flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

Chiến thắng vĩ đại của quân dân Việt Nam - Campuchia chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot

Ngày đăng: 02-01-2019 Lượt xem: 6929

Chế độ diệt chủng Pol Pot gây ra đau thương mất mát, làm tổn thất to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần cho nhân dân Campuchia mà còn ảnh hưởng đối với Việt Nam. Nhằm thể hiện tinh thần vô sản, trách nhiệm nghĩa vụ quốc tế - Việt Nam đã tình nguyện giúp đỡ, hỗ trợ lực lượng để nhân dân Campuchia chống lại chế độ diệt chủng. Ngày 7/1/1979, tại thành phố Phnom Penh, thủ đô của Vương quốc Campuchia, chính quyền Khmer Đỏ chính thức bị sụp đổ. Thắng lợi này, một lần nữa minh chứng cho tình hữu nghị sâu sắc giữa hai quốc gia.

Tội ác của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ

Sau khi Hiệp định Paris 1973 được kí kết về vấn đề chấm dứt chiến tranh, Mỹ từng bước rút quân tham chiến khỏi Việt Nam. Tác động từ việc Mỹ rút quân ở Việt Nam đã làm ảnh hưởng đến chính quyền Lon Nol thân Mỹ ở Campuchia trở nên yếu về thế và lực. Pol Pot là một thủ lĩnh của tổ chức Khmer Đỏ lợi dụng cơ hội này dẫn đoàn quân gồm lính du kích vốn là thanh thiếu niên nông dân dưới 20 tuổi tiến vào Phnom Penh. Ngày 17/4/1975, Khmer Đỏ chính thức chiếm quyền kiểm soát Campuchia, từng bước tiến hành một chính quyền độc ác kéo dài gần 4 năm (1975-1979). Chính quyền này hoạt động, tồn tại là do sự hậu thuẫn của Mỹ, Thái Lan, các nước tư bản phương Tây và sự hỗ trợ đắc lực của Trung Quốc.

Những hố chôn tập thể người dân vô tội bị bọn diệt chủng Pol Pot – Ieng Sary sát hại, được phát hiện sau ngày giải phóng 7/1/1979 tại “Cánh đồng chết” Choeung Ek. Ảnh: Thế Trung – TTXVN

Khi Khmer Đỏ giành được quyền lực, họ tập trung vào ý tưởng thành lập một xã hội nông nghiệp thuần túy, đưa đất nước Campuchia trở lại với “quá khứ huyền thoại”. Theo đó, chính quyền Khmer Đỏ đã thực thi hàng loạt các chính sách, biện pháp cực kì phản động: Chúng tiến hành các cuộc di dân cưỡng chế tại các thành phố lớn với quy mô trên diện rộng; cưỡng bức nhân dân lao động khổ sai, tiêu diệt và đàn áp chính trị. Hậu quả của các chính sách buộc di dời dân cư từ các đô thị, việc tra tấn và hành quyết hàng loạt, buộc lao động cưỡng bức, sự suy dinh dưỡng và bệnh tật đã dẫn đến tử vong của khoảng 25% tổng dân số (khoảng 2 triệu người).

Ngoài ra, chúng còn tiến hành những cuộc chiến xâm lấn, tàn sát những người dân ở biên giới Tây Nam Việt Nam. Năm 1975, quân Khmer Đỏ cho quân tấn công các đảo Thổ Chu, Phú Quốc hòng chiếm đảo. Nửa đêm ngày 25/9/1977 tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, nằm sâu trong lãnh thổ Việt Nam chừng 7km, quân lính Khmer Đỏ tiến hành diệt chủng bằng nhiều hình thức man rợ. Trong khi quân Khmer Đỏ quấy rối, xâm chiếm ở biên giới, thì các năm 1976, 1977 Chính phủ Việt Nam vẫn kiên trì giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình. Những cuộc gặp ngoại giao mà Việt Nam chủ động xúc tiến để giảm bớt tình trạng căng thẳng giữa hai quốc gia nhưng đáp lại là thiếu hợp tác, ngang tàn thách thức của chính quyền Khmer Đỏ. Việt Nam đã nhượng bộ và nhưng càng nhượng bộ Khmer Đỏ càng lấn tới, buộc ta phải tiến hành cuộc chiến tranh tự vệ.

Chiến thắng vĩ đại ngày 7/1/1979

Trước sự tàn bạo, vô nhân tính của chế độ Pol Pot, toàn thể nhân dân Campuchia hết sức bất mãn và sự mâu thuẫn giữa nhân dân với chính quyền này ngày càng tăng. Những cuộc nổi dậy và phản đối nổ ra khắp nông thôn với hình thức chủ yếu là biểu tình đòi quyền dân sinh, dân chủ. Tiêu biểu, tháng 11/1975, hàng trăm dân mới ở vùng Kiri Vong (huyện thuộc tỉnh Ta Keo) dưới sự lãnh đạo của 5 giáo viên phổ thông tuần hành đến trụ sở Khmer Đỏ ở địa phương để phản đối việc vận chuyển chậm trễ, không cấp phát phân phối lương thực. Tháng 4/1977 tại một con đập tỉnh Siem Reap, người dân ở 20 xã của huyện Chi Kraeng biểu tình chống lại các cuộc giết chóc và chống lại tình trạng thiếu ăn…

Nhân dân tỉnh Ratanakiri (Đông Bắc Campuchia) đón chào các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia và bộ đội tình nguyện Việt Nam về giải phóng phum, sóc. Ảnh: TTXVN

Trong khi đó, từ Trung ương đến địa phương chính quyền luôn có sự đấu tố, nghi ngờ lẫn nhau là gián điệp. Đây chính khe hở lớn gây mất đoàn kết trong chính quyền Pon Pot, từng bước manh nha hình thành các lực lượng phản kháng chống lại Khmer Đỏ, dẫn đến các cuộc binh biến liên tục vào những năm 1973, 1975, 1976, 1977 và 1979. Các phong trào đấu tranh biểu tình của người dân và các cuộc binh biến vũ trang của các lực lượng cách mạng chống lại chế độ Pon Pot diễn ra trên quy mô rộng khắp các tỉnh của Campuchia. Thực tế, các phong trào nhanh chóng bị đàn áp, dập tắt bởi chưa có thông tin liên lạc giữa các nhóm kháng chiến, nổ ra lẻ tẻ không có sự thống nhất, trang thiết bị vũ khí thiếu thốn, không có sự viện trợ từ các nước trong khu vực, thiếu một tổ chức đứng ra lãnh đạo...

Dưới chế độ hà khắc, tàn bạo mà chế độ diệt chủng Pon Pot thực thi đã gây ra nhiều tội ác với nhân loại, mà đặc biệt là người dân Campuchia, Việt Nam. Để giành thắng lợi trước Khmer Đỏ, nhân dân Campuchia chịu nhiều mất mát, đau thương, đồng tâm hiệp lực để đứng lên chống bọn Pol Pot. Nhờ sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, lực lượng cách mạng giải phóng Campuchia có được chiến thắng vĩ đại ngày 7/1/1979 tại thủ đô Phnom Penh. Thắng lợi vĩ này đó là sự kết hợp, hội tụ những yếu tố trong và ngoài nước tạo nên sức mạnh quan trọng làm sụp đổ chính quyền Khmer Đỏ.

Đặc biệt, sự kiện ngày 7/9/1977, Tư lệnh Quân khu 7 ra Quyết định số 113/QĐ - 77, thành lập khung tiếp nhận cán bộ, chiến sĩ Campuchia (phiên hiệu là Đoàn 977) đa phần họ là những sĩ quan cao cấp trong quân đội Khmer. Mục đích của thành lập này nhằm tuyển chọn, huấn luyện lực lượng nước bạn, từng bước tổ chức thành các khung trung đội, đại đội. Ngày 12/5/1978, tại ấp Suối Râm, xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai - đơn vị tiền thân của Lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia (Đoàn 125) được thành lập gồm 125 cán bộ, chiến sĩ, do Hun Sen làm Chỉ huy trưởng. Đây là đơn vị đầu tiên của Quân đội cách mạng Campuchia, đánh dấu sự phát triển mới của lực lượng cách mạng Campuchia.

Ngày 2/12/1978, tại huyện Chhloung tỉnh Kratié - 3 tiểu đoàn binh lính Campuchia thuộc Lữ đoàn 778 xếp hàng làm lễ thành lập “Mặt trận Dân tộc cứu nước Campuchia” với 14 ủy viên và trụ cột là Heng Samrin làm Chủ tịch Mặt trận (kiêm Tư lệnh Lữ đoàn 778), Chea Sim làm Phó Chủ tịch Mặt trận. Mặt trận tuyên bố 11 điểm, kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết đứng lên để đập tan chế độ tàn bạo; đồng thời kêu gọi chính phủ và nhân dân các nước yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế ủng hộ, giúp đỡ sự nghiệp đấu tranh sinh tồn của nhân dân Campuchia.

Trong cuộc chiến đấu của quân và dân Campuchia chống chế độ diệt chủng Pon Pốt, quân và dân Việt Nam đóng góp một phần quan trọng. Theo Mayersan, Deborah cho rằng: “Nạn diệt chủng kết thúc khi có cuộc can thiệp của Việt Nam vào Campuchia”. U. Bớc-sét  nhận định: “Chính thiết giáp và pháo binh Việt Nam giữ vai trò quyết định trong việc tấn công các đơn vị quân lực chủ yếu của Khmer Đỏ và các cố vấn Trung Quốc của chúng…..Việt Nam đã sử dụng khoảng 100.000 quân cộng thêm lực lượng ban đầu của Mặt trận cứu nước gồm khoảng 20.000 người. Lực lượng của Mặt trận cứu nước nhanh chóng được tăng cường do nhiều đơn vị trọn vẹn từ bỏ hàng ngũ các lực lượng Pôn Pôt đầu thú tham gia trong mặt trận”. Trong tác phẩm Hun Sen nhân vật xuất chúng của Campuchia đã khẳng định: “Không có sự giúp đỡ của Việt Nam, chính phủ Pnom Penh sẽ không tồn tại”.

Có thể nói, chiến thắng vĩ đại trước tập đoàn diệt chủng Pol Pot vào ngày 7/1/1979 thể hiện tinh thần phản kháng mạnh mẽ của nhân dân Campuchia với một chính quyền cực kì phản động, tàn nhẫn. Việt Nam đã thể hiện tinh thần vô sản sâu sắc, trách nhiệm nghĩa vụ quốc tế giúp Campuchia đào tạo các lớp chuẩn bị xây dựng lực lượng vũ trang, phương pháp tác chiến, hình thành nên những đơn vị chiến đấu (tiêu biểu là Đoàn 125) và thành lập Mặt trận Dân tộc cứu nước Campuchia. Thắng lợi này sẽ không thành công nếu thiếu đi sự giúp đỡ, hợp tác sâu sắc của Việt Nam. Với quyết tâm giúp nước bạn thoát khỏi nạn thảm hoạ, quân tình nguyện Việt Nam đã chiến đấu anh dũng kết hợp với lực lượng Campuchia đánh bật quân Khmer Đỏ tại thủ đô Pnom Pênh. Kết quả này, khẳng định một lần nữa Việt Nam và Campuchia là những người bạn thân thiết. Từ đó, đặt nền móng lâu dài cho sự mối quan hệ tốt đẹp, bền vững.

Hoàng Minh