flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Đã đáng khen thì đừng kiếm cớ chê!

Ngày đăng: 14-05-2022 Lượt xem: 1039

 

Ngày 5-5-2022, báo chí đồng loạt đưa tin về vụ hai nữ du khách người Nga bị tài xế taxi ở Hà Nội lừa đảo, chiếm đoạt hai điện thoại di động và được Công an quận Hoàn Kiếm điều tra, tìm kiếm rồi trả lại tài sản ngay chỉ sau vài giờ. Báo Tuổi trẻ đã dẫn lời chia sẻ từ hai nữ du khách: "Thực sự không nghĩ công an Việt Nam lại điều tra nhanh đến vậy. Khi bị mất, chúng tôi đã rất tuyệt vọng và nghĩ rằng không bao giờ tìm lại được nữa. Nhưng khi nhận được thông tin từ cơ quan công an, chúng tôi rất bất ngờ và xúc động. Cảm ơn các anh và chắc chắn chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn bè về sự hỗ trợ này cũng như những trải nghiệm tuyệt vời khi đến với Thủ đô Hà Nội"…

Gần như tất cả các báo đều thông tin khách quan về vụ việc này và dẫn lời khen ngợi các chiến sĩ công an đã nỗ lực phá án trong thời gian rất ngắn. Thế nhưng, ngày 7-5, Đài Á Châu Tự do (RFA) đã đăng bài Công an mau mắn thu hồi tài sản bị mất, cướp cho du khách; còn dân?! đã mỉa mai: “Hầu hết các tờ báo đều dành những lời khen ngợi cho lực lượng công an Việt Nam “phá án thần tốc, làm đẹp hình ảnh người chiến sĩ công an”. Trong khi đó không ít ý kiến người dân nêu rõ nếu là công dân Việt Nam mất tài sản thì ‘chắc còn phải chờ hơi bị lâu’”.

Sau 3 ngày đăng, đến ngày 10-5, bài viết này đã có gần 6.000 lượt tương tác, cùng 1.300 lượt bình luận và gần 200 lượt chia sẻ. Cách đặt vấn đề của RFA hòng gây chia rẽ giữa người dân với chính quyền nói chung và công an nói riêng; thực tế đã làm một số người nhân đó suy diễn, xuyên tạc, mỉa mai, công kích lực lượng công an. Trong số này, có không ít người “ăn theo nói leo”, bình luận rất thiếu trách nhiệm theo kiểu “nghe nói”, “hình như”…

Trên thực tế, có lẽ chẳng mấy “người dân” nào lại đi “thắc mắc” vớ vẩn như thế. Bởi các trường hợp tương tự diễn ra rất nhiều. Đó không chỉ là năng lực rất tốt mà còn là trách nhiệm cao của lực lượng công an nhân dân, ở các địa phương trong cả nước. Có thể kể vài trường hợp:

- Chưa đầy 3 giờ từ khi xảy ra vụ án, ngày 4-5-2022, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hậu Giang đã bắt được đối tượng gây án là Nguyễn Hoàng Duy (27 tuổi), Nguyễn Hoàng Đệ (24 tuổi), cùng trú tại ấp Đông An A, xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, và triệu tập 10 đối tượng khác có liên quan 2 băng nhóm đánh nhau có sử dụng hung khí tại vòng xoay trước Công an thành phố Ngã Bảy dẫn đến chết người.

- Ngày 4-5-2022 chị T.T.S.P., đang ở quán nước giải khát Kiều Oanh, xã Phước Thạnh, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, thì có một thanh niên lạ mặt điều khiển mô tô đi đến rủ chị P. đi chơi. Trong lúc đang nói chuyện, người thanh niên bất ngờ giật lấy ví tiền của chị P., bên trong có 2,5 triệu đồng, rồi chạy ra xe tẩu thoát. Sau khi tiếp nhận tin báo, Công an thành phố Mỹ Tho phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ nhanh chóng điều tra và bắt được đối tượng Trần Tuấn Anh, sinh năm 1983, ngụ tại phường 6, thành phố Mỹ Tho, là người thực hiện hành vi trên.

- Tối 30-4-2022, P.V.T. (16 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) đến nhà ông N.T.A. (50 tuổi, ngụ ấp Long Thới, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) chơi thì nảy sinh mâu thuẫn với một thanh niên ở đây. Trong lúc đánh nhau, T. đã dùng hung khí đâm thanh niên này chết tại chỗ rồi bỏ trốn. Ngay sáng hôm sau, Công an huyện Cần Giuộc đã phối hợp với các cơ quan chức năng bắt giữ được T. khi T. lẩn trốn ở quận Tân Phú, TP.HCM.

- Tối 24-2-2022, thấy cụ N.V.P. (90 tuổi, ngụ ấp Cái Ngay, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) ở nhà một mình, Q.T.L. (17 tuổi) lẻn sang trộm tài sản thì bị cụ phát hiện nên Luân lấy khúc gỗ đánh vào đầu cụ Phuông, khiến cụ tử vong. Sau đó, Luân cướp số tiền 11,85 triệu đồng đem về nhà cất giấu. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngay trong đêm, L. đã bị bắt…

Các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là liên quan đến tài sản, diễn ra ở bất kỳ đâu, cả ở nhiều nước tự nhận mình là văn minh, tiến bộ. Các hành vi phạm pháp có chủ đích với người nước ngoài cũng diễn ra không hiếm, bởi bọn phạm tội cho rằng người nước ngoài thường khó tiếp cận với lực lượng an ninh do bất đồng ngôn ngữ, thiếu thông tin về tình hình ở nước sở tại, không có nhiều thời gian để xử lý nếu vụ việc không thực sự quan trọng… Nắm tâm lý đó, ở một số nơi, người nước ngoài trở thành đối tượng bị tấn công khá nhiều.

Trên thực tế, với lòng hiếu khách, người Việt Nam thường có nhiều hình thức giúp đỡ người nước đến Việt Nam du lịch, học tập, làm ăn… Trong nhiều trường hợp, người nước bị sự cố, kể cả bị kẻ xấu tấn công, đã được người dân chia sẻ, hướng dẫn đến cơ quan công an trình báo. Lực lượng công an các nơi dĩ nhiên không phân biệt việc phá án liên quan đến người trong nước hay nước ngoài nhưng thông thường có sự tập trung nhất định đối với các trường hợp người nước ngoài bị tấn công. Đó là cách để xây dựng hình ảnh Việt Nam thân thiện, hiếu khách trong mắt người nước ngoài. Hoàn toàn không có việc thiên lệch với người có quốc tịch nào hay giai tầng của người bị hại.

Một số kẻ xấu thường biến việc chưa tốt thành việc xấu, việc xấu thành việc rất xấu; khi không có lý do gì để soi mói, xuyên tạc thì sẵn sàng đem việc tốt, việc đáng khen để dẫn dắt thành việc đáng ngờ vực, từ đó kiếm cớ chê trách, dẫn dắt người đọc đi đến nhận thức sai lệch. Đáng tiếc là có một bộ phận người “tay nhanh hơn não”, quá rảnh rỗi nên hay hóng hớt chuyện trên mạng, hay sà vào “chiếu nhiều chuyện” của những kẻ xấu ấy, rồi bình luận không căn cứ, thoải mái chia sẻ…, ít nhiều làm một số người đọc khác ngộ nhận. Cho nên, câu nói “hãy là người sử dụng mạng thông minh” là hướng đến tất cả mọi người, nhất là những người hay dễ dãi với cái bàn phím của mình!

NGŨ YÊN