Ngày đăng: 22-01-2021 Lượt xem: 1188
Càng sát ngày khai mạc Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, những câu hỏi Đảng sẽ lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo (Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là cán bộ chủ chốt) như thế nào để tập thể lãnh đạo đó đủ đức và tài, đảm bảo hoàn thành trọng trách mà Tổ quốc và nhân dân giao phó lại càng thu hút sự quan tâm của dư luận.
Là một trong hai nhiệm vụ quan trọng của Đại hội Đảng (chuẩn bị văn kiện và nhân sự Đại hội), song vì nhân sự Đại hội phức tạp và nhạy cảm nên đã được Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành cẩn trọng, khách quan, đúng lộ trình; để không chỉ lựa chọn đúng, trúng, kiên quyết không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn mà còn không để lọt những người không đủ tiêu chuẩn đức - tài vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
1. Công tác nhân sự được tiến hành cẩn trọng, khách quan, dân chủ
Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam là “đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc” (Điều 4, Hiến pháp năm 2013). Trong đó, thấm nhuần những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”[1] và “làm cán bộ tức là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân"[2]; "cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”[3] và “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém. Đó là một chân lý nhất định”[4], Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng công tác cán bộ nói chung, công tác nhân sự nói riêng. …
Theo đó, chỉ những cán bộ, đảng viên đủ tiêu chuẩn về đức và tài, được tín nhiệm mới được bầu, được trao trọng trách đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý trong Đảng và trong hệ thống chính trị. Đó là những người không chỉ nói đi đôi với làm, gương mẫu và tận tâm, tận lực phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân mà còn phải luôn phòng và đấu tranh chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; luôn vượt qua thử thách, rèn luyện và luôn phấn đấu để hoàn thành trọng trách mà Tổ quốc và nhân dân giao phó.
Đặc biệt quan tâm công tác nhân sự của Đại hội XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng” đã nhấn mạnh: Công tác nhân sự Đại hội là vô cùng quan trọng, hết sức phức tạp, khó khăn, nặng nề, đòi hỏi Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cả hệ thống chính trị phải làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, với quyết tâm, nỗ lực rất lớn; nhất là, phải làm thật sự công tâm, khách quan, khoa học trên tinh thần đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Trong công tác nhân sự, phải chú trọng và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng và người đứng đầu; tránh cách làm giản đơn, tuỳ tiện, vô nguyên tắc, nói không đi đôi với làm. Bởi, để có thể lựa chọn được những cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ ở cấp chiến lược vừa có đức vừa có tài, đảm bảo đủ các tiêu chuẩn đã đề ra, thì những cơ quan làm công tác nhân sự và người đề cử, giới thiệu nhân sự phải thật sự khách quan, công tâm, phải phát huy dân chủ trong việc phát hiện, giới thiệu nhân sự, đi đôi với xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan.
Cũng theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, việc giới thiệu nhân sự nói chung phải trên cơ sở quy hoạch; giữ vững nguyên tắc, quy chế, quy định, phát huy trách nhiệm, dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan trong đánh giá, giới thiệu để lựa chọn nhân sự; phải lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ các mặt, uy tín và hiệu quả công tác của cán bộ làm căn cứ và tiêu chí cơ bản để đánh giá, lựa chọn, bố trí cán bộ phù hợp với công việc, nhất là kiên quyết chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, vận động cá nhân để chạy phiếu bầu, cục bộ địa phương, liên kết phe cánh, lợi ích nhóm... của cả người làm công tác nhân sự và người được giới thiệu vào danh sách nhân sự.
Thực tế, công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng là một nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng, đã được Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức sâu sắc, dày công chuẩn bị theo một quy trình chặt chẽ và tiến độ phù hợp. Công tác nhân sự đã được chuẩn bị và thực hiện nghiêm trên tinh thần phòng và chống 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; theo đúng Quy định số 90-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; theo đúng Nghị quyết số 26-NQ/TW về "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" và Quy định 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”…
Với tinh thần trách nhiệm cao, khách quan, công tâm và gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định, Điều lệ của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi đồng chí lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu từ Trung ương đến địa phương, từ Ban Chấp hành Trung ương đến Bộ Chính trị… đều đã phát huy cao độ tinh thần, trách nhiệm của mình và kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm… để chuẩn bị nhân sự Đại hội thật cẩn trọng, dân chủ, khách quan, minh bạch, đúng lộ trình, đảm bảo chất lượng.
2. Cảnh giác trước các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch về nhân sự Đại hội XIII
Tuy nhiên, một trong những vấn đề quan trọng mà các thế lực thù địch thường sử dụng để chống phá Đảng, chống chế độ xã hội chủ nghĩa chính là bôi nhọ, xuyên tạc công tác cán bộ và công tác nhân sự của Đảng khi Đại hội XIII đến gần, đó chính là mỗi khi có thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về xử lý kỷ luật các cá nhân hay tập thể vi phạm; mỗi khi Hội nghị 13, 14, 15 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII diễn ra.
Lợi dụng những thông tin chính thống của các cơ quan chức năng và thông cáo báo chí về công tác nhân sự của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, các thế lực thù địch, cơ hội sử dụng mạng xã hội tung tin thất thiệt, nhiễu loạn để xuyên tạc công tác cán bộ, công tác nhân sự của Đảng. Khoét sâu vào những "hiện tượng" để quy kết "bản chất", họ cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam "độc trị", "toàn trị" thì làm gì có cán bộ, đảng viên hết lòng vì nước, vì dân. Vì thế, việc xử lý kỷ luật chính là cuộc tranh giành quyền lực giữa các "phe cánh" trong Đảng; cuộc thanh trừng nội bộ nhằm chia nhau quyền lực của Đại hội XIII, nhất là các vị trí của "tứ trụ" đã đến hồi gay cấn… mà không hề biết rằng công tác cán bộ và nhân sự của Đại hội XIII đã và đang được tiến hành đồng bộ, chặt chẽ, công khai, minh bạch, nghiêm túc gắn chặt với việc đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát trong Đảng và trong hệ thống chính trị.
Đặc biệt, khi Hội nghị Trung ương 15 kết thúc nhanh hơn dự kiến, câu chuyện về nhân sự cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam tưởng là "bình yên" hơn trên mạng xã hội, song hóa ra lại không phải! Trước đó, không kể những Phạm Trần, Phan Thế Hải, Đỗ Ngà, Trần Nguyên Thao… đã "phiếm luận" về công tác cán bộ, nhất là công tác nhân sự của Đại hội XIII bằng các bài viết trên mạng xã hội, thì những ngày gần đây lại có thêm Lê Văn Đoành với bài viết "Chấm dứt đại diện Nam Bộ trong “tứ trụ” khoá XIII"/Tiếng Dxxx ngày 15/1/2021; Nguyễn Tráng với bài viết "Dũng - Sang đánh nhau, Phú Trọng đắc lợi"/Tiếng Dxxx ngày 16/1/2021 và Võ Văn Quân với bài viết "Chính trị vùng miền Việt Nam: Lời nguyền địa chính trị"/ Tiếng Dxxx ngày 18/1/2021… xuyên tạc công tác nhân sự của Đảng, kích động tâm lý chia rẽ trong các tầng lớp nhân dân.
Trong các bài viết đó, họ không chỉ phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, những cống hiến và những thành tựu nhân dân Việt Nam giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng hơn 9 thập niên qua mà còn tiếp tục phê phán và cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện tắc tập trung dân chủ chính là "độc tài", "toàn trị"… Cho nên, công tác nhân sự chẳng qua chỉ là sự tranh giành giữa các phe phái, giữa các lực lượng vùng miền. Nực cười là, Đỗ Ngà thì cho rằng nhân sự "tứ trụ" của Đại hội XIII sẽ là phe nào có chủ soái thì phe đó thắng và đó là "ngày hội của bầy sói". Còn Phan Thế Hải thì cho rằng công tác nhân sự chỉ là "dàn xếp trong bóng tối" giữa các thế lực và khi đó, "Đảng đang chống lại chính mình". Thậm chí, Võ Văn Quân còn cho rằng, việc miền Nam không có đại diện trong "tứ trụ" đó chính là bởi "lời nguyền địa chính trị"…
Thực tế thì tại Hội nghị Trung ương 15, Ban Chấp hành Trung ương đã tiếp tục hoàn thiện công tác nhân sự tham gia Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và chuẩn bị nhân sự lãnh đạo chủ chốt. Từ đó, đã biểu quyết thông qua danh sách nhân sự đề cử bổ sung lần đầu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, bổ sung một số nhân sự Uỷ viên Trung ương khoá XII, nhân sự Bộ Chính trị khoá XII thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khoá XIII. Kết quả đó đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Hội nghị Trung ương 15 đã thành công rất tốt đẹp. Công việc chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng đã cơ bản hoàn tất theo đúng mục đích, yêu cầu và kế hoạch đề ra; được tiến hành hết sức chặt chẽ, dân chủ, công tâm, khách quan, bài bản và tạo được sự thống nhất rất cao.
Dù toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đón nhận kết quả Hội nghị Trung ương 15 trong niềm hân hoan, trong sự tin tưởng và kỳ vọng cao về thành công Đại hội XIII của Đảng sắp tới nói chung, công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội nói riêng, song với những người như Lê Văn Đoành, Nguyễn Tráng, Võ Văn Quân và một số người khác thì lại không như vậy.
Gieo rắc sự hồ nghi, kích động tâm lý cơ cấu vùng miền trong công tác nhân sự của Đảng là một trong những thủ đoạn thâm độc, nhằm chia rẽ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các đối tượng trên. Thật ra, mỗi người trong họ cũng đều hiểu rất rõ rằng, để có một đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất non sông liền một dải như ngày nay, nhân dân Việt Nam đã phải đi qua bao năm dài chiến tranh gian khó. Vì miền Nam ruột thịt, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng bào miền Bắc đã hết lòng, nỗ lực, hy sinh, phấn đấu vì miền Nam; tập trung tinh thần và lực lượng để chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, để miền Nam đánh thắng kẻ thù xâm lược, được hoàn toàn giải phóng, cả nước thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội…
Bao năm trôi qua, những câu truyện truyền kỳ về cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, những cảnh ngày Bắc đêm Nam với nỗi đau chia cắt đất nước khôn nguôi không chỉ là một quá khứ vừa bi thương vừa oanh liệt, hào hùng của dân tộc mà còn khắc sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam yêu nước về hành trình đấu tranh cho một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất. Vậy thì can cớ gì, khi cả nước đã hòa bình, độc lập, thống nhất, đã cùng chung sức xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; khi khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là nguồn sức mạnh nội sinh, thì đâu đó lại có những tiếng nói lạc lõng, lại nêu ra "kẻ Bắc, người Nam" - ai có, ai không có chân trong "tứ trụ" của đất nước...
Đó không phải là yêu nước chân chính mà đó là tiếng nói của những người bị tâm lý chia cắt, ám ảnh bởi tính vùng miền chi phối. Họ đã không vì toàn cục, đã không nhìn vào toàn cục, vào những kết quả đạt được trong công tác nhân sự để rồi khoét sâu vào sự chia cắt đó..
Thực tế, kết quả của Hội nghị Trung ương 15, trong đó có công tác nhân sự là tâm huyết, trí tuệ của Đảng. Kết quả đó không phải là do bao năm qua các phe trong Nam đấu đá lẫn nhau, để rồi thế lực tiêu hao và để "Nguyễn Phú Trọng là người hưởng lợi nhiều nhất" mà tựu trung lại thì vẫn là người có tài, có đức, được giới thiệu và tín nhiệm sẽ đảm nhận trọng trách mà Tổ quốc và nhân dân giao phó. Chất lượng của công tác nhân sự thông qua biểu quyết ở Hội nghị Trung ương 15 là minh chứng sinh động về yêu cầu đức và tài trong công tác cán bộ.
Vì thế, quan điểm vùng miền, tính cơ cấu, suy nghĩ lệch lạc rằng "miền Nam mạnh về kinh tế, đóng góp phần lớn cho ngân sách quốc gia. Tuy nhiên lại không có tiếng nói về mặt chính trị, và vì vậy nơi này giống như một thuộc địa kiểu mới cho các quan chức phía Bắc bóc lột, vắt kiệt sức" trong công tác nhân sự cho Đại hội XIII là sự bịa đặt, xuyên tạc, phản động nhằm chia rẽ khối đoàn kết thống nhất của cả dân tộc. Những thông tin sai lệch, quy chụp về nhân sự cấp cao của Đại hội XIII là sự kích động, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, phủ nhận những nỗ lực trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì thế, những thông tin xấu, độc, nhiễu loạn này cần phải được nhận diện đúng và kịp thời, để mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong nước và kiều bào ở nước ngoài nâng cao cảnh giác, hiểu đúng để hành động đúng, góp phần làm cho Đại hội XIII của Đảng sắp tới thành công tốt đẹp!.
TS. Văn Thị Thanh Mai
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.289
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.670
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.309
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.280