dân chủ", "nhà bất đồng chính kiến" trên mạng internet đang cố tình bóp méo nội hàm phản biện theo nghĩa hẹp, để công kích những thiếu sót này. Họ làm như vậy nhằm hai mục đích: Thu hút sự chú ý của người đọc đối với những bài viết của họ và tấn công trực diện vào uy tín của Chính phủ và Đảng ta, phủ nhận tất cả những thành quả mà đất nước đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng. Không dừng lại ở đó, bằng các ngôn từ cay độc, vô văn hóa, họ tung hỏa mù, gây nhiễu thông tin, bóp méo, xuyên tạc, bôi nhọ cả các truyền thống và lịch sử Việt Nam”[1]. Đáng nói là những hoạt động này diễn ra thường xuyên, liên tục và có dấu hiệu ngày càng phức tạp hơn.

Các cách họ thường sử dụng là:

Thứ nhất, viết các “thư ngỏ”, “kiến nghị” gửi các cấp, nhưng thực ra đã đăng tải ở nhiều kênh không chính thống khác và xem đó mới là con đường tán phát chủ yếu. Nếu một cá nhân có ý thức xây dựng, muốn đóng góp với Đảng và Nhà nước thì các ý kiến của họ sẽ được thể hiện ở các con đường chính thức, như gửi trực tiếp đến các đồng chí lãnh đạo, phát biểu ở các diễn đàn công khai, hợp pháp, nêu trên mặt báo chính thống trong nước… Thế nhưng, nhiều người đã chọn con đường nêu ý kiến của mình cho nhiều người biết hơn là thực tâm đóng góp.

Thứ hai, sử dụng mạng xã hội, blog, website cá nhân… để tán phát các ý kiến tiêu cực, đi ngược với chủ trương, đường lối. Sự phát triển của internet đã “tạo điều kiện” cho nhiều người sử dụng làm kênh tán phát quan điểm, ý kiến của mình, dù quan điểm, ý kiến đó không phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng. Bởi khi không có cùng mục tiêu, khi phương pháp không phù hợp thì tính chất phản biện không thể hiện rõ, nó có thể là một dạng phản bác, bác bỏ, phản kháng chứ không có tính xây dựng.

Thứ ba, trả lời phỏng vấn của các đài, báo nước ngoài có nội dung xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng, thực tế của đất nước. Sau khi một vài ý kiến được những kẻ “theo đóm ăn tàn” tung hê thì thường được các đài, báo nước ngoài vốn không có thiện cảm với đường lối lãnh đạo của Đảng mời phỏng vấn, viết bài và qua đó, các ý kiến không phù hợp lại một lần nữa được loan rộng rãi hơn. Chính đó là điều mà những người này mong muốn, hòng tạo ra cái gọi là “dư luận” để đánh lạc hướng những người thiếu thông tin, làm lung lạc những người không có lập trường vững chắc.

Thứ tư, có một số người nêu vài nội dung mang tính phản biện nhưng bằng hình thức công kích, bóp méo sự thật nên về thực chất, không còn ý nghĩa phản biện. Ở một mức độ lập lờ và dễ gây nhầm lẫn hơn, trường hợp này có thể làm những ai cả tin ngộ nhận là người có thái độ phản biện đúng mực nên ủng hộ hoặc nghe theo, thậm chí còn giúp đó tán phát quan điểm đó. Đây là chiêu bài nguy hiểm nếu người tiếp nhận thông tin không có sự thận trọng cần thiết.

Rõ ràng, “nếu một mặt phản biện có thể giúp điều chỉnh xã hội từ vi mô tới vĩ mô, thì mặt khác, phản biện là biểu thị cho tính dân chủ của xã hội. Vấn đề là ở chỗ, phản biện phải hướng tới ổn định và phát triển xã hội - con người, không thể chấp nhận phản biện nhằm gây mơ hồ, làm lạc hướng nhận thức chung, tiến công vào nguyên tắc tổ chức và hệ thống chính trị của xã hội”[2]. Còn đàng này, những ý kiến có vẻ phản biện này đôi lúc ít nhiều gây ra sự ngộ nhận, nhầm lẫn trong dư luận, khiến một số người hiểu sai về hiện tình đất nước; những ý kiến đó có tính phá hoại hơn là xây dựng.

Thận trọng khi tiếp nhận thông tin!

Trong “ma trận” thông tin, quan điểm về đủ các vấn đề của xã hội, của đất nước, nếu mỗi người không đủ tỉnh táo, không đủ thông tin và thiếu bản lĩnh sẽ dễ cho rằng những ý kiến đó “đáng suy nghĩ”, “có lý”, thậm chí “cần ủng hộ”. Chẳng hạn, với một số thông tin về lãnh tụ, biên giới, chủ quyền biển và hải đảo, quan hệ với một số nước…, vốn có rất nhiều thông tin khác nhau, trong đó có những thông tin sai lệch, phiến diện, có dụng ý xuyên tạc, vẫn được một số người viện dẫn cho sự “phản biện” của mình.

Với những thông tin này, mỗi người cần lưu ý mấy điểm:

Một là, nguồn gốc thông tin đó ở đâu? Thông tin đó được lấy từ đâu dĩ nhiên rất quan trọng, bởi có những thông tin không rõ nguồn, chỉ được viện dẫn rất vu vơ hoặc xuất phát từ “nghe nói”, từ những người vốn có thành kiến với Đảng hoặc từ những người đã mất… Nên khi nguồn gốc thông tin không rõ ràng thì không vội vàng tin vào độ chính xác của thông tin đó.

Hai là, thông tin đó đã được kiểm chứng chưa? Thông tin được nêu ra nhưng đã có xác nhận từ nơi đáng tin cậy là chính xác chưa hay chỉ được ai đó nêu lên mà đã vội cho rằng thông tin đó là đúng đắn? Dĩ nhiên, sự kiểm chứng phải dựa trên các căn cứ khoa học và người đọc cũng nên đối chiếu với các nguồn thông tin khác để khẳng định tính chính xác của nó.

Ba là, thông tin đó thực ra có lợi cho ai? Một số người sử dụng phương thức “cắt cúp” để lọc lấy các thông tin có thực nhưng chỉ là một chi tiết trong một chuỗi sự việc nên thông tin đó chỉ có lợi cho ai đó. Khi thông tin chỉ có lợi cho người này mà bất lợi cho người kia thì phải hoài nghi tính chính xác của nó.

Bốn là, người sử dụng thông tin đó để phản biện liệu có đáng tin cậy không? Khi các thông tin không bảo đảm chính xác, khách quan thì việc sử dụng nó để làm cơ sở, căn cứ phản biện phải được đặt dấu hỏi lớn, chứ không được chỉ nhìn vào việc phản biện mà không xem xét các vấn đề nền tảng của nó.

Như vậy, mỗi người đọc phải có “bộ lọc” và có chủ kiến của mình khi tiếp cận các vấn đề phản biện của một số người, nhất là những người được “ca ngợi” là “nhà dân chủ”, “nhà bất đồng chính kiến”… Không nên vội vàng tin ngay vào các ý kiến có vẻ phản biện của ai đó khi mình chưa xác định được đầy đủ về tính chính xác của thông tin, động cơ của việc nêu ý kiến đó…

Đừng tiếp tay cho kẻ xấu!

Khi chưa làm rõ được mục đích, động cơ của những người “có vẻ phản biện” thì mỗi người chúng ta nên thận trọng trong việc tiếp nhận, chia sẻ, tán phát, ủng hộ… Trên thực tế, có một số người “cả tin” hoặc “vô tư” đọc rồi truyền tay (đối với các văn bản) hoặc like, share (đối với mạng xã hội), dù không hoàn toàn ủng hộ ý kiến đó, bởi chỉ đơn giản cho rằng đó là một loại ý kiến cần được quan tâm, nghiên cứu. Đây là điều rất tai hại, vì khi bản thân chưa dứt khoát được rằng loại ý kiến đó đúng hay sai, tích cực hay tiêu cực và cũng chưa bày tỏ thái độ rõ ràng với nó mà đã góp phần làm thông tin tán phát đến nhiều người khác, tức là gián tiếp tạo điều kiện cho thông tin loang rộng hơn, dễ được người khác hiểu rằng người tán phát đã ủng hộ nó. Bởi khi nêu lại ý kiến của ai đó mà không tỏ rõ chính kiến về vấn đề đó thì cũng sẽ không ngăn chặn được người tiếp nhận lại đi loan tin đó đến người khác. Và cứ như thế, một số người vô tình làm “cái loa tuyên truyền” cho những phần tử nào đó để ý kiến sai trái của họ đến được với nhiều người hơn. Do đó, với một số ý kiến phản biện, ý thức cảnh giác là không bao giờ thừa.

Trong nhiều trường hợp, bên cạnh không làm thông tin tán phát rộng hơn, mỗi người cần mạnh dạn bày tỏ chính kiến của mình với một số vấn đề mà mình thấy là tiêu cực, nguy hiểm. Đó là: khi dẫn lại thông tin, ý kiến đó với người khác phải nêu rõ điểm sai trái, xuyên tạc theo quan điểm cá nhân của mình; nếu không nêu được chỗ sai trái thì cũng bày tỏ sự hoài nghi của mình để người nghe không ngộ nhận rằng người nói đang ủng hộ ý kiến đó. Tích cực hơn là nên phân tích rõ những điểm (mà theo mình) là không phù hợp, là sai trái để người nghe ít nhất có một ấn tượng về điều đó để họ suy nghĩ thêm và tự có chính kiến của mình.

Trúc Giang 


[1] Nguyễn Hạnh Ngân, Vạch trần chiêu trò "phản biện xã hội" của những kẻ cực đoan, Báo Biên phòng, ngày 16-12-2014.

[2] Huỳnh Tấn, Khi phản biện xã hội được sử dụng như một "chiêu bài"!, Báo Nhân dân, ngày 12-3-2013.