flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

Chiến tranh biên giới Tây Nam: Cuộc chiến vì chính nghĩa

Ngày đăng: 05-01-2019 Lượt xem: 8321

Trước sự gây hấn ngày càng trắng trợn của chính quyền Khmer Đỏ, do Pol Pot cầm đầu trên toàn tuyến biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, trước thảm họa diệt chủng của quốc gia láng giềng, hưởng ứng lời kêu gọi “Hãy cứu giúp chúng tôi, không phải chỉ cứu mấy vạn người tị nạn, mà phải cứu giúp cả một dân tộc” của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, đồng thời cũng là để ngăn chặn hành động xâm lược Việt Nam ở khu vực biên giới Tây Nam của quân Pol Pot, quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã mở cuộc phản công - tiến công đánh đổ chính quyền Khmer Đỏ, thoát khỏi thảm họa diệt chủng, đưa đến thắng lợi ngày 7/1/1979.

Tiểu đoàn 2 - Lữ đoàn Xe tăng và Sư đoàn 7 - Quân đoàn 4 tấn công giải phóng Phnom Penh Ảnh: TƯ LIỆU QUÂN ĐOÀN 4

Cuộc chiến tranh nhân đạo

Sau chiến tranh Việt Nam (1975), Việt Nam và Campuchia Dân chủ xuất hiện nhiều mâu thuẫn, tranh chấp và xung đột biên giới xảy ra liên tục. Được các thế lực nước ngoài tiếp tay, bọn phản động Pol Pot Ieng Sary đã phản bội lại lợi ích của nhân dân Campuchia, thi hành một đường lối đối nội, đối ngoại hết sức phản động. Trước khi phát động cuộc chiến tranh xâm lấn toàn tuyến biên giới Tây Nam nước ta, quân Pol Pot đã có hai năm (1977, 1978) tiến hành quấy rối, thăm dò, gây ra các cuộc xung đột vũ trang ở biên giới nước ta, đồng thời tích cực chuẩn bị chiến tranh chống đối. Sau sự kiện xung đột tranh chấp đảo Thổ Chu của Việt Nam, chính quyền Khmer Đỏ đã xua quân xâm nhập biên giới nước ta. Hàng ngày, hàng giờ lực lượng vũ trang Campuchia Dân chủ thâm nhập lãnh thổ, giết hại hàng ngàn đồng bào ta ở nhiều nơi trên tuyến biên giới như Tân Biên (Tây Ninh), Ba Chúc (An Giang), Đức Cơ (Gia Lai) và nhiều nơi khác. Cuộc xung đột này đã phá hoại truyền thống đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia.

Mặc dù chính quyền Pol Pot trắng trợn xâm lược nước ta, nhưng phía ta vẫn kiên trì chủ trương khôi phục mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của nhau, tránh mọi va chạm. Trong hai năm 1975-1976, ta đã chủ động mở bảy cuộc đàm phán, nhưng đều không có kết quả. Thực chất là Pol Pot muốn kéo dài thời gian để chuẩn bị chiến tranh. Cụ thể, từ tháng 5/1975 đến ngày 23/12/1978, Pol Pot đã giết hại hơn 5.000 dân thường Việt Nam, làm bị thương gần 5.000 người, bắt và đưa đi thủ tiêu hơn 20.000 người. Chủ trương của quân Pol Pot là: “Chỉ cần mỗi ngày diệt vài chục, mỗi tháng diệt vài ngàn, mỗi năm diệt vài ba vạn thì có thể đánh 10, 15, đến 20 năm. Thực hiện 1 diệt 30, hy sinh 2 triệu người Campuchia để tiêu diệt 50 triệu người Việt Nam”.

Những cuộc tấn công của Pol Pot không phải là hành động bộc phát mà là những đợt tấn công có hệ thống, quy mô ngày càng lớn, hành động vô cùng tàn bạo, được chuẩn bị kỹ lưỡng của tập đoàn phản động Pol Pot. Vấn đề tranh chấp biên giới chỉ là một cái cớ, mục đích của họ và những người xúi giục họ là phá hoại và làm chậm công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta, không để ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa lớn mạnh ở Đông Nam Á.

Trước tình hình trên, ngày 31/12/1977, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố về vấn đề biên giới Việt Nam - Campuchia, nêu rõ lập trường quan điểm của Việt Nam là tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ hai nước theo nguyên tắc công bằng, hợp lý. Phía ta cố gắng giải quyết cuộc xung đột một cách hòa bình thông qua đàm phán ngoại giao. Năm 1978, với thiện chí hòa bình, mong muốn sớm chấm dứt xung đột bằng thương lượng, Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ động đưa ra đề nghị 3 điểm: “Thứ nhất, chấm dứt ngay các hoạt động quân sự thù địch dọc biên giới; lực lượng vũ trang mỗi bên phải đóng sâu trong lãnh thổ của mình, cách đường biên 5km; Thứ hai, hai bên gặp nhau để bàn bạn và kí một hiệp ước hữu nghị không xâm lược nhau và một hiệp ước về biên giới giữa hai nước; Thứ ba, hai bên thỏa thuận một hình thức thích hợp về thể thức nhằm bảo đảm và giám sát quốc tế vùng biên giới giữa hai nước”. Trái với thiện chí hòa bình của ta, phía Pol Pot từ chối đàm phán, còn tăng cường hơn nữa quân chủ lực dọc biên giới, chuẩn bị cho cuộc tiến công lớn. Việt Nam phải chuyển sang sử dụng vũ lực để giải quyết cuộc xung đột.

Do quân Pol Pot - Ieng Sary liên tục xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, nhân dân và lực lượng vũ trang Việt Nam ở vùng biên giới buộc phải chiến đấu tự vệ, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và cuộc sống bình yên của mình. Cuộc chiến biên giới Tây Nam là cuộc chiến tranh tự vệ chính đáng theo điều 51 Hiến chương Liên hiệp quốc. Đầu tháng 12/1978, quân đội Việt Nam được hỗ trợ bởi một số tiểu đoàn Khmer thân Việt Nam. Đây là những đơn vị quân đội Campuchia yêu nước, chống lại chính quyền Pol Pot, đã kiểm soát một vùng đệm dọc biên giới lãnh thổ Campuchia, từ Mimot đến Snuol ở các tỉnh Kampong Cham và Kratié. Ở phía Bắc, quân Việt Nam cũng kiểm soát một vùng rộng thuộc lãnh thổ Campuchia dọc theo đường 19.

Ngày 22/12/1978, tập đoàn Pol Pot huy động 19 trong tổng số 23 sư đoàn bộ binh, cùng nhiều đơn vị pháo binh, xe tăng… đến biên giới phía đông, tiến vào khu vực Bến Sỏi (tỉnh Tây Ninh), bắt đầu cuộc tiến công quy mô lớn với ý đồ đánh chiếm thị xã Tây Ninh, mở đường tiến sâu vào lãnh thổ nước ta. Lúc này, để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của quân dân Campuchia, một số đơn vị Quân đội của nhân dân Việt Nam được lệnh kề vai sát cánh với lực lượng vũ trang Campuchia chiến đấu.

Quân tình nguyện Việt Nam ở mặt trận Campuchia. (Nguồn: TTXVN)

Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, được sự phối hợp chiến đấu, sự ủng hộ và giúp đỡ hết lòng của quân dân ta, quân dân Campuchia đã đồng loại tiến công và nổi dậy đập tan chính quyền phản động của bọn Pôn pốt từ trung ương đến cơ sở. Ngày 7/1/1979, thủ đô Phnom Penh hoàn toàn giải phóng, nước cộng hòa nhân dân Campuchia và Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia tuyên bố thành lập.

Ý nghĩa quốc tế cao đẹp

Có thể nói, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng và bảo vệ chủ quyền dân tộc của Việt Nam đã khẳng định: đây là cuộc chiến tranh chính nghĩa, mãi mãi là biểu tượng cao cả của tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, thủy chung của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Campuchia anh em. Trong thế kỷ XX, chiến thắng của chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng, hồi sinh đất nước, Việt Nam đã làm nên một sự nghiệp cao cả, sáng ngời chính nghĩa.

Thắng lợi của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot tạo nên bước ngoặt lịch sử; khôi phục lại tình đoàn kết chiến đấu, tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia. Để thắt chặt tình hữu nghị, tình đoàn kết chiến đấu giữa hai nước trong giai đoạn cách mạng mới, đoàn đại biểu của Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng dẫn đầu, chính thức thăm nước Cộng hòa nhân dân Campuchia từ ngày 16-18/2/1979. Kết quả của cuộc viếng thăm là hai nước cùng nhau kí kết Hiệp ước hòa bình, hữu nghị, hợp tác ngày 18/2/1979. Theo nội dung Hiệp ước, quân đội Việt Nam tiếp tục có mặt ở Campuchia để cùng giúp bạn bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hồi sinh đất nước Campuchia. Đến tháng 9/1989, theo thỏa thuận, Việt Nam đã rút toàn bộ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự về nước, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Hơn hết, có thể khẳng định thắng lợi của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn. Đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật tác chiến giữa các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam và các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia, để lại nhiều bài học kinh nghiệm, nhất là phối hợp lực lượng tác chiến. Quân và dân ta đã làm thất bại bước đầu âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch chống Việt Nam, vừa thực hiện kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa làm tròn nghĩa vụ quốc tế  với nhân dân Campuchia và nhân dân Lào, tích cực bảo vệ độc lập dân tộc và góp phần củng cố hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Với thắng lợi ngày 7/1/1979, quan hệ hai nước Việt Nam - Campuchia chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ của tình hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước dựa trên nguyên tắc hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau vì sự phát triển và phồn vinh của mỗi nước. Trân trọng về mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống hào hùng, chúng ta tin tưởng rằng, trong tình hình mới, mối quan hệ của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân hai nước ngày càng phát triển sâu rộng, vì hạnh phúc phồn vinh của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên bán đảo Đông Dương, Đông Nam Á và trên thế giới.

Rõ ràng, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế giúp Campuchia có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XX. Thử thách của cuộc chiến tranh chống Khmer Đỏ đã một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ răng - môi mật thiết giữa ba nước Đông Dương. Liên minh chiến đấu tình nguyện, tương trợ giữa ba nước hình thành một cách tự nhiên từ vị trí địa chính trị của các nước này và cuộc đấu tranh chung của họ chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Thế chân vạc hiệu quả của ba nước đã và đang là mục tiêu chống phá của các thế lực thù địch.

Hoàng Minh