Ngày đăng: 01-03-2019 Lượt xem: 3075
Nhà triết học người Pháp René Descartes(1596 – 1650) nói một câu trứ danh: “Tôi tư duy, nên tôi tồn tại”. Phát biểu này được coi là nền tảng của triết học phương Tây thời cận đại và hiện đại. Từ câu nói này, nhiều người “diễn” thành những câu khác cũng thú vị không kém: nhà giáo thì nói “Tôi đứng lớp, nên tôi tồn tại”; nhà báo thì nói: “Tôi viết báo, nên tôi tồn tại”… Tồn tại ở đây không đơn thuần là sinh tồn (sống được, với nghề đó) mà còn là sự hiện hữu (với vai trò của người làm cái nghề đó, ở góc độ đóng góp cho xã hội và phát triển bản thân).
Ảnh minh họa
Thế nhưng hiện nay, có một số kẻ không rõ làm nghề gì, nhưng sự tồn tại của họ là một chuỗi những lời chửi bới: chửi Đảng, chửi Nhà nước, chửi chế độ, chửi các cán bộ lãnh đạo, chửi bất kỳ ai nói khác ý họ, bất kể hay dở, đúng sai. Với sự phát triển của mạng xã hội, quyền tự do ngôn luận được nâng cao rõ nét, thì với một số người, họ lợi dụng nó để “nâng cao quyền được chửi” của mình một cách trâng tráo, thô thiển!
Gần đây nhất, khi có nhu cầu cải tạo, tu bổ khu vực tượng Trần Hưng Đạo (ở Công trường Mê Linh, quận 1), chính quyền địa phương đã cho di dời lư hương đặt dưới tượng đài. Xét về nhiều mặt, đây là việc bình thường, nhưng một số kẻ “ngứa mồm” đã văng ra hàng tá lời “hay ho” về việc làm này, về phát ngôn của người đứng đầu quận 1, trong đó có những từ không thể chép ở đâu được vì sợ bất cứ người nào đọc cũng thấy bị tổn thương, bị xúc phạm. Thật lạ lùng, một việc làm có thể không có tác động, ảnh hưởng đến ai, hà cớ gì họ lại hăng hái chửi bới (mà với một vị lãnh đạo là phụ nữ nữa chứ!), cứ như là ai dời lư hương ở từ đường nhà họ không bằng!
Hay liên quan đến các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 40 năm chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, trong hơn một tháng qua, các cơ quan truyền thông, các cơ quan tuyên truyền đã có rất nhiều hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm, tưởng niệm, tri ân… với nhiều nội dung và hình thức phong phú. Đặc biệt, trên báo chí, hàng loạt tờ báo đã có những loạt bài đi sâu phản ánh sự chiến đấu anh dũng của quân và dân ta, khẳng định tính chính nghĩa trong cuộc chiến của phía Việt Nam, bác bỏ các luận điệu sai trái từ phía Trung Quốc và các thế lực khác… Thế nhưng, dường như không có lý do gì để công kích, một số kẻ lớn tiếng cho là Đảng và Nhà nước ta đã “sợ” dân, đã “chịu áp lực dư luận” nên “không dám bưng bít về sự thật cuộc chiến”…, dù rằng cuộc chiến đó ở phía Việt Nam chẳng có sự thật nào phải che giấu nữa và chẳng ai lại đi “sợ” tinh thần yêu nước của dân mình cả!
Hay từ tình hình ở Venezuela, một số kẻ tự cho mình là thức thời, là tiến bộ đã chửi rủa từ Hugo Chavez, Maduro cho đến các vị lãnh đạo của nước, rồi hào hứng “tiên tri” về cái gọi là “một kết không thể tránh khỏi” không chỉ ở Venezuela mà còn cho cả Việt Nam! Họ cũng quy chụp, áp đặt, suy diễn về các “sai lầm trong điều hành kinh tế”, về cái gọi là “chế độ độc tài”…, mà không thèm quan tâm mỗi quốc gia, mỗi thể chế có những đặc điểm, những điều kiện riêng, không thể gán ghép việc ở nơi thành cho nơi kia. Nguyên lý cơ bản đó nhưng rất nhiều người không hiểu, cứ “bắt quàng” chuyện ở nước nọ nước kia vào tình hình của Việt Nam để rồi lớn tiếng chỉ trích, công kích sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước.
Dường như nhắm vào các vị lãnh đạo để công kích, xúc phạm là một “thú vui” của những người vẫn được gọi là các nhà “rận chủ”. Lãnh đạo nước ngoài cho cá ăn mà nhanh tay thì họ bảo là “quyết đoán”, “dứt khoát”, còn lãnh đạo nước nhà làm tương tự thì họ bảo hành xử kém văn minh; một số nước thực hiện việc chống tham nhũng thông qua việc xét xử các cựu lãnh đạo thì họ cho là “chống tham nhũng triệt để”, còn ở nước nhà thì họ bảo là “các phe nhóm đánh nhau”; tai nạn giao thông ở nước ngoài thì họ bảo là rủi ro, còn tai nạn trong nước thì họ đổ cho quản lý yếu kém… Hay như trong năm 2018, sau thành công của nhiều giải bóng đá cấp khu vực và châu lục, người dân rất phấn khởi, tự hào thì một số kẻ lạc điệu đã xuyên tạc niềm vui đó, rằng “một dân tộc chỉ có thành công nhỏ xíu ở một giải bóng đá cũng đã vui”, rằng “Đảng và Nhà nước đã lợi dụng thành công của bóng đá để che đậy các yếu kém của mình”…
Có thể thấy tư tưởng nhược tiểu, vọng ngoại dường như luôn thường trực ở một số kẻ có thành kiến về chế độ, với Đảng và Nhà nước ta. Tư tưởng đó phản ánh thái độ luôn thấy nước mình là bé nhỏ, hèn kém so với các nước và luôn thấy những nước Tây phương giàu có mới thực sự là thiên đường. Vì tư tưởng đó nên một mặt ca ngợi hết lời một số biểu hiện của các nước phương Tây, mặt khác không thừa nhận, không dám thừa nhận sự tiến bộ vượt bậc của đất nước ta trong điều kiện đi lên từ một nền tảng cực kỳ thấp. Cũng vì tư tưởng đó nên lắm kẻ mở miệng ra là chỉ trích, chửi bới Đảng, chửi với Nhà nước, chửi bới các vị lãnh đạo.
Có người nói, chửi người ta thì bẩn miệng mình, tự tạo cho mình một năng lượng tiêu cực và tạo ra “khẩu nghiệp”. Sự thật, nếu chỉ chửi bới, chỉ trích mà thay đổi được thực tế theo hướng tích cực thì chắc còn được khuyến khích (!), còn đằng này, chỉ có sự nỗ lực, chung sức đồng lòng, hăng hái tham gia vào các hoạt động chung thì mới góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội, phát triển đất nước. Chẳng phải châm ngôn có câu “Thà thắp một que diêm còn hơn nguyền rủa bóng đêm” đó sao?
Bởi vậy, với những kẻ huênh hoang, ảo vọng, thành kiến, thô lỗ, có lẽ chửi là cách để họ tồn tại thì phải!
Ngũ Yên