flag header

Tin tứcĐiểm nóng

Chống dịch bệnh Covid-19: Vì sao 14 ngày, vì sao là “thời điểm vàng”?

Ngày đăng: 30-03-2020 Lượt xem: 4531

Thời gian vừa qua, rất nhiều cơ quan báo chí và các phương tiện truyền thông, mạng xã hội có thông tin  về thời điểm mà Nhà nước ta chọn là “14 ngày vàng chống dịch Covid-19” kể từ 0h ngày 28/3/2020 đến hết ngày 15/4/2020. Rất nhiều độc giả đã đặt câu hỏi: vậy tại sao lại là 14 ngày, và tại sao lại chọn thời điểm “vàng” vào lúc này?

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại cuộc họp giao ban trực tuyến về phòng chống dịch Covid-19

Thời gian ủ bệnh Covid-19 là từ 2 đến 14 ngày

Trước hết, về cơ sở khoa học, ta có thể thấy rằng các nhà khoa học đã xác định thời gian ủ bệnh Covid-19 là từ 2 đến 14 ngày, đã có bằng chứng rằng bệnh có thể truyền nhiễm trong khoảng thời gian này và trong vài ngày sau khi hồi phục. Vì vậy, nhà nước ta và các nước khác đã có quy định về việc cách ly tối đa 14 ngày, số ngày cách ly cụ thể được tính từ ngày tiếp xúc lần cuối với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc từ ngày nhập cảnh vào Việt Nam. Sáng 30/3, phát biểu tại hội nghị trực tuyến với ngành y tế 63 tỉnh thành về tập huấn nâng cao năng lực của y tế cơ sở trong phòng chống dịch Covid-19, hội nghị Thứ trưởng bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: “Hiện nay, dịch đã chính thức chuyển sang cấp độ 3. Tất cả cơ sở y tế cần tập trung giải quyết 2 vấn đề: Phát hiện ca nhiễm ngoài cộng đồng. Phát hiện được rồi thì làm sao hạn chế lây nhiễm ra cộng đồng".

Thực tiễn thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã chủ động, quyết liệt thực hiện nhiều chủ trương chính sách lớn nhằm giảm thiểu, kìm chế và tiến tới khống chế đại dịch Covid-19.  Với tinh thần “Việt Nam không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhiều quy định mới trong phòng chống đại dịch được chính quyền các địa phương ban hành, mới đây nhất là quyết định đóng cửa tạm thời các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải trí tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ở Việt Nam, dù ở ngay sát nơi dịch bệnh khởi phát – Trung Quốc, nhưng chúng ta đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Tính đến  12h ngày hôm nay 30 tháng 3 năm 2020, Việt Nam có 194 bệnh nhân dương tính với virus Corona. Số ca nhiễm bệnh dù vẫn đang tăng từng ngày, nhưng Chính phủ, chính quyền các cấp và cả người dân đang chung tay để hạn chế tối đa sự lây lan, cũng như sự mất mát về sinh mạng. Con số tối thiểu này có được là do công tác phòng dịch và kiềm chế dịch lan rộng của Chính phủ Việt Nam đã và đang thực sự phát huy hiệu quả. Kinh nghiệm của Việt Nam đang trở thành điểm sáng để nhiều quốc gia phát triển trên thế giới tham khảo.

Thời điểm tốt nhất để thực hiện cách ly tại chỗ ở trong nước

Vào ngày 28/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 15/CT-TTg yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19. Trong Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người từ 00 giờ ngày 28 tháng 3 đến hết ngày 15 tháng 4 năm 2020. Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng…”.

Bệnh nhân người Cộng hoà Czech chào tạm biệt nhân viên y tế ở BV dã chiến Củ Chi khi được công bố khỏi bệnh Covid-19 sáng 30/3 

Sở dĩ Nhà nước ta cho đây là “thời điểm vàng để chống dịch Covid-19” là bởi chúng ta đã sử dụng các biện pháp quyết liệt nhất để ngăn chặn các nguồn lây từ nước ngoài thông qua các sân bay, cửa khẩu biên giới và các lối ra vào tiểu ngạch khác, vấn đề còn lại là phải thực hiện đồng thời với việc cách ly tại chỗ đối với những vùng có khả năng lây bệnh dịch nhằm ngăn chặn tối đa việc lây nhiễm và kiểm soát tốt nhất số người có biểu hiện dương tính với virus Corona trong vòng 14 ngày ở trong nước. Mới đây nhất, tối 29/3, Văn phòng Chính phủ thông báo nội dung trong kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau cuộc họp trực tuyến với 5 thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) về phòng chống dịch Covid-19, trong đó đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện đồng bộ các biện pháp chuẩn bị mọi điều kiện về nhân lực, vật chất để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh trên diện rộng; kiểm soát chặt chẽ để ngăn người từ vùng có dịch đến các vùng khác; sẵn sàng hỗ trợ, chi viện khi địa phương khác quá tải. Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải sẵn sàng cho mọi tình huống, kể cả khi áp dụng tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh hoặc giới nghiêm, thiết quân luật.

Về vấn đề này, nhận định và chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TP.HCM trực tuyến trên địa bàn Thành phố ngày 24/3, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định: "Đây là thời điểm chúng ta góp phần giữ đất nước bình yên trước dịch bệnh. Lỡ mất thời cơ này, chúng ta có lỗi với đất nước và không thể làm lại". Đồng chí cũng chỉ đạo trong khoảng 10 ngày đến 2 tuần tới, chúng ta phải cố giữ đừng vượt 1.000 ca nhiễm trên toàn quốc. Đây là một thách thức cực kỳ lớn, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội. Bí thư Thành ủy đề nghị, trong 2 tuần tới, người dân toàn thành phố cần hạn chế ra đường, không tụ tập đông người để giảm tới mức tối thiểu nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. “Tóc chưa dài lắm đừng đi cắt tóc, giày chưa hư cũng đừng đi mua. Làm móng tay, mua quần áo, bánh kẹo… nếu chưa thật cần thiết thì hãy hoãn lại”. "Tinh thần là trong 2 tuần tới, TP sẽ sống khác, tiết kiệm hơn, ít đi lại hơn, giám sát tốt để góp phần cùng cả nước tránh bùng phát dịch. Trong cuộc chiến chống Covid-19, khổ trước thì sướng sau và ngược lại", Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Người dân cần triệt để thực hiện các biện pháp chống dịch của Thành phố

Trước tình hiện nay, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng lan rộng, bùng phát tại nhiều quốc gia, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu và đang tác động nhiều mặt đến đời sống nhân dân và kinh tế, xã hội của đất nước. Trong tình hình hiện tại, về nguyên nhân của nguồn bệnh, ngày 30/3 Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định việc lây nhiễm phụ thuộc vào 3 yếu tố:

- Thứ nhất, người mang dịch từ nước ngoài về. Qua tổng hợp sơ bộ, các ca mắc hiện tại ở nước ta cho thấy có tới khoảng 70% là người từ nước ngoài trở về.

- Thứ hai, phụ thuộc vào việc phát hiện người nhiễm và tiến hành cách ly. Phát hiện sớm, cách ly sớm sẽ ngăn chặn được dịch tốt hơn.

- Thứ ba, phụ thuộc vào việc điều trị các bệnh nhân bị nhiễm. Điều này cũng liên quan đến việc lây nhiễm trong các cơ sở y tế.

Do đó, hơn lúc nào hết, người dân cần đồng lòng, chung tay góp sức với Nhà nước, với Thành phố Hồ Chí Minh trong việc thực hiện các yêu cầu của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo chống dịch Covid-19 Thành phố, trong đó yêu cầu tối quan trọng là: “Tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người (cùng một chỗ). Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo. Cấm tụ tập nhiều hơn 10 người ở bên ngoài các công sở và trường học, bệnh viện,  trước mắt thực hiện nghiêm các biện pháp không tụ tập đông người; chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật cần thiết, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang nơi công cộng, tăng cường tự bảo vệ sức khỏe; hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh trừ trường hợp thật sự cần thiết và thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chức năng, nhất là đối với người cao tuổi, có bệnh nền.…”

Cờ đỏ TP. Hồ Chí Minh