flag header

Tin tứcChống DBHB

Cuộc chiến chống giặc nội xâm không dành cho người thiếu bản lĩnh

Ngày đăng: 02-08-2018 Lượt xem: 4936

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham ô, lãng phí là “giặc nội xâm”, đám “giặc” này có khi còn nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm. Đảng ta luôn xác định, đấu tranh chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết và kiên trì. 

Đấu tranh chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó những người công tác trên trận tuyến nay có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. 

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, ngày 25-6-2018, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Điều đặc biệt quan trọng có ý nghĩa quyết định là những người làm công tác phòng, chống tham nhũng nói chung, những người trực tiếp làm việc trong các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng nói riêng phải thật sự liêm chính, trong sạch, biết gương mẫu giữ mình, trọng liêm sỉ, không chịu bất cứ sức ép không trong sáng nào, bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào của những kẻ phạm tội”. 

Nội dung cốt lõi trong thông điệp của đồng chí Tổng Bí thư, đó là cán bộ làm công tác chống tham nhũng phải là những người có bản lĩnh và biết trọng liêm sỉ.

Chống tham nhũng là công việc cực kỳ khó khăn và hết sức phức tạp. Khó khăn và phức tạp là bởi tham nhũng diễn ra trong nội bộ, ở nhiều lĩnh vực, kể cả trong công tác cán bộ; liên quan đến lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng của tổ chức và cá nhân con người; đụng chạm đến những người có chức, có quyền, có tiền, có quan hệ rộng. 

Nguy hiểm hơn, tham nhũng hiện nay không chỉ là hành vi của một cá nhân, mà thường là hoạt động của một nhóm người tha hóa quyền lực, câu kết với nhau, hình thành “nhóm lợi ích”, đục khoét tiền của, tài sản của Nhà nước, của nhân dân. 

Các đối tượng phạm tội tham nhũng thường là những người có quyền, có quan hệ rộng, nhiều đối tượng thuộc diện có “máu mặt”, là “ông trùm” trong một số lĩnh vực, nhất là lĩnh vực tài chính. 

Họ sẵn sàng dùng quyền hoặc thông qua các mối quan hệ với những người có quyền lực trong “nhóm lợi ích” để gây sức ép, tác động không theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào hoạt động của cán bộ các cơ quan chức năng chống tham nhũng. Đây là áp lực rất lớn đã và đang đặt ra cho những người thực thi pháp luật chống tham nhũng. 

Vượt qua những sức ép này không phải là chuyện dễ. Muốn điều tra, truy tố một vụ án tham nhũng lớn, đưa những kẻ phạm tội ra xét xử rất cần bản lĩnh của đội ngũ cán bộ các cơ quan nội chính, kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm sát, xét xử. 

Nếu không có bản lĩnh, người làm công tác chống tham nhũng sẽ khó vượt qua áp lực, sức ép không trong sáng từ những người có chức, có quyền. 

Để vượt qua áp lực đó, những người làm công tác chống tham nhũng không những phải có năng lực, trình độ chuyên môn giỏi, mà điều quan trọng nhất là phải có dũng khí, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, có tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với hành vi tham nhũng và kiên quyết không để mình bị mua chuộc, bị tác động... dẫn đến làm sai lệch kết quả điều tra, thay đổi bản chất của vụ án.

Những người làm công tác chống tham nhũng không chỉ chịu sức ép khi đụng chạm đến những người có chức, có quyền mà còn phải đối mặt với những tiêu cực trong xã hội, những cám dỗ của đời thường, nhất là hành vi mua chuộc của những kẻ có nhiều tiền. 

Nếu không có phẩm chất đạo đức trong sáng, những người làm công tác phòng, chống tham nhũng rất dễ rơi vào vòng xoáy của tiêu cực. Đối tượng phạm tội tham nhũng thường là những người có tiền, thậm chí có rất nhiều tiền, họ sẵn sàng dùng tiền, lợi ích vật chất để mua chuộc những người thực thi pháp luật. 

Mặt khác, tham nhũng được sinh ra một phần từ lòng tham trong mỗi con người, khi có điều kiện (có chức vụ, quyền hạn) mà không tỉnh táo, không kiềm chế, để lòng tham trỗi dậy, thì cũng dễ nảy sinh hành vi tham nhũng. 

Đồng chí Tổng Bí thư nhiều lần khẳng định: Muốn chống tham nhũng có hiệu quả thì trước hết phải chống tham nhũng ngay chính trong các cơ quan và đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng. 

Vì vậy, đòi hỏi những người làm công tác chống tham nhũng phải có phẩm chất đạo đức tốt, trong sạch, liêm khiết, biết trọng danh dự, biết xấu hổ, đau khổ vì tham nhũng. Tức là phải có liêm sỉ - một phẩm chất cao đẹp của con người.

Cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng phải luôn giữ cho nhân cách mình được trong sạch, không tham tiền tài, không lợi dụng vị trí công tác của mình để mưu cầu lợi ích cá nhân. 

Không chỉ liêm khiết, người làm công tác chống tham nhũng còn phải biết xấu hổ. Xấu hổ vì không làm tròn phận sự của mình, thấy cái đúng không bảo vệ, biết việc làm sai không dám đấu tranh, thấy hành vi trái pháp luật mà không ngăn chặn; xấu hổ vì bản thân thiếu can đảm, nhụt chí trước sức ép, không giữ vững lập trường khi có sự tác động không trong sáng đến hoạt động thực thi pháp luật, bị sa ngã trước cám dỗ... 

Trong cuộc đấu tranh gay go và phức tạp này, nếu người làm công tác chống tham nhũng không có phẩm chất đạo đức trong sáng thì sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ. 

Vấn đề này đã được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng năm 2016: Cán bộ làm công tác kiểm tra hơn ai hết, phải liêm, phải sạch. Không liêm, không sạch thì không nói được ai, không kiểm tra, giám sát, không kỷ luật được người khác.

Thời gian qua, hàng loạt vụ án tham nhũng lớn mà tội phạm là những người có chức, có quyền, kể cả những người đã nghỉ hưu, được đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật, như vụ án Đinh La Thăng; vụ án Phạm Công Danh; vụ án Hà Văn Thắm; vụ án Trịnh Xuân Thanh; vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm); vụ án Đinh Ngọc Hệ (Út trọc); vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương... 

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, từ năm 2016 đến nay đã có 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong có 9 cán bộ là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 1 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị bị khai trừ đảng. 

Sau kỳ họp thứ 27 và 28 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương có thêm nhiều cán bộ cấp cao khác bị xử lý kỷ luật về hành vi tham nhũng. Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, được dư luận hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao uy tín của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân. 

Việc phát hiện, truy tố, xét xử những vụ án tham nhũng, tội phạm là những cán bộ cấp cao, không chỉ thể hiện thái độ kiên quyết “không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ” trong đấu tranh chống tham nhũng của Đảng, mà còn chứng tỏ bản lĩnh và phẩm chất của những người làm công tác chống tham nhũng. 

Chính bản lĩnh nghề nghiệp được tôi luyện trong thực tiễn đã giúp những người làm công tác chống tham nhũng vượt qua mọi sức ép và cũng vì luôn biết trọng liêm sỉ, mà họ chiến thắng mọi cám dỗ của lợi ích vật chất để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và niềm mong đợi của nhân dân.

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng do Đảng ta lãnh đạo vẫn tiếp tục diễn ra hết sức khó khăn, phức tạp và quyết liệt. Các thế lực thù địch, với mưu đồ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, chúng sẽ còn tiếp tục xuyên tạc cuộc đấu tranh chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành. 

Trong nội bộ vẫn còn không ít lực cản, vẫn có một số người nhụt chí... Nhưng giờ đây, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của toàn xã hội, vì vậy cả hệ thống chính trị của Nhà nước, mọi tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa. 

Uy tín của Đảng, sự tồn vong của chế độ, tương lai của đất nước phụ thuộc rất lớn vào “trận chiến” không khoan nhượng này. Đấu tranh chống tham nhũng tiếp tục là nơi thử thách bản lĩnh và phẩm chất liêm sỉ của đội ngũ cán bộ làm công tác chống tham nhũng. Trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” này không có chỗ cho những người nhụt chí, thiếu bản lĩnh, không biết trọng liêm sỉ.

PGS, TS Trần Quang Tám