flag header

Tin tứcĐiểm nóng

CÓ MỘT “GIA TÀI CỦA MẸ” RẤT KHÁC

Ngày đăng: 08-07-2022 Lượt xem: 580

Cách đây mấy tháng, đã từng có một trào lưu trên TikTok, đó là các em nữ tuổi teen tạo dáng trên nền nhạc bài “Gia tài của mẹ”, sáng tác bởi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, do Khánh Ly trình bày.

Trong đó, sai nhất là câu: “Hai mươi năm nội chiến từng ngày”, nó thể hiện tư duy và quan điểm chính trị vô cùng sai lầm của Trịnh Công Sơn khi viết bài này, những năm 1965-1967.

Trịnh Công Sơn khi ấy cũng chỉ là một nhạc sĩ trẻ, chưa hiểu được bản chất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bài hát “Gia tài của mẹ” với sự xuất hiện của câu “hai mươi năm nội chiến từng ngày”, vì thế là sai, quá sai.

“Nội chiến”, chẳng những sai về bản chất cuộc trường chinh bảo vệ nền độc lập và giải phóng dân tộc của cha ông ta, mà cái sai lớn nhất ở đây nó đã phủ nhận đi bao xương máu của hàng triệu đồng bào đã nằm xuống để giang sơn Việt Nam liền một dải gấm hoa như ngày nay.

Lịch sử không dừng lại ở 1967, và tư duy chính trị của Trịnh Công Sơn đã đổi khác. Ngày 30/4/1975, ông đứng lên phát biểu trực tiếp trên đài phát thanh Sài Gòn sau lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh và kêu gọi:

"Hôm nay là ngày mơ ước của tất cả chúng ta... Ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam này... Những điều mơ ước của các bạn bấy lâu là độc lập, tự do, và thống nhất thì hôm nay chúng ta đã đạt được tất cả kết quả đó...”

Trịnh Công Sơn đã chọn ở lại với quê hương đất nước, một Việt Nam “nối vòng tay lớn”, hoà bình, độc lập và thống nhất.

Cái giá để Trịnh Công Sơn có thể dõng dạc đường hoàng, nói về “Độc lập, tự do, và thống nhất” vào ngày Mùa xuân đại thắng 1975, rất đắt.

Chỉ riêng cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, đã có gần 1 triệu liệt sĩ đã nằm xuống vì Tổ Quốc, trong đó khoảng 1/3 chết bởi những nguyên nhân phi chiến đấu, ví dụ như bệnh tật, tai nạn, kiệt sức... và cũng gần 1 triệu thương bệnh binh, tiếp tục sống với những vết thương.

Cả nước, có tới 4 triệu đồng bào của chúng ta đã vĩnh viễn nằm xuống, không còn được chứng kiến thời khắc nước nhà độc lập, giang sơn trở về một dải như ngày nay.

Gần đây, ca sĩ Khánh Ly về Việt Nam biểu diễn, và đã hát ca khúc Gia tài của mẹ trong show diễn xuyên Việt vừa qua ở Đà Lạt, thật sự đã khiến nhiều người phẫn nộ.

Nhắc tới “Gia tài của mẹ”, mình chợt nhớ tới một đoạn trong ca khúc Màu hoa đỏ.

Dòng tên anh khắc vào đá núi

Mây ngàn hoá bóng cây che

Chiều biên cương trắng trời sương núi

Mẹ già mỏi mắt nhìn theo

Việt Nam ơi Việt Nam

Núi cao như tình mẹ

Bốn mùa tóc bạc nỗi thương con.

Đây là thứ “Gia tài của mẹ”, mà những người như Khánh Ly chắc sẽ càng không hiểu.

Tính đến nay, nhà nước ta đã phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng cho khoảng 50.000 bà mẹ có chồng con hi sinh trong chiến tranh. Một số Bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu: mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam có chồng, 9 con đẻ, 1 con rể, 2 cháu ngoại là liệt sĩ; Mẹ Trần Thị Mít ở Quảng Trị có chồng, 6 con đẻ, 1 con dâu và 1 cháu nội là liệt sĩ; Mẹ Lê Thị Tự ở Quảng Nam có 9 con là Liệt sĩ; Mẹ Phạm Thị Ngư ở Bình Thuận, mẹ Nguyễn Thị Rành ở huyện Củ Chi (Sài Gòn) đều có 8 con là Liệt sĩ, bản thân 2 mẹ cũng là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu

Nghe dịu nỗi đau của mẹ

Ba lần tiễn con đi hai lần khóc thầm lặng lẽ

Các anh không về mình mẹ lặng im.

(Đất nước)

Trong bài hát Đất nước, có nhắc về một bà mẹ Việt Nam anh hùng, đã từng “3 lần tiễn con đi 2 lần khóc thầm lặng lẽ”. Chúng ta đa số còn quá trẻ và không thể hiểu được nỗi đau này nó đau như thế nào. Song hiếm có bà mẹ nào gánh chịu nhiều khổ đau như mẹ Nguyễn Thị Thứ, đã từng hơn mười lần khóc trong câm lặng.

Mẹ Thứ có 9 người con ruột, một con rể và một cô cháu ngoại đã lần lượt hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Bà Lê Thị Trị, người con gái cuối cùng của mẹ Thứ từng kể: “Mỗi lần nghe tin một đứa con hy sinh, mẹ cắn răng khóc thầm…”

Thời chiến tranh bà Trị vẫn còn nhỏ xíu, song vẫn nhớ như in hình ảnh người mẹ những khi có giấy báo tử gửi về.

“Có mấy bận giấy báo tử các anh tôi liên tiếp từ chiến trường báo về, mẹ thẫn thờ lặng im hoặc quẩn quanh trong vườn nhà nhặt cái này, lượm cái kia như người mê sảng. Nhưng thời gian dần nguôi ngoai, các chú dân vận địa phương đến động viên, mẹ tiếp tục cho các anh khác lên đường. Các anh rời nhà ra đi, nhiều đêm dài sau đó mẹ trằn trọc, thức trắng âu lo”.

Hãy nhìn vào bức ảnh mẹ Thứ ngồi lặng lẽ trước mâm cơm với 9 bộ bát đũa và một bát hương bày ra để tưởng nhớ các con và coi đó là sự sum vầy. Bức ảnh toát lên sự cô đơn vĩ đại của người mẹ đã hiến dâng cả 9 người con cho đất nước.

Đại tá Trần Hồng là người vô tình bắt gặp được thời khắc này, thiêng liêng, xúc động mà đau đến xé tâm can.

“Bất chợt bữa đến nhà, tôi thấy mẹ đang ngồi như thế này. Bà bảo tôi rằng bà vẫn đợi nó về. 9 thằng chắc chắn có một thằng về với tôi, chắc chắn thế”.

Trong hồi tưởng của Bà mẹ VNAH Lê Thị Trị có đoạn viết về mẹ Thứ: “Lúc Mẹ (tức mẹ Thứ) còn sống, mỗi khi tới kỳ giỗ chạp của các con hay ngày Tết Nguyên đán, ngày Thương binh Liệt sỹ, Mẹ lọ dọ chống gậy đến bàn thờ thắp 9 ngọn nến, 9 nén hương và xếp 9 cái bát, 9 đôi đũa bên mâm cơm để gọi các con về với Mẹ… Lại có những đêm thiếp đi trong cơn mê, Mẹ như thấy các con về, Mẹ choàng tỉnh dậy, nước mắt lưng tròng đến trước bàn thờ gọi tên từng người con yêu quý và thắp 9 nén hương để tưởng nhớ các con…”

Xin kết thúc bằng những giai điệu về người mẹ Việt Nam cũng do chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác:

Đêm chong đèn ngồi nhớ lại

Từng câu chuyện ngày xưa.

Mẹ về đứng dưới mưa

Che đàn con nằm ngủ

Canh từng bước chân thù.

Mẹ ngồi dưới cơn mưa.

Mẹ lội qua con suối,

Dưới mưa bom không ngại

Mẹ nhẹ nhàng đưa lối,

Tiễn con qua núi đồi.

Mẹ chìm trong đêm tối,

Gió mưa tóc che lối con đi.

Đêm chong đèn ngồi nhớ lại

Từng câu chuyện ngày xưa.

Mẹ về đứng dưới mưa,

Che từng căn hầm nhỏ

Xóa sạch vết con về

Mẹ ngồi dưới cơn mưa

Mẹ là gió uốn quanh,

Trên đời con thầm lặng

Trong câu hát thanh bình.

Mẹ làm gió mong manh.

Mẹ là nước chứa chan,

Trôi dùm con phiền muộn

Cho đời mãi trong lành

Mẹ chìm dưới gian nan.

-Huyền Thoại Mẹ

Ngày 27/07 này, là ngày Thương binh liệt sĩ

THÁP MƯỜI