Ngày đăng: 03-06-2022 Lượt xem: 1786
Mới đây, nhân câu chuyện một trường Quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra vụ việc “bạo lực học đường”, trên một trang báo nước ngoài luôn đưa thông tin phiến diện về tình hình Việt Nam là BBC Tiếng Việt đã trích dẫn ý kiến của một bạn “du học sinh” có tên James Thạnh Nguyễn cho rằng: tại Mỹ giải quyết vấn đề bạo lực học đường rất tốt, còn ở Việt Nam thì chậm trễ; bạo lực học đường không có chốn dung thân tại Mỹ (!!?). Theo hướng này, nhiều bình luận dưới bài viết của trang báo đã đổ xô vào phê phán, chê bai nền giáo dục Việt Nam.
Thực ra thì nạn bạo lực học đường không phải là một vấn nạn chỉ có ở Việt Nam, tình trạng này hiện nay đang trở nên khá phổ biến tại hầu hết những quốc gia trên thế giới. Báo cáo của cơ quan phòng, chống tôi phạm Liên hợp quốc, mỗi năm trên thế giới có khoảng 4-6 triệu học sinh có liên quan trực tiếp đến bạo lực học đường. Số liệu này ngày càng tăng, khiến bạo lực học đường trở thành vấn đề chung của giáo dục quốc tế. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ nhiều phía: Đó là do sự chuyển biến về tâm lý của bản thân học sinh đối tượng từ 12-17 tuổi; trong giai đoạn này chỉ cần những tác động kích thích xấu từ thế giới bên ngoài cũng khiến các em học theo, dẫn đến nhiều vụ đánh nhau tại trường học; một phần do giáo dục của một số nhà trường còn nặng về kiến thức văn hóa, đôi khi lãng quên đi nhiệm vụ giáo dục con người; phần khác còn do sự giáo dục chưa đúng đắn từ cha mẹ, cha mẹ thường nặng lời quát tháo con cái cũng dễ dẫn đến những tình trạng bạo lực học đường. Nói như vậy để thấy rằng tình trạng bạo lực học đường là tình trạng chung của cả thế giới, và cách xử lý của các nước để giải quyết vấn nạn này cũng khác nhau chứ không có phương pháp nào chung cho các nước. Do đó, chớ vội đánh giá, so sánh cách thức giải quyết bạo lực học đường ở Mỹ với Việt Nam một cách máy móc, phiến diện “kiểu BBC” – bởi vì rất nhiều người ở Việt Nam đều hiểu về cách thức đưa tin rất phi sự thật ở cơ quan báo chí nước ngoài này, mặc dù chẳng có phóng viên thường trú nào ở Việt Nam nhưng vẫn đưa tin “như đúng rồi” thông qua việc cóp nhặt thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên không gian mạng. Qua đó, đưa thông tin hòng chống phá, kích động làm mất ổn định tình hình an ninh trật tự của Việt Nam.
Hiện trường vụ xả súng tại trường Sante Fe, Texas, ngày 18/5/2018. (Ảnh: AP)
Nếu BBC nói Mỹ giải quyết bạo lực học đường tốt vậy tại sao ở Mỹ vẫn liên tục xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường liên quan đến súng đạn, thậm chí “thảm sát học đường” đến thế, mà thủ phạm toàn là học sinh, mang súng đạn đến bắt giết hàng loạt thầy cô và bè bạn mình. Chắc bạn “James” chưa quên sự việc ít nhất 10 người thiệt mạng và 10 người khác bị thương sau khi một nam sinh 17 tuổi xả súng tại một trường trung học phổ thông ở Texas, Mỹ ngày 18/5/2018. Gần đây nhất, vụ xả súng trưa 24/5/2022 (giờ Mỹ) đã cướp đi sinh mạng của 19 học sinh và 2 người lớn đã trở thành cơn ác mộng của Trường tiểu học Robb (bang Texas) và của cả nước Mỹ, khi chỉ còn vài ngày nữa là học sinh của trường bước vào kỳ nghỉ hè. Một nghiên cứu cho thấy 1/3 số học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông ở Mỹ bị bạo lực học đường dưới nhiều hình thức. Theo nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận YouthTruth thực hiện năm 2018 với 160.000 học sinh trung học ở 27 bang, tỷ lệ 1/3 nói trên cho thấy bạo lực học đường tăng so với 2 năm trước đó. Nói Mỹ giải quyết bạo lực học đường tốt vậy tại sao vẫn gia tăng tệ nạn này ở quốc gia “cờ hoa” với xu thế đáng ngại hơn chính là tệ phân biệt chủng tộc trong học đường? Liệu thực sự bạo lực học đường “không có chốn dung thân” ở Mỹ?
Sau vụ xả súng đẫm máu khiến 21 người thiệt mạng ở trường tiểu học bang Texas (Mỹ), ông Ed Chelby -một người cha ở bang này đã đứng gác ngoài trường học của con gái vì lo sợ vụ việc tương tự
Trên thực tế, việc giải quyết vấn nạn bạo lực học đường không thể có bất cứ hình mẫu chung nào để mang ra so sánh tại các quốc gia, anh bạn “James Thạnh Nguyễn” (nếu anh ấy có thật, chứ không phải do BBC bịa ra) kia chắc nếu đã được học hành ở Việt Nam thì phải nhớ rằng để giải quyết thì cần phải đi từ gốc của vấn đề là nền tảng giáo dục được kết hợp từ các bên: gia đình, nhà trường và xã hội chứ. Đừng nhìn một phía một cách trơ tráo để mà quên đi “chốn dung thân” thật sự của mình!
Minh Nghi