flag header

Tin tứcChống DBHB

Có hay không việc Việt Nam giam giữ các nhà báo?

Ngày đăng: 03-01-2018 Lượt xem: 3193

Mới đây trên một số trang mạng xã hội đã lan truyền bài viết xuyên tạc sự thật với cái tựa “2017: Việt Nam là một trong sáu nước giam giữ nhiều nhà báo nhất thế giới”. Bài viết dẫn báo cáo của Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo (CPJ), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Mỹ lâu nay vốn liên tục tuyên truyền, xuyên tạc để bôi xấu tình hình của Việt Nam. 

Từ dữ kiện thống kê của CPJ, các trang mạng xấu điểm lại danh sách cái gọi là 10 nhà báo bị giam giữ với cách viết lập lờ thiếu lương thiện. Hóa ra bản danh sách này toàn là nhưng kẻ bị ở tù sau khi ra tòa vì tội tuyên truyền chống nhà nước. Họ là những gương mặt mà nhân dân trong nước không mấy xa lạ: Nguyễn Văn Hóa (22 tuổi), Phan Kim Khánh (24) tuổi, người thành lập hai trang blog “Báo Tham Nhũng” và “Tuần Báo Việt Nam”, đồng thời quản lý hai kênh phát tin tức trên Youtube để chống phá chính quyền, blogger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh), Trần Huỳnh Duy Thức, Hồ Văn Hải, Nguyễn Hữu Vinh (anh Ba Sàm), Trần Thị Nga, Bùi Hiếu Võ v.v…

Trước hết, cần phải khẳng định ngay: bản danh sách mà CPJ công bố không có ai là nhà báo.

Nhà báo – theo định nghĩa của Luật Báo chí Việt Nam 2016 ở chương III, Mục 4, Điều 25 – là “người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo”; có các quyền: “Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp”; “Được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật”

Cũng theo Luật Báo chí Việt Nam, các hình thức truyền thông cá nhân như blog, trang thông tin điện tử cá nhân hay mạng xã hội không phải là báo chí (mặc dù thông tin được phổ biến ra đại chúng). “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân”. Hay nói đúng hơn, ở Việt Nam không có báo chí tư nhân, không có cá nhân tự phong mình là nhà báo.

Không phải đến cuối năm 2017 này các tổ chức có định kiến với Việt Nam mới tung ra các thông tin sai sự thật như thế. Nhiều năm qua, Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF), Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo (CPJ) v.v… thường xuyên có những đánh giá thiếu lương thiện, bất chấp sự thật, đổi trắng thay đen và tùy tiện khi nói về tình hình báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam.

Không có gì khó khăn để họ có thể đọc các thông tin về những hành vi chống phá Đảng và Nhà nước, vi phạm pháp luật của các bị cáo bị giam giữ (mà họ phong là “nhà báo”). Chỉ có thể nói rằng, các bản báo cáo ấy xuất phát từ thành kiến, nên nó cố tính thiếu công bằng, cố tình vi phạm đạo đức, cố tình xuyên tạc một cách trơ tráo.

Nếu Việt Nam thiếu tự do ngôn luận, làm sao hệ thống báo chí ở Việt Nam phát triển nhanh và mạnh như thế; nếu Việt Nam thiếu tự do ngôn luận, làm sao tỷ lệ người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam cao đến thế? Những con số này quá dễ dàng để cho các “cây bút” ở trang blog Luật Khoa tìm thấy và đó cũng là những minh chứng.

Khi họ dẫn lại thông báo bản danh sách của CPJ với phần bình luận đầy định kiến, họ quên rằng, tên trang blog của họ có gắn với chữ “luật”. Bất cứ quốc gia nào cũng có hệ thống luật pháp để tổ chức, điều chỉnh, quản lý mọi hoạt động, quan hệ trong xã hội phù hợp với định hướng phát triển.

Những cá nhân trong “bản danh sách” ấy đã vi phạm pháp luật, họ phải chịu trừng trị. Họ bị hình phạt tù do "tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam", "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân", chứ không phải do hoạt động báo chí, và họ càng không phải nhà báo.

Cần phải vạch trần trò “đánh lận con đen” từ bản báo cáo của CPJ cũng như trang Luật Khoa cho cộng đồng thấy rõ!

QUẾ SƠN