flag header

Tin tứcChống DBHB

Chung tay tẩy chay các trang tin giả

Ngày đăng: 06-03-2020 Lượt xem: 4159

Mới đây, trên trang web mang tên “Chính trị Việt Nam” có bài viết “Chính phủ Nga chính thức công bố: Virus viêm phổi Vũ Hán là “nhân tạo”, biến thể đa dạng và không thể chữa khỏi”. Nhiều người, trong đó có những trí thức (như nhà báo tên tuổi, những bác sĩ từng tốt nghiệp nội trú) cũng dẫn đường link vào các mạng xã hội để bình luận, dẫn đến sự hiểu lầm của khá đông người đọc bình thường khác.

Trang blog giả báo lấy tên là “Chính trị Việt Nam” với tên miền là chinhtrivietnam.org có gắn quốc huy nhưng chuyên đăng tin giả.

Trang blog giả báo lấy tên là “Chính trị Việt Nam” với tên miền là chinhtrivietnam.org có gắn quốc huy nhưng chuyên đăng tin giả.

Cùng với hàng loạt tin giả trong và ngoài nước liên quan đến đại dịch Covid-19 thời gian qua, một thông tin nặng tính chất thuyết âm mưu cũng lây lan rất nhanh trong cộng đồng là chuyện vi rút SARS-CoV-2 được người Trung Quốc tạo ra tại một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán như một loại vũ khí sinh học, bị lọt ra ngoài trong một vụ… tai nạn. Thông tin đó được đăng - dù tỏ ra dè dặt như kiểu nêu giả thuyết – ở một số tờ báo có thương hiệu trên thế giới. Và một trong những người kiên trì loan tin cho thuyết âm mưu này là Tom Cotton, một thượng nghị sĩ Mỹ. Từ những phát biểu trên các kênh truyền hình của Tom Cotton, nhiều trang báo và thành viên mạng xã hội tiếng Việt khai thác lại. Bài viết trên trang web “Chính trị Việt Nam” ấy cũng khai thác lại các nguồn tin tức từ các trang không có độ tin cậy từ Nga và xào nấu lại để câu khách với các bình luận hết sức chủ quan.

Cần phải khẳng định ngay rằng đây là thông tin sai lệch. Bằng chứng khoa học là ngày 20/02/2019 vừa qua, 27 nhà khoa học quốc tế về lĩnh vực y tế công cộng đã bác bỏ thông tin vi-rút gây dịch bệnh COVID-19 có nguồn gốc từ con người tạo ra. Nội dung thông tin ấy được công bố dưới hình thức một bức thư trên Tạp chí y khoa uy tín nhất thế giới, tạp chí The Lancet.

Bản Tuyên bố của 27 nhà khoa học quốc tế đăng trên tạp chí The Lancet online

Xin trích một vài đoạn trong tuyên bố ấy: “Chúng tôi đứng cùng nhau để lên án mạnh mẽ các thuyết âm mưu cho rằng COVID-19 không có nguồn gốc tự nhiên. Các nhà khoa học từ nhiều quốc gia đã công bố và phân tích bộ gen của SARS-CoV-2 và họ kết luận một cách áp đảo rằng vi-rút Corona này có nguồn gốc từ động vật hoang dã, cũng như có rất nhiều mầm bệnh mới nổi khác. Điều này còn được hỗ trợ thêm bởi một lá thư từ các chủ tịch của Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Hoa Kỳ dựa trên các cộng đồng khoa học mà họ đại diện. Các thuyết âm mưu không làm gì khác ngoài việc tạo ra sự sợ hãi, tin đồn và định kiến gây nguy hiểm cho sự hợp tác toàn cầu của chúng ta trong cuộc chiến chống lại vi rút này. Chúng tôi ủng hộ lời kêu gọi của Tổng giám đốc WHO để thúc đẩy bằng chứng khoa học và thống nhất về thông tin sai lệch và đồn đoán. Chúng tôi muốn bạn, các chuyên gia khoa học và y tế của Trung Quốc, biết rằng chúng tôi sát cánh cùng bạn trong cuộc chiến chống lại vi rút này”.

Một chi tiết cần nhấn mạnh: 27 nhà khoa học ký tên trong tuyên bố này đến từ 8 quốc gia khác nhau nhưng không có ai là người Trung Quốc.

Câu chuyện nặng thuyết âm mưu về vi rút nCoV-19 cho đến nay vẫn còn trong cộng đồng cùng với quá nhiều tin giả ăn theo nỗi hoang mang thường tình trước đại dịch trên toàn cầu. Và vì thế, câu chuyện thông tin xuyên tạc trên đây không phải là cá biệt. Thời gian gần đây chúng ta chứng kiến quá nhiều tin giả kiểu như thế. Cơ quan chức năng đã xử phạt hàng trăm trường hợp đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội. Nhưng thực tế, còn có những hình thức tạo và phát tán tin giả khó có thể xử phạt được do kẻ xấu tìm những thủ đoạn tinh vi qua mắt cơ quan chức năng và do cộng đồng mạng vô tình tiếp tay cho những tin tức ấy!

Cần có kỹ năng nhận biết các nguồn làm tin giả

Trang web “Chính trị Việt Nam” nói trên là trang tin tức giả. Rất nhiều người hiện nay bị nhầm lẫn những trang loại này vì nó ngụy trang như một tờ báo, trang thông tin điện tử của cơ quan báo chí, thực chất đó là các blog cá nhân. Cá biệt có những trang lấy tên miền rất dễ gây ngộ nhận là cơ quan chính thống. Ví dụ: qdndvn.net ;  chinhtrivietnam.org ; nhandan.info

Thủ đoạn chung của những trang blog này là khai thác lại hơn 99% tin tức báo chí giữ nguyên dạng và chèn các dạng fake news vốn cũng xào nấu từ tin tức báo chí chính thống theo ý đồ thao túng của họ. Cách làm phổ biến là sửa tiêu đề, lời dẫn cực sốc, sửa hoặc sắp xếp lại các chi tiết nhưng... nhưng rồi vẫn ghi nguồn ở cuối tin bài để thuyết phục người đọc.

“Măng-sét” và tên miền các trang này làm nhiều người nhầm dù kiểu truyền thông này xưa lắm rồi. Đáng tiếc là trong số những người nhầm – vô tình hay cả cố ý - ấy, có các vị là KOLs, là trí thức. Do họ có số người theo dõi cao, nên tác hại của việc bình luận và phát tán này khó đo lường được hết khi rất nhiều thành viên vì tin “thần tượng” đã tiếp tục viral thông tin giả.

Cái khó cho cơ quan chức năng là các trang web tin tức giả này sử dụng các dịch vụ blog nước ngoài (như wordpress.com), có máy chủ đặt ở nước ngoài và họ ẩn danh nên việc đấu tranh theo các giải pháp pháp lý, giải pháp kỹ thuật bị vướng mắc.

Một số trang tin, trang mạng xã hội sử dụng các thủ pháp “lách” cơ chế kiểm duyệt kỹ thuật của cơ quan chức năng bằng cách trong nội dung thông tin giả, họ cố tình viết sai một số từ, hoặc dùng dấu chấm cách, hoặc dùng ký tự thay thế... Ví dụ: Sai_Gon, t.i.n g.i.ả… để tránh phần mềm lọc từ khóa, phát hiện tin giả...

Chúng ta nên nhớ: Tất cả các trang web chính thức ở Việt Nam trong tên miền đều phải có .vn và báo chí cũng phải tuân thủ quy định này. Khoản 4, Điều 17, Luật Báo chí 2016 quy định về điều kiện cấp phép hoạt động báo chí nêu rõ: “đối với báo điện tử phải có ít nhất một tên miền “.vn” đã đăng ký phù hợp với tên báo chí và sử dụng hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam”.

Tên miền báo điện tử VNExpress.net là ngoại lệ do đặc điểm lịch sử (báo này vẫn có tên miền VNExpress.vn song song và trong tên miền thứ 2 vẫn có thành tố VN). Ở thời điểm xây dựng tờ báo, VNE xin phép đặt máy chủ ánh xạ (mirror server) ở nước ngoài để làm thông tin đối ngoại nên phải sử dụng thêm tên miền vnexpess.net.

Chính vì thế, khi thấy tin tức trên mạng, cần phải tỉnh táo để phân biệt nguồn thông tin ấy từ kênh nào: báo chí chính thống, website doanh nghiệp, hay các trang blog mạo danh báo chí v.v...

Một thao tác các bạn cần làm là kéo xuống chân trang, nếu thấy dòng chữ “Giấy phép số…. /GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày… tháng… năm…”, nghĩa là trang thông tin điện tử ấy được Bộ Thông tin Truyền thông quản lý và cấp giấy phép. Với website thông tin, bạn cũng kéo xuống chân trang, sẽ thấy dòng “Giấy phép số…./GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh / thành XYZ cấp ngày… tháng… năm…”, nghĩa là trang tin điện tử, website ấy được Sở Thông tin và Truyền thông quản lí và cấp phép.

Để biết rõ là trang mạo danh, cũng bằng cách kéo xuống chân trang, không thấy ghi giấy phép; đây là các trang mạng xã hội ví dụ như blog các loại đã bị sửa phần mềm xuất bản (hack code) để làm lại hình thức giao diện, giống như một tờ báo điện tử.

Với các trang nước ngoài, kiểm tra một thông tin xem có phải là tin giả hay giá trị của thông tin đó đến đâu, đòi hỏi người đọc phải biết sử dụng nhiều bộ lọc hơn. Ví dụ như thông tin đó có phải là các hãng tin quốc tế có uy tín hay không, người viết hay người phát ngôn có phải là nhân vật có uy tín hay không. Chúng ta cần phải biết ngoại ngữ và hiểu về các chỉ số như hệ số trích dẫn, H-index, if, im… hoặc sử dụng các công cụ online để phát hiện và loại trừ tin giả.

***

Cứ như là quy luật, khi xuất hiện những nỗi lo chung trong đời sống, cộng đồng dân cư rất nhạy cảm với những tin đồn. Tin đồn ngày nay còn được “chắp cánh” bởi công nghệ internet nên tác hại lớn hơn. Nỗi sợ - một bản năng sinh tồn khi có những vấn đề liên quan đến sức khỏe, tính mạng - như một thứ vũ khí tấn công vào môi trường truyền thông và nhiều người do chưa đủ bản lĩnh thông tin đã vô tình tiếp tay cho tin giả để gieo rắc nó.

Nhưng không phải chỉ trong thời điểm cả thế giới đương đầu với đại dịch Covid-19 như hiện nay, mà hầu như lúc nào, những kẻ xấu cũng khai thác những thông tin tiêu cực trong đời sống xã hội để tung tin giả, gieo rắc hoang mang nhằm những mục đích xấu (kinh doanh, chính trị).

Tin giả là một vấn nạn toàn cầu. Nó là tội ác. Và để hạn chế tác hại của tin giả, thuyết âm mưu trong đời sống truyền thông, mỗi người dùng mạng xã hội phải biết trở thành người tiêu dùng tin tức thông minh, biết xét nguồn thông tin, không chia sẻ, phát tán thông tin sai sự thật.

PHÚ TRANG