flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Coi chừng triệt tiêu cái mới!

Ngày đăng: 17-07-2019 Lượt xem: 4586

Khi một vị đại biểu hội đồng nhân dân đưa ra phương án là động viên người dân dùng lu trữ nước mưa để góp phần giảm ngập úng thì rất đông người đã phản ứng. Trong số đó, có một số người không chỉ phản đối mà còn xúc phạm nặng nề người đưa ý kiến, rồi suy diễn ở nhiều cấp độ không lấy gì làm hay ho. Kể cả có người còn dùng những từ ngữ quy chụp, mạ lỵ vị nữ đại biểu kia, hoàn toàn không thể hiện sự văn minh trong tranh luận khoa học, nhất là với một phụ nữ.

Trước đó, một nhà giáo về hưu cũng đã bị công kích nặng nề khi đề xuất cải cách chữ viết tiếng Việt. Hay một nhà nghiên cứu giáo dục đưa ra cách đếm tiếng cho trẻ tập đọc, cũng bị tấn công dữ dội khi chưa rõ nguồn cơn thế nào.

Một số người trung dung, tỏ ý bảo vệ những đề xuất mới (chứ chưa hẳn bảo vệ hay bênh vực cá nhân nào cụ thể) cũng bị “ném đá” không thương tiếc. Đáng nói là thái độ hăng hái có phần sắt máu đó lại được khá nhiều người ủng hộ, tán dương, và được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội.

Ở một xã hội văn minh, mỗi cá nhân có quyền bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình, cũng như tham gia đề xuất những giải pháp đóng góp cho xã hội, xây dựng đất nước. Các ý kiến đó có thể đúng hoặc chưa đúng, hay hoặc dở, nhưng nếu được thể hiện trong tâm thế tích cực, có tính chất xây dựng, có nghiên cứu chiều sâu… thì nên được trân trọng, lắng nghe và tiếp thu nếu như có giá trị thực sự.

Chẳng phải, con người đã từng có những ý tưởng thoạt nghe rất “điên rồ” như làm sao có thể bay trên trời như chim, lặn dưới nước như cá, vượt những chặng đường xa trong thời gian ngắn, đặt chân lên mặt trăng, khám phá vũ trụ… đó hay sao? Vậy mà từng bước một, con người đã thực hiện được những điều đó một cách rất ngoạn mục.

Những ý kiến mới là một phần của các sáng tạo của con người, trong hàng vạn năm qua. Trong số những ý kiến đó, hẳn có những ý kiến thất bại, sai lầm, nhưng cũng nhờ nó, người ta tìm ra được ý kiến đúng, có thể áp dụng thành công. Không ai và không bao giờ mọi ý kiến được đưa ra đều toàn mỹ cả. Kể cả các thiên tài cũng từng thất bại vì họ nghĩ “chưa tới” hoặc đề xuất ý kiến sai lầm.

Vậy khi ai đó giễu cợt một đề xuất, có phải là gián tiếp thúc đẩy người khác đừng nên đưa ra các ý kiến mới chăng? Bởi một đề xuất có thể đúng ngay vào lúc đó, cũng có thể đúng vào một thời điểm nào đó, hoặc không bao giờ thành hiện thực, thì ít nhất nó cũng gợi mở cho bao nhiêu người khác có thể suy nghĩ về điều tương tự. Còn khi ý kiến đó bị công kích thì hẳn sẽ làm một số người khác thấy e ngại, phân vân, thậm chí lo sợ, khi dự định đề xuất các giải pháp mới, ý tưởng mới, bởi họ sợ đám đông vô hình kia sẽ xét nét họ, chê bai họ, giận dữ với họ…

Ứng xử với cái mới hay rộng hơn là với ý kiến của người khác nên bằng một thái độ lắng nghe và cầu thị. Nếu ý kiến đó hay, hiệu quả, thiết thực thì chúng ta có thể hoan nghênh, khích lệ người đó có thêm nhiều ý kiến khác; nhưng nếu ý kiến đó tồi, không khả thi thì cũng nên có ứng xử phù hợp, thể hiện sự tôn trọng và thái độ văn minh.

Xã hội luôn tiến lên bằng những cái mới. Do đó, nếu ta không có cách ứng xử với cái mới một cách tiến bộ thì dễ làm cái mới không xuất hiện, ít xuất hiện hoặc bị thui chột, hẳn sẽ làm chậm sự tiến lên đó!

Nên hãy bình tâm suy xét và có một thái độ chừng mực với cái mới!

NGŨ YÊN