flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

Chốt chặn Khau Chỉa: Tượng đài anh hùng trong chiến tranh vệ quốc 1979

Ngày đăng: 17-02-2019 Lượt xem: 4427

Ngày này cách đây 40 năm trước (17/2/1979), hơn 60 vạn quân xâm lược Trung Quốc bất ngờ tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta với tuyên bố “dạy cho Việt Nam một bài học”. Tuy nhiên, chỉ mới bước vào lãnh thổ Việt Nam, chúng đã vấp phải những sự kháng cự quyết liệt của quân và dân ta, mọi kế hoạch tiến sâu vào đất liền của chúng gần như phá sản.

Bộ đội tiến về Cao Bằng, ảnh chụp khoảng cuối tháng 2/1979. Ảnh tư liệu

Tại mặt trận Cao Bằng, quân Trung Quốc theo lối Thông Nông, Hà Quảng đã tấn công được vào tận thị xã. Tuy nhiên, đối với hướng tấn công còn lại theo hướng Phục Hòa – Đông Khê, với sự hỗ trợ của xe tăng, pháo binh, hàng vạn tên địch bị chặn đứng hoàn toàn chỉ bởi một trung đoàn quân đội nhân dân Việt Nam trên đèo Khau Chỉa. Là một con đèo ngoằn ngoèo thuộc địa phận thị trấn Hòa Thuận, Đèo Khau Chỉa cách cửa khẩu Tà Lùng 12 cây số, gồm một dải đồi liên tiếp nhau. Men theo đèo Khau Chỉa là đoạn đường quanh co khoảng hơn 10 km, một bên là núi cao, bên kia là vực thẳm. Con đèo án ngữ Quốc lộ 3 – đường huyết mạch dẫn về thị xã Cao Bằng. Vượt qua được vị trí này, xe tăng Trung Quốc có thể tiến về thị xã chỉ mất một tiếng. Khau Chỉa trở thành yết hầu. Bằng mọi giá phải giữ.

Trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến, quân Trung Quốc đã tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam, có nơi đến 20km. Dù bị bất ngờ nhưng với lực lượng công an vũ trang và dân quân địa phương, quân và dân các tỉnh biên giới phía Bắc đã anh dũng chặn đánh, ghìm chân quân địch trong nhiều ngày. Cho đến khi tuyên bố rút quân, quân Trung Quốc chỉ tiến vào được Lạng Sơn (5/3/1979). Tại mặt trận Cao Bằng, hai quân đoàn tăng cường của Trung Quốc hình thành hai cánh quân lớn từ phía tây bắc theo đường Thông Nông đánh xuống và từ phía đông bắc qua Thạch An, Quảng Hòa đánh lên đã không đạt được mục tiêu hợp điểm ở thị xã Cao Bằng. Theo kế hoạch này, có thể nhìn thấy ý đồ “hội quân” giữa hai mũi tấn công của đối phương, thành hay bại, nằm ở việc chúng có vượt qua đèo Khau Chỉa hay không.

Ngày 18/2/1979, quân Trung Quốc tấn công ác liệt vào đầu cầu Tà Lùng khiến trung đội công an vũ trang hy sinh hết. Chúng chiếm được nhà máy đường Phục Hòa, cách cửa khẩu khoảng 300 - 400m, nhưng không đánh bật được các chốt của Tiểu đoàn 1. Đến chiều tối, đơn vị hy sinh vài chục người, đạn dược cạn kiệt nên được lệnh rút về phía sau dãy Khau Chỉa, nơi có 2 tiểu đoàn đang lập phòng tuyến chặn giặc. Trung đoàn 567 vốn là trung đoàn bộ binh, sau có thêm sự hỗ trợ của một tiểu đoàn pháo mặt đất thuộc tỉnh đội. Thời điểm xảy ra chiến tranh ngày 17/2/1979, 567 đang đóng quân cách biên giới tầm 20km, ngay chân đèo Khau Chỉa.

Lời Tổng động viên trên Báo Nhân dân số ra ngày 6/3/1979.

Một lực lượng nhỏ bộ đội Việt Nam và dân quân tự vệ đã kiên cường chặn đứng bước tiến của quân đoàn Trung Quốc tại đèo Khau Chỉa, thuộc địa phận thị trấn Hòa Thuận, quân Trung Quốc buộc phải đưa thêm xe tăng, xe bọc thép và lực lượng dự bị vào vòng chiến. Cuối năm 1978, Trung đoàn 567 được lệnh chốt chặn tại thị trấn Phục Hòa (huyện Quảng Hòa, Cao Bằng). Theo lời kể của cựu chiến binh Hồ Tuấn, tháng 12 Âm lịch năm 1978, toàn Trung đoàn tổ chức ăn Tết sớm ngay trên chốt. Ngày 18/2/1979, Trung đoàn giao cho Tiểu đoàn 5 và 6 bằng mọi giá phải giữ vững đèo Khau Chỉa. Sau khi Tà Lùng thất thủ, đêm 17/2, đơn vị Hồ Tuấn nhận lệnh rút về đèo Khau Chỉa. Các đại đội được bố trí rải dọc đèo, từ đồi Nghĩa Trang đến đồi Không Tên, bắt đầu một cuộc chiến không cân sức.

Quân địch được hỗ trợ bởi xe tăng, pháo binh nhưng không vượt nổi qua con đèo, mặc dù đơn vị này bị cô lập hoàn toàn và chiến đấu độc lập. Đến ngày thứ ba, có bốn chiếc xe tăng chọc thủng phòng tuyến, chạy thẳng lên đèo Khau Chỉa, nhưng lên đến giữa đỉnh đèo thì ngay lập tức đụng phải chướng ngại vật là một chiếc ô tô dựng sẵn cùng một đống cây cối. Chưa kịp xoay xở, chúng đã bốc cháy ngùn ngụt sau mấy quả đạn B41. Những tên lính trong tháp pháo nhảy xuống chạy trốn cũng nhanh chóng chịu chung số phận.

Một trung đoàn bộ đội địa phương Việt Nam kìm chân một sư đoàn chủ lực Trung Quốc trong 12 ngày làm cho chúng không tiến thêm được bước nào, ngoài quãng đường 12 cây số từ cửa khẩu Tà Lùng về đến đèo Khau Chỉa. Sau 12 ngày đêm chiến đấu trên đèo Khau Chỉa và những khu vực lân cận, có tổng cộng 34 chiếc xe tăng, hàng loạt xe bộ binh, thiết giáp của Trung Quốc bị tiêu diệt, số lính tử trận thì không kể xiết. Hơn 6.000 lính Trung Quốc đã bị tiêu diệt trong 12 ngày đêm ở đây. Bình quân mỗi ngày 500 lính, tương đương gần một tiểu đoàn. 12 ngày không vượt được Khau Chỉa, quân Trung Quốc cay cú dồn quân ở thị xã Cao Bằng, theo hướng đèo Mã Phục từ đằng sau đánh lên, kết hợp với quân lính từ bên kia tràn sang bổ sung quân theo đường Tà Lùng. Ý định cùng cánh quân bên kia đèo Khau Chỉa tạo thành gọng kìm bóp chết Trung đoàn 567. Thị xã bị chiếm, liên lạc bị cắt. Từ đây, đơn vị gần như bị cô lập và hoàn toàn chiến đấu độc lập.

Sự kháng cự không hề nao núng của bộ đội và dân quân Việt Nam chốt trên hướng Khau Chỉa buộc Trung Quốc phải thay đổi chiến thuật. Chúng chia quân thành những đơn vị cỡ tiểu đoàn cơ động để tham gia vào các hoạt động tìm kiếm, khóa đường, lùng sục. Tuy nhiên, với sự cơ động và linh hoạt của các chiến sĩ, suốt cả tuần lễ, lính Trung Quốc vẫn không thể vượt qua được con đèo này. Mãi cho đến tối ngày 29/2/1979, các lực lượng chiến đấu của ta ở ngọn đèo này mới được lệnh rút lui chờ thời cơ phản kích.

40 năm sau cuộc chiến, những cựu binh ở hai đầu chiến tuyến tình cờ hội ngộ, những cựu binh Trung Quốc vô cùng bất ngờ khi biết rằng chỉ có vỏn vẹn hai tiểu đoàn của ta chốt chặn ở đây đã đánh bật một sư đoàn địch tại nơi này.

Tiến sĩ Phan Văn Cả

(Khoa Lịch sử - Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM)