Ngày đăng: 17-07-2021 Lượt xem: 2992
Đại dịch Covid-19 lần thứ 4 đang tàn phá Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam đã thật sự là một thảm họa. Trong khó khăn, hoạn nạn, tình người lại sáng đẹp hơn bao giờ hết. Ở khắp mọi nơi, mọi người giúp đỡ nhau, chia sẻ cùng nhau để cùng vượt qua đại dịch. Thế nhưng, đâu đó vẫn có những chuyện làm chúng ta buồn lòng khi không ít các cơ sở kinh doanh buôn bán được phép mở cửa đã nâng giá hàng thiết yếu với giá cao.
Cơ quan chức năng kiểm tra một siêu thị có phản ánh nâng giá hàng thiết yếu rất cao
Năm 2018, chúng tôi may mắn có dịp đi học một lớp ngắn ngày ở Thái Lan. Khi tới tham quan Học viện Công nghệ Châu Á ở Thủ đô Bangkok, người hướng dẫn trong đoàn phía Thái Lan đã rất tự hào khi thuyết minh cùng chúng tôi về câu chuyện người dân Thái Lan, người dân Bangkok đã bình tĩnh chia sẻ giúp đỡ nhau vượt qua hoạn nạn. Đó là trận lũ lụt khủng khiếp năm 2011 kéo dài hơn 3 tháng. Một câu chuyện mà người hướng dẫn vẫn tự hào khi kể lại câu chuyện về những người nông dân bán trứng. Chuyện rằng, một người nông dân đem ra chợ mấy chục quả trứng gà để bán, nhiều người đi mua nhưng chỉ mua 3 đến 5 quả. Cũng có người đòi mua 7 quả nhưng người bán vẫn nhất quyết không bán với lý do để giành cho người khác được mua. Một người từng có mặt ở Nhật Bản những ngày đất nước này trải qua trận sóng thần hủy diệt đã cho biết những ngày ấy, bên thành các xe bus đều viết dòng chữ “Nhật Bản phải cố gắng!”. Những người ở vùng bị ảnh hưởng đi mua lương thực, thực phẩm cũng mua rất ít và để giành cho người khác được mua. Không chỉ có vậy, những người ở các vùng không chịu ảnh hưởng của thảm họa cũng mua ít đi để giành chuyển tới những nơi cần. Các doanh nghiệp bán lẻ đã làm hết sức và chịu thiệt trong thời gian ngắn, không tăng giá bán để hỗ trợ người dân vượt qua thảm họa v.v…
Chúng ta hoàn toàn chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp bán lẻ khi việc vận chuyển, phân phối hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng vì sao vẫn có những cửa hàng ổn định được giá cả hoặc có tăng thì cũng chỉ tăng rất ít, trong khí đó nhiều cửa hàng, nhiều mặt hàng thiết yếu đã có một mức giá cao đến bất ngờ…Chắc chắn những doanh nghiệp bán lẻ hàng hóa sẽ có một bộ phận đối ngoại và chăm sóc khách hàng. Thế nhưng, liệu bộ phận này có lên các trang mạng xã hội để lắng nghe lời phàn nàn từ người tiêu dùng hay không? Đã có rất nhiều những ý kiến trên các trang mạng xã hội rằng nếu qua đợt dịch này, ai đó đến cửa hàng A, B, C thì tới nhưng tôi thì chắc chắn không!. Hãy nhớ rằng đây là thời đại của công nghệ thông tin, của mạng xã hội. Những thông tin, những ý kiến, những lời phàn nàn ấy sẽ được truyền đi với tốc độ chóng mặt. Nếu vẫn cứ tiếp diễn tình trạng lợi dụng dịch bệnh để hưởng lợi thì doanh nghiệp ấy đã tự lấy đá ghè chân mình trong tương lai. Nhà văn Nguyễn Hiến Lê trong cuốn sách nổi tiếng có tựa đề “Đắc nhân tâm” viết rằng, đa phần các cửa hàng ở nước ngoài đều treo câu khẩu hiệu: “Khách hàng là ân nhân của chúng tôi!”.
Đây không phải là lúc để chúng ta phán xét lẫn nhau, đây là lúc cần sự đoàn kết, sẻ chia hơn bao giờ hết. Và, ngay trong lúc này chứ không phải lúc nào khác, các doanh nghiệp bán lẻ hàng hóa cần chia sẻ lợi nhuận của mình với khách hàng cũng như cần có nhiều hơn trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Vũ Trung Kiên