Ngày đăng: 18-02-2019 Lượt xem: 1854
Ngày 7/12/1978, Quân ủy Trung ương Ðảng Cộng sản Trung Quốc triệu tập một cuộc họp kéo dài hơn 4 giờ, quyết định mở một cuộc chiến tranh hạn chế ở phía nam biên giới để “phản kích tự vệ” Việt Nam. Một ngày sau đó, quân khu Quảng Châu và Côn Minh được lệnh phải hoàn tất việc chuẩn bị trước ngày 10/1/1979. Trở về từ chuyến thăm nước Mỹ, ngày 11/2/1979, Đặng Tiểu Bình triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc mở rộng, thông báo về kế hoạch chiến tranh “trừng phạt Việt Nam”. Ba ngày sau, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi thông tư tới Đảng bộ các tỉnh và đơn vị quân đội liên quan, giải thích về cuộc “phản công tự vệ”.
Lính Trung Quốc cùng sự yểm trợ của xe tăng tấn công vào lãnh thổ Việt Nam. (Ảnh tư liệu)
Với tuyên bố “dạy cho Việt Nam một bài học”, rạng sáng ngày 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa quân tràn qua biên giới, đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới (Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh) lãnh thổ Việt Nam từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) với chiều dài 1.200km. Mục tiêu cuộc chiến này nhằm tiêu diệt một bộ phận lực lượng vũ trang của Việt Nam, phá hoại tiềm lực quốc phòng và kinh tế, chiếm đất đai của Việt Nam, kích động bạo loạn từ bên trong. Trung Quốc chọn tướng Hứa Thế Hữu (Xu Shiyou) - Tư lệnh Đại Quân khu Quảng Châu làm chỉ huy cánh quân Quảng Tây (bao gồm các Tập đoàn quân 41, 42, 43, 54, 55 và 50 phối thuộc cho cánh quân Vân Nam), tiến công vào đông bắc Việt Nam với trọng điểm là Lạng Sơn và Cao Bằng. Tướng Dương Đắc Chí (Yang Dezhi - Tư lệnh quân khu tỉnh Vũ Hán) chỉ huy cánh quân Vân Nam (gồm các Tập đoàn quân 11, 13, 14 và sư 149/quân đoàn 50 đảm nhiệm tấn công vào hướng tây bắc Việt Nam, với trọng điểm là Lào Cai). Hai cánh chủ lực này triển khai hai mũi tấn công lớn từ hai hướng, tập trung quân số áp đảo toàn diện để bao vây quân ta từ hai bên sườn, nhằm tiêu diệt từng bộ phận bằng những trận đánh hủy diệt lớn, theo phương thức đánh nhanh rút gọn.
Ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã huy động 600 nghìn quân bộ binh, gồm 32 sư đoàn của tám trong tổng số mười đại quân khu, với sự yểm trợ của gần 800 xe tăng, xe bọc thép, trọng pháo. Một con số mà tướng Hứa Thế Hữu, Tổng Tư lệnh lực lượng tham chiến gọi là “ngưu đao sát kê” (dùng dao mổ trâu để cắt tiết gà). Với lực lượng gấp mười lần, được yểm trợ bằng xe tăng và pháo binh, chỉ huy Trung Quốc tin rằng sẽ nhanh chóng xé nát hệ thống phòng thủ biên giới của Việt Nam, đánh chiếm các thị xã trong vòng vài ba ngày. Và nếu muốn, “không đến hai giờ có thể đánh xuống Hà Nội”.
Đối mặt với kế hoạch tác chiến theo kiểu “biển người” của quân Trung Quốc, quân ta chỉ có bộ đội địa phương và dân quân tự vệ với tổng số chưa đến 60.000 người. Bằng kinh nghiệm của gần 30 năm chiến tranh, Việt Nam đã chống trả dữ dội và chia thành các đơn vị nhỏ, cấp tiểu đội, tiểu tổ để dùng cách đánh du kích. Ngày 4/3/1979, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi quân và dân cả nước quyết tâm bảo vệ tổ quốc. Một ngày sau (5/3/1979), Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng công bố lệnh tổng động viên trong cả nước. Cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố rút quân trên tất cả các hướng tiến công vì không đạt được các mục tiêu, bị tổn thất nặng nề và bị dư luận quốc tế lên án mạnh mẽ.
Xác xe tăng Trung Quốc bị bắn gục tại bản Sẩy (Hòa An, Cao Bằng). Bộ đội bám trụ từng hốc suối, bìa rừng, đánh bật quân Trung Quốc lùi dần về phía đường biên.
Tuy nhiên, nơi biên ải vẫn chưa thực sự bình yên. Từ tháng 3/1979 đến 5/1989, đã xảy ra ít nhất 6 cuộc xung đột lớn ở biên giới (vào tháng 7/1980, tháng 5/1981, tháng 4/1983, tháng 4/1984, tháng 6/1985 và tháng 12/1986 kéo dài đến tháng 1/1987). Từ 4/1984 đến 5/1989, Trung Quốc đưa 500.000 quân liên tục đánh chiếm vùng biên giới Vị Xuyên, tạo thành vùng chiến sự ác liệt và thương vong lớn trong cuộc chiến chống xâm lấn biên giới. Tất cả đều do phía Trung Quốc khiêu khích, hoặc lên kế hoạch nhằm đạt các mục tiêu chính sách đối ngoại lớn hơn.
Việc Trung Quốc xâm lược Việt Nam là một âm mưu lớn, được chuẩn bị kỹ càng, nhằm thỏa mãn tư tưởng nước lớn, khát vọng bá quyền và phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc của họ. Thay vì dạy cho Việt Nam một bài học, Trung Quốc đã rút ra được bài học quân sự đắt giá của chính mình cho chiến dịch quân sự này. Một lần nữa, máu xương của quân dân Việt Nam đã phải đổ xuống vì sự chống phá lẫn nhau của các nước lớn để giữ vững đường lối độc lập, tự chủ trong bảo vệ tổ quốc của dân tộc ta.
Với dân tộc Việt Nam, hòa bình, hòa hiếu với các nước láng giềng; độc lập tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ là truyền thống lâu đời. Con người Việt Nam căm ghét chiến tranh, không bao giờ đi xâm lược nước khác. Tuy nhiên, con người Việt Nam cũng không cúi đầu khuất phục trước bất cứ một thế lực, một đội quân xâm lược nào, mà sẵn sàng tiến hành chiến tranh “chính nghĩa, tự vệ chính đáng” một cách kiên cường, dũng cảm để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, độc lập chủ quyền dân tộc. Cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược tháng 2/1979 của Việt Nam cũng nằm trong tiến trình logic lịch sử ấy và là chính nghĩa, chính đáng, phù hợp với xu thế lịch sử.
TS Phan Văn Cả
(Khoa Lịch sử, Trường đại học KHXH&NV TP.HCM)