flag header

Tin tứcChống DBHB

Cảnh giác trước thông tin xuyên tạc việc tổng kiểm tra phương tiện của cảnh sát giao thông

Ngày đăng: 22-05-2020 Lượt xem: 2696

Trước thông tin lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc ra quân thực hiện kế hoạch tổng kiểm soát, đảm bảo TTATGT trong thời gian nới lỏng thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19, kéo theo hàng loạt người đua nhau đi mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự (BHTNDS) để tránh bị phạt.

Tuy nhiên, nhiều kẻ tay nhanh hơn não đăng tin, bình luận trên mạng xã hội cho rằng “chỉ là tờ giấy lộn”, “việc bắt buộc mua BHTNDS là tìm cách móc túi dân”, “Nhà nước móc nối với công ty bảo hiểm để bòn rút tiền dân”, “ngay sau dịch Covid-19 mà đi kiểm tra phương tiện giao thông là vô lương tâm”… Xin có đôi điều về ý nghĩa của BHTNDS mà Chính phủ bắt buộc chủ xe cơ giới phải mua như sau:

* Hiểu đơn giản về BHTNDS là khi bạn gây tai nạn cho người khác, ngoài việc phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật, bạn phải có trách nhiệm bồi thường cho họ. Khi bạn mua BHTNDS thì công ty bảo hiểm mà bạn mua sẽ hỗ trợ bạn (theo quy định) để giảm bớt gánh nặng cho bạn hay nói cách khác là cùng bạn bồi thường cho họ.

* Tại sao lại bắt buộc. Thực tế cho thấy có nhiều vụ tai nạn xảy ra, người gây tai không có đủ tiền để bồi thường cho gia đình nạn nhân, khiến họ vừa chịu cảnh đau khổ vì mất người thân lại càng thêm túng quẫn do mất đi trụ cột gia đình. Chính phủ đưa BHTNDS của chủ xe thành loại hình bắt buộc nhằm giúp chủ xe và nạn nhân có một quỹ tài chính để bình ổn cho thiệt hại và được xem là chính sách an sinh xã hội của Nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông do xe cơ giới gây ra, mặt khác giúp bảo vệ tài chính cho chủ xe cơ giới trước những rủi ro bất ngờ. Nếu chủ xe tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự theo quy định thì các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ là nơi giúp xóa đi một phần những bất hạnh do tai nạn giao thông gây ra. Rõ ràng, việc tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự là vô cùng cần thiết và mang lại lợi ích thiết thực cho chủ xe cũng như xã hội.

* Mức phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới hiện nay từ 55.000 đồng/năm đối với xe máy và từ 437.000 đồng/năm trở lên đối với ôtô tùy theo mục đích sử dụng xe (Mức phí này được quy định Theo Thông tư số 22/2016/TT-BTC ngày 16/2/2016 của Bộ Tài chính chứ đừng nghe theo mấy bà bán bảo hiểm vỉa hè 10.000 – 20.000 đồng nhé, không lại bảo sao mua rồi mà vẫn bị phạt). Theo quy định khi xảy ra tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm, đơn vị bảo hiểm có thể sẽ bồi thường cho chủ xe phần trách nhiệm dân sự này với mức trách nhiệm lên đến 100 triệu đồng/1 người/vụ. Tuy nhiên, phải hiểu đây là bồi thường cho thiệt hại của người thứ ba (người mà chủ xe hoặc người điều khiển xe gây tai nạn cho họ mà đáng lẽ ra đó là trách nhiệm bồi thường là của chủ xe hoặc người điều khiển xe) chứ không phải bồi thường cho chủ xe bị thiệt hại. Các công ty bảo hiểm sẽ không chi trả theo sự dàn xếp của 2 bên mà phải có lực lượng Cảnh sát giao thông phân rõ trách nhiệm ai gây ra lỗi cho ai để bảo hiểm biết bên nào phải trả tiền cho những thiệt hại đã xảy ra theo biên bản. Tất nhiên, không có công ty bảo hiểm nào đi làm thủ tục để TRẢ TIỀN cho bạn, mà bạn phải đích thân đi làm vì quyền lợi của bạn, họ sẽ rất mừng nếu bạn bỏ cuộc vì những yêu cầu (theo quy định của luật bảo hiểm).

Bên cạnh đó, cần phải nhớ rõ về trách nhiệm của Cảnh sát giao thông là duy trì trật tự an toàn giao thông, họ có quyền kiểm tra phương tiện để đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nếu chấp hành thực hiện đúng quy định của Luật, CSGT muốn kiểm tra, cứ kiểm tra, bất kỳ lúc nào cũng vậy. Không sai ai phạt? mắc gì sợ. Còn Covid-19 thì liên quan gì tới việc này?

Hãy thể hiện mình là người có hiểu biết, là công dân gương mẫu tuân thủ luật pháp, vừa tránh được các khoản phạt khi tham gia lưu thông trên đường, và đặc biệt là bảo vệ bản thân trước các rủi ro tài chính, đảm bảo nghĩa vụ khắc phục hậu quả nếu điều không may xảy đến./.

Lê Hoàng Tùng