flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Có đặc thù, TP.HCM sẽ đóng góp nhiều hơn

Ngày đăng: 15-12-2017 Lượt xem: 767

Nghị quyết sẽ là động lực để TP.HCM tạo ra nhiều nguồn lực hơn, đóng góp nhiều hơn cho cả nước. Từ đây, trung ương phân bổ trở lại nhiều hơn cho các địa phương còn khó khăn.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong - Ảnh: TỰ TRUNG

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định như vậy khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ.

"Từ năm 2005, TP.HCM đã ấp ủ một cơ chế riêng để tạo động lực mới cho thành phố phát triển. Nghị quyết lần này nếu được thông qua là kết quả của việc TP.HCM đã luôn kiên trì, đeo bám quyết liệt, mạnh dạn đề xuất các cơ chế, chính sách trong 12 năm qua", ông Phong nói.

Tháo các "điểm nghẽn"

* Là người đứng đầu UBND TP.HCM, ông đánh giá ra sao về những cơ chế chính sách mà nghị quyết lần này mang lại cho TP.HCM?

Mặc dù là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về nhiều mặt, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn nhưng TP.HCM đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Không chỉ là vấn đề thiếu nguồn lực hạ tầng như chuyện kẹt xe, ngập nước, nguồn nhân lực... mà từ cả "chiếc áo cơ chế" chật chội. 

Do đó TP.HCM cần một khuôn khổ pháp lý cao hơn, phân cấp, trao quyền nhiều hơn để có thể giải quyết căn cơ, toàn diện vấn đề phát triển. 

Nghị quyết này khi được Quốc hội thông qua sẽ có ý nghĩa rất lớn để giải quyết các "điểm nghẽn". Vừa giúp TP.HCM phát triển nhanh hơn, vừa đóng góp nhiều hơn, bền vững cho đất nước.

Tôi đánh giá những nội dung mà dự thảo nghị quyết đưa ra đều là đòn bẩy tốt, giúp TP.HCM phát huy tối đa các nguồn lực đất đai, phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, các chuyên gia, nhà khoa học, sử dụng hợp lý công cụ thuế và phí để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trên tinh thần nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu. 

Cơ chế ủy quyền của nghị quyết cho phép chủ tịch UBND TP.HCM ủy quyền cho cấp dưới sẽ làm giảm thủ tục hành chính gián tiếp, người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp.

Tôi khẳng định TP.HCM sẽ hết sức linh động trong khuôn khổ pháp lý mà nghị quyết giao TP.HCM với tâm thế vừa là cơ hội của TP.HCM vừa là nhiệm vụ mà Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ giao để mang lại nguồn lực lớn hơn, thí điểm mô hình cho cả nước.

Quá trình phát triển, TP.HCM đã khởi xướng thành công rất nhiều mô hình như hình thành thị trường chứng khoán, thành lập quỹ đầu tư phát triển địa phương đầu tiên, chương trình bình ổn thị trường, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp... 

Đây là tiền đề rất quan trọng để Quốc hội tin tưởng giao cho TP.HCM thí điểm các nội dung trong nghị quyết, nếu thành công sẽ nhân rộng các địa phương khác.

Nếu được Quốc hội thông qua, TP.HCM sẽ chủ động, khẩn trương xây dựng các đề án cụ thể, lấy ý kiến người dân và các đối tượng bị tác động để tạo sự đồng thuận cao nhất, hoàn chỉnh đề án theo đúng quy trình, thủ tục quy định, báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. 

Chẳng hạn việc tăng hay giảm các mức thuế, phí sẽ được tính toán, trình phương án kỹ lưỡng nhằm tạo ra sự công bằng tốt nhất trong việc sử dụng tài nguyên, hạ tầng và thu hút đầu tư, kích cầu để phát triển.

Một góc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nếu có các cơ chế, chính sách đặc thù thì đóng góp GDP của TP.HCM cho cả nước sẽ tăng từ 21,5% GDP (nếu không có các cơ chế, chính sách đặc thù) lên 25,6% vào năm 2030. Nếu tính về đóng góp ngân sách cả nước, khi có cơ chế đặc thù, giai đoạn 2021-2030, TP.HCM có thể đóng góp thêm khoảng 630.000 tỉ đồng

Cục Thống kê TP.HCM

* Ông có nói về 12 năm ấp ủ về cơ chế riêng, với đề án về nghị quyết đặc thù lần này TP.HCM đã tiến hành ra sao?

Tôi hiểu là có băn khoăn vì sao lại trình nghị quyết vào thời điểm này và hoàn tất chỉ trong một kỳ họp. 

Ấp ủ thì rất lâu, nhưng để có nghị quyết đặc thù TP.HCM phải đợi tổng kết 5 năm (2012 - 2017) thực hiện nghị quyết 16 của Bộ Chính trị "Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020".

Từ giữa năm 2016, TP.HCM đã bắt tay xây dựng đề án, tiến hành tổng kết các nội dung thực hiện nghị quyết 16. 

Đến tháng 8-2017, TP.HCM đã cơ bản hoàn thành đề án và làm việc trực tiếp, thường xuyên với các chuyên gia, với từng bộ ngành, các cơ quan trung ương, tiếp thu các ý kiến góp ý và hoàn chỉnh đề án trình Bộ Chính trị.

Trên cơ sở tổng kết này Bộ Chính trị đã ra kết luận số 21, trong đó chấp thuận chủ trương ban hành nghị quyết cho phép TP.HCM thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển nhanh, bền vững hơn ngay trong kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Chúng tôi cũng rất cảm kích vì sự quyết liệt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi đã thống nhất cao với Chính phủ và TP.HCM là sẽ xây dựng nghị quyết theo thủ tục rút gọn, hoàn tất trong một kỳ họp. 

Bởi nếu để sang 2018 mới trình, thông qua thì sẽ chậm mất một năm, khi đó nhiệm kỳ kinh tế - xã hội 2015 - 2020 chỉ còn hơn một năm nữa và rất khó khăn trong việc phát huy cơ chế đặc thù.

TP.HCM có rất nhiều công trình cần vốn lớn để đầu tư. Trong ảnh: dự án cống kiểm soát triều Mương Chuối tại huyện Nhà Bè, một trong những công trình trọng điểm của TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tăng nguồn lực cho các địa phương

* Vẫn có băn khoăn là nguồn lực quốc gia là có khuôn khổ, việc trung ương cấp thêm nguồn lực cho TP.HCM sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực các địa phương khác?

Theo dự thảo nghị quyết, các chính sách, biện pháp ưu đãi đối với TP.HCM đều đi đôi với đòi hỏi về việc TP.HCM thực hiện ra sao. 

Nghị quyết này không làm thay đổi tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2017 - 2020, cơ bản không ảnh hưởng lớn đến cân đối vĩ mô, tỉ lệ điều tiết ngân sách cho các địa phương giai đoạn 2015 - 2020 của Quốc hội đã thông qua. 

Do đó không làm giảm bất cứ nguồn lực nào của các địa phương khác.

Chẳng hạn việc cải cách tiền lương, quyết định mức thu nhập bình quân tăng thêm phân bổ dự toán đều trong phạm vi ngân sách của TP.HCM. Các nguồn lực mà TP.HCM được giữ lại chi thêm cho đầu tư phát triển cũng dựa trên cơ sở vượt thu khi thực hiện các cơ chế thí điểm.

Như vậy, nghị quyết sẽ là động lực để TP.HCM tạo ra nhiều nguồn lực hơn, đóng góp nhiều hơn cho cả nước. Và từ đây, trung ương phân bổ trở lại nhiều hơn cho các địa phương còn khó khăn. 

Điều này giúp việc phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực phát triển của quốc gia mà TP.HCM có trách nhiệm thực thi cơ chế để cả nước cùng có lợi.

* TP.HCM sẽ tiếp tục dành nguồn lực của mình để hỗ trợ các địa phương ra sao, khi có thêm động lực phát triển từ nghị quyết này?

Sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM không chỉ phục vụ nhân dân TP.HCM mà còn đảm nhiệm vai trò kết nối, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 

Trong suốt quá trình phát triển, TP.HCM luôn sẵn sàng đón nhận người dân các địa phương đến sinh sống, học tập, khám chữa bệnh, làm việc, kinh doanh...

Hiện nay, mỗi năm TP.HCM tăng thêm khoảng 140.000 dân, đa số là người dân từ các nơi khác chuyển đến sinh sống, học tập, làm ăn. Mỗi năm TP.HCM cần xây thêm hơn 100 trường học, nhiều bệnh viện, mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông... 

Nhưng TP.HCM luôn coi đó là điều tất yếu trong mối quan hệ tương hỗ, máu thịt giữa TP.HCM và cả nước, khi mỗi người dân về sinh sống đều có đóng góp và TP.HCM có trách nhiệm phải chăm lo.

Hiện nay, TP.HCM đã ký kết hợp tác với 36 địa phương trong cả nước và sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác trong thời gian tới nhằm chia sẻ nguồn lực, phát huy các tiềm năng, thế mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân tại các địa phương, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của cả nước. 

Và tinh thần nghị quyết này cũng như vậy, nguồn lực tăng thêm từ nghị quyết là cơ sở để TP.HCM vun đắp cho cuộc sống của người dân TP.HCM và các địa phương còn khó khăn trong cả nước.

TP.HCM nhìn từ trên cao - Ảnh: NAM TRẦN

Sáng nay 20-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự thảo nghị quyết "Về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM". Sáng 24-11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết này.

TP.HCM rất phấn khởi vì đa số các đề xuất, kiến nghị đều được Bộ Chính trị xem xét, được Chính phủ, các bộ ngành ủng hộ, chấp thuận đưa vào tờ trình của Chính phủ, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thuận cao trình Quốc hội xem xét, quyết định

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội): Đô thị đặc biệt phải có cơ chế đặc biệt

TP.HCM là đô thị đặc biệt của cả nước thì cần phải có cơ chế đặc biệt. Tôi cơ bản đồng tình các nội dung trong nghị quyết. Điều tôi quan tâm nhất là không nên chỉ dừng lại ở các cơ chế chính sách mà cần phải có định hướng để phát triển bền vững.

Trong đó quan trọng nhất là cơ chế để tuyển công chức, tuyển người tài, theo nhu cầu đặc thù của mình, rồi cơ chế giúp giải quyết các vấn đề an ninh, xã hội để chủ động cả về nguồn lực và cách thực hiện.

Tôi nghĩ đây là cơ chế đáng chờ đợi không chỉ với TP.HCM mà cho cả các địa phương khác. Vì khi một địa phương đầu tàu có thêm nguồn lực thì không chỉ phát triển cho nơi đó mà còn đóng góp thêm ngân sách cho cả nước.

Đồng thời khi thí điểm thành chính sách công sẽ tạo nên căn cứ thực tiễn cho chính sách chung cả nước.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên): Thời điểm chín muồi

Thời điểm này đã chín muồi để Quốc hội có nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù cho TP.HCM.

Về mặt pháp lý, nghị quyết của Quốc hội đủ sức điều chỉnh các vấn đề mà luật pháp chưa quy định hoặc quy định rồi mà chưa thực hiện được để tạo cơ chế đặc thù cho TP.HCM.

TP.HCM đã có báo cáo giải trình rất đầy đủ, với nhiều nội dung bức thiết từ thực tiễn.

Tôi đánh giá rất cao từ chủ trương của Bộ Chính trị, giải trình của UBND TP.HCM, thẩm tra của Ủy ban Tài chính - ngân sách và dự thảo nghị quyết, đều đáp ứng được về mặt pháp lý cũng như thực tiễn.

Và quan trọng hơn, đây là nghị quyết mà Quốc hội giao cho TP.HCM thí điểm, từ đây sẽ tổng kết, cho phép nhân rộng ở các đô thị lớn khác của cả nước.

Như vậy cơ chế này không chỉ mang nguồn lực chung cho cả nước mà TP.HCM còn thay mặt cả nước để thực hiện vai trò tiên phong trong thực hiện chính sách.

                                                                              VIỄN SỰ thực hiện (Theo Tuổi Trẻ)