flag header

Tin tứcThành phố tôi yêu

Chống dịch lúc khó khăn, nghĩa tình càng đậm đà!

Ngày đăng: 25-09-2021 Lượt xem: 1088

Gần 5 tháng kiên trì, quyết liệt chống dịch Covid-19, TP.HCM đã thể hiện sự nỗ lực vượt bậc trong điều kiện vô cùng khó khăn, thử thách. Trong cuộc chiến gian khó này, dẫu có những đau thương, mất mát, có những điều chưa trọn vẹn nhưng một trong những điểm sáng dễ thấy nhất chính là yếu tố nghĩa tình luôn thể hiện đậm nét trên thành phố mang tên Bác Hồ.

 

1. Yếu tố nghĩa tình của Sài Gòn – TP.HCM đã được nhắc đến rất nhiều lần, ở nhiều phương diện. Đến đợt dịch lần thứ tư này thì lại càng rõ nét, lại càng đậm đà, càng thấm đẫm tính nhân văn.

Nếu kể những chương trình, cuộc vận động liên quan đến công tác phòng chống dịch, giúp đỡ người dân trong lúc khó khăn thì trong mấy tháng qua thành phố có rất nhiều mô hình. Các hoạt động lớn như ủng hộ “Quỹ Vaccine phòng chống dịch Covid-19”, “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19”, “Sóng và máy tính cho em… đã được thực hiện dài hơi, rộng khắp, với sự tham gia của gần như tất cả người dân. Ở từng địa phương, từng lĩnh vực lại có những mô hình hẹp hơn, cụ thể hơn và cũng có ý nghĩa rất sâu sắc, như “Chuyến xe nghĩa tình”, “Oxy yêu thương” của Hội Chữ thập đỏ thành phố, “Thuốc trao tay” của hội chữ thập đỏ và đoàn thể các cấp, “Đi chợ giúp dân”, “Bếp cơm yêu thương”, “Bữa ăn dinh dưỡng”, “Phiên chợ 0 đồng”, “Shipper 0 đồng”… của chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở, “Bếp ăn Thương Sài Gòn” của giới nghệ sĩ, phong trào “Bảo vệ vùng xanh” ở các khu phố, tổ dân phố…

Ngoài ra, còn có những sáng tạo mang đậm nghĩa tình khác mà có lẽ từ khi bắt đầu chống dịch mới hình thành, như “ATM gạo và thực phẩm”, “ATM oxy”, “Siêu thị di động”, “Tủ lạnh Thạch Sanh”… Có thể có những mô hình, phong trào kép dài, cũng có những hoạt động khá ngắn, phạm vi lan tỏa hẹp nhưng tất cả đều thể hiện tinh thần sẻ chia, đồng cảm, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn của dịch bệnh.

2. Bên cạnh các mô hình, các phong trào, người TP.HCM còn giúp nhau vượt qua thử thách khắc nghiệt này bằng nhiều hình thức khác nữa. Nhiều người đã được coi là tình nguyện viên tham gia hỗ trợ, phục vụ ở các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến, khu phong tỏa…, khi họ làm những công việc tại các điểm đó một cách thường trực, thường xuyên và bằng tinh thần tình nguyện, không vụ lợi. Nhiều tình nguyện viên biết rằng mình sẽ gặp nhiều nguy hiểm cho bản thân, rủi ro cho người thân khi xông pha ở những nơi có nguy cơ cao nhưng họ vẫn lăn xả với mong muốn giúp được chút gì cho người khác. Có người thể hiện phương châm hành động rất rõ ràng: Việc khó mình ngại không làm thì ai làm? Cho nên, hiện nay, đã có nhiều trường hợp F0 sau khi khỏi bệnh đã quay trở lại làm tình nguyện viên, giúp đỡ lực lượng tuyến đầu, hỗ trợ người bệnh khác.

Những vẫn còn nhiều người khác chưa thể gọi họ là tình nguyện viên nhưng vẫn nhiệt tình tham gia giúp đỡ người khác, trong bất kỳ điều kiện nào có thể thực hiện được. Một người đang là F0, được điều trị tại bệnh viện dã chiến nhưng sức khỏe còn tốt nên nhiệt tình giúp đỡ các F0 khác, hỗ trợ các y bác sĩ; một người là hội viên phụ nữ, mỗi khi phường có hàng tiếp tế đến, chỉ cần được “ới” một tiếng là bất kể gì giấc, sẵn sàng chạy ra trụ sở phụ gọt rửa, vô túi, sắp lên xe…; một người có sẵn ô tô ở nhà, ai cần chở đồ thì trực tiếp lái, không thì giao xe người khác dùng, tự đổ xăng, không tính công sá… Những kiểu tình nguyện như vậy có ở khắp nơi, với muôn hình vạn trạng.

Tính nghĩa tình dường như còn được nâng lên một tầm cao hơn nữa khi những người đang gặp cảnh khó khăn đã chia sẻ, giúp đỡ nhau một cách chí tình. Khi khu phố hỗ trợ nhu yếu phẩm, người khó ít nhường cho người khó nhiều, người khỏe mạnh dành lại phần cho người bệnh, người già yếu. Khi gia đình chưa túng bấn thì sẵn sàng không nhận sự giúp đỡ nào mà nhường đến các trường hợp thực sự cần. Khi được chi hỗ trợ do thuộc diện khó khăn, mất việc…, nhiều người đã gửi lại chính quyền để chăm lo cho người khác… Và tinh thần đó đã thấm sâu đến hầu hết người dân để cùng giúp đỡ nhau, động viên nhau vượt qua dịch bệnh.

3. Sự sẻ chia, nghĩa tình luôn có tính cộng hưởng và lan tỏa. Khi một số địa phương bùng phát dịch, TP.HCM đã tích cực hỗ trợ bằng sức người, sức của. Đến lúc thành phố thành tâm dịch, gần như cả nước động viên tinh thần, san sẻ bằng các đặc sản của địa phương, ủng hộ nhân lực trực tiếp chống dịch… Trong các phần quà gửi đến người dân thành phố trong những ngày thực hiện việc giãn cách, hẳn chỗ này chỗ khác, lúc nọ lúc kia, đã có gạo của An Giang, cá khô của Đồng Tháp, trái cây của Tiền Giang, măng rừng của Gia Lai, rau củ của Lâm Đồng, cá đông lạnh của Hà Tĩnh, nước mắm Bình Thuận… Chỉ có thể nêu đại diện vậy, chứ những món quà gửi đến bà con TP.HCM trong những ngày chống dịch vừa qua chắc chắn có nghĩa tình của đồng bào cả nước.

Đã có những người dân từ các tỉnh tranh thủ lúc chưa giãn cách triệt để sẵn sàng bỏ việc nhà, chạy đi vận động mua giá sỉ các loại nông sản, nhu yếu phẩm, liên hệ xe, xin giấy vận chuyển, phối hợp với các cơ quan chức năng hoặc cá nhân ở TP.HCM rồi “rủ rê” bạn bè, người thân ủng hộ, cả bỏ thêm tiền túi để có những chuyến hàng đậm nghĩa tình đến với người dân thành phố. Chuyến xe đến lúc quá nửa đêm, trong lúc lực lượng tình nguyện tại chỗ xắn tay vào vận chuyển, sắp xếp thì “nhà tài trợ” kia vẫn còn giữ liên lạc để bảo đảm rằng chuyến hàng được đến nơi an toàn, đúng lịch trình... Những sự giúp đỡ, san sẻ tương tự không hiếm.

Và rất nhiều đoàn cán bộ từ Trung ương, các tỉnh thành đã đến hỗ trợ TP.HCM chống dịch không chỉ bằng nhiệm vụ được phân công mà còn vì tinh thần đoàn kết, gắn bó, sẻ chia, yêu quý thành phố mang tên Bác. Họ đến làm nhiệm vụ như thể làm các công việc cho người thân của mình, cho gia đình mình, cho quê hương của mình. Tình cảm đó, sự trân quý đó đã lan tỏa đến rất nhiều người, làm cho cuộc chiến chống dịch trở thành một hoạt động mang tính “mệnh lệnh trái tim” chứ không phải là mệnh lệnh hành chính!

4. Từ bao đời nay, khi thành phố đứng trước khó khăn càng lớn thì yếu tố nghĩa tình lại càng dày, càng đậm. Trong những lần thiên tai, địch họa hay trong lúc ngặt nghèo khác, tinh thần nhân ái, sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau đã hiện càng rõ nét. Sự ủng hộ, giúp đỡ đó không chỉ xuất phát từ tình dân tộc, nghĩa đồng bào mà còn ở sự đồng hành với tổ chức đảng, chính quyền để chung tay chống dịch. Lòng nhân ái, sự sẻ chia người khốn khó hẳn là một tính quý của rất nhiều người đang tham gia các công việc chống dịch, hỗ trợ người dân, nhưng chắc chắn còn thể hiện sự ủng hộ các giải pháp và hành động phòng chống dịch của chính quyền các cấp. Chính sự xả thân, xông pha, hy sinh của cán bộ các cấp, nhất là cấp cơ sở, đã làm lay động nhiều tổ chức, cá nhân để họ sẵn sàng đồng hành với hệ thống chính trị trong giai đoạn khó khăn này.

Đến thời điểm này, công tác chống dịch đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Nhiều địa phương đã cơ bản kiểm soát được dịch; nhiều khu vực đã “xanh hóa”; thành phố đã mở trở lại một số hoạt động… Trong kết quả đó, chắc có sự sẻ chia, giúp đỡ nhau và sự ủng hộ, đồng hành với chính quyền các cấp của người dân. Dịch bệnh nhất định sẽ qua đi, có thể nhiều người sẽ không quên những đau thương, mất mát do dịch gây ra và rất nhiều người khác cũng sẽ ghi nhớ mãi tinh thần san sẻ, nghĩa tình của người dân thành phố cũng như đồng bào cả nước. Tinh thần đó chắc hẳn sẽ còn được lan tỏa, làm đầy trong thời gian tới.

TRÚC GIANG