flag header

Tin tứcThành phố tôi yêu

Chung tay khắc phục các thách thức của mặt trái đạo đức xã hội

Ngày đăng: 03-04-2019 Lượt xem: 2681

Hiện có không ít người cho rằng đạo đức xã hội đang xuống cấp. Nhìn ở nhiều góc độ, điều đó không phải không có lý. Chẳng hạn, khi xét các giềng mối xã hội, ta sẽ thấy có nhiều vấn đề bất ổn; cứ chiểu theo quan niệm truyền thống rồi diễn giải bằng con mắt hiện đại, thì rõ ràng đã có những rạn nứt, hư hỏng. Nếu ngày trước, quan hệ “phu – phụ”, “phụ - tử” và “huynh – đệ” mang tính gia đình thì có vẻ yếu tố “tế bào của xã hội” đã không còn bền chặt như trước. Đó là gia đình đơn xuất hiện nhiều (là gia đình chỉ có một hoặc hai thế hệ, gia đình chỉ có chồng hoặc vợ và con cái…), sự gắn kết của các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo hơn. Đó là sự tôn trọng, cộng đồng trách nhiệm của các thành viên cũng không còn bền chặt, dẫn đến các tranh chấp về lợi ích, về vị trí… (vợ chồng ly dị, con cái và cha mẹ kiện cáo nhau về tài sản, việc thực hiện các nghĩa vụ có lúc có nơi hạn chế…).

Trong khi đó các chuẩn giá trị của xã hội có phần lệch lạc. Bỗng dưng nhiều người tung hê một số “đại ca giang hồ” bày những trò không lấy gì làm hay ho trên mạng xã hội; các hành vi, lời nói dung tục, thiếu lành mạnh lại được cổ vũ; xu hướng bạo lực được đề cao khi giải quyết một số bức xúc cá nhân…

Nhất là các hành vi mang tính tội ác có vẻ như rất nặng nề. Xâm phạm tài sản, xâm phạm sức khỏe và tính mạng với mức độ nghiêm trọng (ra tay tàn độc, hại nhiều người, bất chấp thủ đoạn…) diễn ra khá phổ biến. Ngoài ra còn những hành vi sai trái mới xuất hiện, gắn liền với mạng internet, mạng xã hội, như bôi nhọ, xúc phạm, vu khống nhau, “ném đá nhau”, “tội phạm công nghệ cao”… diễn ra thường xuyên, đến độ từ xung đột ảo biến thành xung đột thật và có thiệt hại thật… Nói cách khác, đạo đức xã hội đang bị thách thức dữ dội!

Chỉ bao nhiêu đó thôi, một người nào đó nếu thuyết phục người khác rằng “thực ra đạo đức xã hội không vì thế mà cho là đã xuống cấp nghiêm trọng” thì hẳn rất khó khăn, thậm chí có thể trở thành người “đi ngược gió”!

Nhưng trên thực tế, đạo đức xã hội có những biểu hiện khác đi cho phù hợp với điều kiện sống mới. Nói xuống cấp thì rõ ràng có những biểu hiện như đã nêu, nhưng lại xuất hiện những hình thức mới “lên cấp” mà trước đây không có. Thì đây: trà đá miễn phí xuất hiện khắp nơi; cơm từ thiện, “cơm 2.000 đồng”, “cơm xã hội”, “nồi cháo yêu thương”… có mặt cả ở các đô thị lớn lẫn nhiều nơi khác; “phiên chợ 0 đồng” có mặt ở nhiều khu nhà trọ, bệnh viện, kể cả tại các phiên chợ thực sự; các chương trình công tác xã hội tự phát hay có tổ chức của các nhóm cá nhân, các hội đoàn vẫn hàng ngày hàng giờ có mặt ở vùng sâu, vùng xa; những phần quà, những bao lì xì tết dành cho người vô gia cư, bệnh nhân không thể về quê ăn tết… thường xuyên xuất hiện; hiến máu cứu người, kể cả vào đêm hôm khi bệnh viện cần máu gấp hoặc máu hiếm, là một nghĩa cử đặc biệt chỉ phổ biến chừng mười lăm hai mươi năm gần đây; gần đây là việc hiến tạng để cứu người, hiến xác để phục vụ công tác học tập và nghiên cứu khoa học…; các cảnh báo hoặc chia sẻ nhằm giúp đỡ người khác thông qua mạng xã hội ngày càng nhiều hơn; chương trình “Tấm vé nghĩa tình” để giúp các công nhân, sinh viên ở quê xa có thể về quê ăn tết ngày càng đến với nhiều người hơn… Hoặc các hành vi có thể rất nhỏ cũng nên xem là những nghĩa cử trong một xã hội rất hối hả, bận rộn, như nhắc người khác gạt chân chống xe máy, báo hiệu “coi chừng rớt đồ”… là những điều gần như tất cả chúng ta đều từng thấy, từng trải nghiệm.

Còn những điều như cảnh giác với người lạ, với những hành vi khác thường, với những “món quà” bất ngờ… thì thời nào cũng có và gần như người nào cũng cần dạy cho con trẻ cả. Chuyện cảnh báo Cám tự dưng “tốt” khi nhắc nhở Tấm lấm bùn mà bị trút mất giỏ cá hay chớ tin người như Thạch Sanh để phải long đong mấy bận, hay việc buôn gian bán lận trong chuyện Cái cân thủy ngân hoặc phải biết cảnh giác với mọi người trong truyện Cứu vật vật trả ơn cứu nhơn nhơn trả oán… thì từ ngàn xưa cha ông ta đã nói rồi, đâu hẳn chỉ người ngày nay mới gian dối, lừa lọc còn người xưa thì chỉ có thuần phác, nhân hậu! Mà không phải chỉ có dân tộc ta mới có các biểu hiện đó, dân tộc nào cũng có những đặc điểm tương tự, chỉ là bộc lộ khác nhau ở những thời gian, không gian khác nhau mà thôi!

Không chỉ vậy, khi nói về các biểu hiện băng hoại đạo đức hay hành vi tội ác, thật hiếm khi có các tính toán về tỷ lệ (số vụ việc trên số dân), cũng ít đánh giá về tính chất vụ việc. Và dĩ nhiên, cũng ít người chịu thừa nhận rằng sở dĩ ta nghe nhiều hơn, biết nhiều hơn là do sự phổ cập thông tin hiện nay đã vượt quá xa các thế hệ trước, nên nhiều người có thể tiếp cận được gần như bất kỳ chuyện gì và ở bất kỳ đâu, trong khi trước đây bị hạn chế trong phạm vi sống của mình.

Nhìn nhận như vậy không phải là một cách nhìn AQ mà chính là để có sự toàn diện hơn để có những ứng xử phù hợp hơn. Thay vì quá nặng nề với một tâm lý rằng xã hội bây giờ xấu quá, rằng ta phải luôn cảnh giác thì có lẽ chúng ta nên nghĩ đến góc độ tích cực hơn, rằng cái tốt và cái xấu vẫn đan xen nhau; ta vẫn nên cảnh giác và bài trừ cái xấu nhưng đừng quên làm cho cái tốt nảy nở và lan tỏa. Chúng ta vẫn nghe những câu đại loại như “lấy xây để chống”, “trồng hoa thơm để đẩy lùi cỏ dại”, “thà thắp một que diêm còn hơn nguyền rủa bóng đêm”… thì cũng nên xem đó là những cách sống tích cực, chứ không phải là những khẩu hiệu suông. Bởi khi ta lên án cái xấu mà “không chịu” làm điều tốt thì cái xấu không giảm đi mà chỉ có lây lan thêm mà thôi!

Trúc Giang